“Việc kéo dài lâu thế mà không có ai nhận ra và nói ra…”
- PV:Thưa ông, tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 15/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ một thông tin giật mình và 'không thể chấp nhận được' đó là chỉ 24km ở Đại lộ Thăng Long, nhưng một năm riêng tiền cắt cỏ và tỉa một ít cây trúc anh đào, một ít hoa dâm bụt ngốn 53 tỷ đồng. Hà Nội sẽ dừng trồng và cắt cỏ, để chuyển sang trồng cây, giúp tiết kiệm 700 tỷ đồng ngân sách nhà nước (NSNN) một năm. Ông nghĩ sao về những con số mà vị Chủ tịch TP đã nêu ra?
- TS Nguyễn Minh Phong:
Trước hết, phải khẳng định đây là con số gây giật mình cho hầu hết những ai được nghe. Đây là một con số lớn và càng lớn hơn nếu so với mức chi cho giáo dục, y tế, xây dựng nhà trẻ, nhà ở xã hội… trên địa bàn TP. Nó càng nhạy cảm nếu so với thu nhập thuế của những tỉnh nghèo. Theo trang báo điện tử Bắc Kạn Online ngày 3/1/2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 của toàn tỉnh Bắc Cạn đạt 482 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch và tăng 3,5% so với năm 2014, trong đó thu nội địa 435 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 35 tỷ đồng, thu từ xổ số kiến thiết 12 tỷ đồng. Đây là kết quả nỗ lực lớn của cả tình nghèo này. Sự so sánh và suy ngẫm về những con số 700 tỷ đồng và 435 tỷ đồng giữa chi và thu NSNN của hai tỉnh này càng gây cảm xúc nặng nề, không dễ diễn đạt…
- PV:Ngay sau khi thông tin được công bố, cũng như ông nhiều người dân đều thấy giật mình, sốc với những con số trên. Tuy nhiên, trên thực tế việc cắt cỏ, tỉa cây đã được duy trì từ lâu chứ không phải bây giờ mới thực hiện. Hơn nữa, lại là một nhà kinh tế tại sao ông cũng thấy giật mình trước những con số như vậy?
- TS Nguyễn Minh Phong:
Người dân sốc, mấu chốt ở chỗ người ta vẫn nghĩ chi phí duy trì cỏ và cây nhỏ ven đường là rẻ, nhất là so với công lao động trồng lúa cả vụ của người nông dân một số tỉnh Bắc Bộ thậm chí cả vụ chỉ vài trăm ngàn đồng. Hơn nữa, từ trước đến nay Hà Nội không hề công bố con số như vậy, nên khi lần đầu được nghe thì người dân sẽ giật mình. Nhưng mà đối với nhiều quan chức TP sẽ không giật mình, vì họ đã duy trì việc quen thuộc này lâu nay…
Hà Nội luôn cần vốn đầu tư và còn hàng trăm khoản cần tiêu, thiếu tiền nên phải bán đất, vay ODA và phát hành trái phiếu địa phương… trong khi đó vẫnchi hàng trăm tỷ đồng cho việc trồng và cắt cỏ, thì rõ ràng là hơi bị xài sang, không bình thường.
Tôi giật mình vì sao việc này kéo dài lâu thế mà không có ai nhận ra và nói ra…
- PV: Nói như vậy, phải chăng sự minh bạch thông tin, minh bạch các con số chi tiêu của Hà Nội có vấn đề, thưa ông?
- TS Nguyễn Minh Phong:
Trong Luật Ngân sách đã nêu rất rõ yêu cầu nội dung và hình thức công khai và minh bạch hoạt động thu-chi NSNN ở các cấp độ quản lý khác nhau. Có lẽ các hoạt động liên quan đến minh bạch các khoản chi cho các dịch vụ công ích thường xuyên như vậy ở Hà Nội là chưa tới, khiến cho hầu hết người dân chưa ai được biết và vì thế khi được chủ tịch TP nói mới tạo ra sự ngỡ ngàng. Còn nếu TP thường xuyên công bố điều này trên báo chí hoặc công bố ở những hội nghị một cách rõ ràng thì chắc chắn đã được nhiều người biết cũng như không gây bất ngờ, giật mình cao cho người dân như hiện nay.
Yêu cầu công khai, minh bạch NSNN phải được thực hiện một cách nghiêm túc để tăng kiểm soát và chi tiêu tiền thuế của người dân hợp lý, tiết kiệm hơn.
Khi chúng ta nhìn vào sự kiện công bố con số chi tiêu duy trì cỏ xanh ở đại lộ Thăng Long thì thông điệp đằng sau nó là cần chủ động và có trách nhiệm hơn để xem có còn cần phải chi không và có cần phải thay đổi cách chi không? Chỉ một quyết định trồng cây thay cho trồng cỏ, Hà Nội đã có 700 tỷ đồng NSNN để làm việc hữu ích hơn…Tổng cộng những khoản tiết kiệm như vậy sẽ giúp TP cải thiện cân bằng ngân sách, chi tiêu đúng lức, chỗ và đúng cách hơn, đạt được hiệu quả của đầu tư công, chi tiêu công, cũng như đảm bảo về chất lượng sống và các yêu cầu quản lý nhà nước khác.
700 tỷ đồng cắt cỏ: Đắt hay rẻ?
