Aa

Tìm giải pháp tối ưu cho Tòa nhà số 8B Lê Trực, Kỳ 1: Càng để lâu càng dở!

Thứ Sáu, 10/02/2017 - 07:11

Tính đến nay đã ngót 20 tháng trôi qua kể từ khi vụ việc vi phạm của dự án Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) được các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và bắt tay vào xử lý.

Cứ ngỡ khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, sự việc sẽ nhanh chóng đâu vào đấy, bởi đây nào có phải là dự án lớn lao, mà cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến quốc kế dân sinh. Nhưng đến nay, mọi việc vẫn còn dang dở, tựa như một “khối u” trong lĩnh vực thực thi pháp lý, cắt mãi không được.

Thế nên có chuyện để bàn.

Điều đầu tiên cần phải khẳng định rằng, căn bệnh “nhờn phép nước” trong lĩnh vực quản lý xây dựng đang lan tràn khắp nơi, không chỉ từ người dân, từ các nhà đầu tư mà còn ngay trong nội tại của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này.

Tòa nhà 8B Lê Trực

Tòa nhà 8B Lê Trực

Căn bệnh ấy không chỉ gây nên nhiều bức xúc trong cuộc sống xã hội, làm tổn hại không nhỏ đến “cái uy” của bộ máy Nhà nước các cấp mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tệ nạn tham nhũng hoành hành...

Những vi phạm của dự án Tòa nhà 8B Lê Trực rất rõ ràng, có thể gọi tên được, đo đếm được, được đánh giá là vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc khu vực, về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng.

Cụ thể, về chiều cao công trình, theo Giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19; tổng chiều cao thực tế khoảng 69m (vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng).

Về khối tích công trình, thiết kế tòa nhà được phê duyệt dạng giật cấp. Cấp công trình thứ nhất, phía đường Lê Trực có tầng cao 15 tầng với chiều cao là 44m; cấp công trình thứ 2 có khoảng lùi 15-17m về hướng Tây cao 50m. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện giật cấp, vì thế, diện tích sàn đã xây dựng tăng khoảng 6.126 m2 so với giấy phép xây dựng là 29.874 m2.

Đến nay, sau ngót 20 tháng cùng nỗ lực của rất nhiều cấp có thẩm quyền, tầng 19 của dự án đã được dỡ bỏ hoàn toàn vào tháng 9/2016. Điều bất ngờ xảy ra, 3 tháng sau đó, mọi con đường đã “tắc tịt” khi tiến hành giai đoạn 2 trong việc xử lý vi phạm về không “giật cấp” theo giấy phép.

Thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc, đơn vị nhận trách nhiệm tháo dỡ phần vi phạm còn lại, Công ty đã có công văn đề nghị đơn vị thiết kế tòa nhà thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2, đồng thời xin sự đánh giá của các chuyên gia ngành xây dựng về kết cấu và kiến trúc của tòa nhà. Nếu thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 được đánh giá là tuyệt đối an toàn, trên cơ sở đó, Phương Bắc sẽ hoàn chỉnh biện pháp thi công, phá dỡ để trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt. Nhưng đến nay đã hơn 3 tháng mà đơn vị thiết kế vẫn chưa đưa ra được phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Là một doanh nghiệp, lẽ đương nhiên Phương Bắc không thể “há miệng chờ sung” một thời gian quá dài. Vì thế mới đây, họ cũng sẽ không dám mạo hiểm với “cuộc chơi vô tiền khoáng hậu” này và tỏ rõ quan điểm: “Chúng tôi nhận thấy việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành sẽ nguy cơ mất an toàn rất cao. Do vậy, Phương Bắc xin ý kiến đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực. Đồng thời, xin được tháo dỡ cẩu trục tháp và vận thăng lồng tại công trình do vị trí lắp đặt cẩu trục thuộc khu vực nhiều dân cư và giao thông đông đúc trên tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học, nếu không tiến hành tháo dỡ sẽ tiềm tàng nhiều rủi ro và mất an toàn cho người dân tham gia giao thông trên tuyến đường xung quanh cũng như sinh sống trong khu vực liền kề với tòa nhà”.

Cho dù là người dân thường cũng có thể nhận thấy rằng, cái “khối u” này càng để lâu càng dở. Một “tượng đài nhờn phép nước” sừng sững cả thời gian dài không cần thiết, một mối bất an ám ảnh trong cuộc sống của nhiều người dân, một sự lãng phí của cải xã hội…Vậy nên có giải pháp nào có tính khả thi nhất, ít đem lại hậu quả xấu nhất, để vừa có thể thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, lại vừa khiến tất cả các bên liên quan có thể chấp nhận được?


Kỳ sau: Bài học từ các cụ xưa để lại!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top