Trưa 15-3, trao đổi với PV, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, tiêu bản cụ rùa hồ Gươm đã được đưa vào đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) để lưu và trưng bày phục vụ du khách tham quan.
Tiêu bản cụ rùa hồ Gươm được đưa vào đền Ngọc Sơn để lưu giữ và trưng bày. |
“Lúc cụ rùa chết (năm 2016) đã được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xử lý kỹ thuật, nghiên cứu và bảo quản lâu dài. Ngày mai (16-3), Viện Hàn lâm sẽ làm công tác bàn giao cho UBND TP trưng bày tại đền Ngọc Sơn”, ông Động thông tin.
Sáng cùng ngày, theo ghi nhận của PV, cụ rùa được đặt trưng bày trong lồng kính ở vị trí trang trọng bên gian trái của đền thờ Ngọc Sơn cùng với cá thể rùa chết năm 2010. Cụ rùa mới được trưng bày màu sắc tự nhiên như thời còn đang sống.
Đầu năm 2016, cụ rùa hồ Gươm chết và được đưa về Bảo tàng Thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xử lý kỹ thuật, nghiên cứu và bảo quản lâu dài. |
Trước đó, năm 2011, cụ rùa hồ Gươm được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trên thân trong hơn ba tháng. Sau đó, cụ rùa được trả về môi trường trong hồ, nơi người ta đã thả nhiều cá để làm thức ăn. Khi đó, cụ rùa có chiều dài toàn thân là 185 cm, chiều rộng mai 100cm, chiều dài đuôi là 35cm, nặng 169 kg.
Cá thể rùa đã chết năm 2010 và hiện được trưng bày ở đền Ngọc Sơn dài 1,2m, nặng 52kg và là rùa mai mềm.
Cá thể rùa đã chết năm 2010 và hiện được trưng bày ở đền Ngọc Sơn dài 1,2 m, nặng 52 kg và là rùa mai mềm. |
20 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, phó giáo sư Hà Đình Đức đề nghị thành phố Hà Nội trình lên Thủ tướng ra quyết định công nhận rùa hồ Gươm, tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa hồ Gươm ở bảo tàng là bảo vật quốc gia.
Công Phương