Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10h ngày 19/8, vị trí tâm bão cơn bão số 4 ở vào khoảng 22,5 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 19/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 23,4 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây.
Từ ngày mai (20/8) đến ngày 22/8, ở khu vực Đông Bắc có mưa to (phổ biến 50 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt).
Từ chiều 20/8 đến ngày 22/8 ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt); các khu vực khác ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to (phổ biến 40 - 80mm/đợt).
Riêng khu vực Hà Nội, chiều và đêm nay (19/8), có lúc có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (thời gian mưa tập trung vào khoảng chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày mai (20/8) đến ngày 22/8, ở khu vực Đông Bắc có mưa to (phổ biến 50 - 150mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt). Từ chiều 20/8 đến ngày 22/8 ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to (phổ biến 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt).
Các khu vực khác ở đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to.
Do mưa lớn, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại, các sông ở Thanh Hóa và Tây Nguyên sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 - 6m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức trên báo động 3; sông Lô, thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 2 - báo động 3. Mực nước các sông thuộc hệ thống Thái Bình là sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam lên mức báo động 1 và trên báo động 1, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức báo động 1 - báo động 2, hạ lưu các sông chính ở dưới mức báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vựcBắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái,Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thanh Hóa và khu vực Tây Nguyên.
Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Lào Cai, Yên Bái (huyện Trấn Yên, Văn Yên, Thành phố Yên Bái), Phú Thọ (huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Thị xã Phú Thọ), Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Thành phố Vĩnh Yên, Thành phố Móng Cái, Thành phố Cẩm Phả, Thành phố Hạ Long, Thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, Gia Nghĩa, Đà Lạt, Bảo Lộc.