Chúng ta đang bước vào mùa thu năm 2023, với khí thế, lòng tự hào về Mùa thu Cách mạng năm 1945. Đó là những ngày Hà Nội “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới”; đó là những ngày đất nước “Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” và “Lòng ta bát ngát ánh bình minh” (Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi).
Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Hẳn nhiên, những người Việt Nam, trong những ngày này, luôn nghe vang vọng bên tai giọng nói của Bác: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc". "Người ta sinh ra tự do bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Viện dẫn hai bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngang hàng với các bản tuyên ngôn của các nước lớn như Pháp và Mỹ.
Từ chỗ khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người, Bác Hồ đã nâng lên thành quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc. “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”1.
Đã 78 năm trôi qua, nhưng Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa thời đại. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam có ý nghĩa dân tộc và thời đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, giữ nguyên giá trị trường tồn.
Phát huy tinh thần và những giá trị tinh thần của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mùa Thu năm nay, đất nước đang nhìn lại những việc đã làm được, nhận diện thuận lợi, khó khăn trong năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Cách đây 3 năm, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), trong Diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Từ đó đến nay, câu nói này được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước sử dụng nhiều lần như một thông điệp về niềm tin.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngày 30/8/2021, Chính phủ có Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đó cũng là một ngày mùa thu.
Đất nước ta bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ trong điều kiện gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chính là năm cả nước thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế. Thách thức chưa có tiền lệ. Từ năm 2020, nhất là năm 2021, có thời điểm cả xã hội, cả nền kinh tế gần như “đông cứng”, ngưng trệ hầu hết các hoạt động để tập trung chống dịch Covid-19.
Thế nhưng, với quyết tâm chính trị cao, kiên định phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, có chủ trương, chính sách đúng đắn, nền kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng được thời cơ nên từ năm 2022 bắt đầu tăng tốc phát triển.
GDP năm 2022 đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Nhờ đó, Việt Nam thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác. Cũng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD; xuất siêu đạt hơn 12,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2023, trong tổng giá trị vốn FDI vào Việt Nam, có 1.924 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với vốn đăng ký mới đạt hơn 8,8 tỷ USD, tăng 69,5% về số dự án và tăng 39,7% về số vốn so cùng kỳ. Đồng thời, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng 22,8% về số lượt dự án điều chỉnh.
Theo lĩnh vực, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 (sau công nghiệp chế biến, chế tạo) với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD, chiếm hơn 9,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều công ty bất động sản nước ngoài tiếp tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam như Lotte Land, Hongkong Land, Gamuda Land, CapitaLand, Frasers Centrepoint Limited...
Ai cũng biết, thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 2022, thị trường này bắt đầu trở nên hết sức khó khăn. Ngoài nguyên nhân chung, có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai và nguyên nhân nội tại. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai một loạt giải pháp gỡ khó cho bất động sản; điển hình là ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thị trường bất động sản đang “ấm dần” lên.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, tổ chức ngày 5/8, Chính phủ đánh giá, chúng ta cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra với kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
"Bước vào tháng 8, nền kinh tế nước ta đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc tích cực hơn, nhất là nền tảng kinh tế vĩ mô thuận lợi, tình hình chính trị - xã hội ổn định, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước được giữ vững"2.
Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng trân trọng. Cũng không thể không nhắc đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những thành tựu trong hội nhập kinh tế quốc tế, đối ngoại, quốc phòng và an ninh.
Ảnh minh họa: Reatimes
Tất cả mọi người dân đều có "quyền được mưu cầu hạnh phúc". Đó là giá trị bất biến. An sinh xã hội của đất nước đã và đang được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Mới đây, Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3/2023), Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo Hạnh phúc toàn cầu lần thứ 10 về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ (dựa trên đánh giá trung bình từ năm 2020 đến năm 2022). Kết quả cho thấy, Việt Nam đứng thứ 65/150, tăng 12 bậc so với năm 2020. Đánh giá trên cho thấy, chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam những năm gần đây được nâng lên đáng kể.
Tình hình quốc tế tiếp tục tạo ra nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế Việt Nam dự báo chịu “tác động kép”, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, vừa phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… đã và đang bộc lộ rõ hơn.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII. Về các đột phá có thể nhìn thấy rõ ở quyết tâm hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Khắp đất nước đang như một “công trường vĩ đại”.
Đảng và Nhà nước luôn đặt con người ở vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người là động lực và mục tiêu của quá trình phát triển. Đó cũng là lý tưởng mà biết bao thế hệ đã viết nên bằng xương máu, từ những Mùa thu Cách mạng cách đây 78 năm. Đó là tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập./.
[1] Tuyên ngôn độc lập, nguồn: https://vietnamnet.vn/toan-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-771240.html
[2] Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023. Nguồn: Báo Chính phủ