Trong bối cảnh mỗi dự án bất động sản có vài ba sàn giao dịch với cả ngàn môi giới cạnh tranh nhau bán hàng, đương nhiên các môi giới phải chịu khó lăn lộn, tích lũy kinh nghiệm để tư vấn cho khách hàng giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có không ít người lại bán bằng “mánh mung”, bằng những thông tin “trên mây” về dự án mà nếu không kiểm chứng thì người mua nhà rất dễ bị lạc vào mê hồn trận qua các website rao vặt bán hàng.
Câu chuyện cười ra nước mắt mới nhất là một dự án bất động sản giáp sông Đồng Nai được các môi giới quảng bá có bến du thuyền và hình ảnh các “cư dân hạnh phúc” thỏa thuê tắm trên một bãi tắm đầy nắng gió và cát vàng như những bãi biển đẹp nhất.
Đương nhiên, đó là những tiện ích hoang đường, bởi người ta không thể lấn sông Đồng Nai để làm tiện ích, dù chỉ một vài mét.
Câu chuyện về những tiện ích chỉ có trong quảng cáo như vậy xuất hiện rất phổ biến, nhất là tại những trang rao vặt không chính thống. Chỉ cần gõ cụm từ "mua chung cư cao cấp" Hà Nội trên internet sau vài giây là có khoảng vài chục triệu kết quả tìm kiếm xuất hiện đến từ các trang rao vặt như batdongsan.com.vn, homedy.vn, muabannhadat.vn, kenhbds.vn với những lời quảng cáo mỹ miều lên tận mây xanh về các dự án. Từ tiện ích hấp dẫn, đến các chuẩn mực quốc tế, cảm tưởng hầu như dự án nào cũng là một chuẩn mực sống.
Một dự án với cái tên mỹ miều theo phong cách Nhật Bản, với lời quảng cáo hấp dẫn về đẳng cấp sống, nhưng đến khi nhận nhà thật, cửa ban công chưa bằng một nửa, gờ tường xiên xẹo, sơn tường chỗ đậm chỗ nhạt… Tại một dự án khác, trong khi danh mục các vật liệu trang trí nội thất trong hợp đồng chủ đầu tư chú thích "tương đương" với thương hiệu A, B, C của Italia, Mỹ, Nhật... Thế nhưng, đến khi nhận nhà thật, khách hàng tá hỏa, bởi chủ đầu tư toàn dùng hàng Trung Quốc.
Không chỉ nội thất, mà nhiều khách hàng cũng ngỡ ngàng với ngoại thất của dự án khi thực tế trái ngược hẳn so với lời giới thiệu, hay cảnh quan mẫu của dự án.
Đã có những khiếu kiện của người dân khi nhận nhà không đúng như quảng cáo như câu chuyện màu sơn tại Dự án New Horizon City của chủ đầu tư Vinaenco mới đây. Tuy nhiên, chuyện cũng chẳng đi tới đâu vì các chủ đầu tư lại lý do rằng, quảng cáo là do môi giới… tự ý làm.
Nhiều khách hàng, sau khi thất vọng vì những lời rao vặt trên mây, phản ánh tới các website đăng tin, thì chỉ nhận được câu trả lời rằng trách nhiệm thuộc về người rao tin, website không chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đó.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Báo Đầu tư Bất động sản, tại Việt Nam hiện có khoảng 300 trang web đăng tin bất động sản, rao vặt nhà đất được cấp phép, còn nếu tính cả những website không có giấy phép thì con số lớn hơn gấp nhiều lần.
Điểm đặc biệt, thông qua việc làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), hay quảng cáo Adwords…, các website này có thể thu hút lượt truy cập đến cả chục triệu lượt mỗi tháng. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của các thông tin đưa ra trên website này là rất lớn.
Theo các quy định hiện tại, pháp luật không cấm các doanh nghiệp trao đổi thông tin về thị trường bất động sản. Chính vì thế, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng điều này để sử dụng hình thức rao vặt thông tin, gây nhiễu loạn thị trường.
Không những vậy, thời gian vừa qua, nhiều website rao vặt dù không được cấp phép hoạt động báo chí, nhưng vẫn thực hiện "lách luật" viết các bài phản ánh theo góc nhìn khá tiêu cực về thị trường, gây ra những hoang mang không nhỏ cho người mua nhà và thị trường nói chung.
Với một thị trường có độ minh bạch chưa cao, nhiều người mua nhà chưa phân biệt được tin thật, giả, nếu cơ quan quản lý không có động thái kiểm soát chặt chẽ thì các thông tin đưa ra ở các trang web này có ảnh hưởng lớn tới từng dự án nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.