Aa

Tín dụng hâm nóng thị trường bất động sản Việt Nam

Thứ Năm, 21/12/2017 - 06:32

Đó là chia sẻ của TS. Trương Văn Phước, Q.Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tại buổi Giao lưu trực tuyến "Tăng trưởng ngoạn mục năm 2017, điều kỳ diệu sẽ tiếp tục trong năm 2018?" do Báo điện tử Trí Thức Trẻ phối hợp với Cafef tổ chức mới đây.

Suốt thời gian dài trong những tháng cuối cùng của năm 2017, nhiều đánh giá, dự báo đều chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3%, khó "chạm" mục tiêu 6,7%. Tuy nhiên, chỉ vài tuần trong quý IV, các chỉ số thực tế đã khiến mọi dự báo trước đó đều trở nên lạc hậu.

Nhận định về tình hình này, TS. Trương Văn Phước cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu, du lịch, nông nghiệp. Đóng góp không chỉ mang tính định lượng mà còn có nhiều chính sách của Chính phủ trong mấy năm trở lại đây đã thay đổi môi trường kinh doanh tốt đẹp hơn. Giai đoạn vừa qua cũng là thời điểm kinh tế thế giới gần qua hết khó khăn, cũng đóng góp tốt cho tăng trưởng của Việt Nam.

TS. Trương Văn Phước

TS. Trương Văn Phước

Về tăng trưởng tín dụng, dù được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh và đạt tỷ lệ trên 20% để thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế nhưng trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước tính không đạt mức 20 - 21% nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kế hoạch.

Phản hồi về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước cho rằng mong muốn tăng trưởng tín dụng trên 20% được đưa ra từ giữa năm, khi tăng trưởng GDP có khó khăn, lo ngại không đạt được 6,7%. Tín dụng có đóng góp cho tăng trưởng GDP nhưng không phải yếu tố quan trọng nhất. Dù tăng trưởng tín dụng không đạt 21%, nhưng trong năm 2017, ước tính tín dụng tăng khoảng 18,7 - 19,3% nhưng GDP vẫn đạt 6,7%, cho thấy tín dụng có đóng góp xứng đáng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng.

Theo ông Phước, không quan trọng tín dụng đạt bao nhiêu, mà vấn đề là chất lượng của dòng vốn tín dụng như thế nào. Thời gian qua có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn tín dụng vào chứng khoán và nhà đất quá nhiều. Nhưng vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế.

"Với tăng trưởng tín dụng 18 - 19% cùng với sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ", TS. Trương Văn Phước nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top