Aa

Tiếp tục chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Nguyên Hà
Nguyên Hà
Thứ Sáu, 29/12/2023 - 16:37

Đây là một trong những giải pháp ngành nông nghiệp đặt ra để đạt được những mục tiêu tăng trưởng mới của năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Chiều ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức họp báo công bố Kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.

Ngành nông nghiệp khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản… Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ "tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành"; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) ước đạt 3,81% - mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu noogn lâm thủy sản năm 2023 đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.  Năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

“Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2023 là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Để đạt được những kết quả tích cực, ngành nông nghiệp đã nhất quán chuyển đổi mạnh từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương. Tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sáng tạo, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và bà con nông dân. Tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu đồng thời coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng… Phối hợp, đồng hành, tìm giải pháp kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch...

"Ngành nông nghiệp cũng đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống, an sinh của người dân” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nói thêm.

Tiếp tục chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Minh Đức.

Đẩy mạnh mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả

Năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được những mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng…

Trong đó, chú trọng kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

“Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh trong năm 2024", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top