Tô Như Toàn: Mở đường cho nghệ thuật tái sinh
Một buổi sáng đầu hạ, trên căn gác nhỏ tầng 3 khu tập thể Vĩnh Hồ (Hà Nội), nắng lấp lánh len qua những chiếc lồng sắt cheo leo, hắt vào bức tường hoa bê tông với dãy hành lang chạy dài hun hút, không gian ngập tràn trong màu nắng, màu tường với sắc vàng đặc trưng in dấu thời gian đầy hoài niệm. Nữ hoạ sỹ già ngồi tỉ mẩn sắp xếp từng bức tượng điêu khắc như nâng niu những báu vật trong vườn địa đàng. Đó là hoạ sỹ Kim Thái, phu nhân của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành. Hơn 2 năm sau ngày người bạn tri kỷ rời cõi tạm, bà vẫn bồng bềnh trong miền nhớ, vẫn mê mải sắp xếp, chăm sóc những tác phẩm nghệ thuật của ông, mặc nhiên như đó là sứ mệnh của cuộc đời người đàn bà náu mình để vẽ.
Căn gác như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ toàn bộ kho tàng nghệ thuật 80 năm cuộc đời của “phù thuỷ điêu khắc” Lê Công Thành. Đó là những tác phẩm được giới nghệ thuật đánh giá là vẻ đẹp của những sáng tạo sung sức nhất cả đời người tìm kiếm. Những tác phẩm kết tinh từ vàng ròng của vốn sống, vốn hiểu biết sâu sắc chưng cất từ văn minh ngàn năm của nhân loại. Từ thế giới thu nhận vào tri kiến của mình và từ bản ngã của mình hòa điệu ra cùng nghệ thuật.
Nhưng có một điều ít ai thấu được là nỗi niềm đau đáu của ông qua từng tác phẩm. Với ông, nghệ thuật không chỉ đơn thuần là vị nghệ thuật, nghệ thuật chỉ thực sự hoàn thành sứ mệnh của mình khi nó được trở thành nghệ thuật vị nhân sinh.
Xen lẫn trong những âm thanh huyên náo của sự sống, của tiếng máy bơm nước kêu o o, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người mua kẻ bán trò chuyện rôm rả từ xép chợ cóc dưới sân vọng lên, hoạ sỹ Kim Thái điềm tĩnh kể câu chuyện về người bạn đời của mình. Ở bà vẫn toát ra một nguồn năng lượng đặc biệt hơn so với tuổi U80.
“Chim sống trên bầu trời, cá sống dưới nước, con thú sống trong rừng… Chỉ có con người mới xây dựng lên nhà cửa để tổ chức một môi trường đời sống riêng cho mình theo đúng nghĩa. Tất cả văn minh nhân loại đều bắt đầu bằng xây dựng những trung tâm đô thị…, đó là những suy tư, trăn trở của ông Lê Công Thành khi còn sống. Với ông, nơi ăn chốn ở, không gian sống là thôi thúc lớn nhất để sáng tác nghệ thuật và gửi gắm vào mỗi tác phẩm. Vì lẽ đó, ông Thành luôn đau đáu đến một ngày những tác phẩm nghệ thuật sẽ được hòa trong đời sống của con người, đặt để trong những không gian đô thị Việt, để nghệ thuật, triết lý nhân sinh và hơi thở cuộc đời hoà quyện trong nhau, cùng nuôi dưỡng nhau tồn tại và phát triển”.
Dù các tác phẩm của phù thuỷ điêu khắc Lê Công Thành được giới nghệ thuật ngưỡng mộ, được trưng bày trang trọng trong các triển lãm, viện bảo tàng, nhiều du khách nước ngoài tìm đến và săn đón để sở hữu, nhưng có lẽ phải đợi rất nhiều năm ông mới tìm được người viết tiếp giấc mơ của mình, đưa nghệ thuật bước ra khỏi phòng kín, hoà cùng đời sống, tự do kiêu hãnh dưới ánh mặt trời.
Trong không gian cô đặc những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, cuộc trò chuyện với nữ hoạ sỹ già lại đưa tôi tới câu chuyện của một người mà theo như cách bà gọi, là người mở đường cho nghệ thuật tái sinh trong đời sống. Đó là KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest.
