Aa

Tín dụng: Lạc quan, nhưng vẫn phải thận trọng

Chủ Nhật, 31/01/2021 - 11:00

Tăng trưởng tín dụng năm 2021 được dự báo là sẽ tích cực hơn so với năm 2020 nhờ nhiều yếu tố: Tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp đã quay trở lại nhịp kinh doanh…

Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021.

TCTD cho biết sẽ tiếp tục tập trung cho vay vào những lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn bán lẻ, xuất nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống và xây dựng. Khảo sát cũng cho hay, các TCTD cũng dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất và các chi phí khác trong 6 tháng đầu năm nay để hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Tổng Giám đốc một NHTMCP cho biết, năm 2020 tín dụng ngân hàng này tăng 25%. Năm nay ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 30%. Để đạt mục tiêu trên, ngân hàng sẽ tiếp tục cải cách thủ tục; chủ động giảm lãi suất để cạnh tranh, giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên hiện đang tồn tại một thực tế đó là nhiều DN đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nên không còn khả năng đáp ứng đầy đủ quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng. Trước thực tế đó, các ngân hàng đã thực hiện nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng này và một số DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Thậm chí hiện nhiều ngân hàng đã chuyển sang cho vay dựa trên quản lý dòng tiền, thay vì yêu cầu tài sản thế chấp.

Tín dụng kỳ vọng sẽ tăng nhanh hơn khi nền kinh tế phục hồi

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu nợ vay có thể được hỗ trợ phần nào bởi lãi suất cho vay thấp và việc các ngân hàng có thể cân nhắc nới lỏng tiêu chuẩn cho vay về tương đương mức trước Covid-19 khi nhận thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt hơn của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi tốt, cho vay bán lẻ tiêu dùng, du lịch và thương mại quốc tế cải thiện, CTCK SSI dự báo, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng 13 - 14% trong năm nay.

Tại Chỉ thị 01 ban hành đầu năm, trên cơ sở bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, NHNN lượng hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, nhưng mục tiêu trên sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tuy nhiên, một trong lưu ý hàng đầu mà NHNN nhắc nhở các TCTD, đó là tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và phải kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lạc quan là vậy, song, mức độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới do độ mở kinh tế ngày càng lớn. Mà kinh tế thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp. Vì vậy, trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định.

Theo phản ánh của lãnh đạo nhiều ngân hàng, trước mắt các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; nông - thủy sản… Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, năm 2021 ngân hàng vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tín dụng tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu như DNNVV và sửa đổi một số sản phẩm như cho vay cầm cố bất động sản, cho vay kinh doanh hộ gia đình.

Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank Nguyễn Ánh Vân cũng chia sẻ, năm nay ngân hàng tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ và tập trung cho vay các sản phẩm đang là thế mạnh của ngân hàng như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...

“Đây là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, cho vay khá hiệu quả góp phần giúp cho ngân hàng có một năm kinh doanh khá thành công”, bà Vân nói thêm.

Với dự báo mức độ hồi phục của nền kinh tế được cải thiện trong năm 2021, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện tài chính cho rằng, khả năng tăng trưởng tín dụng đạt 12% như mục tiêu của NHNN đặt ra tại Chỉ thị 01 là hoàn toàn khả thi. Nhưng điều ông lưu ý nhất đối với các ngân hàng đó là phải quan tâm đến nợ xấu, đặc biệt là cho vay dưới chuẩn.

“Đúng là có một số ngành bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch như hàng không, vận tải... nên có thể xem xét cơ chế linh động, còn những lĩnh vực khác phải cân nhắc không nên cho vay dưới chuẩn. Nếu không nợ xấu sẽ gia tăng mạnh trong tương lai”, TS. Độ lưu ý và khuyến nghị, quy mô tín dụng trên GDP đang ở mức cao và ngày càng tăng chứng tỏ doanh nghiệp vay nợ càng nhiều, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng gặp khó khăn rất dễ trở thành nợ xấu.

Do đó, dù khá hào hứng với dự định kinh doanh, nhưng ngân hàng không quên nhiệm vụ kiểm soát tốt rủi ro vì thế giới đang biến động khôn lường, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thời gian tới các ngân hàng cần tiếp tục hoàn thành các trụ cột của Basel II tiến tới triển khai Basel III và các chính sách quan trọng khác của NHNN mà trước mắt là Chỉ thị 01 của NHNN vừa ban hành.

“OCB triển khai nghiêm túc Chỉ thị 01 bởi văn bản này như là kim chỉ nam chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của ngân hàng trong năm 2021”, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa và NHNN định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top