Tuân thủ 3 nhóm chính sách
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua: (i) Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; (ii) Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; (iii) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo hướng: (i) quy định đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng phù hợp với pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư; (ii) phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng; (iii) bổ sung nội dung thẩm định đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở; (iv) làm rõ việc thực hiện song song, đồng thời, liên thông các thủ tục liên quan trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để rút ngắn thời gian thẩm định; (v) quy định về thẩm quyền phê duyệt dự án phù hợp với từng loại nguồn vốn.
Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng quy định các hình thức quản lý dự án do người quyết định đầu tư xem xét quyết định theo quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, quy định rõ hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công khi người quyết định đầu tư được giao quản lý nhiều dự án đồng thời hoặc nối tiếp, liên tục nhằm khắc phục tình trạng các Bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng được triển khai vẫn phải thành lập Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực sẽ không hiệu quả và tăng biên chế.
Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo hướng: (i) làm rõ các bước thiết kế cần thẩm định, phê duyệt; (ii) giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng; (iii) đơn giản hóa thủ tục hành chính; tích hợp thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng vào bước cấp phép xây dựng đối với công trình sử dụng vốn khác.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp giấy phép xây dựng theo hướng: (i) rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cho phù hợp với yêu cầu quản lý; (ii) đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; (iii) tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh; (iv) rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo hướng hệ thống định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh) ban hành là cơ sở để chủ đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đối với dự án sử dụng vốn của DNNN, dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng đối tác công tư, chủ đầu tư căn cứ các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hệ thống định mức được ban hành để sử dụng, tham khảo trong xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Sửa đổi, bổ quy định về chứng chỉ hành nghề theo hướng: (i) lược bỏ một số đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề; (ii) bổ sung quy định tổ chức xã hội nghề nghiệp được cấp chứng chỉ của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng; (iii) quy định trách nhiệm đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng là của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề;
Sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc đầu tư xây dựng; phân loại, phân cấp công trình xây dựng, phân loại dự án đầu tư xây dựng; sử dụng VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; công trình khẩn cấp, công trình tạm; quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng; phá dỡ công trình; an toàn trong thi công xây dựng công trình; bàn giao quản lý hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Điều chỉnh từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng
Theo Bộ Xây dựng, nhằm bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 đã điều chỉnh các hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng, giai đoạn thực hiện dự án đến giai đoạn hoàn thành đưa vào vận hành khai thác, do đó có liên quan đến pháp luật về quy hoạch, đầu tư, và pháp luật chuyên ngành về đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường, an toàn lao động,…
Tập trung vào các vấn đề cấp bách, cần giải quyết tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột với các luật hiện hành liên quan. Theo đó, cơ quan soạn thảo đã chủ động rà soát, sửa đổi các quy định tại Luật Xây dựng 2014 để đảm bảo đồng bộ với pháp luật liên quan như: Sửa đổi, bổ sung về phân loại dự án theo nguồn vốn để phù hợp với Luật Đầu tư công và các pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung về đối tượng có yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phù hợp với Luật Đầu tư công 2019 và Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (vừa được Quốc hội thông qua cùng kỳ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng); sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đang trình Quốc hội cho ý kiến), Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Cấp phép xây dựng công trình giảm xuống còn 20 ngày
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 quy định về thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng phân tích nội dung, trách nhiệm của các chủ thể (người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng trong thẩm định dự án, thiết kế). Theo đó, rút gọn nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm thời gian thẩm định dự án, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, vốn khác không thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng mà giao chủ đầu tư tự thẩm định trên cơ sở kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn, chỉ thực hiện xem xét một số nội dung của thẩm định tại bước cấp phép xây dựng; Quy định về nguyên tắc thực hiện song song, đồng thời các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm định dự án, thiết kế.
Việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính thể hiện thông qua việc tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở với việc cấp phép xây dựng, giảm tổng thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình từ 70 ngày (40 ngày thẩm định thiết kế + 30 ngày cấp phép xây dựng) xuống 20 ngày (chỉ cấp phép xây dựng) đối với công trình cấp I, từ 60 ngày xuống 20 ngày với công trình cấp II, III.
Quy định về cấp phép xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo hướng rà soát đối tượng công trình được miễn giấy phép xây dựng cho phù hợp với việc tích hợp nêu trên, mở rộng đối tượng công trình được cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, đơn giản hóa điều kiện, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt của Bộ Xây dựng cho UBND cấp tỉnh, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng, sửa đổi, bổ sung điều kiện khởi công xây dựng công trình, thống nhất quy định về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.
Về quản lý năng lực hoạt động xây dựng, bỏ yêu cầu cá nhân hành nghề an toàn lao động, cá nhân tham gia quản lý dự án, kiểm định xây dựng, định giá xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định; quy định trách nhiệm đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng là của cơ quan cấp chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề.
Toàn bộ các nội dung sửa đổi trong Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 không phát sinh thủ tục hành chính, sửa đổi theo hướng giảm bớt đối tượng phải thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện, góp phần giảm chi phí tuân thủ thực hiện thủ tục hành chính và các chi phí liên quan. Bộ Xây dựng đã thực hiện báo cáo đánh giá thủ tục hành chính, tỷ lệ cắt giảm chi phí cho các thủ tục như: thẩm định dự án/thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng 39,83%, tích hợp thẩm định thiết kế và miễn phép xây dựng 43,65%, cấp phép xây dựng 17,62%.
Bên cạnh đó, các nội dung sửa đổi vẫn đảm bảo nguyên tắc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Hiện, Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đảm bảo hiệu lực thi hành Luật.