Ngày 16/2, UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đã thống nhất triển khai đề án xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn, đi qua các địa bàn TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, TP. Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Theo đề án, tuyến đường ven sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 98,2km, kết nối với đường song hành Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM, ĐT.744 và một số dự án trọng điểm trong hành lang ven sông như cụm cảng An Sơn, cảng An Tây và cảng Phú Cường Thịnh.

Sông Sài Gòn đoạn giáp ranh Bình Dương và TP. HCM. Ảnh: Báo Lao Động
Dự án được phân đoạn với quy mô lộ giới khác nhau theo từng địa bàn, cụ thể:
Đoạn qua TP. Thuận An dự kiến tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng với dài 13,6km, lộ giới 32m, 6 làn xe, tuyến bám theo đường đê bao sông Sài Gòn hiện hữu, cách bờ sông từ 20 - 40m. Trong đó, đoạn từ rạch Bình Nhâm đến giáp cảng An Sơn (dài 2,2km) có mức đầu tư 1.463,85 tỷ đồng; đoạn từ cảng An Sơn đến rạch Bà Lụa (dài 2,1km) có mức đầu tư 1.389,17 tỷ đồng; đoạn từ đường Gia Long đến đường Vĩnh Phú 40 (dài 1,8km) có mức đầu tư 1.483,68 tỷ đồng và đoạn từ đường Vĩnh Phú 40 đến giáp cầu Vĩnh Bình (dài 3,9km) có mức đầu tư 1.693,61 tỷ đồng.
Với đoạn qua TP. Thủ Dầu Một có chiều dài 16,7km, lộ giới từ 14 - 32m. Vốn đầu tư cho đoạn tuyến dài gần 5km (từ cầu Phú Cường đến rạch Bà Lụa) là khoảng 2.133 tỷ đồng, trong đó có 3km đã hoàn thành, còn 1,8km (từ rạch Bảy Tra đến rạch Bà Lụa) đang triển khai xây dựng. Phần lớn kinh phí được dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sơ đồ hướng tuyến dự án. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Đoạn qua TP. Bến Cát dài 27,9km, lộ giới từ 28 - 36,5m.
Đoạn qua huyện Dầu Tiếng dài 39,79km, lộ giới 32m.
Đối với đoạn qua TP. Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương hiện đang nghiên cứu tổng mức đầu tư và thời gian triển khai thực hiện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, dự án đường ven sông Sài Gòn sẽ là một trong các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh: "Phát triển hành lang sông Sài Gòn là một trong những động lực phát triển trong Vùng động lực phía Nam - phát triển giao thông liên kết vùng kết nối những khu vực trọng điểm, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, tạo không gian công cộng, phục vụ giao thông và phát triển đô thị dọc tuyến sông…".
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương có thu nhập đầu người đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước, đưa tỉnh trở thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam năm 2023.