Tiến ra biển - Đánh thức tiềm năng còn ngủ quên nơi đại dương
Các nhà đầu tư lớn hiện nay khi có điều kiện, họ đi trước một bước và muốn giúp đỡ đất nước. Chính vì thế, khi họ làm thì nên tìm cách ủng hộ, nhất là khi đất nước muốn “mạnh về biển, làm giàu từ biển” nhưng nguồn lực còn hạn chế. Chi phí đầu tư cho phát triển biển, đảo lớn hơn nhiều so với trên đất liền nhưng cho hiệu quả lớn và lâu dài hơn.
Vào những ngày đầu tháng 8/2020, PV Reatimes đã có cuộc gặp gỡ PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - một nhà khoa học nặng lòng với biển, đảo. Đây là khoảng thời gian dư luận đang nhắc nhiều đến câu chuyện khai thác giá trị thiên nhiên, sống hướng về thiên nhiên khi biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19 là vấn đề nóng của Việt Nam và toàn cầu. Vị chuyên gia gần 70 tuổi ngậm ngùi, Việt Nam được thiên nhiên ưu ái ban tặng tài nguyên “biển bạc” nhưng “vẫn đói”, bởi rất đáng tiếc là những giá trị từ biển, đảo vẫn chỉ được khai thác một cách sơ sài, bỏ ngỏ.
Cuộc trò chuyện bắt đầu với những nỗi niềm, trăn trở về nguồn lực kích hoạt tài nguyên thiên nhiên biển và sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển…
NGƯỜI VIỆT VẪN BÁM BỜ NHIỀU HƠN BÁM BIỂN
PV: Thưa PGS. TS. Chu Hồi, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để nghiên cứu về biển, đảo. Như lời chia sẻ ban đầu của ông “chúng ta sống trên biển bạc mà vẫn đói”. Ông có thể chia sẻ rõ hơn cho độc giả về nhận định này của mình?
PGS. TS. Chu Hồi: Tôi đã có mặt ở 66 quốc gia ven biển, quốc đảo trên thế giới và có thể khẳng định rằng biển Việt Nam của chúng ta rất giàu và đẹp. Với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ tập trung ở vùng biển ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế đảo.
Mỗi hòn đảo quý giá như một “thỏi bạc lớn” cũng là một “cột mốc chủ quyền” và là một “chiến hạm” không thể đánh chìm trên vùng biển của đất nước. Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại, giúp Việt Nam tiến ra đại dương, hội nhập với thế giới.
Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, nhiều đảo trên vùng biển nước ta còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn hóa làng chài” và “văn minh biển cả”, hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá.
Đô thị biển hiểu theo lý thuyết cũng như nhìn vào thực tiễn cho thấy chúng ta có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tính đến nay, chúng ta mới chỉ có 10 huyện đảo ven bờ, 2 huyện đảo ngoài khơi. Ở 10 huyện đảo ven bờ, trong số 3.000 đảo nói trên, mới có 66 đảo có người sinh sống. Như vậy, tỷ lệ rõ ràng là quá thấp.
Điều này cho thấy rằng, người Việt vẫn bám lấy bờ nhiều hơn là bám biển. Sống trên bạc mà đói bởi không tích tụ được dân số, không đầu tư, không đánh thức được các giá trị từ biển, không tạo được liên kết biển - bờ. Vì thế, không gian đô thị biển phải được đặt vào vị trí xứng đáng trong bình đồ “Quy hoạch không gian biển quốc gia” trong thời gian tới.
Tất yếu phải như vậy, bởi từ thời cổ, các luồng dân cư chính yếu của Việt Nam sống tụ tập ở đồng bằng trù phú đã quen. Lúc đó dân số không đông, không có nhu cầu lớn, dựa vào khai thác tiềm năng tại chỗ là đủ, nên “xa rừng, nhạt biển”. Nếu chỉ đi chơi “ngắm rừng, nhìn biển” một chút thì họ làm được, còn bảo đến những nơi ấy mà khai thác kinh tế là ngại.
