Tổ chức lại không gian kinh tế, Lạng Sơn phát triển đồng bộ cả nông nghiệp và công nghiệp
Với các mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững nhà ở, công cụ quy hoạch đô thị và nông thôn... tin tưởng rằng, Lạng Sơn sẽ có điểm tựa quan trọng để khởi động các chương trình kinh tế vượt qua những biến động lớn.
******
LTS: Lạng Sơn là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội. Năm 2020, Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Chương trình hành động số 04 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đó đã điều chỉnh bằng Chương trình số 23-CTr/TU), phát triển dựa trên 3 trụ cột: Một là, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Ba là, tập trung phát triển du lịch.
Với tinh thần đồng hành cùng những mục tiêu lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Lạng Sơn phát triển kinh tế 3 trụ cột, tầm nhìn đến năm 2030".
Bài 2: Tổ chức lại không gian kinh tế, Lạng Sơn phát triển đồng bộ cả nông nghiệp và công nghiệp
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Kinh tế muốn đi lên thì nông thôn phải bền vững
Ngày 11/5/2022, sau 2 ngày mưa lớn trên diện rộng, đã làm sập, đổ tường 34 ngôi nhà; 1.812 nhà bị ngập nước và ảnh hưởng do sạt lở đất vào nhà; 8 đập, hồ chứa bị ảnh hưởng, 5 trạm bơm bị ngập, 1.200m mương bị sạt lở, vùi lấp; khối lượng đất, đá bị sạt lở trên các tuyến quốc lộ là 36.700m3; nhiều tuyến đường ngập úng cục bộ; 307 điểm đường giao thông bị ngập, sạt lở; 8 cầu dân sinh bê tông bị nước cuốn trôi... Tổng thiệt hại ước tính trên 390 tỷ đồng.
Trước đó 2 năm, do thời tiết cực đoan, chỉ trong 5 giờ, từ 4 - 9h ngày 29/3/2019, mưa lốc, gió giật mạnh, gây tốc mái 384 ngôi nhà của người dân.
Đặc biệt, mưa đá chiều và tối 24/1/2020 (vào đúng đêm 30 Tết Nguyên đán) dông lốc kèm theo mưa đá có kích cỡ lớn đã bất ngờ dội xuống khu vực gồm các huyện: Cao Lộc, Chi Lăng, Tràng Định, Bình Gia... Tại huyện Tràng Định, 90% hộ gia đình bị mưa đá, dông lốc làm thủng mái nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân, nhiều đồ đạc bị ngấm nước... thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
Mỗi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất luôn là người yếu thế, người nghèo, khu vực nông nghiệp và nông thôn. Cư dân nông thôn thật khó để vươn lên thoát nghèo khi mà nông nghiệp nông thôn còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, mưa bão. Chỗ ở, nơi sinh sống chưa an toàn, bền vững, chưa an cư thì khó có thể lạc nghiệp.
Toàn tỉnh hiện vẫn còn trên 37.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó gần 13.000 hộ gia đình nghèo và cận nghèo bị thiếu hụt các dịch vụ xã hội về chất lượng nhà ở, về diện tích nhà ở bình quân đầu người (dưới 8m2/người, vật liệu chính là nhà cột gỗ, tường bằng phên tre nứa hoặc trát vách đất; nhà trình tường đất hoặc xây gạch đất không nung,… không đảm bảo chất lượng sử dụng, có nhiều hộ nhà ở hư hỏng nặng, phải chống đỡ sử dụng tạm thời, nhưng chưa có điều kiện để xây dựng sửa chữa lại.
Riêng hai huyện Bình Gia và Văn Quan đã có gần 2.100 hộ cần sớm được hỗ trợ về nhà ở. Những hộ gia đình này đều ở vùng cao núi đá, địa hình đồi núi cao bị chia cắt mạnh, thời tiết khắc nghiệt, nhiều hộ thường bị tốc mái, đất đá sạt lở, sập đổ tường nhà khi mưa to kéo dài.
