Aa

Tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Hai, 19/07/2021 - 13:34

Động thái giảm thêm lãi suất của các ngân hàng sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại

Cuối tuần qua hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Agribank cho biết, từ ngày 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên tương ứng giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Tương tự Vietcombank vừa quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng của 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống... Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô khoảng 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.

Động thái giảm thêm lãi suất của các ngân hàng sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại
Động thái giảm thêm lãi suất của các ngân hàng sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại

BIDV cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Tổng nguồn lực BIDV dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 lên tới 6.100 tỷ đồng.

Không chỉ các NHTM Nhà nước, khối cổ phần cũng tích cực vào cuộc giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn MB cho biết sẽ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng cụ thể, lãi suất cho vay bình quân giảm toàn danh mục từ nay đến tháng 12/2021 là 1% tổng danh mục cho vay VND của nhà băng này. Ngân hàng này lên kế hoạch chi tiết về đợt giảm này. Dự kiến, với các khách hàng thuộc đối tượng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03 được giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3 - 4%/năm. Khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, ngành ưu tiên, khuyến khích tăng trưởng tín dụng của MB, NHNN được giảm 1,5%/năm lãi suất cho vay so với mức hiện tại. Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng cá nhân tại khu vực phía Nam cũng là khu vực diễn biến dịch bệnh phức tạp vay sản xuất kinh doanh và vay mua nhà để ở, có nguồn thu nhập từ lương giảm lãi suất 2%/năm so với mức hiện tại, còn các địa bàn khác cũng được giảm 1,5%/năm lãi suất vay.

Hay như TPBank cũng công bố sẽ giảm từ 0,5% - 1,2%/năm lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 26.300 tỷ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng nhận được xét giảm lãi suất 1%/năm… Tính đến thời điểm này đã có gần 10 ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19…

Như vậy, sau lời “hiệu triệu” của NHNN, các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Giới chuyên môn đánh giá đây là sự hỗ trợ thiết thực với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid -19 đang tác động nghiêm trọng tới doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập người dân. Theo TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, động thái đồng thuận giảm lãi suất tiếp tục thể hiện sự kiên định trong chính sách của NHNN từ đầu giai đoạn dịch đến giờ, đó là ngoài đảm bảo ổn định vĩ mô thì trong bối cảnh khó khăn hiện tại, hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trung tâm và cũng gắn với sự sống còn của các ngân hàng. “Trong bối cảnh khả năng cầm cự của doanh nghiệp ngày càng yếu đi do những khó khăn từ dịch bệnh, động thái giảm lãi suất có ý nghĩa hơn rất nhiều”. TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.

Là cơ quan được giao nhiệm vụ kêu gọi các TCTD đồng thuận giảm lãi suất cho vay, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước tín hiệu tích cực từ thị trường. Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng, sự khác biệt của đợt giảm lãi suất lần này so với lần trước đó là các ngân hàng triển khai quyết liệt và các chính sách đưa ra cụ thể hơn, công khai minh bạch từ thời điểm thực hiện đến các đối tượng được hưởng, mức giảm lãi suất cho vay tùy theo mức độ khó khăn của khách hàng...

“Tôi cho rằng, với cách làm này, TCTD sẽ xác định số tiền cụ thể giảm là bao nhiêu, bản thân khách hàng cũng xác định được số tiền mình được giảm như thế nào. Qua theo dõi trên bảng cân đối của các TCTD, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng nắm được các ngân hàng tình hình thực tế việc giảm lãi suất cho khách hàng đến đâu. Cho nên dù ban đầu đặt vấn đề kêu gọi hưởng ứng đồng thuận, nhưng với thể hiện bằng hành động và số liệu cụ thể của các TCTD, tôi nghĩ chắc chắn đợt giảm lãi suất lần này sẽ có kết quả cụ thể, tích cực hơn”, TS. Hùng bày tỏ kỳ vọng và cho biết thêm, căn cứ tình hình tài chính, các ngân hàng sẽ tự điều chỉnh mức giảm, tự phân loại khách hàng để giảm lãi suất. Tuy nhiên, Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD cam kết sẽ đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, giảm lãi cho đúng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm vượt quá khó khăn.

Dù đánh giá tích cực động thái các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng cũng lưu ý, không nên giảm lãi suất cào bằng cho tất cả các đối tượng, vì mức độ tác động dịch bệnh đến tình hình kinh doanh cũng như khả năng phục hồi của doanh nghiệp tại các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cũng rất khác nhau. Trong khi hiện tại các ngân hàng đang phải dành nguồn lực tài chính để dự phòng rủi ro nợ xấu nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. “Trên thực tế, việc giải cứu doanh nghiệp là quan trọng, nhưng đảm bảo an toàn hệ thống vẫn là ưu tiên số một”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Không phủ nhận việc giảm mạnh lãi suất cho vay góp phần giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp, tuy nhiên giới chuyên môn cho rằng, một mình hệ thống ngân hàng không thể hóa giải hết những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp, qua đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần phải kiểm soát tốt dịch đồng thời đẩy mạnh việc tiêm vắc xin mới sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế. Mặt khác, để tạo động lực cho các ngân hàng mạnh dạn giảm lãi suất cho vay, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, các cơ quan quản lý có thêm cơ chế hỗ trợ ngân hàng như giảm lãi suất tái cấp vốn, dự trữ bắt buộc, hay hỗ trợ về thuế...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top