Aa

Tăng trưởng tín dụng lên 21%, chắc chắn sẽ chảy mạnh vào bất động sản?

Thứ Hai, 30/10/2017 - 06:00

Nhiều ý kiến trái chiều dự đoán về điểm dừng của dòng tiền trong những tháng cuối năm 2017. Trong đó đa phần cho rằng, dù nhiều rủi ro và cạm bẫy nhưng thị trường BĐS sẽ hút mạnh dòng tín dụng này. Tuy nhiên độ hấp thụ như thế nào còn tùy thuộc vào thị trường và cách điều khiển đường đi của dòng tiền từ phía ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%. 

Tiếp tục phản ánh ý kiến xung quanh vấn đề này, Reatimes có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Quang – Giám đốc quản lý tài sản và bất động sản của Jone Lang Lasalle Việt Nam. Ông Quang cho rằng, tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng là tin mừng ngắn hạn cho thị trường bất động sản, còn dài hạn phải phụ thuộc vào việc kiểm soát chất lượng các khoản vay của ngân hàng.

Nếu chạy theo tăng trưởng tín dụng, rất dễ dẫn tới việc ngân hàng có thể sẽ buông lỏng và giảm nhẹ việc kiểm soát rủi ro gói vay, điều này dễ tạo ra gánh nặng nợ xấu trong tương lai và như vậy sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Còn đối với thị trường bất động sản, ông Đặng Văn Quang cho rằng, thị trường bất động sản cuối năm vẫn tiếp tục sôi động, nguồn cung tương đối lớn, nguồn cầu tiếp tục tăng. "Tin vui cho thị trường từ giờ đến cuối năm là sẽ tiếp tục có thêm nguồn vốn. Dự báo, tín dụng bất động sản tiếp tục tập trung vào thị trường trung cấp. Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để giảm nợ xấu bất động sản và tránh lặp lại tình trạng bong bóng thị trường", ông Đặng Văn Quang chia sẻ. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định, chính sách siết chặt tín dụng bất động sản được tiến hành cùng lúc với chính sách nới lỏng tín dụng nên để đánh giá tác động của nó vào thị trường bất động sản chưa thật rõ. Bởi hiện tại, thị phần tín dụng cho bất động sản trong tổng dư nợ vẫn tăng.

"Thứ nữa, lần siết tín dụng này không đặt nặng siết tỷ lệ tuyệt đối mà nâng độ an toàn, nên tỷ trọng bao nhiêu không nặng mà tập trung vào việc dự trữ rủi ro bắt buộc. Giải pháp tài chính này buộc ngân hàng phải cân nhắc tới việc cho vay vì đánh trực tiếp vào lợi nhuận của ngân hàng. Do đó ngân hàng phải thực hiện nghiêm về chất lượng cho vay tín dụng bất động sản.

Chính sách siết chặt lần này không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng. Ví như các ngân hàng cho vay vào bất động sản nghỉ dưỡng lên tới 60% vốn đầu tư một dự án, điều này cho thấy tín dụng cho bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang khá rục rịch", TS. Nguyễn Minh Phong phân tích. 

Cũng theo ông Phong, nguồn tín dụng chảy vào bất động sản, hiện mới cho vay được 12%, phần còn lại không phải là dễ. Bởi các doanh nghiệp đầu năm đã vay để làm dự án, thời điểm cuối năm chủ yếu vay tiêu dùng, hoặc vay buôn bán. Do đó, đứng trước sức ép dành thị phần, tìm kiếm người vay thì đối tượng vay tốt nhất vẫn là chủ đầu tư các dự án bất động sản. Cho nên bất động sản dễ tiếp cận hơn. Hoặc dù cho vay tiêu dùng nhưng qua các liên kết chuỗi cuối cùng sẽ vào bất động sản.

Khác quan điểm, TS Đinh Thế Hiển lại cho rằng, mặc dù Chính phủ “bật đèn xanh” cung tiền, nhưng sẽ có ít khả năng xuất hiện nhiều tiền trong lưu thông. Bởi vì dòng tăng tín dụng, trước hết đổ phần lớn vào các công trình lớn của Nhà nước, sẽ được quay về ngân hàng bù cho thanh khoản số nợ xấu lớn đang bị chôn. Thứ hai, các ngân hàng thương mại sẽ khó giải ngân mạnh vì khó tìm được khách hàng đạt chuẩn. Đối với lĩnh vực quen biết, tin tưởng là bất động sản, thì ngân hàng cũng không giải ngân mạnh như các năm trước; đơn giản là vì khách hàng cá nhân đã bắt đầu lo ngại, không dám vay tiền mua bất động sản vì lo ngại giá sẽ không tăng.

Còn một lĩnh vực khác được cho rằng có khả năng hút dòng tín dụng là chứng khoán. Theo ông Hiển, lực tăng mạnh trong năm 2017, có vai trò lớn từ nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tục trong 8 tháng. Nhưng điều này có thể bị đảo chiều do họ nhận định một viễn cảnh xấu về lạm phát trong nhịp 3 – 6 tháng sau, khi mà nguồn cung tín dụng không tương ứng với hàng hóa được sản xuất ra; cũng như tỷ giá USD đang chực chờ tăng.

"Với các nhận định đó, cho dù Chính phủ có cung tiền mạnh trong giai đoạn cuối năm thì thị trường bất động sản và chứng khoán sẽ không được hưởng lợi như logic và quan sát các năm trước, mà nhiều khả năng còn bị ảnh hưởng tiêu cực, nhất là thị trường chứng khoán", ông Hiển nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top