Anh Minh, 45 tuổi, nhà ở xã Hòa Bình, huyện Bình Gia (xã nghèo, huyện nghèo vùng III) đã đi làm công nhân được 6 năm, mỗi tháng gửi về cho gia đình được 5 triệu đồng. Một năm, trừ các chi phí, anh tiết kiệm được 50 triệu đồng. Sau 6 năm, anh đã dành dụm được gần 300 triệu đồng và dự định sẽ chuyển nhà ra trung tâm thị trấn Pắc Khuông, nơi có chợ trung tâm, chỉ cách nhà cũ 8km và cách thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia 20km. Tuy nhiên, gia đình anh chưa thể rời bỏ ngôi nhà sàn cũ đã ở trên 20 năm để mua đất và xây nhà mới vì số tiền đó không đủ.
Anh Minh là 1 trong gần 2.100 hộ gia đình đối tượng chính sách cần được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Anh rất muốn vừa xây nhà mới nhưng để đủ tiền thì anh sẽ phải cố gắng làm thêm vài năm nữa.
Anh Minh cũng là một trong gần 70.000 người hàng năm đi lao động ở ngoại tỉnh. Giả sử trong số 70.000 người này, có 2.100 người thuộc mỗi gia đình hộ nghèo và cận nghèo đi lao động ngoại tỉnh trên 5 năm, có nhu cầu vừa xây nhà mới, vừa chuyển chỗ ở đến nơi trung tâm thì số vốn đầu tư mua đất ở và xây dựng nhà người nghèo của tỉnh Lạng Sơn đã có khoảng 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ chính sách khoảng 60 triệu đồng/hộ, từ nay đến hết năm 2025 bố trí trên 66 tỷ đồng. Từ hai nguồn này, thị trường bất động sản cấp bách cho người nghèo Lạng Sơn đã có tổng giá trị trên 220 tỷ đồng/năm.
Đây là nhu cầu cấp bách, tối thiểu của thị trường nhà ở cho người nghèo tỉnh Lạng Sơn. Việc vận hành sẽ được cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc quyết liệt trên cơ sở bảo đảm từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, khởi động mạnh mẽ từ đầu năm 2023.
Ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo tổng hợp của tỉnh Lạng Sơn, đến nay diện tích nhà ở xã hội, nhà ở công vụ giáo viên, người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh mới đạt gần 334.000m2 sàn trên tổng nhu cầu 520.000m2 sàn, đạt 64%, còn thiếu 36%. Riêng nhà ở xã hội đến năm 2025 cần tổng diện tích sàn là 120.000m2 tương ứng khoảng 2.000 căn, trong đó có khoảng 20.000m2 sàn nhà ở xã hội cho thuê tương ứng 400 căn (khoảng 20% diện tích nhà ở xã hội).
Trên bình diện chung của cả nước, nhiều chuyên gia cho rằng: Việc tăng nguồn cung nhà ở xã hội trong giai đoạn sẽ giúp "rã đông" thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, cho rằng nhà ở xã hội là đường thoát tối ưu trong bối cảnh các dự án bị ách tắc về pháp lý, thanh khoản thấp, thậm chí bằng 0. Tuy biên lợi nhuận với nhà ở xã hội thấp hơn và cũng không ít khó khăn bởi các điều kiện với người mua, thời điểm bán, chính sách vay song đây vẫn là con đường lui có ánh sáng.
Như vậy, trong bối cảnh nền kinh tế chung chưa hồi phục, thị trường bất động sản vẫn nguội lạnh thì quá trình giải quyết nhà ở cho người nghèo và phát triển nhà ở xã hội sẽ sớm làm nên hiệu ứng cánh bướm, nhóm lên hơi ấm cho thị trường bất động sản cả nước và sẽ lan tỏa đến Lạng Sơn trong thời gian tới.
Điểm sáng đối với Lạng Sơn và các tỉnh miền núi biên giới là: Việc thúc đẩy chính sách xã hội về nhà ở cho người nghèo, các đối tượng chính sách; việc khơi thông từ điểm tựa nông thôn sẽ làm bật lên các nguồn lực đáng kể vốn bấy lâu nay bị "thúc thủ", bị cất kỹ trong cùng của "kho tàng xã hội". Trong bối cảnh đô thị là nơi chịu nhiều rung lắc thì việc đánh thức nông thôn sẽ kiến tạo lại nơi an cư tốt nhất, an toàn nhất để kinh tế xã hội phát triển trong tình hình mới.
