Đường Vành đai 4 TP. HCM là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ, có tổng chiều dài 200km, đi qua 5 địa phương gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Riêng đoạn tuyến qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 48km.
Theo báo Lao Động, tỉnh Bình Dương đang tập trung triển khai dự án thành phần 1 về giải phóng mặt bằng dự án với tổng mức đầu tư 7.926 tỷ đồng. Đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh có điểm đầu từ cầu Thủ Biên (huyện Bắc Tân Uyên), điểm cuối tại sông Sài Gòn (TP. Bến Cát) với diện tích thu hồi đất khoảng 239,8 ha.

Một đoạn của đường Vành đai 4 - TP HCM đi qua phường Thới Hòa, TP Bến Cát đã được đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: Báo Người Lao Động
Dự án ảnh hưởng đến khoảng 1.451 trường hợp, trong đó có khoảng 300 trường hợp cần bố trí tái định cư. Tính đến giữa tháng 5/2025, các địa phương đã thông báo thu hồi đất đối với 1.031 trường hợp (đạt 70%), hoàn thành đo đạc 845 trường hợp (58,2%) và kiểm đếm 605 trường hợp (41,7%).
Hiện TP. Tân Uyên đã ban hành đơn giá bồi thường, các địa phương còn lại dự kiến phê duyệt đơn giá đất trong tháng 5/2025. UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt đơn giá và phương án bồi thường để kịp tiến độ.
Với tổng mức đầu tư hơn 120.000 tỷ đồng, Vành đai 4 TP. HCM được đánh giá là dự án đường bộ quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại vùng Đông Nam Bộ. Tuyến đường giữ vai trò chiến lược trong việc giảm tải áp lực giao thông cho TP. HCM, kết nối các khu kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh.

Đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 tỉnh thành. Ảnh: T.L
Khi hoàn thành, Vành đai 4 sẽ kết nối hàng loạt tuyến quốc lộ và cao tốc huyết mạch như TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP. HCM - Trung Lương, TP. HCM - Mộc Bài… giúp rút ngắn từ 10-15 km quãng đường di chuyển, tiết kiệm 30-60 phút thời gian, nhất là trong bối cảnh giao thông nội đô TP. HCM thường xuyên ùn tắc.
Bên cạnh vai trò giải quyết bài toán giao thông, Vành đai 4 còn được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng liên vùng, mở rộng không gian đô thị, giảm tải dân cư khu vực trung tâm, đồng thời thúc đẩy giao thương hàng hóa và dịch vụ giữa các địa phương trọng điểm phía Nam.
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là những địa phương khác nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Bình Dương đạt 520.205 tỷ đồng nhờ lợi thế từ hệ thống khu công nghiệp hiện đại, thu hút nhiều dự án công nghệ cao.