Tuy nhiên, nguy cơ vẫn rất cao, Thủ tướng yêu cầu cần giữ vững và cương quyết thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra.
Chiều 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 và công tác nhập khẩu, sản xuất, tiêm vaccine, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch thứ 4 đã kéo dài 20 ngày tính từ 27/4.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo các bộ, cơ quan.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận đánh giá về tình hình kiểm soát dịch bệnh và dự báo diễn biến sắp tới; khả năng và kết quả thực hiện mục tiêu kép; công tác chuẩn bị bầu cử; việc kết thúc năm học.
Thủ tướng đề nghị đánh giá cụ thể về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng chống dịch; việc tổ chức thực hiện trong thực tế; việc ứng phó với các tình huống đột xuất; công tác truyền thông; các bài học kinh nghiệm cần rút ra; dự báo tình hình sắp tới và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo cần tập trung thực hiện…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết từ ngày 27/4 đến 12h ngày 17/5 chúng ta đã ghi nhận 1.204 ca nhiễm trong nước.
Tại Bắc Ninh, hiện nay đã ghi nhận 241 ca nhiễm tập trung tại chùm ca bệnh tại Thuận Thành và các ổ dịch cũ đã được quản lý, cách ly; ngoài ra Bắc Ninh đã ghi nhận một số ca bệnh trong khu công nghiệp, ca bệnh có liên quan đến các khu công nghiệp ở Bắc Giang
Đáng lưu ý nhất là những diễn biến phức tạp của các chùm ca bệnh trong khu công nghiệp tại Bắc Giang. Đến nay, tỉnh này đã ghi nhận 368 ca bệnh. Tuy nhiên, với các biện pháp đã triển khai, sự chi viện của đơn vị Trung ương và địa phương, về cơ bản dịch bệnh tại địa phương này đã kiểm soát được, các ca nhiễm mới đều trong khu cách ly, phong toả. Trong một vài ngày tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục xét nghiệm sàng lọc diện rộng hơn để đánh giá toàn diện trong các khu công nghiệp.
“Đợt dịch này có khả năng kéo dài hơn, diện rộng, có nhiều ổ dịch, biến thể mới của virus lây nhanh hơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép không thay đổi. Các khu vực nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch phải kiên quyết dừng hoạt động cho đến khi khắc phục xong. Chính quyền địa phương, các sở ngành phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để bảo đảm sản xuất phải an toàn trong phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương giãn cách xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh chứ không phải thực hiện tràn lan, trong một xã có thể chỉ giãn cách một vài thôn, một huyện có một vài xã, trong một tỉnh có một vài huyện”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định với các biện pháp đã triển khai sẽ không để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Bộ đã có hướng dẫn, kịch bản rất chi tiết trong các tình huống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tối đa cho cuộc bầu cử. Về việc kết thúc năm học 2020-2021, những địa phương không có dịch thì có thể thực hiện như bình thường, các địa phương có dịch cũng phải phân loại rõ nguy cơ.
Ý thức của các cấp, các ngành và người dân cải thiện rõ nét
Cập nhật tình hình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết vừa có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm đối với phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết đã tăng cường lực lượng, trang thiết bị hỗ trợ cho các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, như điều động nhiều xe xét nghiệm, các tổ lấy mẫu xét nghiệm, từ chiều ngày 16/5 tới sáng 17/5 đã giúp các địa phương này lấy 3.000 mẫu, xét nghiệm 600 mẫu… Trên tuyến biên giới, các lực lượng thường xuyên duy trì hơn 1.800 tổ chốt, với gần 12.000 cán bộ, chiến sĩ; các lực lượng được tăng cường phương tiện quan sát, kịp thời phát hiện hàng nghìn trường hợp nhập cảnh trái phép.
Lãnh đạo các bộ thống nhất đánh giá trong đợt bùng phát dịch hiện nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch hết sức quyết liệt, đồng bộ, kịp thời; công tác thông tin-truyền thông cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, ý thức của người dân và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương được cải thiện rõ rệt.
