Tiếng Việt, suốt đời tôi mắc nợ

Tiếng Việt, suốt đời tôi mắc nợ

Thứ Tư, 17/11/2021 - 06:15
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Thời thanh niên, tôi hỏi một cô bạn gái về tiêu chuẩn “ý trung nhân”. Thay vì trả lời trực tiếp, bạn ấy vòng vo: “Mọi thứ em thích rành rẽ, đã mỡ phải mỡ đến buồn nôn, đã nạc phải nạc đến bã. Em không thích nửa nạc nửa mỡ”. Tôi hiểu đó là “tuyên ngôn” về nhận diện cuộc sống. Lại nữa, tôi từng hỏi một bạn gái câu đó, bạn này trả lời: “Với tôi đàn ông phải là đàn ông. Thật đau khổ cho tôi nếu lấy chồng gặp một đức lang quân nhưng thực ra là đàn bà mặc nhầm quần đàn ông”. Cũng là rành rẽ.

Cuộc sống đang chứng minh, để xứng đáng với danh vị “đức lang quân” rất khó. Đàn ông phải đúng là “nóc nhà”, về tâm tính phải rộng lượng, vị tha...; thực tế thì đàn ông, nhiều người vẫn “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” - cái tính ấy, đáng ra thuộc về phụ nữ, do đặc điểm giới họ làm thiên chức người vợ, tính toán, chi li. 

Đây chỉ là một câu chuyện trong vô số câu chuyện nhầm lẫn là chúng ta đang chứng kiến các “thang giá trị” đang “nửa nạc nửa mỡ”, từ vĩ mô đến vi mô. Chỉ xin bàn đến một câu chuyện, vừa vĩ mô đến vi mô, đó là tiếng Việt. 

Tiếng Việt là văn hóa Việt. Khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng chỉ khiêm tốn “Lời quê chắp nhặt dông dài, / Mua vui cũng được một vài trống canh”. Ông đâu nghĩ đến việc “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (thơ Chế Lan Viên). Năm 1922 tại “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong, từng khẳng định. Gần 200 năm sau ngày mất, năm 2013, Nguyễn Du được UNESCO tôn vinh Danh nhân văn hóa thế giới cũng chính nhờ những đóng góp nhân bản của Truyện Kiều.

Nói như thế để thấy, tiếng Việt là niềm tự hào của văn hóa Việt, giữ tiếng Việt vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mỗi người Việt. Quả thật, tiếng Việt rất giàu đẹp, phong phú về nhiều phương diện. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là tôn trọng chữ viết, ngôn ngữ tiếng Việt, phát huy được truyền thống quý báu của dân tộc.

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Thời nay là hội nhập sâu và rộng cùng với toàn cầu, trong đó có hội nhập về văn hóa. Từ thế kỷ 19, Các Mác (1818 - 1883), triết gia, nhà tư tưởng cộng sản nổi tiếng đã có câu nói có giá trị “xuyên thế kỷ” là “ngoại ngữ là chìa khóa mở cửa vào thế giới”. Ông nhận định “ngoại ngữ là vũ khí trong các cuộc cạnh tranh của cuộc đời”. Chính Các Mác, Ăng-ghen, Lê-nin - những vĩ nhân của nhân loại đều thành thạo nhiều ngoại ngữ và Bác Hồ của chúng ta cũng vậy. Nhờ có vốn ngoại ngữ phong phú, Bác Hồ đã tiếp cận được với lý luận và tri thức đỉnh cao, với những nhân sĩ nổi tiếng để tìm đường giải phóng dân tộc.

