Aa

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với vật liệu xanh và những doanh nghiệp tiên phong

Thứ Ba, 12/12/2017 - 07:32

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung (VLXKN) của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn, hiện nay Bà Rịa – Vũng Tàu đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu khu vực phía Nam về sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Thế mạnh

Là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng TP.HCM có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản so với các tỉnh trong khu vực, đáng kể đến là đá xây dựng, đây là nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng để tỉnh phát triển đô thị hóa và hạ tầng kỹ thuật...

Mỏ đá và nhà máy gạch không nung của Cty CP Thành Chí nằm chung khuôn viên nhằm tận dụng tối đa lợi thế (ảnh: Mạnh Cường)

Mỏ đá và nhà máy gạch không nung của Cty CP Thành Chí nằm chung khuôn viên nhằm tận dụng tối đa lợi thế (ảnh: Mạnh Cường)

 

Toàn tỉnh hiện có 25 điểm mỏ nằm trong quy hoạch, trong đó có 19 điểm mỏ đã được cấp phép và đang tiến hành khai thác, sản xuất đá xây dựng với tổng trữ lượng dự báo khoảng trên 100 triệu m³ phân bố chủ yếu tại huyện Tân Thành và TP Bà Rịa. Với trữ lượng này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng đá xây dựng trong tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác và sản xuất đá xây dựng hiện luôn tồn tại một khối lượng mạt đá (kích thước từ 0-4mm) tương đối lớn, tuy nhiên, lại ít được sử dụng trong ngành xây dựng, được gọi là phế phẩm trong chế biến, sản xuất đá xây dựng.

Để tận dụng nguồn phế phẩm này một cách có hiệu quả, các nhà đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nghiên cứu các cấp phối phù hợp với đặc điểm cốt liệu để sản xuất VLXKN là gạch xi măng cốt liệu, địa điểm lắp đặt nhà máy thường được các nhà đầu tư xây dựng ngay tại các điểm mỏ khai thác nhằm hạn chế chi phí vận chuyển nguyên vật liệu chính.

Từ chủ trương

Gạch không nung xi măng cốt liệu là một sản phẩm xanh trong lĩnh vực VLXD, thay thế công nghệ sản xuất gạch nung truyền thống, nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản. Do đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất VLXKN theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo đánh giá, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN của Thủ tướng Chính phủ và lộ trình sử dụng VLXKN của Bộ Xây dựng đã có nhiều biến chuyển tích cực và tín hiệu khả quan trên địa bàn, do công tác tuyên truyền và sự quyết tâm thực hiện của Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì tham mưu về mặt quản lý nhà nước, kết hợp sự nhạy bén của các nhà đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh để triển khai một cách đồng bộ đã đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành một trong những tỉnh đi đầu ở khu vực phía Nam về sản xuất và sử dụng VLXKN theo đúng lộ trình.

Bên cạnh đó, do có lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất VLXKN là mạt đá (phế phẩm trong chế biến, sản xuất đá xây dựng), đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh, thành phố khu vực lân cận.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong

Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mỗi địa phương sẽ được đầu tư ít nhất là một cơ sở sản xuất VLXKN với công suất từ 10-60 triệu viên QTC/năm để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của từng địa phương, cũng như để cân đối cho nhu cầu sử dụng của toàn tỉnh và cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 đơn vị đầu tư sản xuất VLXKN, với tổng công suất đạt khoảng trên 200 triệu viên QTC/năm: Nhà máy gạch không nung của Cty CP Thành Chí (2 dây chuyền sản xuất với công suất 30 triệu viên QTC/năm, Nhà máy gạch không nung An Ngãi TPT của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh (1 dây chuyền có công suất 20 triệu viên QTC/năm), Nhà máy gạch không nung của Cty CP Đại Hồng Sơn (có 2 dây chuyền với công suất 30 triệu viên QTC/năm), Nhà máy gạch không nung của Cty CP Vật liệu xây dựng DIC (1 dây chuyền sản xuất với công suất 10 triệu viên QTC/năm), Nhà máy gạch không nung của Cty CP Phước Hòa Fico (1 dây chuyền sản xuất với công suất 10 triệu viên QTC/năm)…

Tuy nhiên, đi đầu và mạnh dạn đầu tư dây chuyền hiện đại, khép kín lại là 2 doanh nghiệp cổ phần như Thành Chí và Tân Phước Thịnh. Cty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh trước đây đơn thuần là doanh nghiệp xây dựng, đã từng thực hiện nhiều công trình lớn trên địa bàn và các tỉnh lân cận như: Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trung tâm hành chính tỉnh, các nhà máy trong các khu công nghiệp Mỹ Xuân, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Do nhu cầu của thị trường, Tân Phước Thịnh đã đầu tư Nhà máy gạch không nung An Ngãi, nằm ngay trong khu Tiểu thủ công nghiệp do chính đơn vị làm chủ đầu tư, nhà máy có công suất 20 triệu viên QTC/năm với dây chuyền hiện đại từ khâu cấp liệu và cho ra thành phẩm.

Cty CP Thành Chí được biết đến là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trongkhai khoáng và kinh doanh kho bãi tại Bà Rịa – Vũng Tàu, bên cạnh đó, Thành Chí được biết đến với những sản phẩm chất lượng cao như cát nhân tạo, vật liệu xây không nung.