Phát triển đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: Quy hoạch, kiến trúc khu dân cư, công trình, nhà ở phù hợp với truyền thống văn hoá, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế, quản lý, xây dựng kiến trúc nông thôn. Cải thiện điều kiện sống, nhà ở, đổi mới tư duy, nếp sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 8.310km2, dân số khoảng 802 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 84%, chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn. Trong hơn 3 năm qua ngoài dịch bệnh Covid thì thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo đã gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Huy Dũng - Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia. Nhiệm vụ tổ chức lại không gian kinh tế nông thôn, đòn bẩy cho phát triển khu vực nông thôn trước tiên phải bắt đầu từ việc giảm thiểu rủi ro thiên tai. Công cụ quản lý rủi ro thiên tai chính là quy hoạch nông thôn với 5 nội dung quan trọng như sau:
- Giảm mức độ phơi bày trước hiểm họa: Công tác chọn đất được đánh giá thông qua bản đồ đánh giá đất xây dựng. Các khu dân cư cần có mức độ an toàn không thể bố trí ở các vùng ven sông suối có nguy cơ lũ, lũ quét thường xuyên.
- Tăng cường khả năng chống chịu để thay đổi rủi ro: Để tăng cường khả năng chống chịu của đô thị, các giải pháp quy hoạch hệ thống công trình bảo vệ đô thị được đề xuất trong nội dung quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật thông qua các giải pháp như hồ chứa, đập...
- Chuyển đổi: Các giải pháp mang tính lâu dài trong ứng phó thiên tai là chuyển đổi các không gian chức năng, các hoạt động phát triển từ dạng dễ bị tổn thương sang ít bị tổn thương hơn hoặc có sức chống chịu tốt hơn. Hình thành các khu du lịch sinh thái có thể bền vững hơn, rủi ro thiệt hại nhỏ hơn.
- Giảm tính dễ bị tổn thương: Các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có tác động trực tiếp tới tính dễ bị tổn thương trước thiên tai. Trước hết là công tác cải tạo, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu, các khu dân cư nghèo trong đô thị một mặt tạo mỹ quan, bộ mặt và chất lượng sống khu dân cư, mặt khác giảm tính dễ bị tổn thương của các đối tượng này và nâng cao sức chống chịu cũng như khả năng phục hồi khi thiên tai xảy ra.
- Chuẩn bị, ứng phó và phục hồi: Một quy hoạch tốt, có lồng ghép ứng phó rủi ro thiên tai giúp chính quyền có thể di dời, tái định cư các vùng có rủi ro cao, chỉ ra những công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, chỉ ra phương thức di dời tới nơi tạm trú trong các tình huống khẩn cấp.
- Chuyển giao và chia sẻ rủi ro: Quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật, đặc biệt là quy hoạch thoát nước mặt là nội dung không thể thiếu trong quy hoạch đô thị. Trong đó, các giải pháp cắt lũ, chậm lũ, điều tiết dòng chảy, bảo vệ các hành lang xanh trong đô thị, phát triển hệ thống không gian trữ nước… như là các hình thức chuyển giao thiên tai ở các không gian khác nhau.
Tỉnh Lạng Sơn đã xác định 3 nội dung quan trọng trong thời điểm hiện nay nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững:
Một là, rà soát, đề xuất danh mục các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cần lập mới, điều chỉnh, thẩm định, trình phê duyệt đối với các đồ án cũ; công bố, công khai thường xuyên, liên tục thông tin chi tiết dự án, tiến độ các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở.
Hai là, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong việc rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn ưu đãi của đối tượng được hưởng chính sách để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Ba là, tăng cường theo dõi, giám sát có hiệu quả tình hình thị trường tại các huyện, thành phố để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng thị trường "phát triển nóng" hoặc "đóng băng".
Theo đó, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, tái định cư: Khu đô thị Mai Pha; Hạ tầng khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu,… Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng tâm, trọng điểm: Hạ tầng Khu công nghiệp Hữu Lũng; hạ tầng cụm công nghiệp Hợp Thành 1, 2; Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1 thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn,…
Ngày 28/3/2023, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao nhiệm vụ quan trọng cho Sở Xây dựng nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững:
Tham mưu ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030; Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; Thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn ưu đãi của đối tượng được hưởng chính sách để mua, thuê mua nhà ở xã hội,…
Với các mục tiêu, giải pháp phát triển bền vững nhà ở cho các đối tượng chính sách; công cụ quy hoạch đô thị và nông thôn; phát triển nông thôn bền vững, Lạng Sơn sẽ có điểm tựa quan trọng để khởi động các chương trình kinh tế vượt qua những biến động lớn trong thời gian qua./.