Aa

Manh nha xu hướng thắt chặt tiền tệ

Thứ Năm, 10/06/2021 - 15:00

Mặc dù một số quốc gia bắt đầu co hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng, song nhìn chung trên toàn thế giới, xu hướng nới lỏng dự báo vẫn sẽ kéo dài, ít nhất đến năm 2022.

Trong khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, nếu lãi suất tăng cao sẽ tác động tích cực đến kinh tế Mỹ, thì một số quốc gia trước đó đã nhanh tay tăng lãi suất hoặc co hẹp chính sách nới lỏng. Liệu xu hướng thắt chặt tiền tệ đã manh nha? 

Lãi suất tại Việt Nam được dự báo ổn định trong ngắn hạn và có thể nhích nhẹ vào cuối năm.  Ảnh: Đức Thanh
Lãi suất tại Việt Nam được dự báo ổn định trong ngắn hạn và có thể nhích nhẹ vào cuối năm.  Ảnh: Đức Thanh

Mỹ sẽ tăng lãi suất?

Giới đầu tư tài chính toàn cầu đang ngóng đợi kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố vào ngày mai (10/6). Nếu CPI tháng 5/2021 của Mỹ cũng tăng vọt như tốc độ tăng hồi tháng 4/2021 (tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm), thì không loại trừ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tính tới khả năng tăng lãi suất.

Phát biểu với báo chí cuối tuần qua, bà Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ đẩy lạm phát tăng tiếp, song chỉ là tạm thời.

Bà Janet Yellen cũng cho rằng, sẽ tốt hơn cho nền kinh tế Mỹ nếu lạm phát và lãi suất trở lại tình trạng bình thường, thay vì quá thấp và lãi suất có tăng cũng là chuyện tốt cho nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng tăng lãi suất của Mỹ là khá thấp, bởi nền kinh tế tuy phục hồi, song vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Fed nhiều lần bày tỏ quan điểm muốn thị trường phải phục hồi mọi mặt trước khi tăng lãi suất. Dù Báo cáo việc làm tháng 5/2021 vừa công bố khá tích cực, song một lãnh đạo của Fed cho rằng, điều này chưa đủ để Fed đổi hướng chính sách tiền tệ. Quyết định của Fed sẽ được đưa ra trong 2 phiên họp chính sách vào ngày 15/6 và 27/7 tới.

Trước mắt, chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ chưa có gì thay đổi, song một số quốc gia khác đã bắt đầu co hẹp thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Tháng 3/2021, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25%. Đây là lần tăng lãi suất chủ chốt đầu tiên của Nga trong hơn 2 năm qua.

Trước đó, hồi đầu năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng thông báo rút ròng 40,5 tỷ nhân dân tệ ra khỏi hệ thống tài chính. Gần đây, PBoC tiếp tục yêu cầu các ngân hàng lớn của Trung Quốc hạn chế tăng trưởng tín dụng từ nay cho đến hết năm 2021, do lo ngại nguy cơ bong bóng tài sản.

Với tốc độ hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch, Trung Quốc có lý do để co hẹp chính sách nới lỏng. Dù vậy, giới phân tích cho rằng, trước mắt, nhiều khả năng nước này sẽ chỉ giảm chính sách nới lỏng tiền tệ, chứ chưa sớm tăng lãi suất hoặc mạnh tay thắt chặt tiền tệ, bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Việt Nam: Lãi suất thấp sẽ còn kéo dài?

Mặc dù một số quốc gia bắt đầu co hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng, song nhìn chung trên toàn thế giới, xu hướng nới lỏng dự báo vẫn sẽ kéo dài, ít nhất đến năm 2022.

Tại Việt Nam, một số dấu hiệu về tín dụng, lãi suất khiến nhiều người lo ngại lãi suất có thể tăng. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng đã tăng trở lại vài tháng qua sau khi chạm đáy; tín dụng đến ngày 21/5 tăng 4,67%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2%, tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay, trong khi dòng tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán, bất động sản… 

Lãi suất trong ngắn hạn thời gian tới vẫn sẽ ổn định, song có thể nhích nhẹ cuối năm, khi sản xuất kinh doanh và tín dụng phục hồi trở lại. Áp lực lớn nhất của lãi suất hiện nay là lạm phát do chi phí đẩy, do giá cả các loại hàng hóa nguyên vật liệu tăng mạnh…

- TS. Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TP.HCM)

Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống vẫn rất dồi dào, nguồn cung trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất lớn, biểu hiện thiếu vốn (nếu có) chỉ có thể xảy ra ở một số ngân hàng nhỏ. Các động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, cơ quan này chưa thấy bất kỳ lo lắng nào về thanh khoản hệ thống và cũng chưa có ý định chiều hướng đảo chiều chính sách.

Cụ thể, trong 3 tháng qua, NHNN không cần bơm tiền hỗ trợ hệ thống qua kênh thị trường mở (OMO). Trong văn bản chỉ đạo vừa ban hành đầu tháng 6/2021, NHNN tiếp tục có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất cho vay và tiến hành các biện pháp hỗ trợ khách hàng khác. Thanh khoản hệ thống càng dồi dào hơn vào quý III/2021, khi NHNN sẽ bơm một lượng tiền đồng lớn ra thị trường để thực hiện các giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn.

Tất nhiên, lãi suất ở Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức, với thách thức lớn nhất là lạm phát có nguy cơ tăng do giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt, cộng với nguy cơ bong bóng tài sản. Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát năm nay của nước ta vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, mặt bằng lãi suất cũng sẽ được giữ ở mức ổn định.

Theo lý giải của chuyên gia này, lãi suất nhích lên ở một số ngân hàng thời gian qua chỉ mang tính cục bộ, không đáng lo. Cầu tín dụng tuy có phục hồi, song vẫn còn khá yếu. Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, không thể chủ quan với lạm phát, nên cần nắn dòng tín dụng tới những lĩnh vực có tính lan tỏa cao, phối hợp nhịp nhàng hơn nữa chính sách tài khóa và tiền tệ…

Liên quan đến xu hướng lãi suất, chuyên gia phân tích Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nhiều khả năng trong thời gian tới, dòng tiền rẻ trên thế giới sẽ bị hạn chế. Lạm phát đang tăng mạnh trên toàn cầu, giá cả leo tháng và một số quốc gia bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, ngay cả khi Fed tăng lãi suất, thì tác động đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, là không giống nhau. Nhà đầu tư phải phân tích kỹ các yếu tố để cân nhắc trước khi quyết định đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top