Aa

Tín dụng tăng thấp do sức hấp thụ vốn nền kinh tế yếu

Thứ Tư, 26/04/2023 - 12:10

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tích cực thực hiện hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng, nhưng 4 tháng đầu năm 2023 tín dụng vẫn tăng chậm, chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế kém.

Tăng trưởng tín dụng bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tính đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022. “So sánh với cùng kỳ năm trước, mức tăng này chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái (6,46%), dù là thời điểm ngay sau khi kết thúc Covid-19 và cũng thấp hơn trước dịch khi tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm 2019 đạt 3,64%.

Con số trên còn khiêm tốn so với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%. Một số ngân hàng, thậm chí thuộc nhóm lớn như Agribank, mới chỉ tăng hơn 1%, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trăn trở. 

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Mặt bằng lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn có những ngân hàng có mức lãi vay bình quân cao bất thường. Đề nghị cơ quan thanh tra giám sát theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: SBV
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Mặt bằng lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn có những ngân hàng có mức lãi vay bình quân cao bất thường.
Đề nghị cơ quan thanh tra giám sát theo dõi chặt tình hình lãi suất của các ngân hàng nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: SBV 

Lãnh đạo NHNN cho rằng, tình hình này là do nhiều nguyên nhân. Theo đó, tình hình tài chính, căng thẳng địa chính trị thế giới đã ảnh hưởng đến trong nước, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường; lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng; đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng chỉ ra yếu tố khác như: Thị trường bất động sản chững lại sau giai đoạn sôi động, chủ yếu do vướng mắc pháp lý của các dự án, tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp hơn mức tăng trưởng chung. Tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn các năm trước và tác động đến tăng trưởng chung. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chứng khoán lại chưa phát huy hiệu quả vai trò cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, dẫn tới áp lực cung ứng vốn vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan, đó là sau sự việc người dân ồ ạt rút tiền tại ngân hàng SCB, các ngân hàng cũng “giật mình”, đặt ra câu chuyện là phải quản lý dòng tiền, thanh khoản tốt hơn… nhằm đảm bảo an toàn của ngân hàng và của hệ thống. Sự chặt chẽ thận trọng phần nào cũng ảnh hưởng đến việc cho vay vốn.

Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất dồi dào, không có lý do gì để nói tín dụng tăng trưởng thấp vì thiếu vốn, thiếu hạn mức (room) tín dụng. Phía NHNN đã tạo điều kiện rất tích cực hỗ trợ gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. "NHNN đã sử dụng tất cả những công cụ chính sách có thể được để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", lãnh đạo NHNN khẳng định.

BIDV đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân; đồng thời luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Ảnh: SBV
BIDV đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân; đồng thời luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Ảnh: SBV

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ, dù tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 5,4% nhưng là do có sự chuyển dịch từ các tổ chức tín dụng (TCTD) khác, không do nhu cầu tăng. Sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế giảm; đơn hàng xuất khẩu giảm khiến nhu cầu vay vốn giảm so với cùng kỳ giai đoạn trước. Khách hàng cá nhân (vay kinh doanh và tiêu dùng) giao dịch giảm sút, nhu cầu vay vốn mua nhà giảm. Do đó, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. 

“BIDV luôn đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân. Triển khai các chỉ đạo của NHNN, BIDV luôn tiên phong giảm lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất huy động đã giảm 0,5 - 2% so với đầu năm 2023. Các ngân hàng cũng đã thống nhất cùng giảm mặt bằng lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. BIDV đánh giá cao các chính sách được NHNN và Chính phủ đưa ra thời gian qua, đặc biệt Thông tư 02 kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng vừa được NHNN ban hành. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. BIDV sẽ triển khai trên toàn hệ thống để chính sách này đi vào cuộc sống nhanh nhất”, ông Lê Ngọc Lâm cam kết.

Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang ở Cụm công nghiệp Thắng Quân (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang ở Cụm công nghiệp Thắng Quân (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Quang Thắng, PTGĐ Techcombank cho rằng: Hiện các doanh nghiệp tương đối thận trọng vay vốn; doanh nghiệp xuất nhập khẩu không có đơn hàng mới, không có dự án bất động sản mới, không mở rộng đầu tư mới.... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại. Quý I/2023, Techcombank tăng trưởng tín dụng gần 8% nhưng dự báo quý II/2023 sẽ chậm lại. Ngay từ đầu năm, Techcombank đã thực hiện theo định hướng của NHNN, lãi suất huy động đã giảm 3% để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. 

