Kho bạc Nhà nước vừa thông báo kết quả giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong tháng 9 với quy mô sụt giảm mạnh.
Cụ thể trong tháng vừa qua, tổng khối lượng giao dịch mà đầu mối này thực hiện qua nghiệp vụ mua lại nói trên chỉ 347,85 tỷ đồng, chỉ với kỳ hạn 01 tháng, lãi suất bình quân là 0,93%/năm.
Như vậy, quy mô trên đã sụt giảm mạnh so với tháng 7 và 8, hai tháng đầu tiên Kho bạc Nhà nước bắt đầu triển khai hoạt động bơm tiền này; kỳ hạn cũng thu hẹp.
Trong tháng 7, tháng đầu tiên thí điểm, Kho bạc Nhà nước thực hiện mua lại trái phiếu Chính phủ trước hạn với kỳ hạn 14 ngày, tổng khối lượng giao dịch đạt 843,37 tỷ đồng, lãi suất bình quân 1,28%/năm.
Trong tháng 8, các giao dịch đã mở rộng hơn về các kỳ hạn: kỳ hạn giao dịch 14 ngày đạt tổng khối lượng giao dịch là 248,01 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 1,05%/năm; kỳ hạn giao dịch 21 ngày có tổng khối lượng giao dịch là 346,94 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 0,96%/năm; kỳ hạn giao dịch 01 tháng có tổng khối lượng giao dịch là 99,67 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 0,90%/năm.
Và như trên, chỉ với 347,85 tỷ đồng, tổng khối lượng trong tháng 9 vừa qua đã suy giảm. Kết quả này nằm trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, điều kiện giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước càng hạn chế thêm các vòng quay của tiền trong hoạt động ngân hàng và nền kinh tế…
Mặt khác, một yếu tố liên quan đến điều kiện giao dịch mua lại ở đây còn tùy thuộc số dư trái phiếu Chính phủ còn hạn dưới 1 năm, theo quy định của Bộ Tài chính.
Khi nhu cầu và thực tế lượng giao dịch ở kênh mua lại này chưa nhiều, nguồn tiền nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước sẽ dư thừa lớn. Riêng trong quý 3/2021, đầu mối này đã xác định có 54.760 tỷ đồng dự kiến tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để thực hiện, nhưng thực tế kết quả giao dịch trên còn rất khiêm tốn.
Tuy vậy, với lần đầu tiên triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, Kho bạc Nhà nước đã mở ra một kênh bơm tiền mới, cũng như tạo thêm yếu tố kích thích thanh khoản trên thị trường trái phiếu, đa dạng thêm lựa chọn cho các chủ thể tham gia và tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ.
Thị trường và hoạt động ngân hàng cũng bắt đầu bước vào quý cao điểm cuối năm, tình hình dịch COVID-19 đã và đang dần được kiểm soát tốt hơn, nhiều địa phương đã bắt đầu nới dần giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp nối lại và khôi phục dần sản xuất kinh doanh…, nhu cầu và giao dịch ở kênh mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước theo đó có thể sẽ dần sôi động hơn về cuối năm./.