Cuối năm, buôn lậu càng ào ạt
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến mọi mặt của nền kinh tế cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại cũng có phần giảm thiểu so với các năm trước.
Tuy nhiên, giảm về số lượng nhưng tính chất vụ việc lại có chiều hướng phức tạp và nguy hiểm hơn, ngày một tinh vi với những thủ đoạn mới. Dự kiến, càng về Tết nguyên đán, số lượng vi phạm chỉ có tăng chứ chẳng mấy khi giảm.
Tính đến chiều 19/12, lực lượng thuộc Cục cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03), đã hoàn thành việc kiểm đếm các loại hàng hóa trong tổng số 500 tấn hàng được thu giữ, liên quan đến vụ buôn lậu cực lớn thông qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh).
Cận Tết Nguyên Đán, hoạt động buôn lậu bánh kẹo xuất hiện lại càng tràn lan. Các cơ sở kinh doanh thường nhập lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng lại dán bao bì nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Với thủ đoạn như vậy, các đối tượng đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu nước ngoài để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng đôi lúc ham rẻ lại không hề cảnh giác đến chất lượng của các loại kẹo bánh này.
Mới đây, đội Quản lý thị trường số 1 tỉnh Lào Cai đã phát hiện lô hàng 1.800 hộp kẹo dẻo do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo và không có ai nhận là chủ lô hàng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra Quyết định tạm giữ toàn bộ lô hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hơn 200kg thực phẩm và một lượng lớn củ cải khô, dầu hào không rõ nguồn gốc cũng được phát hiện và tiêu hủy tại Lạng Sơn.
Còn tại tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng cũng phát hiện 1,5 tấn thực phẩm nhập lậu bao gồm ô mai, ngô cay, kẹo mềm.
Thậm chí, gần Hà Nội cũng có những nơi chuyên bán hàng giả hàng nhái. Như “thủ phủ hàng giả” thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), không khí buôn bán dịp cuối năm vô cùng sôi động. Ngay từ ngoài cổng chợ, đã la liệt các cửa hàng kẹo xanh đỏ bán theo cân và chẳng hề có nhãn mác nào cả. Theo đó, loại rẻ giá 25.0000 đồng/5kg; loại đắt hơn giá 30.000-35.000 đồng/5kg.
Hoặc như làng nghề bánh kẹo La Phù ở Hoài Đức cũng vậy. Nơi đây có đủ các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh kẹo nhái, với giá không thể rẻ hơn.
Dịp gần Tết cũng là lúc các mặt hàng phục vụ tết như thuốc, rượu, pháo lại dồn dập xuất hiện và tăng cao. Đến nay đã có liên tiếp nhiều vụ buôn lậu thuốc lá thế hệ mới quy mô lớn bị bắt giữ trong vòng 6 tháng qua. Điểm chung là toàn bộ hàng đều không giải thích được nguồn gốc xuất xứ.
Gần đây, Hải quan TP HCM thu giữ 4 kiện thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hóa thu giữ được khoảng 1 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 13/11, tại huyện Phú Riềng – Bình Phước, Công an huyện Phú Riềng tổ chức tiêu hủy 10.470 bao thuốc lá nhập lậu.
Cuối tháng 11, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Ninh đã triệt phá đường dây buôn lậu thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước đến nay. Lô hàng 12.505 điếu thuốc lá điện tử loại POD SYSTEM, nhãn hiệu LIO, do Trung Quốc sản xuất, định giá 1.719.437.500 đồng. Hay mới đây nhất, công an tỉnh Kiên Giang đã bắt được 2 đối tượng vận chuyển 9.450 bao thuốc lá ngoại nhập lậu qua đường biên giới.
Cùng với chống buôn lậu thuộc lá thì lực lượng chức năng vào dịp cuối năm cũng đang phải căng mình ngăn chặn với một mặt hàng khác, đó là pháo nổ. Vụ việc mới nhất có tang vật lên tới 198kg, được Công an huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An triệt phá thành công vào ngày 22/12. Tại Quảng Trị, đầu tháng 12, công an cũng bắt dữ được một vụ vận chuyển pháo lậu trái phép 168kg pháo nhập lậu.
