Aa

Tiếp tục siết cho vay bất động sản

Thứ Tư, 04/08/2021 - 09:30

Nhiều ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay bất động sản do rủi ro từ lĩnh vực này được dự báo tiếp tục gia tăng trong những tháng cuối năm 2021.

Tại cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, cho thấy nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt dòng vốn vay đổ vào bất động sản (BĐS), chứng khoán.

Không mặn mà cho vay

Các ngân hàng thương mại dự báo nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng sẽ tiếp tục gia tăng từ nay đến cuối năm ở tất cả đối tượng, kỳ hạn và lĩnh vực (trừ lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch giảm do tác động của đại dịch).

Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, có tới 17 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết từ nay đến cuối năm dự kiến tiếp tục "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết nhóm khách hàng. Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh chứng khoán, tài chính, bảo hiểm… vẫn bị thắt chặt cho vay. Cụ thể, các điều khoản, điều kiện cho vay cũng sẽ được siết hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh BĐS, trong đó có cho vay bất động sản để ở.

Các dự án khu đô thị ở TP. Thủ Đức
Các dự án khu đô thị ở TP. Thủ Đức. (Ảnh: Phạm Đình)

Trước đó, NHNN cũng nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông…

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), từ 1 - 2 năm nay ngân hàng đã kiểm soát chặt dư nợ cho vay bất động sản. Hiện OCB chỉ giải ngân đối với những khách hàng cũ, là chủ đầu tư uy tín, có dự án chất lượng đi kèm điều kiện cho vay rõ ràng. Tỷ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ cũng ở mức thấp. Riêng với phân khúc khách hàng cá nhân, OCB giải ngân khi khách vay những dự án có tình trạng pháp lý, chủ đầu tư có năng lực.

Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), đại diện ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết, ngân hàng chỉ giải ngân đối với những dự án BĐS đã liên kết với ngân hàng, những doanh nghiệp có năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín. Với người vay mua nhà, Nam A Bank chỉ giải ngân với người vay mua nhà để ở tại những dự án BĐS có liên kết. "Chúng tôi đang tiếp tục xu hướng giảm lãi suất đầu vào để hạ chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn ưu tiên những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng không dồi dào như những năm trước, nên dòng vốn được tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên, thay vì BĐS" - đại diện ban lãnh đạo ngân hàng này nói.

Người mua nhà có thể bị ảnh hưởng

Trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đều khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều người đặt câu hỏi việc này sẽ thắt chặt cho vay BĐS ảnh hưởng thế nào tới người có nhu cầu mua nhà và thị trường BĐS sau khi đại dịch được kiểm soát?

Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng lãi suất cho vay BĐS sẽ có thể cao hơn một chút so với những lĩnh vực ưu tiên khác. Như hiện OCB đang cho khách hàng doanh nghiệp vay đầu tư dự án BĐS ngắn hạn với lãi suất khoảng 8% - 9%/năm; Nam A Bank cho khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn đầu tư BĐS khoảng 7,5% - 9%/năm; khách hàng cá nhân vay mua nhà khoảng 11%/năm…

Một chuyên gia kinh tế đánh giá trong xu hướng siết tín dụng chảy vào BĐS, người vay mua nhà để ở có thể bị ảnh hưởng. Bởi lãi suất cho vay có thể cao hơn và việc giải ngân sẽ khó hơn. Dù BĐS có thể là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp, nếu vay mua nhà để ở thường là người có nhu cầu thật sự nhưng trong bối cảnh dòng vốn được NHNN định hướng nắn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19, thì tín dụng BĐS bị siết là dễ hiểu. "Thời điểm này, thanh khoản của thị trường BĐS xuống thấp, giao dịch kém sôi động; trong khi những người vay vốn 10 - 15 - 20 năm mua nhà để ở đang có thu nhập sụt giảm trong đại dịch cũng ngày càng nhiều… Lúc này, các ngân hàng sẽ thẩm định chặt hơn như không vay cho các dự án đất nền ở xa, vùng ven hoặc thiếu tính pháp lý; tỷ lệ cho vay căn hộ thay vì 70% như trước có thể giảm xuống chỉ 50% đòi hỏi người vay mua nhà phải có tiền tích lũy nhiều hơn" - chuyên gia này phân tích.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp BĐS, việc ngân hàng siết tín dụng vào lĩnh vực này đã diễn ra từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang huy động vốn từ phát hành trái phiếu nên ít bị ảnh hưởng. Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 92.300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,36%/năm, thấp hơn 0,23 điểm % so với bình quân năm ngoái. Kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp giữ ở mức 3,8 năm. SSI dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động trong quý III từ cả phía cung và cầu do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế và mức lãi suất hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp được duy trì./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top