Aa

Các tổ chức tín dụng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Thứ Sáu, 14/07/2023 - 14:50

Ngày 13/7, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) kêu gọi các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm mức lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2% để tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng ngày 13/7, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian nửa đầu năm 2023, bối cảnh tình hình kinh tế xuất hiện nhiều khó khăn khi sản xuất trong nước sụt giảm, xuất khẩu gặp khó khi cầu từ bên ngoài thấp… Trước bối cảnh đó, Chính phủ và NHNN đã tích cực, khẩn trương có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sử dụng nhiều giải pháp thông qua các tổ chức tín dụng (TCTD).

Có thể thấy, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các ngân hàng thương mại đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ các đối tượng khách hàng doanh nghiệp khác nhau.

Đáng chú ý, sau khi NHNN nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm. Đây là một trong những nỗ lực của các TCTD nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó kích cầu tín dụng cuối năm… Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã dần duy trì ổn định và giảm từ 1 - 2% so với cuối năm 2022, tạo cơ sở giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do tác động bất ổn của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp, người dân đang hết sức khó khăn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Cùng với đó, việc triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 và Thông tư 03/2022/TT-NHNN còn vướng mắc do nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; không đáp ứng được điều kiện doanh thu, thu nhập. 

Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính, xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%; đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Huy Hoàng

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, do những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Dù vậy, VietinBank vẫn nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% rất tích cực, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

“VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ và NHNN. Với lời kêu gọi của Hiệp hội về giảm lãi suất 1,5 - 2% thì VietinBank sẵn sàng hưởng ứng”, ông Trần Văn Tần khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng cũng nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN về các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: Giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai tích cực Nghị định 33 và Nghị định 31 của Chính phủ…

Không chỉ riêng đại diện VietinBank hay Vietcombank, các đại diện ngân hàng tham gia hội thảo đều bày tỏ đồng thuận với lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng về việc giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đưa ra những kiến nghị để các TCTD có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank đề nghị, NHNN xem xét lại các quy định áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN cho phù hợp thực tiễn; cùng với đó là xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Đối với Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đề nghị xem xét kéo dài thời gian áp dụng, thay vì chỉ 12 tháng như hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top