Một loạt các vụ lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số trong chưa đầy 1 năm qua đang gây hoang mang và làm nóng không chỉ dư luận trong nước mà cả quốc tế về mức độ và quy mô thiệt hại.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, công nghệ blockchain, trong đó có tiền kỹ thuật số là công nghệ mới trên thế giới cần có sự nghiên cứu thấu đáo. Cuối tháng 8 này, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số.
Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận một điều tiền kỹ thuật số đang là một trong những xu hướng phát triển của phương tiện thanh toán tài chính. Minh chứng rõ nhất là không ít những tên tuổi lớn đã thừa nhận tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán. Mới đây, hãng cà phê StarBucks cho biết, từ tháng 11 tới, chuỗi nhà hàng cà phê này sẽ cho phép thanh toán bằng bitcoin trên địa bàn nước Mỹ.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam đang có cách tiếp cận phù hợp với hoàn cảnh, mức độ hiểu biết và trào lưu đầu tư tiền kỹ thuật số.
Ông Lực hy vọng Chính phủ sẽ sớm chỉ đạo nghiên cứu các loại tài sản ảo, trong đó có tiền kỹ thuật số để sớm có hành lang pháp lý và thái độ ứng xử khẩn trương và phù hợp. Tuy nhiên cũng cần có sự cẩn trọng nhất định vì không chỉ riêng Việt Nam, trên thế giới hiện nay, kể cả các quốc gia phát triển đều khá lúng túng với việc đưa ra hành lang pháp lý để quản lý tiền kỹ thuật số.
Ông Vương Quang Long, Giám đốc Công ty Tomochain cho rằng, nền tảng phi tập trung blockchain - tiền đề của tiền kỹ thuật số - thực sự có giá trị và được thừa nhận ở nhiều quốc gia. Theo xu hướng hiện nay, mọi người sẽ công nhận tiền kỹ thuật số là một dạng hàng hóa điện tử.
"Khi đã là một dạng hàng hóa điện tử, cần có cơ chế kiểm soát tương tự như sàn giao dịch chứng khoán, dầu mỏ... Tránh kéo dài tình trạng thiếu hành lang pháp lý, dẫn đến thả nổi quản lý tiền kỹ thuật số như hiện nay vì giá trị của nền tảng được thừa nhận, nhu cầu của nhà đầu tư là có", ông Vương Quang Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng, sẽ không có một khuôn khổ pháp lý sẵn phù hợp cho Việt Nam theo kiểu học nước ngoài làm sao thì ta làm vậy đối với vấn đề tiền kỹ thuật số.
Một lần nữa, việc đầu tư vào tiền ảo đã khiến những nhà đầu tư cầm vào lưỡi dao, nguy hiểm hơn so với cả việc lướt sóng kinh doanh chứng khoán.
Ông Nguyễn Hoà Bình khuyến cáo, cũng giống như chứng khoán, chỉ nên tham gia nếu chúng ta có hiểu biết và thực sự tin tưởng vào nó, chứ đừng nên nhắm mắt đầu tư theo phong trào.
"Ngoài ra, cần phải nhớ rằng sự lên xuống của chứng khoán còn được Nhà nước bảo hộ quyền lợi của nhà đầu tư. Nhưng với tiền ảo, tiền kỹ thuật số Ngân hàng Nhà nước chưa công nhận là một đơn vị thanh toán trong nền kinh tế quốc dân tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc đầu tư tiền ảo là rất rủi ro cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Manfred Otto, Luật sư Cấp cao Duane Morris Việt Nam nêu ví dụ về thanh toán bằng tiền kỹ thuật số của Nhật Bản. Quốc gia này đã ban hành đạo luật thanh toán và được sửa đổi năm 2016. Theo đó, người dân có thể dùng tiền kỹ thuật số để trao đổi, mua đĩa CD, máy tính... nhưng lại không thể sử dụng cho những giao dịch lớn.
"Luật không phải là sự hoàn hảo, nhất là đối với những vấn đề mới như blockchain, tiền kỹ thuật số. Nếu không cho phép người dân thử nghiệm, ta không biết giao dịch lớn sẽ diễn ra như thế nào, bởi vì dù không được phép, sẽ vẫn có một nhóm người thực hiện và ta không thể quản lý được. Tuy nhiên, nếu việc này diễn ra công khai, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát được mọi giao dịch", ông Otto khuyến nghị./.