Trong tư duy ngày xưa, những đường biển khúc khuỷu, những cồn cát trải dài, nhất là dải miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nắng nhiều hơn mưa, đều được cho là khó khăn, thách thức, cản trở. Thậm chí, trong mắt các nhà ra quyết định đều cho rằng đó là những “yếu thế”, còn các nhà hoạch định chính sách thì xem các đảo và ven biển thuộc nhóm “vùng sâu, vùng xa”...
Ảnh sưu tầm
NẾU CẦN GIỜ KHÔNG LÀM ĐÔ THỊ SINH THÁI SẼ TRỞ THÀNH KHU DÂN CƯ NHẾCH NHÁC
PV: Như những gì ông phân tích ở trên thì việc khai thác giá trị từ thiên nhiên rừng, biển, đảo để làm giàu cho địa phương, đất nước là điều tất yếu. Song hiện tại, hễ có những dự án liên quan đến thiên nhiên, trong đó có tài nguyên biển là gặp phải ý kiến phản đối. Ví như câu chuyện Khu du lịch sinh thái Cần Giờ gần đây. Nguyên nhân thường được đưa ra là bởi yếu tố môi trường, lo ngại việc bảo tồn… Quan điểm của Phó Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
PGS. TS. Chu Hồi: Nhiều người lo lắng cho đất nước, cho biển cũng là tín hiệu mừng. Quan trọng là những tiếng nói đa chiều để giúp các nhà ra quyết định có thêm cân nhắc, lựa chọn. Ý kiến của tôi cũng vậy, nói gì cũng chỉ dừng ở mức để tham khảo, không thể yêu cầu các nhà ra quyết định phải làm theo mình.
Nhìn từ cổ xưa đến nay thì Hải Phòng cũng chính là một thành phố lấn biển. Khoảng 288 năm trước, Hải Phòng cũng tương tự như Cần Giờ hiện nay, bắt đầu từ cảng thị cửa biển - “bến Ninh Hải”. Sau này, đồng bằng châu thổ tiến ra thì thành phố mới nằm sâu hơn một chút, giờ cách xa bờ biển khoảng 15km. Đô thị ven biển Hải Phòng hình thành từ mô hình “Cảng - Biển - Đô thị” và nhịp độ phát triển thành phố này gắn với nhịp độ thăng trầm của cảng thị Hải Phòng. Ngày nay, phát huy “tính biển” để khẳng định thương hiệu của mình, Hải Phòng đang xây dựng “Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện” với một con đập dài 11km vươn ra biển hợp với động lực của dòng thủy triều tự nhiên.
Cần Giờ chính là khu vực doi/giồng cát cổ ở cửa sông xuất hiện theo quy luật tiến hóa của các châu thổ khi tiến ra biển. Quá trình tích tụ trầm tích của các dòng chảy sông hội tụ với dòng chảy dọc bờ biển đã chuyển hoá thành một vùng đồng đất. Kéo theo đó là sự tích tụ dân cư và hiện đang là một thị trấn cấp huyện, chứ không phải một khu vực ven biển “không người”.
Nếu Cần Giờ không làm khu đô thị sinh thái như phê duyệt của Chính phủ và không đầu tư cải tạo theo kế hoạch tiến biển của TP.HCM thì nơi đây tương lai cũng sẽ trở thành một khu dân cư nhếch nhác, tiềm năng không được khai thác tương xứng và quỹ đất đó cũng không có giá, có thể lại rơi vào cảnh “chia lô, bán nền”, hay đúng hơn là vị thế của Cần Giờ bị “hạ thấp, mất giá”.
Mặt khác, nếu biết khai thác, Cần Giờ sẽ tạo ra một vị thế mới cho TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vị thế sẽ tạo ra tiềm năng, yếu thế sẽ chuyển thành lợi thế và lợi thế sẽ chuyển thành lợi ích. Ai cũng hiểu, mảnh đất này bình thường “không có giá” nhưng nếu quy hoạch thành khu đô thị thì mảnh đất đó sẽ tạo giá trị mới. Song, giá trị gia tăng đó không phải là do mảnh đất sinh ra mà do vị thế mới của mảnh đất đó sinh ra. Vị thế - phần lớn là do con người tổ chức lại lãnh thổ, tạo ra một vị thế mới, tạo ra lợi ích vượt trội.
