Aa

Tiếp cận tín dụng vẫn là rào cản với nhiều doanh nghiệp

Thứ Hai, 08/03/2021 - 13:32

Mặc dù lãi suất cho vay đã hạ thấp, nhưng trên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Khó đáp ứng điều kiện vay

Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đã và đang phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cho biết, khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn. Đáng lưu ý là doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn còn phiền hà, phức tạp.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó trong tiếp cận tín dụng

Chị Nguyễn Thúy Lan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phong Lan chia sẻ, để có vốn mở rộng quy mô sản xuất, thời gian qua, chị đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Lý do, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện cho vay, mà cái chính là không có tài sản thế chấp.

“Vì thiếu vốn, nhiều lúc tôi chỉ biết đứng nhìn tiếc nuối đơn hàng, lợi nhuận rơi vào tay doanh nghiệp khác. Cũng chỉ mong chính sách "mở", tạo điều thuận lợi giúp các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp nhỏ có tiềm lực hạn hẹp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, khởi sự thuận lợi, vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Nguyễn Thúy Lan bày tỏ.

May mắn hơn DN của chị Lan, anh Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí) cho biết, doanh nghiệp anh thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên, chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng nên thời gian qua vẫn tiếp cận được nguồn vốn vay. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ tiếp cận được các nguồn vốn tại các ngân hàng TMCP quy mô nhỏ với lãi suất khá cao, chứ không tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ tại các ngân hàng lớn do thủ tục vay rườm rà, hạn mức thấp.

“Các NHTM quy mô nhỏ thường định giá tài sản thế chấp hạn mức cao hơn, thủ tục cho vay cũng đơn giản hơn các NH lớn như Vietcombank, Viettinbank… nhưng lãi suất vay cho vay cũng cao hơn. DN cần vốn để kinh doanh nên vẫn phải chấp nhận vay ở NH có lãi suất cao hơn, dù điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải cắt lãi của DN”, anh Thắng nói.

Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế diễn biến bình thường, các DN đã không còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, với nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ thì điều kiện để được ngân hàng cho vay vẫn chưa thể đáp ứng được.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (Ảnh: KT)

“Nhiều DN chưa thể đưa ra phương án kinh doanh khả thi, giảm thiểu rủi ro. Nhiều DN trước đây tập trung vào thị trường xuất khẩu, nhưng do dịch bệnh nên giao thương bị hạn chế, các DN phải chuyển sang tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, kinh doanh bị thu hẹp, đối tác bị hạn chế nên phương án kinh doanh của DN không đủ sức hấp dẫn cho ngân hàng giải ngân. Hơn nữa, không ít DN không còn tài sản đảm bảo do đã mang ra vay nợ trong thời gian trước, nên gặp khó với các khoản vay mới”, TS. Mạc Quốc Anh lý giải.

Cũng theo TS. Mạc Quốc Anh, tài sản đảm bảo của các DN còn đang bị định giá rẻ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như trước kia, DN vay vốn có thể được đối ứng 30 - 70 với ngân hàng, nghĩa là DN có tài sản đảm bảo đối ứng giá trị 30% khoản vay thì ngân hàng cho vay 70%, nhưng bây giờ khoản đối ứng đã lên 50 - 50, thậm chí xuống 70 - 30.

“Hiện các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay xuống mức rất thấp, chỉ 5 - 6%/năm, nhưng quan trọng là độ hấp thu của DN rất khó khăn. Tình trạng này xuất phát từ cả hai phía ngân hàng và DN. Các ngân hàng cũng là DN, cũng phải kinh doanh thu lợi nhuận, lấy kinh phí nuôi đội ngũ nhân viên, máy móc, chưa kể phải đảm bảo an toàn tài chính cho cả hệ thống. Nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì đại dịch, các ngân hàng tăng cường phòng tránh rủi ro cũng là điều khó tránh khỏi”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Cần nới điều kiện cho vay

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, việc tái bùng phát của đại dịch của Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khốn đốn. Trong giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của DN thì các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng. Bởi thông qua nguồn vốn đó có thể giúp DN có thể tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời để hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Còn theo ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vốn quyết định 45 - 50% sự thành công của DN, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế hiện nay, tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, nhưng cũng nhiều DN chưa vay được. Do đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị, Ngân hàng nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của DN nhỏ và vừa để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn.

“Các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng. Mặt khác, bản thân các DN nhỏ và vừa cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của DN trong quá trình vay vốn”, ông Tô Hoài Nam khuyến cáo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top