Nhiều năm về trước, người học trò cũ Tô Như Toàn tìm đến thầy Lê Công Thành. Chàng KTS bày tỏ mong muốn sẽ hiện thực hoá giấc mơ biến vùng đầm lầy ở phía Tây Hà Nội, khi đó là tỉnh Hà Tây cũ, thành một khu đô thị đáng sống mang tên Văn Phú. Dự án quy hoạch dựa trên ý tưởng và cảm hứng từ những khu đô thị hiện đại, văn minh nhưng mang đậm bản sắc Việt và được ví như một thành phố thu nhỏ trong lòng Hà Đông, là sự kết hợp giữa các khu nhà ở, công viên cây xanh và các công trình xã hội. Đặc biệt ở đó, nghệ thuật sẽ được hòa vào đời sống. Hòa quyện với những ngôi nhà được thiết kế kỳ công và tỉ mỉ là những quảng trường rộng, trải dài để trưng bày những tác phẩm điêu khắc mang đậm hơi thở Việt của nhà điêu khắc Lê Công Thành.
Tuy nhiên sau đó, thị trường bất động sản bước vào đợt khủng hoảng và đóng băng. Trong bối cảnh ấy, ý tưởng đưa điêu khắc, nghệ thuật vào các dự án bất động sản là một việc làm khá liều lĩnh và tốn kém trong lúc các dự án bất động sản đang phải cố gắng dùng nội lực để chống chọi qua những biến động.
“Trong giai đoạn sóng gió của thị trường bất động sản, người nghệ sỹ như chúng tôi hiểu rằng, giấc mơ nghệ thuật hóa không gian sống của người Việt phải tạm gác lại, dù buồn lắm nhưng cũng không thể làm gì. Trước lúc rời cõi tạm, ông Thành vẫn đau đáu, bao giờ điêu khắc Việt mới thoát ly khỏi những căn phòng kín im ỉm đóng trong triển lãm, trong viện bảo tàng. Bao giờ ngôi nhà Việt mới thoát khỏi nhàm chán, khô cứng của bê tông cốt thép để hoà vào những giá trị tốt đẹp chân, thiện, mỹ? Thế rồi một ngày, KTS. Tô Như Toàn trở lại với chúng tôi và thiết tha mong hiện thực hoá giấc mơ đưa nghệ thuật dân tộc hoà vào không gian sống như thuở ban đầu; lúc này, ông Thành đã rời cõi tạm. Không ồn ào, hoa mỹ, tôi vẫn thấy ở Toàn một tấm lòng tha thiết và trân trọng với nghệ thuật, một sự nhiệt thành kiến tạo những ngôi nhà, khu đô thị mà ở đó cái đẹp sẽ hòa cùng với những giá trị nhân sinh”, trong giọng nói trầm tư xen lẫn xúc động, nữ hoạ sỹ già hướng ánh mắt về những tác phẩm điêu khắc đang được xếp ngăn nắp trong căn phòng vừa được bà sửa sang, cơi nới gọn gàng.
Hiểu và cảm sâu sắc tinh thần cũng như giá trị nhân văn ẩn chứa trong các tác phẩm của “phù thủy điêu khắc” Lê Công Thành, Văn Phú - Invest đã lựa chọn và phóng tác các tác phẩm của ông, đưa vào không gian chung tại nhiều dự án như: Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông, The Van Phu – Victoria, Oakwood Residence Hanoi, trụ sở văn phòng công ty…
Mỗi một công trình của Văn Phú - Invest đều như một bảo tàng thu nhỏ với sự hiện hữu tâm hồn, sức sáng tạo không ngừng của người nghệ sỹ tài hoa. Khách sạn Oakwood Residence Hanoi nằm bên hồ Tây lộng gió là một trong những dự án tiêu biểu, ngập tràn tinh thần khai phóng của Lê Công Thành.
“Để đưa mỹ thuật dân tộc vào các dự án là một điều dũng cảm. Vài năm gần đây, một số chủ đầu tư đã đưa những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của thế giới về trưng bày trong sảnh hay quảng trường khu đô thị của mình. Điều đó đã chứng minh, nghệ thuật điêu khắc có thể sống được giữa đời sống. Tuy nhiên, đa số các tác phẩm này mang phong cách thời kỳ phục hưng của nước ngoài, đây là một cách khôn ngoan để các chủ đầu tư làm sang cho công trình của họ. Nhưng trước Toàn, có lẽ chưa có ai mạo hiểm để “người Việt dùng hàng Việt”. Văn Phú – Invest đã đưa nghệ thuật điêu khắc dân tộc vào toàn bộ hệ thống các dự án của mình. Đó không chỉ là sự dũng cảm của nhà đầu tư mà với những người nghệ sỹ như chúng tôi, điều đó còn thể hiện một tấm lòng trân trọng và giữ gìn những giá trị di sản của dân tộc, một minh chứng cho niềm tự hào về nghệ thuật dân tộc”, hoạ sỹ Kim Thái chia sẻ.