Đằng nào nước biển cũng sẽ dâng ngập thì sao chúng ta không chủ động lấn biển, không có khu đô thị mới thì trước đó cũng có khu dân cư rồi. Và lâu dài, chúng ta vẫn phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Vậy, tại sao ngay lúc này không mời kiến trúc sư và các nhà khoa học trong và ngoài nước ngồi lại, cùng tính toán và cộng hệ số an toàn cho nhà đầu tư yên tâm. Tôi cho rằng, bài toán lo lắng của dư luận cũng có phần đúng, nhưng chúng ta hoàn toàn có cách giải.
Đối với cách nhìn mới, khi chúng ta sống trong bối cảnh hội nhập quốc tế về kinh tế biển, đại dương ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 có thể giúp chúng ta khắc phục được rất nhiều rào cản, thách thức thì việc chuyển yếu thế thành lợi thế và từ lợi thế chuyển thành lợi ích như nói trên sẽ dễ dàng hơn nhiều. Những điều mà chúng ta lo lắng, công nghệ sẽ giải quyết. Nếu chúng ta đặt công nghệ như một niềm tin, một giải pháp hữu ích thì không có gì phải quá lo lắng, khát vọng làm giàu từ biển của chúng ta sẽ trở thành sự thật.
Các nhà đầu tư lớn hiện nay khi họ có điều kiện, họ đi trước một bước và muốn giúp đỡ đất nước. Vì thế khi họ làm thì nên tìm cách ủng hộ, nhất là khi đất nước muốn “mạnh về biển, làm giàu từ biển” nhưng nguồn lực còn hạn chế. Đặc biệt, việc đầu tư cho phát triển biển, đảo tốn kém hơn nhiều so với trên đất liền nhưng cho hiệu quả lớn và lâu dài hơn. Hơn lúc nào hết, giới khoa học sẽ “đồng hành cùng doanh nghiệp”, hỗ trợ doanh nghiệp cách khắc phục bằng những chỉ dẫn cụ thể, không “ngáng chân, cản trở” sự phát triển.
PV: Vậy thông qua những kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích rõ hơn yêu cầu khi đánh thức tiềm năng một vùng biển?
PGS. TS. Chu Hồi: Một nhà chiến lược, khi khai thác lợi thế của một vùng lãnh thổ thường chú ý đến 3 yếu tố then chốt:
Thứ nhất là “tính trội”, tức là vùng lãnh thổ đó có “lợi thế so sánh” gì so với các vùng khác? Khi phát hiện ra tính trội, chúng ta sẽ tránh được bệnh “hội chứng”, không phải bắt chước trong phương án phát triển. Tức là tạo ra “thương hiệu” cho vùng lãnh thổ khi phát huy đúng lợi thế này.
Thứ hai là “tính đa dụng”, vì một hệ thống tự nhiên biển thường là đối tượng khai thác, sử dụng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực (như có thể làm cảng, làm du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn thiên nhiên,...). Cho nên, bảo đảm hài hòa lợi ích, đặc biệt ngay từ giai đoạn sớm (quy hoạch hài hòa, thích ứng) của quá trình phát triển là một yêu cầu cấp thiết.
Thứ ba là “tính liên kết” của vùng dự kiến phát triển với các khu vực lân cận, nếu không chú trọng đúng mức vấn đề này thì khi khai thác, sử dụng dễ phá vỡ liên kết vùng, thậm chí giữa các yếu tố cấu trúc không gian nội vùng. Khi thiết kế phải nghĩ đến tính liên kết vùng, tìm ra động lực lan tỏa và giải pháp duy trì liên kết vùng.
