Aa

Tin lời “nổ” của môi giới, nhiều khách hàng mất bạc tỷ

Thứ Hai, 22/08/2016 - 20:21

Trong khi nhiều môi giới hoạt động đúng pháp luật, luôn giữ được cái tâm với nghề thì cũng có không ít người dùng các thủ đoạn lừa đảo khách hàng, cốt để "móc" được tiền từ người mua nhà.

Trong mỗi dự án đươc tung ra thị trường người ta vẫn thường thấy bóng dáng của đội ngũ nhân viên kinh doanh bất động sản hay còn gọi với cái tên khác thân quen hơn “cò” bất động sản. Mỗi khi có nhu cầu, người mua vẫn thường tìm đến những sàn giao dịch bất động sản nơi mà khách hàng có thể biết được đầy đủ những thông tin về dự án. Dư luận từng có nhiều ý kiến trái chiều về “cò” nhà đất: tốt cũng có, mà dở cũng không thiếu.

Bất động sản là tài sản có giá trị rất lớn, trong khi đó, môi giới đa phần tuổi đời còn trẻ, thậm chí ra trường thất nghiệp là đi làm môi giới. Có những môi giới hành nghề bằng chính mồ hôi nước mắt để bán hàng, tuy nhiên cũng không ít trường hợp vì món lợi lớn trước mắt mà cò đất đã bất chấp, lừa dối khách hàng, để có tiền.

Khách hàng thường mua căn hộ qua sàn hay môi giới bên ngoài chứ không mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Có nhiều trường hợp khách hàng chịu mức đắt hơn khi môi giới hứa chọn cho căn góc đẹp, view thoáng. Tuy nhiên, sau khi chốt hợp đồng khách mua mới tá hỏa theo quy hoạch giai đoạn 2 chủ đầu tư sẽ xây thêm một tòa nữa án ngữ trước mặt chắn hết tầm nhìn của căn hộ này.

Môi giới bất động sản

Nhiều người mua căn hộ nếu không tìm hiểu kỹ về dự án thì dễ bị môi giới dự dỗ bằng lời ngon ngọt.

Cũng có nhiều trường hợp khách hàng ký hợp đồng đặt chỗ mua căn hộ dự án cho biết, dù mua căn hộ không thuộc trường hợp được vay gói lãi suất ưu đãi 30 nghìn tỷ nhưng vẫn được môi giới hứa sau này nhất định sẽ vay được bằng cách tách hợp đồng. Nhưng đến lúc ký hợp đồng thì khách hàng mới tá hỏa đấy chỉ là lời dụ dỗ đường mật của môi giới.

“Nổ” tiêu chuẩn, tiện ích

Để dễ dàng chốt khách, nhiều môi giới sẵn sàng “vẽ rắn thêm chân”. Nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án The Easter City, sau khi nhận nhà, mới phát hiện những tiện ích như hồ bơi, phòng GYM… bỗng dưng biến mất. Sau khi có nhiều thông tin phản ánh, đại diện chủ đầu tư mới thanh minh, đây là lỗi của môi giới trước đây đã tư vấn không chính xác, những hạng mục này không có trong thiết kế.

Ngoài chuyện vẽ thêm tiện ích thì chuyện “bịa” ra tiêu chuẩn cũng khá phổ biến. Không khó để tìm thấy những thông tin quảng cáo kiểu như: Căn hộ tiêu chuẩn Nhật Bản, căn hộ tiêu chuẩn Đức, căn hộ tiêu chuẩn Singapore, căn hộ tiêu chuẩn Hàn Quốc, căn hộ tiêu chuẩn châu Âu, căn hộ tiêu chuẩn Úc…

Tìm hiểu 1 dự án tại quận 7, có nhiều môi giới chào bán trên Facebook với nhiều thông tin khá mâu thuẫn. Có môi giới quảng cáo căn hộ tiêu chuẩn Úc, nhưng cũng dự án này, môi giới khác quảng cáo tiêu chuẩn Singapore?! Thậm chí môi giới còn bịa đặt thông tin dự án ngay cầu Tân Thuận, cạnh Vinhomes Bến Nhà Rồng, giá 3.000 USD/m2. Hiện tại, chưa có thông tin nào khẳng định có dự án tên Vinhomes Bến Nhà Rồng, chứ chưa nói đến mức giá.

Khi được hỏi tiêu chuẩn Úc, Singapore là như thế nào thì môi giới ú ớ không biết trả lời ra sao. Có môi giới thì nhanh nhảu như học thuộc bài, dự án do công ty Singapore thiết kế. Thực tế, rất ít dự án thuê công ty nước ngoài thiết kế trọn gói. Đa phần chỉ thuê thiết kế 1 phần nhỏ về cảnh quan hoặc nhà mẫu…sau đó lấy mác ngoại để quảng cáo. Điều này không có nghĩa rằng tiêu chuẩn thiết kế của dự án được lấy theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Tô vẽ lợi nhuận

“Bên em chỉ có 50 khách hàng đầu tiên được chiết khấu 5%. Hiện tại đã có 45 khách cọc rồi. Nếu hôm nay chị không ra quyết định thì em rất khó đảm bảo sẽ còn chính sách này cho chị. Chị chỉ cần mua hôm nay, sang tuần hết chương trình là đã có lời 5% rồi”. Nghe môi giới nói có vẻ rất hấp dẫn. Nhưng, những lời “ong bướm” này đã được dùng để dụ bao nhiêu khách?