Lãnh đạo Agribank cho biết: Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế. Ảnh: SBV
Lãnh đạo Agribank cho biết: Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế. Ảnh: SBV

Còn bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Tăng trưởng tín dụng hầu hết các khu vực giảm so với đầu năm (chỉ có khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tăng). “Nguyên nhân giảm không phải do chính sách mà do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Agribank đã tổ chức Hội nghị tín dụng và đưa ra các giải pháp tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Khách hàng của Agribank chủ yếu là khu vực nông thôn nên có tính mùa vụ.... Ngân hàng đang tích cực tham gia các chương trình tín dụng, ví như triển khai gói tín dụng cho vay mua nhà; cơ cấu nợ cho các khách hàng khó khăn”, bà Phùng Thị Bình cho biết. 

Các khách hàng vay vốn đều được hưởng lợi với chính sách trúng

Theo bà Phạm Thị Trung Hà – Phó Tổng giám đốc MB, thời gian qua, đặc biệt trong những ngày gần đây, NHNN đã liên tục ban hành các chính sách rất trúng và đúng với thị trường kinh doanh Việt Nam. Vì mục tiêu  đảm bảo kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, NHNN đã đồng loạt giảm lãi suất điều hành cơ bản, tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất huy động giảm xuống; Thông tư 02 của NHNN quy định cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và một bộ phận khách hàng cá nhân vay tiêu dùng phục vụ đời sống. 

“Đây là 2 đối tượng đang 'phủ sóng' gần như các mục đích vay của nền kinh tế được hỗ trợ, đều được hưởng các chính sách của TCTD, chứ không phải chỉ tập trung vào khách hàng sản xuất kinh doanh mà quên đi khách hàng vay tiêu dùng. Thông tư 02 đối với các khách hàng vay vốn kể cả mục đích sản xuất kinh doanh hay tiêu dùng đều được hưởng lợi”, bà Phạm Thị Trung Hà cho biết. Tuy nhiên, đối với các TCTD cũng vẫn phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. 

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Về phía ngành Ngân hàng đang đảm bảo thanh khoản tốt, không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Đối với các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng”, lãnh đạo MB đề xuất.

Vietcombank đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường. Ảnh: SBV
Vietcombank đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường. Ảnh: SBV

Bà Đinh Thị Thái - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã có 2 đợt giảm lãi suất mạnh để hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng đang nghiên cứu các sản phẩm, giải pháp để đẩy nhanh vốn ra thị trường. "Khó khăn nhất đối với việc triển khai tín dụng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, Vietcombank cam kết đẩy nhanh nhất việc thực thi Thông tư 02", lãnh đạo Vietcombank chia sẻ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt vấn đề: "Làm sao để Thông tư 02 đi vào đời sống ngay từ ngày đầu, không còn thấy lời oan thán từ doanh nghiệp rằng không tiếp cận được. Để làm được điều đó, các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn hoãn nợ. Tránh lợi dụng, vi phạm chính sách, đặc biệt tránh che giấu nợ xấu...".

Chưa có dự án, gói 120.000 tỷ đồng vẫn "dậm chân tại chỗ"

Đề cập về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, đại diện một số ngân hàng lớn cho biết, đã sẵn sàng nguồn tiền để giải ngân.

Theo đó, Agribank là ngân hàng đầu tiên ra thông báo về gói tín dụng này, với hạn mức cho vay 30.000 tỷ đồng, khách hàng được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án, nếu có tài sản thế chấp. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Nhà nước còn lại sẽ dành 30.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho vay nhà ở xã hội và đang chuẩn bị triển khai.

Tuy nhiên, lãnh đạo Agribank cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 nghìn tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay. Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản cho biết, sẽ giao cho các tỉnh công bố dự án nhà ở xã hội. Từ danh sách này các ngân hàng mới tiếp cận dự án để cho vay.

Liên quan tới gói tín dụng này, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, BIDV đã triển khai tới các chi nhánh, nhưng hiện Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay nên quá trình không thể nhanh được. “Hiện các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc nên ngân hàng gặp khó khăm, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm”, ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top