Tôi hiểu nỗi niềm của bà cũng là nỗi niềm của nhiều nghệ sỹ Việt, bởi dù những tác phẩm nghệ thuật nước ngoài kia có đẹp cỡ nào, vẫn chỉ là đi song song, khó có thể hoà quyện trong không gian đời sống của người Việt. Cha ông ta đã tự hào viết nên những huyền thoại của riêng mình, đó là một mẹ Âu Cơ cùng 50 người con đi khai sơn phá thạch, một bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đầy ngạo nghễ… Và rất nhiều những nếp ăn, nếp ở, cách cảm, cách nghĩ để đúc kết lại thành những tinh hoa văn hoá Việt, được truyền tải trong những tác phẩm điêu khắc.
Trong cuốn "Sapiens – Lược sử loài người", tác giả Yuval Noah Harari đã đúc kết: “Các quốc gia bắt nguồn từ những huyền thoại chung về dân tộc”. Vì thế tác giả cho rằng, hai người chưa từng gặp nhau nhưng có thể liều mạng cứu nhau vì cùng tin vào sự tồn tại của dân tộc, quê hương và lá cờ. Huyền thoại khơi nguồn cho tình yêu, sự đoàn kết, niềm tự hào dân tộc. Và có một thứ ngôn ngữ chung truyền tải huyền thoại ấy để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai chính là nghệ thuật. Nhưng ai sẽ là người dũng cảm bước qua ranh giới ấy để đưa nghệ thuật về với đời sống?
Những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành đã bước ra khỏi phòng kín, hòa cùng hơi thở đời sống, tự do kiêu hãnh dưới ánh mặt trời
Khi Văn Phú - Invest đưa những tác phẩm điêu khắc, hội họa của Lê Công Thành vào không gian đô thị, người ta mới nhận ra rằng, điêu khắc dân tộc hài hòa vô cùng với không gian kiến trúc hiện đại. Có được sự đồng điệu, tâm đầu ý hợp giữa những nhà đầu tư yêu nghệ thuật, luôn khát vọng đem nghệ thuật phục vụ con người, không gian đô thị chắc chắn sống động hơn, cộng đồng nhân văn hơn vì được… sống chung với những tinh hoa của dân tộc.
Nghệ thuật, nhất là điêu khắc thường khó tiếp cận với đại chúng, đặc biệt trong con mắt của những nhà kinh doanh, họ sẽ luôn phải đặt bài toán kinh tế lên hàng đầu. Vì thế, với hoạ sỹ Kim Thái, điều đáng trân trọng nhất ở KTS. Tô Như Toàn là một tấm lòng trân trọng nghệ thuật. Và xúc động hơn khi có được người hiểu những suy tư, triết lý trong kho báu mà chồng bà để lại.
(Video có sử dụng tư liệu của VTV)
“Sau này, cũng có nhiều doanh nghiệp tìm đến tôi để thể hiện mong muốn được đưa điêu khắc của ông Lê Công Thành về dự án của mình. Nhưng không phải ai cũng đau đáu thiết tha, đeo đuổi và định hình thành một hành trình dài như cách mà Tô Như Toàn tiếp cận với tác phẩm. Tiếp xúc với Toàn, tôi cảm nhận được điều đặc biệt, đó là trong cách tiếp cận và giải quyết mọi vấn đề, anh ấy luôn luôn đặt vấn đề cộng đồng lên hàng đầu. Điều này khiến tôi yên tâm ở người viết tiếp giấc mơ đưa nghệ thuật vào đời sống, yên tâm gửi gắm kho tàng của chồng mình.
Trong khi nhiều nhà phát triển bất động sản gây dựng thành quả của mình bằng cách xây dựng được càng nhiều tòa nhà, càng nhanh càng tốt, càng rộng càng tốt, thì Văn Phú – Invest lại tỉ mỉ kỳ công chăm chút cho phần hồn trong mỗi công trình của mình”.
