Aa

Tín dụng đang tăng trưởng chậm lại?

Thứ Hai, 02/10/2017 - 05:51

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến cuối tháng 9 tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 11,02%. Nhưng trước đó báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho thấy tín dụng cũng đã qua con số 11% ở 8 tháng đầu năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 11,76%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,08% (cùng kỳ năm 2016 tăng 12,02%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 11,02% (cùng kỳ năm trước tăng 10,46%). Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng tốt thể hiện xu hướng phát triển tích cực và khả năng hấp thụ vốn tương đối tốt của nền kinh tế.

Số liệu về huy động vốn lại cho thấy nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng đang tăng chậm hơn hẳn so với năm ngoái. Nhưng đứng trước mua kinh doanh cuối năm với dự đoán tín dụng sẽ tăng mạnh hơn nữa để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 21-22% mà Chính phủ kỳ vọng, các ngân hàng chắc chắn sẽ phải đẩy nhanh huy động vốn hơn nữa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài uy tín ngân hàng thì các mức lãi suất tiền gửi cũng đang được ngân hàng đưa ra khá cạnh tranh và đem lại nhiều lựa chọn cho người gửi tiền, trong đó lãi suất ngắn hạn đang được các ngân hàng đẩy tăng nhẹ so với vài tuần trước, lên mức cao nhất là 5,4-5,5%/năm (có thể kể đến như VIB, HDBank, Sacombank...).

Còn số liệu về tăng trưởng tín dụng cho thấy đà tăng trưởng dường như đang chậm lại đáng kể ở tháng 9. Bởi lẽ báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia công bố trước đó cho thấy hết tháng 8 tăng trưởng tín dụng đã vượt 11% (trong đó tín dụng tiền đồng tăng 11%, tín dụng ngoại tệ tăng 11,5%).

Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho biết, từ ngày 10/7/2017, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện các chính sách và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng giảm 0,5%/năm; đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm 0,5%-1%/năm.

Đồng thời các tổ chức tín dụng giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn 8%/năm; tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thị trường bảo hiểm 9 tháng duy trì mức tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng trên 22%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top