Kỳ vọng tăng 13 - 14% trong năm 2021
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt 9.994.371 tỷ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Trước đó, Vụ trưởng Vụ tín dụng Các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong vòng 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3%, tương đương có khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường.
Trong những tháng đầu năm 2021, tín dụng tăng chậm do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và 2 tháng cuối năm nay; trong kịch bản địa phương dần gỡ bỏ các lệnh giãn cách và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được mở cửa trở lại.
Hoạt động cho vay thường tăng tốc trong những tháng cuối năm, theo quan sát từ năm 2020, chỉ trong 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên trên 12%. Do đó, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% cho cả năm 2021", đại diện BVSC nhận định.
Còn Công ty Chứng khoán Yuanta cũng đồng quan điểm khi cho rằng, NHNN tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng về cuối năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 14%.
Kết quả điều tra các tổ chức tín dụng cho biết, giống như 6 tháng cuối năm 2020, 3 lĩnh vực gồm: Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiếp tục được nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm, cả năm 2021 và năm 2022. Trong đó các ngành dệt may, xây dựng, sản xuất đồ ăn, thức uống sẽ tăng. Riêng trong quý IV/2021 các hoạt động dịch vụ du lịch nội địa bắt đầu được mở cửa trở lại, dư nợ tín dụng có thể tăng mạnh gấp đôi.
Doanh nghiệp kỳ vọng lãi vay sẽ giảm mạnh
Hiện nay, hơn 10 ngân hàng thương mại đã được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng được cho vay ra. Hiện các ngân hàng đều đang đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm thông qua chương trình ưu đãi vay mua nhà, mua ô tô với lãi suất khá thấp.
Điển hình,VPBank vừa triển khai chương trình lãi suất cho vay mua bất động sản từ 5,9%/năm, từ nay đến 31/12/2021. TPBank mới đây phối hợp với Ford Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi độc quyền dành riêng cho khách hàng vay mua xe Ford Transit Luxury với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng.
Hay tại Sacombank vừa công bố dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua - xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng. UOB Việt Nam hợp tác với Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) để triển khai chương trình cho vay lãi suất 0% đối với dự án Cardinal Court, khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi cho đến khi nhận bàn giao căn hộ khi đăng ký khoản vay tín dụng xanh tại UOB.
Tín dụng vốn được xem là huyết mạch của nền kinh tế, được cấp vốn kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất. Dù vậy nhiều doanh nghiệp vẫn mong tiếp tục được giảm lãi suất cho vay mới mà miễn lãi, khoanh nợ các khoản vay cũ. Ông Nguyễn Hoàng Hả - chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Trích Sài, Hồ Tây, Hà Nội, chuyên kinh doanh hóa mỹ phẩm cho biết, vay vốn ngắn hạn có tài sản đảm bảo hiện phải chịu lãi suất 9%/năm. Lãi suất có giảm so với trước, nhưng mức giảm chỉ là 0,5%. Nay khi hoạt động kinh doanh khởi sắc hơn vào cuối năm, doanh nghiệp muốn ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn để vực dậy.
Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan sở hữu 350 đầu xe chạy các tuyến liên tỉnh, thế nhưng do dịch bệnh, 200 đầu xe phải nằm bãi, số còn lại hoạt động cầm chừng. Đến nay, khi doanh nghiệp hoạt hoạt động trở lại cùng với nhu cầu thị trường tăng trong tháng cuối năm, doanh nghiệp mong tiếp tục được được giãn nợ và giảm lãi vay mới sâu hơn để có cơ hội phục hồi. Doanh nghiệp và nhiều ngành bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh như: Bất động sản, du lịch, vận tải,... mong chờ các gói tín dụng lãi suất thấp.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay.
NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Trong đó lưu ý, rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách; tăng cường công tác tập huấn về công tác triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.