Các mặt hàng cận Tết như thuốc, rượu, pháo là những mặt hàng siêu lợi nhuận, buôn 1 bán 10 cho nên nhiều tay buôn vẫn bất chấp liều mạng để nhập lậu với tâm lý “được ăn cả mà ngã về không”. Thậm chí, với mặt hàng pháo lậu còn buôn bán công khai qua các trang mạng xã hội. Chỉ cần để lại số điện thoại mà không cần cọc. Để thấy rằng buôn lậu ngày càng công khai và không màng đến kỷ cương, phép tắc.
Giải pháp khi thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Các nhà quản lý vẫn đang đau đầu đưa ra giải pháp ngăn chặn buôn lậu trong những tháng cuối năm, khi mà thủ đoạn của các tay buôn ngày càng tinh vi.
Hiện nay, với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), nhiều đối tượng lợi dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng. Qua hình thức mua sắm online, thủ đoạn gian lận thương mại cũng dễ dàng hơn nhiều khi khách hàng mua trực tiếp.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), trong quý III/2020, nhiều vụ vi phạm lớn đã bị phát hiện, xử lý; nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường TMĐT bị triệt phá. Đơn cử vụ tập kết hơn 100.000 sản phẩm hàng lậu tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong (J&T Express) để chuẩn bị chuyển phát. Trong vụ này, dân buôn lậu đã lợi dụng kẽ hở là cảng ICD Mỹ Đình là cảng chuyên dụng cho hàng hóa nhập khẩu.
Nằm ẩn trong khu vực cảng ICD Mỹ Đình, việc kinh doanh trong khuôn viên của cơ sở này rất khó phát hiện vì thường bị lẫn đối với hoạt động thông quan của lực lượng hải quan. Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, đây là thủ đoạn mới cụ thể lợi dụng công nghệ số, thương mại điện tử và loại hình kinh doanh bưu chính để vận chuyển và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả xuất xứ, hàng giả sở hữu trí tuệ, hàng cấm, thậm chí lừa dối người tiêu dùng...
Thêm một nguyên nhân nữa khiến gian lận thương mại qua các trang TMĐT tăng là những cơn bão sale cuối năm. Vì hoa mắt chóng mặt trước những mặt hàng giá rẻ như cho, "bia kèm lạc" mà người tiêu dùng lại càng dễ dàng bị lợi dụng. Đến lúc mua phải hàng kém chất lượng nhưng lại được giảm giá nên ít ai lên tiếng.
Chị Hoa (Hà Đông) cho biết “Hôm big sale chị có mua trên shopee mấy bộ quần áo cho con. Mà hỡi ôi mở ra mới thấy ngán ngẩm chả buồn đánh sao nữa. Hàng chụp thì made in Vietnam mà hàng nhận thì made in China, đường may lộn xộn, chỉ ngang chỉ dọc không cắt. Mà có phải là giảm nhiều nhặn gì đâu, giảm được mỗi 20%. Chả nhẽ mình đã mua hàng sale rồi lại còn ý kiến. Đã bao nhiêu lần mắc bẫy bọn bán online rồi mà thấy sale là mắt chị sáng lên không kiềm chế được”.
Anh Hà (Trung Kính) cũng cho biết, "Hôm 12/12 tôi cũng mua một số món đồ công nghệ trên Lazada vì có chương trình sale kịch liệt. Có cái cũng ổn nhưng cũng có cái rất chán đời. Tai nghe thì tai nghe được tai không, được mấy cái ốp điện thoại hàng Trung Quốc thì đùng được. Nói chung là đã chấp nhận mua sale thì phải chịu. Có mấy cái đồ tốt mà người ta sale cho đâu. Phải tội nói mãi rồi nhưng vẫn hám mua rẻ là thế"
Để tránh những trường hợp mất tiền oan khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng cần mua hàng ở những địa chỉ uy tín, có cam kết về chất lượng bằng hóa đơn chứng từ phòng khi xảy ra sự cố thì có bằng chứng để đòi quyền lợi.
