Aa

Tìm hướng phát triển mới cho bất động sản công nghiệp

Minh Minh
Minh Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 08/09/2020 - 06:00

Bất động sản công nghiệp vẫn đang được đánh giá là phân khúc có sức nóng trên thị trường bất động sản trong thời điểm hiện tại và cả sau khi dịch bệnh đi qua.

Với gói kích thích kinh tế trị giá 2,2 tỷ USD gần đây của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho việc chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc, 15 công ty Nhật Bản bao gồm Meiko Electronics, Nikkiso, Fujikin và Yamauchi đã đăng ký chuyển địa điểm sản xuất tới Việt Nam. 

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), 6/15 công ty trên là các công ty lớn, 9 công ty còn lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các công ty chủ yếu sản xuất thiết bị y tế, còn lại sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, điều hòa không khí và các mô-đun điện.

Theo các chuyên gia, bất động sản công nghiệp là phân khúc có nhiều cửa sáng trong việc thu hút đầu tư FDI, đón đầu làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển các khu công nghiệp của Việt Nam hiện tại, nếu không tìm hướng phát triển mới, bất động sản công nghiệp sẽ có thể bỏ cơ hội đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau dịch bệnh Covid-19.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc trong giai đoạn xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc. Điều này cho thấy, nguồn cung cho bất động sản công nghiệp đang thiếu hụt so với nhu cầu thực tế.

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp của Việt Nam đang rất hạn hẹp. Nếu muốn lấy đất mở rộng các khu công nghiệp cũng gặp các rào cản. Như được biết, có khu công nghiệp ở Bắc Ninh phải mất 10 năm mới hoàn thành thủ tục hạ tầng để cho thuê được.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp đã hạn chế, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt lại càng hạn chế hơn. Với hệ thống hạ tầng hiện tại, Việt Nam thực tế không thể đáp ứng được hết những yêu cầu của các ông lớn ngoại.

“Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 30 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển về nước này. Khi đó nếu Việt Nam không nhanh sẽ mất cơ hội như Thủ tướng đã nói dọn tổ cho đại bàng nhưng nếu không nhanh đại bàng sẽ bay mất”, ông Quang cảnh báo.

bđs công nghiep
Nhìn vào thực tế phát triển các khu công nghiệp của Việt Nam hiện tại, nếu không tìm hướng phát triển mới, bất động sản công nghiệp sẽ có thể bỏ cơ hội đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Do đó, bên cạnh việc gia tăng nguồn cung quỹ đất, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản công nghiệp cần xây dựng những cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, thông minh, kết hợp khu công nghiệp với khu đô thị để giải quyết bài toán nhà ở, an sinh xã hội cho người lao động và các chuyên gia làm việc trong khu công nghiệp. 

"Việc dịch chuyển của các tập đoàn sẽ mang theo số lượng chuyên gia lớn, cần có chỗ làm việc, ăn ở, sinh hoạt. Chuyên gia nước ngoài có mức sống cao, có đòi hỏi nhiều về hạ tầng tiện ích, nhà ở, dịch vụ. Do đó, Việt Nam sẽ chỉ thu hút được nhà đầu tư nếu có hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội tốt.

Bất động sản công nghiệp không thể đứng độc lập một mình mà nó phải đi cùng với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nữa mới có thể hướng đến đúng bản chất là động lực phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, bất động sản công nghiệp cần hướng đến giải quyết một số vấn đề được đặt ra như: đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Còn ông John Campbell - Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, công nghiệp 4.0 đang thu hút sự chú ý của các quốc gia trên toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Một chiến lược quốc gia, khung pháp lý phù hợp cho 4.0 và các chính sách có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và công nghiệp là điều cần thiết lúc này.

Đại diện CBRE cũng cho rằng,  xu hướng nhà xưởng 4.0 sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Hiện nay, một số doanh nghiệp đang triển khai nhà xưởng 4.0. Theo đó, khách hàng chỉ cần ngồi từ xa sử dụng công nghệ tham quan và thuê nhà xưởng. Sử dụng công nghệ sẽ giúp kết nối ngày càng tốt hơn giữa khách thuê và chủ đầu tư. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top