Aa

Thủ tướng chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân khi sửa đổi Luật Đất đai

Thứ Hai, 10/04/2023 - 15:25

Dự luật Đất đai và Nhà ở là hai dự án Luật rất quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nên việc sửa đổi, bổ sung là rất cấp bách.

Sáng 10/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2023. Phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với hai nội dung: Việc lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và trình Quốc hội; việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đây là hai dự án Luật rất quan trọng, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nên việc sửa đổi, bổ sung là rất cấp bách, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có nhiều vấn đề "nóng".

Cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của nhân dân

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung đánh giá việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, nổi lên những vấn đề như: quy định về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hằng năm; thẩm quyền thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất; trả tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất thương mại dịch vụ; một số trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất…

Nhìn chung, việc tổng hợp ý kiến nhân dân đã được thống kê đầy đủ, có số liệu rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương. Tính đến đầu tháng 4/2023, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến đối với dự thảo luật. Các nội dung tập trung vào 4 nhóm vướng mắc trên thực tiễn: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

luật đất đai, luật nhà ở, họp chuyên đề xây dựng pháp luật
Toàn cảnh phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai rất quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Quốc hội quyết định xem xét kỹ lưỡng thông qua trong 3 kỳ họp. Kỳ họp thứ 5 tới đây là lần thứ 2 Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật này.

Thủ tướng cũng nêu rõ, cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của nhân dân về dự án luật, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn hiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cần thiết tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả. Đồng thời, Thủ tướng lưu ý tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần; các vấn đề giải trình cần có căn cứ thuyết phục.

Trong bối cảnh đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nên các chính sách phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tránh giật cục. Do đó, với các nội dung còn ý kiến khác nhau, cần phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án trình cấp có thẩm quyền.

Đặc biệt, cần rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; hạn chế tăng chi phí tuân thủ thủ tục. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trước thực trạng nhiều khoảng trống pháp lý và chồng chéo đang cản trở hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật này với các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, không để có khoảng trống pháp lý. Việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần tham khảo, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, đặc thù của đất nước.

Các thiết kế chính sách cần tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Sau thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó có một số nội dung nổi bật: sở hữu nhà chung cư có thời hạn; quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang…

nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp
Thủ tướng yêu cầu các thiết kế chính sách cần tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
(Ảnh minh họa: Tuyết Lê/Vnexpress)

Thủ tướng đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cũng là vấn đề rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản "đang có nhiều vấn đề nóng" phải tiếp tục giải quyết từng bước. Các ý kiến của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung vào những nội dung quan trọng, phức tạp, có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội, cần được nghiên cứu cẩn thận. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình cụ thể.

Thủ tướng cũng lưu ý các thiết kế chính sách cần tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chọn lọc, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật. Đồng thời, chủ động truyền thông về các chính sách trong các dự thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án Luật theo phân công, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. 

Chiều 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà báo cáo một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau:

- Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến, chiếm 9,93%

- Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến

- Tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến

- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến

- Chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến

- Thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến

- Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến

- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến

"Việc tổng hợp ý kiến nhân dân đã được thống kê đầy đủ, có số liệu rõ ràng của các bộ, ngành, địa phương. Công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Cơ quan soạn thảo đã chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các bộ, ngành có nhiều nội dung quản lý liên quan đến lĩnh vực đất đai để nghiên cứu, tiếp thu", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top