Trong thời đại 4.0, ngoại ngữ là “chìa khóa vàng” mở ra cánh cửa thành công. Biết thêm một ngoại ngữ là mở ra một chân trời mới, kết nối con người với con người, nền văn hóa này với nền văn hóa khác, nền kinh tế này với nền kinh tế khác và dân tộc này với dân tộc khác. Người giỏi ngoại ngữ thường tự tin, có tư duy nhạy bén, mạch lạc, kiến thức phong phú, vì họ trực tiếp tiếp thu được thông tin, tri thức, xu hướng thời đại, cảm nhận được sắc thái văn hóa và tư duy của người nói, được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, kết nối con người… Do đó, họ có thể dễ dàng hòa nhập được với xã hội xung quanh và gặt hái được thành công hơn.

Nhiều nước với tầm nhìn chiến lược, ngay từ khi lập quốc họ đã chú trọng giảng dạy tiếng Anh (ngôn ngữ quốc tế) cùng với tiếng mẹ đẻ cũng là vì như vậy. Ngay ở châu Á, một vài quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Singapore, Brunei, Sri Lanka, Malaysia, Israel, Bangladesh sử dụng tiếng Anh chính thức hoặc trong đời sống, dù đó không phải là bản ngữ. Ấn Độ, Pakistan và Philippines, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong chính trị, giáo dục. Ở Singapore, không chỉ là ngôn ngữ chính thức, nó còn được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày.

Việt Nam, từ ngày hội nhập giáo dục, để thực hiện mục tiêu đào tạo nên những thế hệ “công dân toàn cầu”, dạy tiếng Anh trở thành tiên quyết. Đó là quy luật tất yếu. Dường như đang có hai thái cực đối nghịch: Với những công dân gốc Việt ở nước ngoài đang nỗ lực mở lớp, thuê thầy cô dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba...; thì ở trong nước, học thêm tiếng Anh trở thành nhu cầu của tất cả các bậc phụ huynh. Đó là điều đáng mừng.

Thế nhưng, dù hội nhập đến thế nào, bảo vệ tiếng phải là nghĩa vụ thiêng liêng. Đáng tiếc, tiếng Việt dùng lẫn lộn cùng tiếng Tây đã và đang là một thói quen ở nhiều người trẻ. Xã hội đang “nửa nạc, nửa mỡ” trong việc sử dụng ngôn ngữ, ngay trên những kênh báo chí lớn của quốc gia, thậm chí cả lên sóng truyền hình.

Trong một gameshow nào đó, báo chí phản ánh chuyện một nữ thí sinh của chương trình đã liên tục “bắn” tiếng Anh pha lẫn tiếng Việt. Cứ như thế, trong suốt chương trình, cô gái dùng thứ tiếng “nửa Tây, nửa ta” để trò chuyện, giao lưu. Người yêu tiếng Việt, gìn giữ văn hóa Việt không khỏi cảm thấy tổn thương.

Trong đời sống hàng ngày, rất dễ gặp “Tây ta lẫn lộn” như thế, từ những câu chuyện trò, giao tiếp hàng ngày, trong trao đổi công việc, email công việc hay kế hoạch công việc… Nó xuất hiện cả trong cách ăn nói, cách viết hay trò chuyện giao lưu của nhiều nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội. Dường như, nói chuyện kiểu “nửa Tây, nửa ta” đã trở thành một trào lưu, một cách giao tiếp để thể hiện sự hiện đại và sành điệu của một bộ phận giới trẻ. Có thể đó chỉ là “hội chứng” khoe tiếng, khoe giỏi trong một xã hội vốn đã rất “bội thực” về hội chứng nhưng quản lý, khuyến cáo, giáo dục, định hướng bất lực?

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Trong văn chương, rất nhiều người viết cố “làm mới” bằng cách khai thác từ “Hán - Việt”. Xu hướng này, vô hình trung làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt, “nối giáo”, làm cho tiếng Việt bị “xâm thực”.