"Văn hóa không dễ dàng rời bỏ một con người ở bất kỳ thế hệ nào, nó truyền qua các thế hệ, là sản phẩm của quốc gia, mỗi người chúng ta không thể để đánh mất văn hóa. Chúng ta xây dựng bất kỳ thứ gì hiện đại đều phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống, nền tảng phong thủy cũng như các yếu tố tâm linh của người Việt".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Tạm biệt người hoạ sỹ già, đi qua dãy hành lang chất ngồn ngộn đồ dùng sinh hoạt để bước xuống những nhịp thang hẹp và tối, tôi lắng mình để cảm nhận hương vị gói trọn trong không gian mang tên “Tập thể cũ”.
Những vần thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ bỗng ùa về:
“Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình”.
Có điều gì đó đặc biệt khiến nhiều cư dân nhà tập thể vẫn lưu luyến, không nỡ rời bỏ ngôi nhà thân thuộc của mình để đến nơi khang trang, rộng rãi hơn? Có lẽ một phần quan trọng mang tên ký ức và kỷ niệm. Bất cứ ai, kể cả đã rời đi hay còn ở lại, nhưng chỉ cần đi qua nơi thấp thoáng bóng hình nhà tập thể cũ, họ đều rung động như gặp lại cố nhân. Điều đặc biệt không dễ thấy nếu chỉ nhìn vào những hành lang chật hẹp, lồng sắt quây kín, những bức tường quét vôi vàng nham nhở. Ẩn chứa sâu trong đó là phần HỒN, là cảm xúc, là ký ức trong mỗi ngôi nhà. Và đó cũng là điều mà có sẽ phải mất rất nhiều thời gian, những chung cư thang máy cao tầng, khang trang và đẹp đẽ mới bồi đắp được.
Bước xuống khoảng sân rộng ngập đầy ánh nắng, hít một hơi thật sâu để cảm nhận bầu không khí thênh thang mang đậm hương vị cuộc sống, tôi thấy lòng mình bỗng nhẹ nhõm vì đã phần nào tìm được lời giải cho câu hỏi mà dù có tìm kiếm trên mạng đến đâu, tôi cũng chỉ nhận được những cái tít câu khách na ná giống nhau: Đại gia nghìn tỷ kín tiếng của Văn Phú – Invest là ai?
So với nhiều chủ doanh nghiệp khác, Tô Như Toàn là người khá kín tiếng trên thị trường bất động sản miền Bắc. Những thông tin mà mọi người biết đến ông chỉ đơn giản và ngắn gọn: Là Chủ tịch Văn Phú - Invest, đồng thời còn là người sáng lập Công ty THG Holdings với nhiều dự án bất động sản “đình đám”.
Ông Toàn được xem là doanh nhân thành đạt thuộc thế hệ 7X, tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc và bén duyên với lĩnh vực bất động sản. Khởi đầu chỉ với 17 nhân sự trên nền tảng là Chi nhánh Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh tại Hà Nội, Văn Phú - Invest ra mắt đúng vào những ngày tháng gian khó của thị trường bất động sản năm 2003.
Nhưng “vàng thật” thì không sợ lửa, thành công của dự án Khu đô thị Văn Phú Hà Đông - Dự án đầu tay của người Văn Phú tại phía Tây TP đã nhanh chóng đưa tên tuổi Văn Phú - Invest bước vào thị trường địa ốc.
Suốt 18 năm qua, ông Tô Như Toàn từng bước tạo dựng vị thế của Văn Phú - Invest trên thị trường miền Bắc và dần dần lấn sân vào miền Nam, đến nay, đã phát triển lên đến 12 công ty thành viên và 6 công ty liên kết. Không những thế, Văn Phú - Invest còn sở hữu hàng chục dự án bất động sản và hàng nghìn héc ta quỹ đất trải dọc khắp cả nước. Vào giai đoạn niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Tô Như Toàn từng được đưa vào danh sách top giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
KĐT Văn Phú từng là một trong những dự án nóng nhất thị trường bất động sản giai đoạn 2007 - 2010. Khi đó, giá đất nền khu vực này đã lên tới 55 triệu đồng/m2 và giá căn hộ từ 19 - 25 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ra đời vào đúng giai đoạn sóng gió của thị trường, nên dù dũng cảm mở đường từ bão tố, KTĐ Văn Phú cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng chung. Đó có lẽ cũng là lý do, người đứng đầu Văn Phú - Invest dù đau đáu muốn hiện thực hóa một bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Việt ngay trong dự án đầu tay của mình, nhưng lại chưa thể thực hiện trọn vẹn giấc mơ. Phải đợi đến nhiều năm sau, đủ cần mẫn, nỗ lực và chỉn chu bồi đắp từng dự án, cũng như tạo dựng được tiềm lực kinh tế, KTS. Tô Như Toàn mới có thể quay lại hiện thực hóa giấc mơ đưa nghệ thuật Việt hòa vào đời sống.
