Aa

Tìm cơ chế tạo chuyển biến về nhà ở xã hội

Thứ Tư, 07/12/2016 - 15:52

Thủ tướng cho rằng, nếu các địa phương quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp thì hoàn toàn có thể làm tốt công tác phát triển nhà ở xã hội

Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tìm cơ chế để làm nhà ở xã hội

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân các khu đô thị tại các địa phương vẫn chậm dù đã có nhiều cơ chế chính sách. Đến nay cả nước đưa vào sử dụng 3,7 triệu mét vuông nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị và khu công nghiệp, giải quyết chỗ ở cho 500.000 người. Tuy vậy, nhu cầu nhà ở xã hội còn rất lớn, nhất là người nghèo, công nhân các khu công nghiệp.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng cho biết, như lời dạy của Bác Hồ, có 4 việc quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại cần phải đặc biệt quan tâm. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi rõ, người dân có quyền có nhà ở và có chính sách hỗ trợ để phát triển nhà ở.

Cụ thể hóa những vấn đề này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII có ghi: Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát triển nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên. Chính phủ đã có Chiến lược quốc gia về nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà làm Phó Trưởng Ban Thường trực.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Tôi nói những vấn đề trên để thấy rằng chúng ta thực hiện nghiêm túc những vấn đề về mặt thực tiễn và cơ sở pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, Hội nghị toàn quốc hôm nay sẽ bàn về những vấn đề, những công việc gì trong chỉ đạo thực hiện, những mô hình nào đã làm tốt, cần nhân rộng trong phạm vi cả nước. Đặc biệt, có những cơ chế chính sách nào để các đơn vị có chức năng có thể làm nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, công nhân.

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi gần đây, qua thông tin báo chí, được biết nhiều chủ đầu tư, với sự hỗ trợ của địa phương, đã tung ra gói nhà ở xã hội rất lớn, tới 300.000 căn, giá cả hấp dẫn và thu hút nhiều người mua.

“Còn nhiều nơi ở miền Nam, miền Trung, miền Tây Nam Bộ, ở mọi miền Tổ quốc có thể làm được như thế không”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng hoàn toàn có thể làm được, nếu như các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương quan tâm, có cơ chế phù hợp để tổ chức xây dựng nhà ở xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị nhằm rút ra cách làm, cơ chế cần thiết để làm nhà ở xã hội ở mọi miền Tổ quốc, chứ không chỉ ở Hà Nội.

Những khó khăn, vướng mắc

Báo cáo Thủ tướng về kết quả tóm tắt việc thực hiện và các khó khăn vướng mắc khi thực hiện chương trình NƠXH, nhà ở cho công nhân thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong các dự án trên, khu đô thị (KĐT) Đặng Xá, huyện Gia Lâm (giai đoạn 1 có quy mô 29,65ha, giai đoạn 2 có quy mô 39,2ha, với 3.483 căn hộ) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư, có vị trí thuận lợi gần các khu, cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, gia bán từ 8,8 đến 9,8 triệu đồng/m2, phù hợp với khả năng tài chính người thu nhập thấp, được TP, Bộ Xây dựng đánh giá là mô hình NƠXH tập trung kiểu mẫu, chất lượng cao cần được nghiên cứu nhân rộng.

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có 40 dự án đang triển khai, với khoảng hơn 3,2 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó có 6 dự án nhà ở công nhân, với khoảng hơn 449.000m2 sàn xây dựng.

Được Thành ủy Hà Nội đồng ý về chủ trương, tháng 7/2016 UBND TP đã triển khai chuẩn bị đầu tư phát triển NƠXH theo mô hình mới đó là giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô 249,87ha, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối giao thông thuận tiện với các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại. Cụ thể, 2 khu NƠXH tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, diện tích khoảng 39,23ha và 34ha; Khu NƠXH tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 39,12ha; Khu NƠXH tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh trì, diện tích khoảng 41,52ha; khu NƠXH tập trung xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với quy mô 96ha.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, UBND TP sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng 1,5 triệu m2 NƠXH cho TP để giải quyết nhà ở cho Nhân dân Thủ đô, CBCNV của TP, các cơ quan của T.Ư và lực lượng vũ trang trên địa bàn TP.

Về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phát triển đối với NƠXH nói chung, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đầu tiên là về quỹ đất. Quy định dành 20% diện tích đất ở tại các dự án nhà ở thương mại (quy mô trên 10ha) để phát triển NƠXH đã tạo ra các khu nằm rải rác trong dự án nhà ở thương mại, gây áp lực về quy mô dân số (do diện tích căn hộ nhỏ), phát sinh bất cập trong việc quản lý và thu phí dịch vụ của khu đô thị.

Trong khu đô thị, NƠXH được quy hoạch vào một khu, có suất đầu tư thấp hơn (do khống chế về giá bán) nên tạo ra một khu đô thị có chất lượng không đồng đều. Mặt khác, việc triển khai xây dựng NƠXH tại quỹ đất 20% phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT), hạ tầng xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nên tiến độ thực hiện thường chậm.

Khó khăn nữa là do không thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà bị khống chế nên tại một số dự án NƠXH (nhất là các dự án nhỏ lẻ) nhưng có lợi thế về vị trí, thương mại cao, giá NƠXH có chênh lệch lớn so với nhà ở thương mại cùng khu vực dẫn phức tạp trong việc bán nhà, quản lý đối tượng mua nhà.

Bên cạnh đó, khó khăn về vốn, việc đầu tư xây dựng HTKT ngoài hàng rào dự án NƠXH chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước nên gặp khó khăn về nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư, Ngân hàng chính sách xã hội đã có hướng dẫn về hỗ trợ vốn vay nhưng nguồn vốn để cho vay chưa có nên chưa triển khai. Tại một số dự án có trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước để trục lợi như mua bán, đục thông 2 căn hộ liền nhau, cho thuê lại... Chủ đầu tư, Nhà nước khó khăn trong việc quản lý, giám sát việc sử dụng, chấm dứt hợp đồng với các trường hợp sử dụng nhà không đúng mục đích.

Đối với nhà ở công nhân, tỷ lệ lấp đầy tại đây thấp do thói quen một bộ phận công nhân muốn ở trong khu dân cư liền kề để giảm chi phí sinh hoạt. Các dự án nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu phục vụ cho các công nhân độc thân chưa lập gia đình (phòng ở tập thể mỗi phòng từ 8 đến 24 người), sau khi lập gia đình căn hộ trên không phù hợp dẫn đến bất cập về mô hình đầu tư. Các dự án nhà ở công nhân cho thuê nên thu hồi vốn chậm (15 năm), chưa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top