Lãnh đạo các bộ cũng cho rằng, cần tăng cường tổng kết, nhân rộng các mô hình, cách làm hay và cho biết trong tuần này sẽ tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các đơn vị, các nhân làm tốt công tác phòng chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết 4 tháng đầu năm, tăng trưởng công nghiệp vẫn bám sát kịch bản tăng trưởng GDP từ đầu năm, xuất khẩu trong nước tăng cao hơn khu vực FDI. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp thời gian tới. Bộ trưởng nhắc tới tình trạng một số mặt hàng trên thế giới như phôi thép, xăng dầu tăng giá cao, khan hiếm chip bán dẫn điện tử… có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
Trong nhiều nội dung kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 là rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ đã yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, nhất là tại các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các giải pháp, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Bà cũng cho biết thêm thông tin từ tập đoàn Samsung, ngoài các quy định chung, tổ hợp Samsung Bắc Ninh còn có thêm các quy chế nội bộ về phòng chống dịch và vẫn đang duy trì tốt việc sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch năm 2021.
Các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành đều cho rằng, về cơ bản chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình. Các Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt tinh thần tuyệt đối không được mất cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; lưu ý công tác quản lý các khu cách ly, nhất là với các chuyên gia nước ngoài; đặc biệt lưu ý các biện pháp chống dịch, xét nghiệm sàng lọc phù hợp với các khu công nghiệp; đẩy mạnh việc tìm kiếm các nguồn vaccine, khuyến khích doanh nghiệp tham gia công tác này…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, cho rằng xét trên phạm vi cả nước, chúng ta đang khống chế tốt dịch bệnh. Các tỉnh đang có dịch là Bắc Ninh, Bắc Giang và một phần Hà Nội cơ bản đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, đối với một phần Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn có nguy cơ rất cao do chủng mới đã lây nhiễm vào khu công nghiệp. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, việc kết thúc năm học 2020-2021 có thể diễn ra bình thường.
“Tất cả các quy định, hướng dẫn đã có đầy đủ, vấn đề là thực hiện, đặc biệt là chuẩn bị nhân lực, vật lực ngay khi dịch bệnh chưa xuất hiện. Điều quan trọng nhất rút ra khi chống dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang những ngày qua là trong tình huống cần xét nghiệm một số lượng người rất lớn trong các khu công nghiệp trong thời gian ngắn nhất thì cần chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, sinh phẩm, đội ngũ lấy mẫu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ một số đặc điểm rất đáng chú ý của đợt dịch lần này. Chủng virus mới lây rất nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường, khiến nhiều kinh nghiệm đã có trước đây trở nên không phù hợp. Dịch xảy ra ở nhiều địa phương, tập trung vào một số ổ dịch, xảy ra tại nhiều khu công nghiệp, nhất là Bắc Giang và Bắc Ninh.
Dịch bệnh xảy ra trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND và kết thúc năm học, trong khi diễn biến dịch bệnh ở các nước xung quanh Việt Nam rất nhanh, phức tạp, nhu cầu về nước của Việt kiều tăng lên.
Phân tích về nguyên nhân đợt dịch, Thủ tướng nêu rõ, mầm bệnh xuất phát từ bên ngoài, cho thấy những sơ hở trong kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cách ly và sau cách ly. Cùng với đó là sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận người dân. Phải kiểm điểm nghiêm túc việc tuân thủ các quy định, nguyên tắc hoạt động của Tổ 5 người, xử lý các vi phạm. Một số quy định về quản lý nhà nước còn thiếu.
Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chuẩn bị cho “4 tại chỗ” chưa đầy đủ, nên khi dịch bệnh xảy ra gặp lúng túng, thiếu vật tư, sinh phẩm, nhân lực… Nếu các địa phương đã từng có dịch phản ứng rất nhanh như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, thì một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa từng có dịch nên thiếu kinh nghiệm ứng phó.
Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất đồng bộ, kịp thời, quyết liệt từ Trung ương tới địa phương, với các văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Y tế và các lưu ý của Chủ tịch nước.
