Aa

Xử lý nợ xấu, ngân hàng vẫn lấn cấn với Thông tư 01

Thứ Năm, 28/01/2021 - 07:30

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) nếu không sớm được ban hành, nợ xấu nhiều khả năng sẽ còn xấu hơn.

Chia sẻ với PV, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này vừa gửi dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tới các ngân hàng nghiên cứu và cho ý kiến.

Trong đó, điểm nhấn chính là sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.

“Trong điều kiện bình thường các ngân hàng sẽ phải trích lập toàn bộ ngay, nhưng với bối cảnh hiện tại sẽ được giãn tiến độ trích lập thành ba năm. Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá tác động của việc này”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Việc chậm trễ ban hành thông tư mới ảnh hưởng tới cả ngân hàng và khách hàng. Ảnh: Dũng Minh

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên dự thảo Thông tư sửa đổi được gửi tới các ngân hàng. Lãnh đạo phụ trách khối quản lý rủi ro một ngân hàng cổ phần trụ sở tại Hà Nội cho biết, từ tháng 11/2020, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần gửi dự thảo tới các ngân hàng để nghiên cứu và cho ý kiến, đồng thời liên tục mời các ngân hàng họp trao đổi trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Lần họp gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp đưa phiếu lấy ý kiến lựa chọn phương án trích lập dự phòng.

“Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng lựa chọn 1 trong 3 phương án một năm, hai năm, hay ba năm rồi thu luôn phiếu lấy ý kiến. Tôi có hỏi các đồng nghiệp lựa chọn phương án nào thì nói chung quan điểm chúng tôi giống nhau, đương nhiên là phải chọn phương án tốt nhất là ba năm”, vị lãnh đạo phụ trách khối quản lý rủi ro nói.

Ngoài thời gian trích lập dự phòng rủi ro, thời hạn trả nợ cũng là yếu tố được các ngân hàng đề cập tới. Lãnh đạo phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng cổ phần trụ sở phía Nam băn khoăn về Điều 4 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cụ thể tại Điểm c - phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/3/2021.

“Với thời hạn là 31/3/2021 trong bối cảnh sắp hết tháng 1/2021 và quan trọng hơn là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới khiến chúng tôi rất bối rối?”, vị lãnh đạo phụ trách khối nguồn vốn nói.

Trước các vấn đề được quan tâm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và có những điều chỉnh phù hợp. Tuy vậy, vị lãnh đạo phụ trách khối quản lý rủi ro cho hay: “Họp đi họp lại nhiều lần mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề gì. Theo tôi, có khi cứ ban hành Thông tư mới trước, rồi trong quá trình triển khai có điểm nào vướng thì tiếp tục sửa đổi. Chứ cứ đợi chờ như hiện nay sẽ làm khó các ngân hàng”.

Trong cuộc trao đổi với PV, các lãnh đạo ngân hàng một mặt bày tỏ cảm thông với nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, mặt khác tỏ ra sốt ruột trước việc chậm trễ ban hành thông tư mới.

“Để đối phó với trường hợp xấu nhất thì các ngân hàng buộc phải tự lo trích lập dự phòng. Đây là điều bình thường, bởi rõ ràng mình có thân thì mình phải lo. Nhưng thực tế muốn lo cũng không được, vì nếu tự trích lập trước khi có thông tư hướng dẫn không khéo bị cơ quan thuế có ý kiến "doanh nghiệp trốn thuế". Các cơ quan quản lý có những quan điểm khác nhau trong vấn đề này dẫn đến nhiều điểm bất cập và xét cho cùng thì bên chịu ảnh hưởng vẫn là ngân hàng và khách hàng”, vị lãnh đạo phụ trách khối nguồn vốn nêu quan điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top