Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa có báo cáo về tình hình triển khai dự án Đại học Đà Nẵng trên địa phận thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo… cũng như đề xuất các kiến nghị, giải pháp cho tương lai của Làng Đại học Đà Nẵng.
Dự án treo 1/4 thế kỷ
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 với tổng diện tích khoảng 300ha (trong đó khoảng 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng và khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
“Tuy nhiên, đến nay đã trải qua 25 năm, dự án mới chỉ triển khai được một phần thuộc địa phận TP. Đà Nẵng. Việc dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân, công tác quản lý an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa phương...”, báo cáo số 150/BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Về thực trạng công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, an ninh trật tự tại dự án trên địa phận Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Quy hoạch dự án Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt có khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, đến nay, mới chỉ triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường bao làng đại học. Tuy nhiên, việc triển khai mới chỉ dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, còn các hộ bị ảnh hưởng bởi đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời”.
Hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 09/7/2020; theo đó, trong phạm vi dự án trên địa phận tỉnh Quảng Nam giữ lại dân cư hiện trạng khoảng 30ha dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (ĐT 607) để chỉnh trang đô thị. Hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của dự án tại khu vực TP. Đà Nẵng đã được Đại học Đà Nẵng trình UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 24/12/2020. Tuy nhiên đến nay, Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được Đại học Đà Nẵng hoàn thành công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện.
Về hạ tầng đô thị và quản lý đất đai, theo UBND tỉnh Quảng Nam, do quy hoạch dự án “treo” nhiều năm nên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực không được đầu tư, nâng cấp.
Cụ thể, đường giao thông từ khi công bố dự án Đại học Đà Nẵng không được đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, chỉ có một tuyến đường bê tông rộng 3m dài khoảng 1,7km, còn lại là đường đất. Hệ thống điện, đường dây, trụ điện khu vực khối phố Câu Hà (nằm trong dự án) xuống cấp nghiêm trọng, các trụ điện chữ H, đường dây điện bị nghiêng, thường xuyên xảy ra sự cố, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là trong mùa mưa bão. Các công trình văn hóa - thể dục thể thao chưa được đầu tư xây dựng; nhà trẻ, trường mẫu giáo tạm bợ…
Về tình hình quản lý đất đai từ năm 1997 đến nay, những người dân ở khu vực này không được thực hiện một số quyền được luật pháp cho phép như lập hộ mới, tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất... và không được cấp phép xây dựng, cải tạo nhà cửa; chỉ đến khi Luật Xây dựng năm 2013 có hiệu lực, các hộ dân trong khu vực mới được cấp phép xây dựng có thời hạn trong phạm vi đất thuộc dự án Đại học Đà Nẵng.
Theo kết quả tổng rà soát phối hợp giữa UBND thị xã Điện Bàn và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Nam, từ năm 2009 đến nay, có hơn 500 trường hợp xây dựng trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này vẫn diễn biến rất phức tạp, việc mua bán chuyển nhượng đất đai tự phát giữa các hộ dân vẫn diễn ra nhiều khiến chính quyền địa phương không thể kiểm soát được, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Và nếu không có giải pháp giải quyết kịp thời sẽ tạo điểm nóng, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương.
Hiện nay, số lượng nhân khẩu không đăng ký lưu trú tại khu vực ngày càng tăng, bên cạnh đó, tại khu vực này có 2 trường (Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng và Cao đẳng Việt - Hàn) với số lượng học sinh, sinh viên đông; số lượng sinh viên này thường thuê trọ tại các khu vực lân cận, trong đó có các công trình xây dựng trái phép, gây ra nhiều khó khăn trong công tác theo dõi, quản lý của cơ quan chức năng.
“Dự án kéo dài trong nhiều năm khiến cho công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân, hộ khẩu trên địa bàn còn nhiều bất cập. Việc cư trú, lưu trú, tạm trú tại khu vực dự án Đại học Đà Nẵng phức tạp nên việc nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng tội phạm và vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn”, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam.
Gần 1.900 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, theo quy hoạch được duyệt, dự án Đại học Đà Nẵng có khoảng 190ha thuộc địa phận thị xã Điện Bàn, trong đó, có hơn 30ha đã được chỉnh trang theo dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (ĐT 607).
Liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã tổ chức kiểm tra, rà soát thực trạng tại khu vực dự án đối với gần 160ha còn lại.
Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy, tổng diện tích đất ảnh hưởng: 1.591.028m2 (trong đó: 655.877m2 đất ở, 13.107m2 đất tín ngưỡng, 819.560m2 đất nông nghiệp và 102.485m2 đất khác). Tổng số hộ ảnh hưởng là 1.845 hộ, trong đó có 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, 30 hộ ảnh hưởng đất tôn giáo và 440 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp. 817 căn nhà thuộc diện giải tỏa trắng (61 căn nhà 2 tầng trở lên và 756 căn nhà dưới 2 tầng).
Tổng số lô tái định cư dự kiến cần bố trí: 3.155 lô với tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến (theo Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam) là khoảng 2.776 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực tế sẽ còn cao hơn con số nêu trên…
Kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Nam
Chính quyền tỉnh Quảng Nam khẳng định dự án Đại học Đà Nẵng đến nay đã trải qua 25 năm nhưng vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, các quyền lợi về đất đai, xây dựng nhà cửa của nhân dân; đồng thời, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, nhất là công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh, trật tự xã hội, xây dựng tại địa phương.
Qua kiểm tra, rà soát, dự án phần lớn ảnh hưởng đến đất ở và nhà ở của nhân dân (tỷ lệ đất ở bị ảnh hưởng chiếm khoảng 41% tổng diện tích đất dự án) dẫn đến chi phí bồi thường tăng cao và khó khăn, gây phức tạp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Như vậy, việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án cơ bản không khả thi.
“Tuy nhiên, qua khảo sát, trong khu vực dự án Đại học Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, diện tích khoảng 50ha có khả năng thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể là khu vực Khối phố Tứ Hà và Câu Hà (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) gồm: 6ha đất ở, 3,9ha đất nông nghiệp và 40ha đất nghĩa trang, tín ngưỡng với 222 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 333,8 tỷ đồng và tổng mức đầu tư dự kiến 815,8 tỷ đồng”, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.
Từ những căn cứ và thực tiễn nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: “Việc đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng theo hồ sơ Quy hoạch phân khu (1/2000) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐTTg ngày 09/7/2020 là cần thiết, góp phần đưa Đại học Đà Nẵng trở thành đại học quốc gia, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực”.
UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, dự án đã kéo dài 25 năm, gây bức xúc trong chính quyền địa phương và nhân dân (người dân không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo quy định của pháp luật). Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng các bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu liên quan.
“Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 (160ha). UBND tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn, các sở, ngành, đơn vị liên quan lập quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu dân cư phục vụ tái định cư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu và thu tiền sử dụng đất để hoàn trả ngân sách”, báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
“Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ nay đến năm 2025, kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha nêu trên. Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tại khu vực; đồng thời, hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng Đại học Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh kiến nghị.