Aa

Siết cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính, bỏ ngỏ ngân hàng?

Thứ Năm, 04/04/2019 - 06:31

Theo Dự thảo Thông tư 43, công ty tài chính sẽ phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (sau đây gọi tắt là dự thảo).

Theo đó, dự thảo quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Đồng thời, công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Lý do là vì, theo NHNN, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.

Động thái trên của NHNN, xét trên khía cạnh quản lý rủi ro, là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, tác động của động thái này đến những lĩnh vực, khía cạnh khác mới là điều đáng nói.

Theo Dự thảo Thông tư 43, công ty tài chính sẽ phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Theo Dự thảo Thông tư 43, công ty tài chính sẽ phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.

Thứ nhất, và có ý nghĩa rất quan trọng, động thái trên có thể cản trở mục tiêu dùng tín dụng chính thức để đẩy lùi tín dụng đen mà chính NHNN đang nỗ lực thúc đẩy, thông qua những giải pháp mà một trong số đó chính là việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen ở các địa bàn này.

Cần lưu ý là người vướng vào tín dụng đen thường là người có nhu cầu vay tiền mặt ngay, chứ không phải là người vay tiền để mua hàng hóa và dịch vụ (vay mua trả góp, vay qua thẻ tín dụng v.v...) nên nếu siết lại việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của công ty tài chính thì người dân càng buộc phải "trông chờ" vào tín dụng đen để giải quyết nhu cầu vay nóng cấp bách của họ.

Nói cách khác, ở đây đã có sự mâu thuẫn. Nếu NHNN siết việc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thì chủ trương chống tín dụng đen của NHNN sẽ càng khó thành hiện thực, vì NHNN đã tự hạn chế sự phát triển của một công cụ có thể nói là chủ yếu để chống tín dụng đen trong khi chỉ còn công cụ đáng kể khác là tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, dự thảo quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu. Quy định này càng hạn chế hơn nữa vai trò của công ty tài chính trong việc chống tín dụng đen.

Những người đã phải tìm đến tín dụng đen thường là những người không thể tiếp cận được ngân hàng hay thậm chí là công ty tài chính. Như vậy, người có nhu cầu vay tín dụng đen thường hoặc không phải là khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính, hoặc không có lịch sử tín dụng tốt, hoặc có nợ xấu.

Do đó, nếu NHNN buộc công ty tài chính loại bỏ những đối tượng vay tiềm năng này thì rõ ràng là họ chỉ còn cách tiếp cận tín dụng đen (dù, xin nhấn mạnh lại, việc loại bỏ này là hoàn toàn hợp lý từ góc độ quản lý rủi ro).

Thứ ba, nói về tín dụng ngân hàng, NHNN cũng đã có chủ trương dùng tín dụng ngân hàng để chống tín dụng đen, bằng những giải pháp như nâng gấp đôi hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm với khách hàng cá nhân, hộ gia đình (lên tới 200 triệu đồng); yêu cầu tổ chức tín dụng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng.

Điều đáng nói là với cùng một logic như áp dụng trong dự thảo với công ty tài chính, việc ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp, cho vay không có tài sản đảm bảo sẽ là rất rủi ro (rủi ro thậm chí không khác gì so với việc công ty tài chính cho vay tiêu dùng), nên việc này cũng cần bị hạn chế, ít nhất thì cũng ở việc quy định tổng dư nợ cho vay của ngân hàng với khách hàng vay không có tài sản bảo đảm không được vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của ngân hàng đó (mặc dù, trên thực tế, hạn mức này sẽ hiếm khi bị vi phạm vì có thể ngân hàng sẽ không mặn mà cho vay tín chấp, không tài sản bảo đảm).

Cuối cùng, cũng tương tự như với công ty tài chính, để hạn chế rủi ro cho ngân hàng nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung thì NHNN cần phải quy định ngân hàng chỉ được cho vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm với khách hàng đã và đang là khách hàng tại ngân hàng đó, có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu.

Tóm lại, NHNN cần nhất quán và có mục tiêu cụ thể trong 2 mục tiêu có xung đột là bảo đảm an toàn hệ thống tài chính tiền tệ và chống tín dụng đen.

Và nếu thấy yêu cầu bổ sung nêu trên với ngân hàng trong việc cho vay tín chấp, không tài sản bảo đảm, là quá ràng buộc, quá chặt chẽ và không cần thiết thì phải chăng sự thay đổi như trong dự thảo cũng là không cần thiết?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top