Aa

“Tiêu diệt” giải ngân trực tiếp, thị trường tín dụng tiêu dùng “méo mó hơn”?

Thứ Sáu, 12/04/2019 - 07:02

Nếu hạn chế giải ngân trực tiếp, vì bị bó hẹp về tài chính, các công ty tài chính có thể sẽ lách luật, tìm hướng đi khác.

Trong khi đó, với nhu cầu đang dạng và có thật trên thị trường, khách hàng hoặc sẽ tìm cách để lách luật, hoặc tìm đến “tín dụng đen”. Tất cả những trường hợp trên nếu xảy ra, thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ trở nên “méo mó hơn”.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC). Theo dự thảo Thông tư nêu rõ, CTTC giải ngân cho vay tiêu dùng theo 2 hình thức: Một là giải ngân thông qua bên thụ hưởng (ở đây là bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ), hai là giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.

Liên quan đến giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, điểm mới của Thông tư đưa ra đó là chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Và tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Mặc dù ủng hộ động thái quan tâm của NHNN đối với hoạt động của các CTTC thời gian qua nhưng với quy định này, giới chuyên gia tài chính - ngân hàng đã đồng loạt lên tiếng cho rằng, thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ trở nên “méo mó hơn” khi chỉ giải ngân cho “khách hàng đã và đang” thì đồng nghĩa, CTTC không thể mở rộng được khách hàng mới.

Các CTTC chỉ được phát triển lượng khách hàng mới thông qua kênh mua bán trả góp, tức là phải thông qua một bên thụ hưởng có vai trò làm cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Số lượng khách hàng của CTTC có nguy cơ sẽ giảm vì điều kiện cho vay còn liên quan tới cả phần nợ xấu.

Không “đánh” trúng nhu cầu và tâm lý khách hàng

Tâm lý của khách hàng đều thích tiền mặt vì tính thuận tiện nhưng quy định của Thông tư đã đẩy họ vào tình trạng hạn chế nhu cầu. Hàng hóa là một sản phẩm cụ thể trong khi nhu cầu của khách hàng lại quá nhiều. Họ không thể lúc nào cũng lựa chọn phải mua 1 hàng hóa nào đó để được CTTC hỗ trợ.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Vũ Đình Ánh, quy định tại dự thảo đang gắn nhu cầu tiêu dùng đối với một loại hàng hóa cụ thể mà không tính tới câu chuyện nhu cầu tiêu dùng của con người rất đa dạng. Khách hàng phải mua hàng mới được CTTC hỗ trợ là điều không hợp lý.

Nhất trí với phân tích trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc phân biệt hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng sẽ gây ra trở ngại đối với những khoản vay nhỏ, nhưng số lượng mục đích sử dụng của khách hàng không hề nhỏ.

“Khi đó, thủ tục hành chính, chi phí hồ sơ, việc chứng minh mục đích sử dụng vốn sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Thậm chí sẽ đẩy chi phí vay lên cao hơn hoặc thậm chí, khách hàng sẽ không thể tiếp cận được với CTTC. Phải nhìn nhận rằng, người tiêu dùng có quyền sử dụng tiền vay theo mục đích vay”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Ông Nghĩa cũng lấy ví dụ như vay tiêu dùng 30 triệu đồng, người tiêu dùng có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như mua sắm trang thiết bị, tài trợ cho con đi học, thậm chí là khám sức khỏe, chữa bệnh… mà mất nhiều thủ tục chứng minh mục đích sử dụng để được giải ngân thì đến khi vay được mọi chuyện đã lỡ rồi.

Hoặc như trường hợp ở những vùng quê, miền núi xa xôi, khi vay tiêu dùng để đóng góp quỹ cho địa phương, hoặc trường hợp cưới xin, ma chay… sẽ cần giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nhưng lại bị giới hạn tỷ lệ giải ngân trực tiếp; hoặc để giải ngân thông qua bên thụ hưởng sẽ vô cùng phức tạp, thậm chí, chưa chắc bên thụ hưởng đã có tài khoản để có thể nhận tiền.

“Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, phần lớn người nghèo đều không có tài khoản ngân hàng. Và không quen với giao dịch bằng tài khoản, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Vậy cho nên, quy định như dư thảo chưa phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa tiếp tục chỉ ra những bất cập của dự thảo.

Tạo cơ hội cho “lách luật”

Từ việc không xác định đúng nhu cầu và tâm lý khách hàng, việc phân biệt hình thức giải ngân như dự thảo có thể trở thành kẽ hở cho những đối tượng xấu lợi dụng và trục lợi.

Ví dụ, trường hợp khách hàng muốn nhận tiền trực tiếp để tiêu dùng theo nhu cầu của họ, có thể móc nối với các đơn vị trung gian cung ứng hàng hóa, dịch vụ để làm hồ sơ, chứng minh mục đích vay vốn và được giải ngân qua bên thụ hưởng. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận tiền, bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ chuyển lại tiền cho khách hàng và nhận phí hoa hồng từ khách hàng.

“Như vậy, vô hình chung khách hàng sẽ phải chịu phí hai lần, vừa phải trả tiền đã vay kèm lãi suất cho CTTC, vừa phải trả tiền hoa hồng cho bên cung ứng hàng hóa, nhưng thực chất, mục đích sử dụng cũng đã thay đổi. Việc lách luật này hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế và người chịu thiệt lớn nhất chính là khách hàng có nhu cầu vay. Trong bối cảnh “tín dụng đen” đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc hạn chế này sẽ đẩy khách hàng tìm đến loại hình tín dụng phi chính thức này nhiều hơn, bởi nhu cầu tiêu dùng cao và có thật trên thị trường”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cũng khẳng định, quy định hạn chế giải ngân trực tiếp sẽ bó buộc các CTTC đặc biệt là các CTTC nhỏ, mới thành lập. Hoạt động mở rộng hình thức cho vay tiêu dùng sẽ bị hạn chế.

Do đó, thị trường TCTD chắc chắn sẽ bị chững lại khi Thông tư có hiệu lực. Và khi đó, những hệ lụy xảy ra là điều tất yếu.

“Vì bị bó hẹp về tài chính, các CTTC sẽ có thể lách luật, tìm hướng đi khác. Họ có thể thu hep hoạt động và chuyển sang hình thức khác”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu dự thảo này chính thức có hiệu lực thì quy mô hoạt động của các CTTC sẽ bị thu hẹp mạnh. Vì khách hàng mới thì khó tiếp cận mà khách hàng đã và đang vay không phải đối tượng nào cũng được duyệt cho vay vì còn liên quan tới lịch sử trả nợ. Thực tế, ngay cả phân loại nợ xấu, có tới 5 nhóm, trong đó nhóm 5 là mất hẳn khả năng thanh toán và nhóm 3, nhóm 4 là có thể trả chậm. Nhưng họ có thể trả chậm vì một lý do nào đó thì sẽ phân loại họ ra sao để giải ngân trực tiếp.

Ngoài ra, theo TS. Vũ Đình Ánh, nếu chiếu theo quy định tại dự thảo, rõ ràng các CTTC sẽ phát triển “thiếu toàn diện”.

“Có thể ví CTTC như một cơ thể đang phát triển nhưng một cánh tay thuận bị teo lại. Hay như những công ty mới chào đời, chưa có tập “khách hàng đã và đang” thì rõ ràng khó có thể phát triển. Có khác nào, việc hạn chế giải ngân trực tiếp đang chặn đứng con đường phát triển của doanh nghiệp, từ một cánh cửa rộng phải dồn vào ngách đi hẹp. Khi thị trường chỉ xuất hiện ít các CTTC thì sự lựa chọn của khách hàng sẽ thấp. Họ buộc phải vay tại các CTTC mà có thể lãi suất cho vay cao”, chuyên gia này phân tích.

Bên cạnh đó, khó đạt được mục tiêu kỳ vọng, khi cho vay tiêu dùng phát triển sẽ góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Bởi “tín dụng đen” là hình thức vay tiền không cần thông qua cách mua hàng hóa và trả góp. Nhưng theo các chuyên gia, khi một doanh nghiệp bị bó buộc kênh giải ngân trực tiếp thì đồng nghĩa “tín dụng đen” khó bị đẩy lùi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top