Ví dụ, Cần Giờ phát triển sẽ tiếp sức cho TP.HCM phát triển kinh tế biển theo tinh thần của Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo chuỗi giá trị mới cho TP.HCM với các tỉnh lân cận và tạo vị thế mới của thành phố đối với vùng lãnh thổ phía Nam và cả nước.
Ảnh sưu tầm
Phát huy liên kết tự nhiên, chính là “độ mở” của cơ chế, chính sách phát triển. Tự nhiên cho chúng ta các lợi thế “tĩnh”, còn cơ chế, chính sách mới tạo ra lợi thế “động”, mới đánh thức tiềm năng “ngủ say”. Đánh thức tiềm năng vùng ven biển và biển chỉ có thể là cơ chế, chính sách mở, có tính “đột phá” về tư duy, tầm nhìn, được thực thi nghiêm túc và hiệu quả.
Yếu tố con người đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy quá trình liên kết vùng nhanh hơn, đúng hướng hơn. Đó là chính sách ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trước hết phải đầu tư mạng lưới giao thông và bảo vệ môi trường hợp lý, thích ứng. Nếu hạ tầng đi trước một bước và làm tốt thì quy hoạch phát triển trên nền tảng hạ tầng đó có thể giải quyết được các vấn đề môi trường, bao gồm ô nhiễm ngay từ giai đoạn sớm của phát triển.
Đà Nẵng có thể là một ví dụ điển hình, xưa kia nhỏ bé, hạ tầng yếu kém, chưa phải là thành phố phát triển. Nhưng, khi có một quy hoạch tổng thể tốt, “thổi” văn hoá vào kiến trúc và quy hoạch thì lập tức tạo ra được một thành phố ven biển “đáng sống” với các công trình văn hoá, trở thành điểm đến mới hấp dẫn của du khách (như sông Hàn, các cây cầu, một số khu vực ven biển...). Làm được như vậy thì tiềm năng của một vùng đất ven biển đã “thay da đổi thịt” với giá trị vị thế mới. Khi đất ngày càng chật, người ngày càng đông, hệ thống hạ tầng bắt buộc phải có sự đa dụng hoá, chọn lọc và được sử dụng đa mục đích.
ĐỂ VIỆT NAM KHÔNG MÃI MÃI ĐỨNG Ở VEN BỜ
PV: Việc hình thành “mạng lưới đô thị biển” trên bệ đỡ tiềm năng là tất yếu trong xu thế phát triển, thưa ông?
PGS. TS. Chu Hồi: Để đất nước mạnh giàu từ biển, hướng ra biển, dựa vào biển, vươn ra “biển lớn” thì cần xây dựng một “Mạng lưới các chuỗi đô thị biển” với các “Cực phát triển” chủ lực, có động lực lan tỏa rộng lớn và có khả năng kết nối không gian kinh tế ven biển, không gian kinh tế đảo và không gian kinh tế biển. Mạng lưới đô thị biển gồm 3 kiểu loại: Đô thị ven biển (Coastal city), đô thị đảo (Island city) và đô thị biển (Ocean-based city) được tổ chức thành các chuỗi đô thị tương ứng. Đây là các mảng không gian quan trọng trong không gian kinh tế biển nước ta trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới có chuỗi đô thị ven biển, chưa có đô thị đảo và đô thị biển theo đúng nghĩa của nó. Về lộ trình phát triển, tôi cho rằng cần ưu tiên cải tạo, mở rộng, nâng cấp và xây dựng chuỗi đô thị ven biển, bao gồm các đô thị ven biển hiện có từ Móng Cái cho đến Hà Tiên.
