Theo VOV, ngày 14/4, Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức Hội nghị quán triệt, thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II và lấy ý kiến về Đề án kết thúc hoạt động cấp huyện, sáp nhập cấp xã.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Đề án sắp xếp bộ máy đã trình bày Dự thảo tóm tắt về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Theo Dự thảo, sau khi thực hiện việc sáp nhập 91 xã, phường, thị trấn hiện có, toàn tỉnh sẽ còn lại 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 xã và 24 phường - giảm 55 đơn vị so với hiện tại.
Cụ thể, TP. Thủ Dầu Một sẽ còn 4 phường; TP. Dĩ An còn 3 phường; TP. Thuận An 5 phường; TP. Tân Uyên 5 phường; TP. Bến Cát 7 phường; huyện Dầu Tiếng 4 xã; huyện Bàu Bàng 2 xã; huyện Bắc Tân Uyên 2 xã; huyện Phú Giáo 4 xã.

Một góc tỉnh Bình Dương
Việc lựa chọn tên gọi và xác định trụ sở chính của các đơn vị hành chính mới hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi từ người dân và các chuyên gia.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phương án đặt tên các xã, phường sau sáp nhập sẽ không sử dụng con số, mà ưu tiên lựa chọn các địa danh mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, gắn bó lâu đời với cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo sự hài hòa và tính kế thừa.
Trước đó, tỉnh Bình Dương đã nhiều lần điều chỉnh phương án sắp xếp hành chính. Phương án ban đầu dự kiến giảm từ 91 xuống còn 27 đơn vị cấp xã. Tuy nhiên, sau khi Bộ Nội vụ công bố định hướng cả nước sẽ còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh đã điều chỉnh phương án, dự kiến giữ lại 45 đơn vị. Đến nay, con số cuối cùng được thống nhất là 36 đơn vị.
Các tên gọi trong Dự thảo trước đó từng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, bởi phần lớn đều gắn liền với các dấu ấn lịch sử, văn hóa địa phương hoặc là tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện cũ - tạo được sự quen thuộc và tính kế thừa.
Trong đợt lấy ý kiến lần này, nhiều người dân Bình Dương bày tỏ mong muốn các tên gọi xã, phường mới sẽ dễ nhớ, gần gũi và thể hiện đậm nét bản sắc địa phương.