Theo ông Nguyễn Thế Thường – TGĐ Cty CP Thành Chí, hiện công ty là chủ đầu tư nhiều mỏ đá xây dựng trên địa bàn tỉnh, với trữ lượng hơn 12 triệu m³, công suất khai thác 700.000 m³/năm, trên dây chuyền công nghệ Titan tiên tiến do Cộng hoà LB Nga sản xuất, có khả năng cung cấp tất cả các loại đá xây dựng chất lượng cao theo nhu cầu của khách hàng, đặc biệt đá 5x16 mm và 5x19 mm, cát nhân tạo làm từ đá thay cho cát tự nhiên, đáp ứng nguồn vật liệu cho các công trình đòi hỏi kỹ thuật cao và còn là nguyên liệu chính cho sản xuất gạch ngói không nung của Cty hiện nay.

Lấy chất lượng xây dựng uy tín

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và hưởng ứng chương trình phát triển VLXKN của Chính Phủ, Cty CP Thành Chí đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng nhà máy gạch ngói không nung có quy mô và công nghệ hiện đại lớn nhất khu vực miền Nam. Đặc biệt là đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, dây chuyền này cho ra đủ loại kích cỡ cát, nhằm đáp ứng cho thị trường từ cát tô trát, cát phối trộn bê tông đến các loại lớn hơn dùng để làm vật liệu “xanh”. Góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ hoạt động khai thác đá của chính Cty.

Nhà máy của Thành Chí hiện cho ra các sản phẩm như: Gạch không nung thay thế gạch 4 lỗ truyền thống với nhiều kích cỡ 90x90x190, 45x90x190, 100x190x390, 190x190x390… Ngoài ra còn có các sản phẩm ngói màu, gạch Terrazzo...

“Sản phẩm gạch ngói không nung của Thành Chí được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, tự động từ công đoạn pha trộn nguyên liệu ban đầu cho đến khâu đóng gói thành phẩm. Với Thành Chí, dù biết sản xuất kinh doanh là phải đem lại lợi nhuận, nhưng hiện nay “Uy tín, chất lượng sản phẩm” vẫn là hai tiêu chí mà chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu. Hơn nữa, sản phẩm của Thành Chí mẫu mã rất phong phú, kích thước đa dạng, phù hợp cho từng loại công trình (có thể thay đổi quy cách theo đơn đặt của khách hàng). Đặc biệt, sản phẩm của chúng tôi đã được các cơ quan đo lường chất lượng công nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2011 và là sản phẩm VLXKN thân thiện môi trường”, ông Thường khẳng định.

Với nguyên liệu đầu vào hoàn toàn bằng bột đá (cát nhận tạo) và xi măng, nên về bản chất của sự liên kết tạo hình, gạch ngói không nung của Thành Chí có chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao hơn hẳn so với gạch ngói đất nung và gạch ngói không nung dùng bằng các loại nguyên liệu khác.

Trong quá trình sử dụng, do các phản ứng hoá đá của nó trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền, độ rắn chắc theo thời gian. Tất cả các tổng kết và thử nghiệm trên của Thành Chí đã được cấp giấy chứng nhận. Gạch ngói không nung của Thành Chí có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, phòng chống cháy cũng như chống thấm rất tốt, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn so với sản phẩm gạch truyền thống và sản phẩm gạch không nung khác trên thị trường (đúng theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng quy định).

Vì thế, giảm thiểu được kết cấu cốt thép, giảm bớt nhân công, tiết kiệm được nhiều chi phí và phụ liệu, đơn giản hoá được một số khâu trong quá trình xây dựng, rút ngắn thời gian thi công. Đồng thời, do có độ ma sát bề mặt nên tiết kiệm được vữa xây, tô tạo nên độ kết dính cao, bền vững và nâng cao hiệu quả kiến trúc, tính thẩm mỹ cũng như chất lượng của công trình.

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Thành Chí luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nướcthải từ việc sản xuất và ngâm gạch được đưa về bể chứa lắng đọng rồi bơm ra hồ nuôi thả cá, sau đó lại được bơm vào theo chu trình ban đầu. Do đó, giảm thiểu tối đa ô nhiễm tại khu vực nhà máy.

Hơn 10 năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Thành Chí đã vươn lên như một điển hình trong các ngành nghề chủ lực, đặc biệt là khai thác đá và sản xuất kinh doanh VLXD. Với sản lượng và doanh thu tăng trưởng đều hàng năm, đưa lợi nhuận và thu nhập bình quân của người lao động trong toàn Cty tăng theo.

Nhiều năm liền là đơn vị tiên phong, do đó Thành Chí được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức có uy tín từ tỉnh đến Trung ương. Để đạt được những thành quả đó là cả một sự phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn thể CBCNV trong toàn Cty.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN đang gặp phải khó khănlà dochưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất khi mở rộng đầu tư sản xuất VLXKN không được hưởng các chính sách ưu đãi hoặc tiếp cận với các chính sách ưu đãi. Đặc biệt là các ưu đãi là về thuế suất, thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục vụ dự án sản xuất VLXKN, miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng nhà máy hoặc miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top