Trong đó có các “đô thị trung tâm” đóng vai trò chủ lực cho vùng như: Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu... và các đô thị ven biển mới (trong tương lai gần) gắn với khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu, có thể là: Thành phố Vân Đồn gắn với khu kinh tế biển cùng tên; thành phố Nghi Sơn gắn với khu kinh tế và cảng nước sâu cùng tên (tỉnh Thanh Hóa); thành phố Kỳ Anh gắn với khu kinh tế và cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh); thành phố Chu Lai gắn với khu kinh tế Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) và cảng nước sâu Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi); thành phố Vạn Tường gắn với khu kinh tế Dung Quất và cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi),…
Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến chuyện làm đô thị đảo và đô thị biển (hoàn toàn trên biển) để mở rộng không gian sinh tồn của dân tộc (phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh, chủ quyền). Chúng ta chờ tin vui về “Thành phố Phú Quốc” - thành phố đảo tiên phong. Thêm nữa, việc xây dựng đô thị biển đã được các quốc gia trên thế giới làm, trong khi chúng ta có tiềm năng, có lợi thế để làm nhưng lại chưa làm được. Phát triển đô thị biển là để Việt Nam không mãi mãi “đứng ở ven bờ” mà phải hướng ra biển, phát huy lợi thế biển để làm giàu từ biển.
PV: Tương lai, những giá trị nào chúng ta sẽ được hưởng nếu có thể hình thành mạng lưới các chuỗi đô thị biển thưa ông?
PGS. TS. Chu Hồi: Nếu chúng ta xây dựng được các chuỗi: đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị biển trong tương lai thì chắc chắn sẽ tạo ra các “lợi ích kép”. Thứ nhất, sẽ tăng cường liên kết và giao thương giữa các hệ thống đảo với nhau.
Thứ hai, hình thành các trung tâm tích tụ dân số (tất nhiên trong năng lực tải dân số), tạo ra nội lực và nhu cầu tiêu thụ nội vùng, kéo theo khả năng tăng cung và đánh thức tiềm năng các vùng biển và lãnh thổ đất liền lân cận.
Thứ ba là tạo ra mối liên kết đảo với bờ và bờ với biển về kết nối giao lưu kinh tế (hàng hóa, vật dụng, nhu yếu phẩm...) giữa đất liền và biển; giữa hậu phương và tiền tuyến khi xuất hiện tình huống cần thiết.
Thứ tư như đã nói ở trên, mỗi đô thị sẽ là một “cực phát triển” của không gian kinh tế biển, kinh tế đảo và kinh tế ven biển. Các cực tạo “hiệu ứng domino” đối với phát triển toàn bộ không gian kinh tế quốc gia và khu vực Biển Đông. Phát triển các chuỗi đô thị như vậy sẽ làm xuất hiện các động lực tương tác và tác động lan toả ra các vùng không gian biển cũng như bờ lân cận.
Thứ năm là khi các chuỗi đô thị biển “thông minh, thích ứng” (Smart Adaptively City) hình thành sẽ kích hoạt sự phát triển hàng loạt ngành nghề mới, nhất là các dịch vụ biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nghề cá...
Thêm nữa, việc xây dựng và phát triển mạng lưới các chuỗi đô thị biển cũng là cách chúng ta khẳng định năng lực làm chủ và khả năng kiểm soát thực tế “ba phần Tổ quốc Việt Nam là biển”. Tức là, đất nước ta không chỉ có một “Việt Nam đất liền”, mà còn có một “Việt Nam biển” với những đô thị biển "xanh", với những công dân biển cần cù, dũng cảm cả trong làm kinh tế và bảo vệ Tổ quốc từ phía biển.
PV: Thưa ông, để “mạnh từ biển, giàu từ biển” như mục tiêu của Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đề ra, theo ông chúng ta cần chú trọng những giải pháp gì?
PGS. TS. Chu Hồi: Cần nhiều giải pháp, nhưng phải đồng bộ và có tính đột phá. Liên quan tới chủ đề câu chuyện hôm nay tôi thấy: Thứ nhất cần thay đổi tư duy và tầm nhìn để ra biển với tâm thức và tư thế mới.
Thứ hai, phải điều chỉnh và hoàn thiện luật pháp và chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển, dựa trên kinh tế biển xanh với việc bảo toàn vốn tự nhiên biển.
