Báo Người Lao Động thông tin, tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực núi Chín Khúc, với tổng diện tích gần 973ha, trong đó có khách sạn, công trình tôn giáo.
Đây là một trong 17 đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết được UBND TP. Nha Trang (trước khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp) công bố đồng loạt trên địa bàn. Riêng khu vực núi Chín Khúc trải dài trên địa phận TP. Nha Trang cũ và huyện Diên Khánh cũ, với khoảng 734,5ha thuộc Nha Trang cũ và 238,4ha thuộc Diên Khánh cũ.
Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa các định hướng phát triển được xác lập trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040, đồng thời hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo lập không gian xanh gắn kết với hệ sinh thái đặc trưng của dãy núi.

Khu vực Quy hoạch phân khu (tỉ lệ 1/2.000) Khu vực núi Chín Khúc. Ảnh: Báo Người Lao Động
Đồ án quy hoạch chia khu vực thành 3 tiểu khu chức năng:
Tiểu khu A: Phát triển dịch vụ du lịch với mật độ xây dựng gộp tối đa 10%, tập trung các khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort sinh thái, khu du lịch ngoài trời, khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí… tận dụng địa hình đồi núi và cảnh quan tự nhiên.
Tiểu khu B: Định hướng công viên chuyên đề, mật độ xây dựng gộp tối đa 25%.
Tiểu khu C: Khu vực lâm nghiệp và bảo tồn đồi núi, giữ gìn hệ sinh thái và cảnh quan.
Quy hoạch cũng xác định 11 loại đất sử dụng, trong đó đất dịch vụ du lịch chiếm ưu thế, với mật độ xây dựng gộp tối đa 10% và chiều cao công trình không quá 5 tầng, đảm bảo hài hòa với môi trường.
Đáng chú ý, trên đỉnh núi Chín Khúc – nơi cao hơn 500m so với mực nước biển, hùng vĩ và mang tính biểu tượng cảnh quan của Khánh Hòa – sẽ hình thành trung tâm văn hóa tâm linh và công viên chuyên đề. Đây sẽ là không gian văn hóa, tín ngưỡng, kết hợp với các hoạt động tham quan, giải trí, đóng vai trò điểm nhấn cho toàn bộ khu vực.

Núi Chín Khúc. Ảnh: Internet
Với định hướng quy hoạch này, núi Chín Khúc không chỉ được bảo tồn cảnh quan tự nhiên mà còn trở thành một quần thể văn hóa – du lịch độc đáo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và nâng tầm hình ảnh của Khánh Hòa trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Khánh Hòa chính thức sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, hình thành đơn vị hành chính mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa với trung tâm hành chính đặt tại phường Nha Trang.
Sau sáp nhập, Khánh Hòa mới tiếp tục khẳng định vị thế là tỉnh sở hữu đường bờ biển dài nhất cả nước. Với tổng diện tích 8.555,86km2 và dân số hơn 2,24 triệu người, địa phương này được đánh giá có nhiều lợi thế chiến lược trong phát triển kinh tế biển.
Các lĩnh vực nổi bật gồm du lịch, dịch vụ cảng biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản, cùng với tiềm năng lớn trong phát triển năng lượng tái tạo ven bờ.