Aa

Tin bão số 4 và các chỉ đạo ứng phó

Thứ Sáu, 30/08/2019 - 13:56

Sáng sớm 30/8, vùng tâm bão số 4 đã đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở vùng biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10; trên đất liền ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9.

Dự báo vị trí và đường đi của bão số 4.

Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (100-250mm).

Hồi 1 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 4 giờ ngày 30/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Tây tỉnh Quảng Bình.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp một vùng áp thấp.

Đến 16 giờ ngày 30/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Lào - Thái Lan. Sức gió mạnh nhất gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị sáng nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị sáng nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo mưa lớn ở Bắc Bộ, Trung Bộ: Trong ngày 30/8, ở các tỉnh Trung Bộ còn có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/12h), từ đêm nay mưa giảm nhanh.

Từ nay đến ngày 2/9, ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to (100 - 200mm/đợt), riêng các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ mưa rất to (200 - 300mm/đợt);

Từ nay đến 1/9, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).

Cảnh báo mưa lớn ở Tây Nguyên, Nam Bộ: Hiện nay (30/8), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau đã có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (lượng mưa được tính từ 19h ngày 29/8 đến 1h ngày 30/8) như: Pleiku (Gia Lai) 19mm, Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) 21mm, EaKmat (Đắc Lắc) 29mm, Đắc Nông 26mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 57mm, Cát Tiên (Lâm Đồng) 133mm, Long Khánh (Đồng Nai) 35mm, Đồng Phú (Bình Phước) 35mm, Trà Nóc (Cần Thơ) 39mm, Rạch Giá (Kiên Giang) 82mm, Cà Mau 66mm, Bạc Liêu 43mm…

Dự báo, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ở khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau ngày hôm nay còn có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, đêm gió giảm dần; Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.

Từ nay đến ngày 1/9 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, Bắc Tây Nguyên có mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực:

- Các tỉnh Nam Bộ: 100-150mm;

- Các tỉnh Tây Nguyên: 150-250mm

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Lực lượng chức năng rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn.

Không được chủ quan

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện về việc triển khai ứng phó bão số 4.

Công điện nêu rõ, bão số 4 (tên quốc tế là Podul) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 đang tiếp tục di chuyển nhanh về vùng ven biển và đất liền nước ta và còn có khả năng mạnh thêm.

Dự báo, chiều tối ngày 30/8/2019, bão có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế và khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ; hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, cần đề phòng nguy cơ cao xảy lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp, trũng và ven biển.

Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão và mưa lũ do bão, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Chủ động cấm biển

1. Đối với trên biển:

- Tập trung rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch).

- Căn cứ diễn biến của bão, tình hình cụ thể tại địa phương quyết định thời điểm và tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định (đối với các tàu vận tải lớn thực hiện theo quy định của ngành giao thông vận tải) và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển.

- Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.

- Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.

Lực lượng chức năng hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.

Sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm

2. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị:

- Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

- Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

- Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

3. Đối với khu vực miền núi, trung du:

- Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

- Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ.

- Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn.

- Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống

4. Một số nhiệm vụ cụ thể:

- Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều,…

- Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Bộ Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao,…

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

- Các bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các địa phương triển khai ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp dân neo đậu tàu thuyền.

Bộ Công an chỉ đạo ứng phó bão số 4

Ngày 28/8/2019, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 17/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Công an các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Sơn La, Hòa Bình; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với bão số 4 (bão Podul) và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 4 và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão số 4 và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện số 16/CĐ-V01 ngày 27/8/2019 của Văn phòng Bộ Công an về việc ứng phó với diễn biến của bão Podul.

Công an Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa chạy bão.

3. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị: Phối hợp với lực lượng chức năng trong rà soát, chủ động sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên khu vực tập trung sau di dời khỏi vùng mặt nước của người dân làm nghề nuôi trồng thủy sản; phối hợp thuyết phục vận động di dời. Bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an ninh, an toàn cho nhân dân; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển; kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển tại các khu vực nguy hiểm.

4. Đối với khu vực miền núi, trung du: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn đảm bảo an ninh, trật tự.

5. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão theo đề nghị của địa phương.

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.2341042; Fax: 069.2341044).

Hàng ngàn tàu cá của ngư dân Nghệ An đã neo đậu an toàn.

Kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm

Ngày 27/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) - Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) ban hành Công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải.

Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, trong đó tập trung một số nội dung cấp bách: Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển và trên các đảo; đồng thời, rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, đê điều, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão để đảm bảo an toàn. Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra tình hình phòng, chống bão số 4.

Hoãn các cuộc họp không cần thiết, khẩn cấp ứng phó bão số 4

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa có công điện khẩn gửi các ban cán sự đảng, đảng đoàn; ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; trưởng các đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tại địa phương, cơ sở triển khai các nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 4.

Để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bão, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Ban Thường vụ Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu kịp thời triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, các địa phương, đơn vị hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 4 với phương châm “4 tại chỗ”.

Khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ tại Công điện khẩn số 12/CĐ-ƯBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên bà con nông dân, huy động lực lượng, phương tiện máy móc và nhân công thu hoạch nhanh nhất lúa hè thu, các loại cây ăn quả để tránh thiệt hại do mưa lũ với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ưu tiên thu hoạch những nơi có nguy cơ ngập úng cao, tiêu thoát nước khó khăn.

Thứ hai, bằng mọi biện pháp để thông tin kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão vào; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn, cấm biển không cho phương tiện ra khơi khi thời tiết còn diễn biến nguy hiểm.

Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động chằng néo nhà cửa, bảo vệ an toàn các cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản.

Người dân Hà Tĩnh chằng néo lồng bè nuôi trồng thủy sản ứng phó bão số 4.

Kiểm tra, rà soát cụ thể từng công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập, nhất là những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở để kịp thời có phương án bảo vệ công trình, nhất là các công trình đang triển khai thi công, bảo đảm an toàn tuyệt đối trước diễn biến của mưa, bão.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng, tùy theo tình hình diễn biến của bão số 4 để triển khai phương án sơ tán dân theo kịch bản đã được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà nước, nhân dân.

Thứ tư, Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh theo dõi thường xuyên diễn biến của bão; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các phương tiện thông tin để đưa tin về tình hình, diễn biến của bão đến các địa phương, các ngành và nhân dân được biết để chủ động phòng tránh.

Thứ năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị và Quân khu 4 để sẵn sàng ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Thứ sáu, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban, sở, ngành liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phương án phòng chống cơn bão số 4, chủ động xử lý, ứng cứu kịp thời hậu quả do bão gây ra.

Thứ bẩy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp và báo cáo thường xuyên về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo, xử lý.

Thứ tám, các đồng chí trưởng đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh phân công các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn, đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung công điện.

Không được chủ quan ứng phó với bão số 4.

BCĐ Trung ương về địa phương chỉ đạo chống bão

Ngày 29/8, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó bão số 4.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường cho biết, càng về gần bờ bão số 4 di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó, khu vực ảnh hưởng khu trú từ Nghệ An đến Quảng Bình, hẹp hơn so với dự báo ngày 28/8, tuy nhiên không được chủ quan, đặc biệt công tác dự báo cảnh báo.

Bên cạnh đó, tại khu vực đê biển Tây, do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam sẽ tác động đáng kể đến khu vực bờ biển Tây (các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau), rút kinh nghiệm ở cơn bão số 3, cần chú ý ứng phó với khu vực này.

Do tác động của sóng, tại các khu vực neo đậu, các địa phương cần tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để đảm bảo an toàn tàu thuyền; tuyệt đối không để người dân ở lại trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè.

Đối với dân cư vùng thấp trũng, vùng xung yếu, khu vực nguy hiểm cần tổ chức sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. Đặc biệt lưu ý tại đoạn sông Gianh, Quảng Bình. Theo dõi, cập nhật tình hình mưa để chuẩn bị công tác chỉ đạo ứng phó.

Các chiến sĩ công an chuẩn bị phương tiện ứng phó bão số 4.

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Bộ trưởng – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề nghị:

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng và địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tàu thuyền tiếp cận bờ an toàn.

Đối với 7 tàu chưa liên lạc được, yêu cầu địa phương phối hợp với Bộ đội biên phòng và đặc biệt là gia đình để tiếp cận, nắm thông tin để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Kiên quyết nhắc nhở, đảm bảo an toàn cho ngư dân và khách du lịch đặc biệt trong dịp nghỉ lễ.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa bão và chia sẻ thông tin để chủ động ứng phó bão.

Ngay sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo ứng phó với bão số 4 tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.

Kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Lãnh đạo các sở ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm triển khai ứng phó bão

Ngày 29/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND điện: Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh chỉ đạo ứng phó bão số 4.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện ven biển, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm (trên Biển Đông trong 24 giờ tới gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên: Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc) vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khởi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12 giờ 00 ngày 29/8/2019 cho đến khi bão tan.

Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã: Phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài. Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và khắc phục hậu quả. Có biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở những vùng thường ngập lụt; kiên quyết không để xảy ra chết, bị đói, rét người khi có bão, lũ.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm; khẩn trương tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình; nắm thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu đến nơi an toàn, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên ngập lụt sâu, trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, những vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; tập trung phương tiện, lực lượng thu hoạch cây trồng, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du.

Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão lũ, tổ chức ứng trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 4, kiểm tra rà soát hoàn thiện phương án phòng chống bão, lũ, đặc biệt ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở, vùng thường xuyên ngập sâu, hạ lưu các hồ chứa; kiểm tra, hoàn chỉnh và sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình giao thông, thủy lợi, công trình đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công, hệ thống điện, thông tin liên lạc và các công trình phòng chống lụt, bão khác để chủ động xử lý khi bão lũ xảy ra. Tổ chức chằng, chống kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở… và hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương khi cần thiết để cứu trợ người dân và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ để chủ động, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống do bão, lũ, lụt gây ra.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải có phương án điều tiết hoạt động giao thông trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các tuyến giao thông khác trên địa bàn, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ vào đất liền (trừ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão); đảm bảo an ninh trong công tác sơ tán dân; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo an toàn. Sở Giao thông vận tải đảm bảo giao thông đường bộ, đường thuỷ; chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời để khắc sự cố tại các tuyến giao thông.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường, các đơn vị trực thuộc tổ chức chằng chống trường học, công trình, chủ động cho học sinh nghỉ học, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trong lúc bão, lũ, lụt diễn ra.

Sở Công Thương chỉ đạo kiểm tra, có phương án bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, các hồ thuỷ điện trên địa bàn; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là những khu vực có khả năng bị chia cắt, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống.

Sở Thông tin - Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tổ chức, bố trí các lực lượng cố định và di động trực tại những khu vực bão, lũ, lụt để kịp thời xử lý đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Bình tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo và phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình và các phương tiện thông tin đại chúng khác để thông tin kịp thời diễn biến của bão, mưa, lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh căn cứ tình hình thực tế, tổ chức các đoàn công tác chỉ đạo kịp thời các địa bàn, các công trình trọng điểm của địa phương, các ngành; đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã các sở, ban, ngành, đơn vị triển khai công tác PCTT và TKCN, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh.

Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nêu trên.

Người dân hối hả gặt lúa chạy bão.

Thu hoạch nhanh nông sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”

Ngày 29/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung ứng phó với bão số 4 (bão Podul).

Để ứng phó có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các công việc sau:

Thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 13/CĐ-TWPCTT ngày 28/8/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc triển khai ứng phó với bão số 4.

Tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn, triển khai quyết liệt việc sắp xếp đảm bảo an toàn tàu thuyền tại các nơi neo đậu; Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho tàu và khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ.

Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng, khu vực ngập úng đô thị để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.

Các địa phương triển khai tổ chức thu hoạch nhanh lúa vụ Hè Thu 2019, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968, … chuẩn bị lực lượng, phương tiện thường trực để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Công an tỉnh triển khai lực lượng hướng dẫn giao thông, chốt chặn, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn,...

Các đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, triển khai các biện pháp an toàn hồ đập (đặc biệt là các hồ đập xung yếu, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công, các hồ thủy điện), tổ chức gia cố các vị trí đê, kè có nguy cơ mất an toàn (nếu có); bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý khi có sự cố, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Công ty Thủy điện Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, các địa phương, các chủ công trình hồ đập chủ động vận hành các công trình tiêu thoát nước, xả lũ theo đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình đang xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao, cầu, đường...

Các địa phương, đơn vị báo cáo kết quả triển khai công tác phòng, chống ứng phó bão số 4 (lưu ý công tác sơ tán dân) về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh trước 16h ngày 29/8/2019 để tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các Bộ, ngành Trung ương.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ, các hình thế thời tiết nguy hiểm khác, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động nắm bắt tình hình và báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) để chỉ đạo xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân ứng phó bão

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện hỏa tốc chỉ đạo ứng phó bão số 4.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top