Sự kịp thời, quyết liệt thể hiện ở việc chúng ta đã dự báo trước được tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Từ giữa tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45 yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các cơ quan, đặc biệt các cơ quan hành pháp, đã chỉ đạo, triển khai, thực hiện các giải pháp không kể “ngày, đêm, sớm, tối”, Ban Chỉ đạo quốc gia hoạt động nhịp nhàng, bài bản, khoa học.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản đã nắm chắc, bám sát tình hình trong nước và thế giới, đánh giá đúng tình hình để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đúng; không có biểu hiện chủ quan. Sự lãnh đạo, chỉ đạo là đúng hướng, xác định đúng nguy cơ, hướng tấn công chính của virus là từ bên ngoài. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, rõ ràng, rành mạch, người có chức vụ vi phạm bị xử lý cách chức, đình chỉ, cảnh cáo, kể cả xử lý hình sự. Việc phân công, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương rõ ràng, mạch lạc.
“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản là tốt, phù hợp, đồng bộ, kịp thời, quyết liệt, bám sát tình hình, đúng hướng, không chủ quan, có khen có chê, phân công, phân cấp rõ ràng”, Thủ tướng khái quát.
Việc tổ chức thực hiện đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân. Một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng… tình hình ban đầu rất đáng lo ngại nhưng đã làm tốt, quyết liệt, bình tĩnh triển khai các giải pháp, có nhiều cách làm hay, rất đáng tổng kết, nhân rộng, đặc biệt là mô hình “3 lớp” tại Đông Anh, Hà Nội. Nhiều cá nhân rất thông minh, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan khác hành động rất quyết liệt, nắm chắc tình hình, phù hợp thực tiễn. Thủ tướng lấy ví dụ Bộ Tài chính đã ban hành ngay văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm phục vụ chống dịch. Các cơ quan, địa phương phối hợp, giúp đỡ nhau chặt chẽ, hiệu quả, như Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự vào cuộc của nhân dân có ý nghĩa chiến lược, quyết định với công tác phòng chống dịch. Trong dịch bệnh, tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ, nơi không có dịch giúp nơi có dịch, người ngoài vùng cách ly giúp người trong vùng cách ly, hình thành các tổ COVID cộng đồng…
Công tác tuyên truyền thực hiện tương đối kịp thời, dù so với yêu cầu vẫn cần phải đa dạng, phong phú hơn nữa.
Khẳng định kết quả chống dịch để nhân dân yên tâm
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đến giờ phút này, chúng ta cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên cả nước. Các tỉnh có dịch cũng đang từng bước kiểm soát. Các ổ dịch rõ nguồn lây đều kiểm soát được và chưa phát hiện ổ dịch mới không rõ nguồn lây. “Chúng ta phải khẳng định như vậy cho nhân dân yên tâm”.
Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cả nước vẫn đang thực hiện tốt “mục tiêu kép”, tăng trưởng quý I/2021 dù chưa đạt mục tiêu đề ra những vẫn giữ được đà phát triển tích cực, thu ngân sách tới ngày 16/5 đã đạt gần 50% dự toán kế hoạch cả năm. Công tác chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp theo đúng quy định pháp luật và diễn ra suôn sẻ tới giờ này. Việc kết thúc năm học 2020-2021 cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, nguy cơ vẫn rất cao, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với nhân dân bằng những biện pháp phù hợp, mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn thì mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh.
Dự báo tình hình còn rất phức tạp, diễn biến nhanh, khó lường, Thủ tướng yêu cầu công tác dự báo nắm tình hình phải làm tốt hơn nữa, đưa ra giải pháp phù hợp, tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, thần tốc hơn nữa, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
Rút kinh nghiệm chống dịch tại các khu công nghiệp
Thủ tướng lưu ý một số điểm về các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.
Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục quán triệt mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong phòng chống dịch: Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm thành công cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; bảo đảm an toàn, kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021. Đặt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết.
“Chúng ta phải giữ vững, cương quyết thực hiện các mục tiêu này”, Thủ tướng nói và đặc biệt lưu ý trong phòng, chống dịch phải tránh xu hướng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch, nhưng hốt hoảng, lo lắng, hoang mang, thiếu bản lĩnh khi có dịch.