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc đưa ra chương trình chiết khấu nhiều trường hợp chỉ là vấn đề kỹ thuật để chốt khách. Giá trong tay chủ đầu tư đưa ra, họ có toàn quyền nâng giá lên rồi chiết khấu xuống. Để tạo sự khan hiếm,môi giới thường nói chỉ còn vài suất để tạo áp lực cho khách xuống tiền nhanh. Nhưng thực chất, họ có thể chốt khách kiểu này với hàng trăm khách hàng, ai cũng được chiết khấu, làm gì có chuyện mua xong là lời ngay 5%.

Cũng chơi chiêu chiết khấu, nhưng cá biệt, có dự án quận 8, môi giới còn “quăng bom” lợi nhuận lên đến 32% sau 8 tháng. Bài toán được đưa ra để dụ khách đầu tư như sau:

“Dự án cách tuyến Metro cách chỉ vài bước chân, di chuyển đến cả thành phố trong tích tắc.

Giá chỉ từ 1,5 tỷ/căn 2 phòng ngủ.

Căn hộ đang được chủ đầu tư chiết khấu từ 5 - 7% cho 300 khách hàng đầu tiên.

Tuy nhiên chiết khấu chỉ từ nay đến hết 31/08 và giá căn hộ sẽ tăng 5% - 10%.

Chọn mua căn hộ trong tháng này, khách sẽ ký hợp đồng mua bán sau 3 đợt thanh toán:

Đợt 1: 10%

Đợt 2: 5%

Đợt 3: 10%

* Tương đương với 375 triệu

- Vậy sau 6 tháng bạn có:

7% chiết khấu + 10% tăng giá = 17% sinh lời tương đương 255 triệu/ căn

Theo cuộc điều tra và thống kê của báo mua bán nhà đất những dự án gần các tuyến metro sẽ có giá cao hơn các vị trí khác từ 10% - 15%. Vậy theo cách tính phía trên khi mua căn hộ tại thời điểm này bạn đã tiết kiệm được:

7% chiết khấu + 10% tăng giá (trong 6 tháng) + 15% (tăng do metro và các tiện ích).

Tổng cộng: 32% tương đương 480 triệu/căn (trong 6 tháng thanh toán)”.

Tất cả những con số đều do môi giới tự tô vẽ, chẳng lấy gì làm cơ sở. Với mức lợi nhuận 32% trong 6 tháng, thì liệu chủ đầu tư có bán cho khách hàng hay giữ lại chờ tăng giá mới bán?

Theo các chuyên gia, công nghệ bán hàng của môi giới luôn luôn thay đổi. Do vậy, cần thận trọng với những chiêu trò, thông tin quá hấp dẫn mà quên mất việc kiểm chứng. Điều quan trọng là chủ đầu tư có uy tín không. Phải tìm hiểu những dự án họ đã bàn giao chứ không phải qua lời môi giới.

Vì sao khách hàng lại dễ dàng nộp hàng trăm tỷ đồng cho môi giới? Có lẽ phải kể đến nguyên nhân là tính đặc thù của giao dịch bất động sản. Khi thị trường này đang thời kỳ sốt nóng, chỉ cần mua được một suất ưu tiên, ngoại giao và sang tay ngay là có thể hưởng lợi hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng, nên rất nhiều người “nhắm mắt” xuống tiền, mà không cần biết căn hộ mình mua nằm ở đâu./.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, hoạt động môi giới bất động sản thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề phải xem xét.

Tính đến giữa năm 2015, cả nước có hơn 26.000 nhà môi giới; trong đó Hà Nội có 10.000 nhà môi giới, Tp. Hồ Chí Minh là 13.000 và 3.000 người là ở các tỉnh, thành khác.

Môi giới bất động sản là một ngành đặc thù, đòi hỏi người làm phải có vốn kiến thức tổng hợp về ngành nghề, lĩnh vực, luật pháp, kiến thức xã hội và các kỹ năng mềm.

Ngoài kiến thức được học, các môi giới viên còn phải thường xuyên trau dồi bản thân.

Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Phú Quý (quận Thanh Xuân) cho rằng cần có chế tài mạnh đối với các sàn giao dịch, người môi giới cố tình làm sai. Như vậy mới giúp lành mạnh thị trường kinh doanh bất động sản.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành bày tỏ quan điểm, muốn thị trường hoạt động quy củ, minh bạch cần phải “trị” từ gốc, tức là phía chủ đầu tư.

Nếu chủ đầu tư cố tình đưa ra thông tin sai lệch về dự án, cố tình lừa đảo khách hàng (một căn hộ bán cho nhiều người) thì nhân viên môi giới cũng sẽ bị sai lệch theo – ông Đực phân tích.

Do đó, cần phải quản lý chặt chẽ thị trường từ hai đầu gồm chủ đầu tư và sàn môi giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top