- PV: Đây không phải là lần đầu tiên tiên người dân sốc, cách đây không lâu họ cũng giật mình khi biết đơn giá chặt 1 cây xà cừ của Hà Nội, lên đến 36 triệu đồng và bây giờ là những dự án cắt cỏ tỉa cây giá hàng chục tỷ đồng. Đã có rất nhiều ý kiến về sự đắt rẻ xung quanh những con số này, cũng có không ít ý kiến cho rằng Hà Nội “chơi sang” nhưng là sự “chơi sang” lãng phí. Ông có suy nghĩ gì về những ý kiến trên, thưa ông?
- TS Nguyễn Minh Phong:
Những định mức về đơn giá chăm sóc cây cỏ và các dịch vụ công ích khác mà TP đã duyệt thì không phải là vấn đề, mà vấn đề là cách biến báo, giải trình và quyết toán hợp lý hóa chứng từ những khoản chi lớn trên thực tế.
Vấn đề của chi phí duy trì thảm cỏ lớn là ở chỗ: Diện tích cỏ phải chăm sóc lớn, với một công nghệ chăm sóc rất cũ, trong bối cảnh thời tiết cực đoan. Tất cả những điều đó tạo ra độ lớn, cũng như tạo ra sự không hợp lý của khoản chi tiêu này trong bối cảnh hiện nay.
Trồng cỏ và chăm sóc thảm cỏ tốt thì tạo cảnh quan đẹp và tạo việc làm cho người dân, giúp cải thiện môi trường của Thủ đô. Đó là ý tốt. Nhưng còn có nhiều phương án vẫn đạt mục tiêu trên, mà tốt hơn và hiệu quả cao hơn chăm sóc cỏ. Nói như chủ tịch Nguyễn Đức Chung, chúng ta trồng dầu cọ, chúng ta tìm cách quản lý khác, thì hoàn toàn chúng ta không phải bỏ ra 53 tỷ đồng của ngân sách TP. Nếu trồng cọ hay các cây cảnh khác có thể tiết kiệm hơn rất nhiều tiền trồng cỏ. Tại sao chúng ta không làm? Sai phạm kế toán trong khoản chi tiêu này thì có lẽ là không đáng kể. Vì quyết toán được thực hiện căn cứ vào định mức, căn cứ vào diện tích được phân công trong hợp đồng. Có chăng chỉ là sự sai lệch trong diện tích chăm sóc thực tế (trốn việc) hoặc là chất lượng dịch vụ làm kiểu ‘quấy quá”, không tới, không cao.
Theo tôi, sẽ có nhiều doanh nghiệp và cá nhân sẵn sàng đảm nhận toàn bộ việc trồng và chăm sóc cây, cỏ làm đẹp thành phố theo yêu cầu, nếu đổi lại, họ nhận được quyền bán quảng cáo trên chính diện tích cây cỏ mà họ phải chịu trách nhiệm đó. Làm như vậy, Hà Nội vừa cso thảm cây, cỏ đẹp như ý, tạo công việc làm cho dân và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp, mà không phải bỏ tiền thuế của dân ra.
- PV:Có không ít ý kiến cho rằng, ngân sách nhà nước như “con bò sữa”, mạnh ai người ấy vắt, ai vắt nhanh thì được nhiều. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này, thưa ông?
- TS Nguyễn Minh Phong:
Thực ra những băn khoăn ấy không phải là không có cơ sở. Trên thực tế đã có và đang tiếp tục tồn tại quan niệm coi đầu tư công và ngân sách như bầu sữa ngọt, ai nhanh thì vắt được nhiều…
Vì vậy, trong nhận thức của lãnh đạo về ngân sách phải có sự thay đổi ở 2 góc độ: Một là, không phải cái gì cũng dùng ngân sách. Thứ hai, không phải dùng một cách tùy tiện như kiểu tiền chùa. Tôi nói đơn giản nhưng rất gần gũi thôi, phải coi ngân sách như tiền của vợ, tiền của nhà mình để chi tiêu sao không hiệu quả nghĩa là mình mất tiền, vợ mình mất tiền, nhà mình mất tiền.
Trở lại với Hà Nội, bên cạnh vị Chủ tịch rất quyết đoán và muốn đổi mới, thì bộ máy giúp việc cũng phải chuyển động theo. Nếu thiếu bộ máy giúp việc không chuyển động theo, thì Chủ tịch cũng chỉ nói được, chứ không thể làm hết được. Chủ tịch phải tiếp tục thúc đẩy toàn hệ thống quản lý nhà nước trên địa bàn với tinh thần ấy, vừa tăng cường về nhận thức, vừa quyết liệt kiện toàn nhân sự, quy chế hoạt động, tăng năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, để sao cho đầu tư công và chi tiêu ngân sách trở thành lĩnh vực được ưu tiên xử lý hiệu quả nhất. Điều này ở trong tầm tay thôi, tuy nhiên có thể không dễ dàng bởi nó là quyền lợi. Đây là cuộc chiến thực sự với nếp tư duy cũ và lợi ích nhóm…Đây là việc phải làm, vì ích nước, lợi nhà.
Đặc biệt, Hà Nội đang phấn đấu đi đầu cả nước về cải cách hành chính, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm. Hà Nội cần khắc phục “Hà Nội không vội được đâu”, để thay bằng “Hà Nội phải vượt trội, đi đầu” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý đô thị, chăm sóc cây xanh, xã hội hóa dịch vụ công ích, chi tiêu ngân sách quản lý công…
Hy vọng chủ tịch Nguyễn Đức Chung sẽ là một trong những người đi đầu đột phá hiệu quả; chắc chắn người dân sẽ hoan nghênh và ủng hộ ông.
Xin cảm ơn ông!