Tình hình dịch bệnh có sự thay đổi nên cách tiếp cận, phòng, chống dịch có thay đổi cho phù hợp, song phải tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” ở tất cả các khâu, tuyệt đối không được vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Kế thừa, tổng kết, nhân rộng các kinh nghiệm quý, bài học hay, các cách làm có hiệu quả của các đợt dịch trước và của thế giới.
Tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công. Phòng ngự tốt thì hỗ trợ tấn công tốt. Tấn công tốt sẽ thực hiện phòng ngự có hiệu quả.
Thủ tướng phân tích: Tấn công và phòng ngự chủ động là thực hiện tốt 5K+vaccine, đây là tư tưởng chỉ đạo chung. Phòng dịch vẫn là cơ bản, quyết định, rất quan trọng; huy động các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho công tác xét nghiệm chủ động; thực hiện chiến lược vaccine (tiếp cận mua bằng được vaccine; chuyển giao công nghệ; nghiên cứu sản xuất phải phấn đấu để chủ động; tổ chức tiêm chủng cho hiệu quả, giải thích rõ khi có sự cố và phòng ngừa sự cố); tăng cường ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, tạo điều kiện cho người dân sử dụng thuận lợi những công nghệ sẵn có để hỗ trợ công tác khai báo y tế, truy vết, phát hiện, cách ly; tăng cường chuẩn bị thiết bị, trang bị, sinh phẩm y tế, dự trữ nguồn tài chính.
Tiếp tục phân công, phân cấp, thực hiện “4 tại chỗ” nghiêm túc. Trung ương lo quản lý vĩ mô, quản lý, đôn đốc, kiểm tra, lo tài chính tổng thể, các cân đối lớn. Các địa phương thực hiện “4 tại chỗ” theo các hướng dẫn, quy định đã có. Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn bản phải lo cho thôn bản, mỗi người tự lo cho mình, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Toàn hệ thống chính trị, cấp uỷ, chính quyền các cấp kêu gọi sự cộng tác, hưởng ứng của người dân, thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch.
Từ thực tiễn những ngày qua, Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm và có kịch bản phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp mua trang thiết bị, vật tư y tế, vaccine và các điều kiện khác để vừa phòng ngừa, vừa chuẩn bị tiêm vacine trên diện rộng tối đa có thể.
Công tác tuyên truyền cần tập trung cao nhất cho mục tiêu số 1 hiện nay là phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Huy động các nền tảng khác nhau cho công tác tuyên truyền, tăng cường phân tích, đánh giá, nêu những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm, tấm gương tốt, truyền cảm hứng cho người dân cùng vào cuộc với các cấp, các ngành trong phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. “Cha ông ta chiến thắng giặc là nhờ huy động sự vào cuộc của toàn dân”.
Đối với vấn đề giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu, các quy định, chỉ thị, hướng dẫn đã có, các địa phương cần bám sát tình hình, phân tích, đánh giá, vận dụng một cách linh hoạt, chủ động, sáng tạo để đưa ra quyết định phù hợp, hiệu quả, với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; theo thẩm quyền thì chủ động quyết định, khi chưa đúng thẩm quyền thì phải cáo cáo cấp trên.
“Giãn cách xã hội là biện pháp nhẹ nhàng nhất cho người chống dịch nhưng lại ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân. Sự linh hoạt, giỏi giang của người đứng đầu, của cấp ủy, chính quyền các cấp là xử lý hài hòa, hợp lý, đánh giá đúng tình hình, xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả và giải thích cho người dân hiểu rõ”, Thủ tướng nói.
Các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chủ động, tích cực, sáng suốt, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, xem xét quyết định, căn cứ các quy định để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Bộ Công Thương và các cơ quan chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, như hàng hóa, lương thực, thực phẩm, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân. Cùng với việc chăm lo sức khỏe nhân dân, phải chăm lo cho sản xuất kinh doanh, cơm ăn áo mặc, ấm no, hạnh phúc của người dân.
Thủ tướng kết luận, qua 20 ngày chống dịch, chúng ta cần đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần. Toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ ngành Trung ương, địa phương, cấp uỷ, chính quyền các cấp phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, nếu chủ quan, lơ là thì hậu quả khôn lường. Một người lơ là, cả xã hội lao đao, vất vả.