Hình thức gian lận thương mại bây giờ còn tinh vi hơn xưa là một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch nhà máy sang để sản xuất hàng hóa, nhưng thực chất là đưa hàng hóa, chi tiết, linh kiện sang Việt Nam để gia công, lắp ráp đơn giản, sau đó gắn nhãn Made in Vietnam. Hàng hóa dạng này khi nhập khẩu không thể hiện xuất xứ sản phẩm, nhưng khi làm thủ tục hải quan hay lưu thông ra thị trường lại gắn nhãn Made in Vietnam. Hoặc sản xuất kinh doanh hàng hóa có thành phần, tiêu chuẩn định lượng không đúng hồ sơ công bố. Những kiểu gian lận này tập trung ở nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng. Với loại hình gian lận thương mại này ẩn nấp dễ dàng và các cơ quan chức năng cũng khó bao quát.
Quy định xử phạt buôn lậu ở Việt Nam còn khá nhẹ, phạt hành chính không thấm vào đâu so với lợi nhuận của một chuyến hàng buôn trót lọt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc buôn bán các nguồn hàng phạm pháp này diễn ra ngày một tăng, công khai thách thức cơ quan quản lý. Cụ thể, mức phạt theo luật như sau:
Phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm cho tài sản buôn lậu trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng với cá nhân. Phạt tiền từ 300 triệu - 1,5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 03 - 07 năm cho tài sản buôn lậu từ 100 đến dưới 300 triệu đồng với tội phạm có tổ chức.
Cụ thể với mặt hàng pháo, căn cứ theo điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP năm 2013 quy định thì hành vi buôn bán pháo có thể chỉ bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Mức xử lý phụ thuộc vào mức độ vi phạm của người đã thực hiện hành vi buôn bán pháo.
Đối với thuốc lá nhập lậu. Theo Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP dù chỉ buôn bán 1 bao, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng. Tuy nhiên với thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá làm nóng, thuốc lá thế hệ mới là những sản phẩm của nước ngoài sản xuất. Với các loại thuốc lá này vẫn chưa có cơ chế quản lý phù hợp điều kiện trong nước. Việc xử lý vì vậy chưa sát với hành vi vi phạm.
Nói về việc, làm thế nào để hạn chế buôn lậu cận Tết, ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thi cho rằng: “Hình thức đơn giản nhất và “khỏe” nhất trong quản lý là cấm. Nhưng thực tế không có gì cấm mà thành công. Ví dụ như buôn lậu thuốc lá, cần thực sự tìm hiểu những tác hại cộng đồng và đề ra cách quản lý phù hợp thì mới mong cấm được hút thuốc , từ đó hạn chế được việc buôn lậu thuốc lá. Chứ bây giờ lợi nhuận cao gấp chục lần thì buôn lậu vẫn hoành hành thôi"
"Còn cái chuyện buôn lậu, gian lận thương mại trên mạng ngang nhiên thì cũng là do quản lý hoạt động kinh doanh online vẫn còn buông lỏng. Điều này khiến người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả rủi ro, thiệt hại. Các chủ sàn TMĐT, cũng giống như siêu thị, nếu cho gian hàng thuê chỗ để bán trong khu vực, trên chợ của mình thì chủ hàng gian dối, lừa đảo người dùng các chủ sàn cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Điều này đã được nêu rõ trong các quy định liên quan.
Chứ còn hầu hết 99% giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, kinh doanh qua mạng xã hội như Facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam. Do đó, để xử lý triệt để tình trạng này cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị và phạt phải nặng vào".
Ông Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý phải xử nặng, công khai thông tin nơi vi phạm để người dân biết và không giao dịch với những nơi đó. Luật phải theo hướng răn đe để các đơn vị không dám làm sai như các nước. Bởi nếu phạt nhẹ như kiểu phạt 5 triệu đồng mà họ lời 40 triệu đồng thì các hành vi đó vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Bởi vì nó là quá nhẹ so với giá trị hàng hóa. Các con buôn vẫn sẽ có tâm lý "được ăn cả, ngã về không" bất chấp nhập hàng lậu.
Dù việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu dịp cuối năm còn gian nan nhưng để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã ban hành Kế hoạch 540/KH-BCĐ389 chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với thời gian triển khai ngày 20/12/2020 đến ngày 28/2/2021.
- Ban 398 chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá: đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp...
- Chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phản ánh tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan kịp thời đưa tin công khai các vụ việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm; chỉ đạo tăng cường chất lượng phóng sự, tin, bài về lĩnh vực này.