Thứ ba, biển phải được quản lý tổng hợp theo không gian, phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Cho nên, trước mắt phải làm tốt Quy hoạch không gian biển quốc gia (triển khai theo Luật Quy hoạch 2017) để hỗ trợ quản lý bền vững biển, đảo. Đặc biệt, loại hình quy hoạch mới này phải trở thành công cụ kiểm soát phát triển biển, đảo và vùng ven biển trong thời gian tới. Trong quy hoạch không gian biển, ngoài các không gian sử dụng cho các ngành/lĩnh vực kinh tế biển truyền thống (khai thác và nuôi trồng thuỷ sản, cảng và luồng tuyến hàng hải, du lịch biển, khai thác khoáng sản biển...) thì phải giành vị trí xứng đáng cho không gian phát triển các đô thị biển, năng lượng biển tái tạo và các khu bảo tồn tự nhiên biển.
Thứ tư là cần xây dựng lộ trình và hướng dẫn phát triển từng loại hình đô thị: Ven biển, đảo và biển để cung cấp những nguyên tắc cơ bản cho các nhà đầu tư lựa chọn và thúc đẩy sáng tạo cho những khu đô thị biển cụ thể.
Thứ năm, chúng ta đã bước sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc huy động vốn để phát triển đô thị biển không thể chỉ dựa vào Nhà nước như trước đây, nhất là các khu đô thị biển mới. Cho nên, cần ưu tiên huy động vốn từ doanh nghiệp, từ những “đầu tàu kinh tế” mạnh thường quân như: Vingroup, Sun Group, FLC, … Có lẽ, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp lớn chủ động đầu tư vào làm giàu cho đất nước, làm lợi cho xã hội, hỗ trợ được người dân. Đương nhiên, phải phù hợp với luật pháp và dựa trên những cam kết mạnh, có trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó có Nhà nước và nhà đầu tư.
PV: Có nguyên tắc nào chúng ta cần tuân thủ khi "đánh thức tiềm năng biển không thưa ông?
PGS. TS. Chu Hồi: Có khá nhiều nguyên tắc liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển, nhưng ở khía cạnh xây dựng và phát triển các đô thị biển cần phải tôn trọng hai nhóm nguyên tắc.
Thứ nhất, phải bảo đảm “Cân bằng - hài hoà” giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên, không đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Khi có ý kiến cho rằng xây dựng dự án là doanh nghiệp phá huỷ thiên nhiên, gây hại môi trường, vậy thì hãy giúp doanh nghiệp cụ thể hoá cụm từ “hài hoà và cân bằng”, cũng như gợi mở các giải pháp thay thế cho họ tham khảo, lựa chọn. Tức là các cơ quan khoa học và nhà khoa học sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đúng hướng, bảo đảm lợi ích toàn cục và hiệu quả lâu dài.
Thứ hai là phải bảo đảm “Công bằng” giữa phát triển và bảo tồn. Nhà nước và nhà đầu tư sẽ phối hợp thực hiện nguyên tắc về mặt trách nhiệm pháp lý. Không có gì tốt hơn là hiệu lực của các cam kết (giữa doanh nghiệp và Nhà nước, giữa doanh nghiệp với dân và các bên liên quan...). Nếu đối tác nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý đúng pháp luật, bị đình chỉ hoặc thu hồi dự án.
Chẳng hạn, rừng ngập mặn và biển là nét đặc trưng cho khu vực Cần Giờ. Nếu doanh nghiệp muốn bứng cây chỗ khác về trồng để tạo cảnh quan sinh thái cho khu đô thị, thì có thể tận dụng các thảm thực vật ngập mặn của khu vực để trồng. Như vậy, vừa hài hoà với thiên nhiên, vừa có thể tạo ra được “thương hiệu riêng” với biểu tượng thiên nhiên cho Cần Giờ. Hoặc là các nét văn hoá bản địa của địa phương cần được duy trì và lồng ghép vào các phương án kiến trúc và giải pháp thiết kế cụ thể có liên quan./.
Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trò chuyện!