Nhiều người đau lòng, từng lên tiếng mong các bạn trẻ hãy giữ gìn sự thuần khiết của tiếng Việt, đừng dùng cách nói chuyện như thế vì lâu dài sẽ khiến ngôn ngữ tiếng Việt bị cùn mòn mất. Nhiều người nổi tiếng tâm huyết với tiếng Việt, dù xuất ngoại trở về, khi nói chuyện bằng tiếng Việt vẫn ý thức giữ cách nói thuần Việt, không lai tạp. Trân quý tiếng Việt là trân quý Tổ quốc, quê hương, nguồn cội.

Cũng nói rộng ra một chút, khi chưa có ý thức dân tộc ngay cả biển hiệu nhiều công ty, nhà hàng… dùng song ngữ vẫn nhộm nhoạm. Người ta hồn nhiên, kẻ tiếng Anh trước, tiếng Việt sau mà không xa xót. Và khi chưa có ý thức dân tộc, sống trong các căn hộ thuộc các tòa nhà chung cư hiện đại… trên đất Việt Nam, người Việt như lạc vào đất nước nào đó, bởi “hội chứng” dùng tiếng Tây đặt tên các tổ hợp.

Cũng thật lắng lo, ngay quy định về viết hoa tiếng Việt, một thời gian dài rất lung tung. Rất may, năm 2011, Bộ Nội vụ có Thông tư 01/2011/TT-BNV, hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính. Tổng thể thì vẫn chưa có.

Đã 55 năm trôi qua từ khi có cuộc vận động “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (2/1966 - 2/2021), nhưng “câu chuyện” vẫn không hề nhỏ. Dư luận từng “dậy sóng”, khi một số người nhân danh nghiên cứu khoa học, muốn cải tiến, thậm chí là muốn thay đổi cách viết tiếng Việt. Điều này rất nghiêm trọng, không riêng với nước ta. Cách đây hơn hai thế kỷ, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Đức Wilhelm Von Humboldt đã nêu ra luận điểm nổi tiếng: “Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc”… và “đối với nền văn hóa quốc gia thì không có gì quan trọng hơn ngôn ngữ cả”. Thế giới đã từng chứng kiến, sự phân rã của nhiều quốc gia thời “hậu chiến tranh lạnh” chỉ vì tiếng nói, chữ viết.

Chợt nhớ nhà văn Nga nổi tiếng Raxun Gamzatov (1923 - 2003). Trong tác phẩm thơ văn xuôi “Đaghextan của tôi” ông viết: “Đối với tôi, ngôn ngữ các dân tộc như các vì sao trên nền trời” và “Tôi yêu vì sao của tôi - tiếng Avar thân yêu của tôi”. Raxun Gamzatov là nhà văn nổi tiếng thời Liên bang Xô viết, biết rất nhiều ngoại ngữ nhưng tác phẩm và ngôn ngữ hàng ngày ông chỉ dùng tiếng Avar - một dân tộc thiểu số ở đất nước nhỏ bé Đaghextan thuộc vùng Bắc Kavkaz. “Tôi yêu cuộc đời hành tinh tôi ở / Yêu đến từng góc nhỏ khắp gần xa / Mà trên hết là quê hương Xô viết / Tôi muốn ngợi ca bằng chính tiếng Avar” (Raxun Gamzatov), ông vĩ đại có nguyên nhân quá bản sắc.

Những người Việt Nam yêu tiếng Việt, chắc chắn biết đến bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa / Óng tre ngà và mềm mại như tơ” và nhà thơ luôn thổn thức “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ / Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn / Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá / Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình...”.

Đến một lúc nào đó sẽ có “Luật về tiếng Việt”, sẽ có “Ngày tiếng Việt”? Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cần thể chế, “luật hóa”? Chắc chắn sẽ một lúc nào đó, khi lối sống, giao tiếp... của người Việt được nâng lên thành văn hóa, con người sẽ thực sự nâng niu tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt đã, đang và mãi mãi là niềm tự hào của người Việt. Lúc ấy sẽ không còn lo lai tạp, và tôi sẽ quên câu chuyện “nửa nạc, nửa mỡ” của người bạn gái năm xưa!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top