Không ồn ào, không vội vã, cái cách mà Văn Phú - Invest triển khai từng dự án giống như một người chuyên tâm xây tổ ấm của chính mình: Nhiệt thành, tỷ mẩn, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết.
“Cái gì đầu tiên cũng đều đáng nhớ. Khu đô thị Văn Phú giống như đứa con đầu tiên mà một người mẹ thai nghén, đếm ngày, đếm tháng để chứng kiến từng thay đổi trong hình hài của con mình. Thuở đó, ngày nào tôi cũng ra công trường, nhiều lúc đi chân trần trên nền cát ẩm để cảm nhận sự “thay da đổi thịt” qua từng ngày tháng; để chứng kiến từ sình lầy, nơi đây sẽ kiến tạo nên những không gian sống, khởi nguồn cho một cộng đồng cư dân văn minh và trù phú. Nhưng cảm xúc ấy hóa ra không chỉ dành riêng cho KĐT Văn Phú, bởi với tôi, mỗi công trình mới lại như một sự bắt đầu”, người đứng đầu Văn Phú – Invest trải lòng về những công trình của mình.
Những thành công và lợi nhuận mà các dự án bất động sản mang lại khiến không ít đại gia địa ốc chưa nhận được cái nhìn công tâm từ cộng đồng. Bất động sản là một loại hàng hóa đặc biệt, nếu người ta quan niệm đó chỉ đơn thuần là món hàng mua đi bán lại, làm giàu từ đất, càng bán nhanh càng có lời, thì sẽ nhận về lợi nhuận chỉ là số tiền họ được lãi. Nhưng với KTS. Tô Như Toàn, ông đặt sản phẩm của mình ở góc nhìn khác.
“Nhiều người nhìn vào doanh số bán hàng, tôi nhìn vào sự hài lòng của người sử dụng. Với tôi, sản phẩm chỉ thực sự thành công khi cư dân tìm thấy một ý nghĩa nào đó hay chạm tới cảm xúc khi tiếp xúc với công trình. Dự án bán tốt chưa đủ, đó phải là nơi được người sử dụng đón nhận như một ngôi nhà đúng nghĩa mà họ muốn gắn bó bền vững, lâu dài. Đó cũng là cách để chúng tôi tạo ra những giá trị cho xã hội, cho cộng đồng”.
Và vì thế, với KTS. Tô Như Toàn, với người Văn Phú, trước khi kiến tạo mỗi công trình, thay vì đặt chữ kỳ vọng từ những con số, họ đặt chữ chuyên tâm lên đầu.
“Đừng nghĩ đến thành công hay kỳ vọng gì trước, bởi với tôi, cứ làm hết bằng cái tâm của mình đã. Mỗi chủ đầu tư có một thế mạnh, cái hay riêng, nhưng quan trọng nhất mình phải tâm huyết với từng dự án. Cố gắng làm tốt, tâm huyết với sản phẩm thì kiểu gì cũng được khách hàng đón nhận, và khi đó sẽ có lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận, chứng tỏ mình làm chưa đủ tốt, chưa đủ tâm huyết, mình phải xem lại chính mình”.
Có lẽ vì thế mà dù số lượng dự án chưa hẳn là thuộc hàng top đầu so với một số đơn vị phát triển bất động sản khác, nhưng mỗi dự án, ở mỗi phân khúc khác nhau, Văn Phú - Invest lại tạo ra được bản sắc riêng của mình. Từ Khu đô thị Văn Phú góp phần thay đổi diện mạo phía Tây Thủ đô, The Terra – An Hưng văn minh, sôi động với quần thể xanh, thông minh khép kín dành cho các gia đình đa thế hệ, đến Grandeur Palace - Giảng Võ đẳng cấp, sang trọng độc bản giữa đất vàng Giảng Võ, The Terra – Hào Nam bình yên trong lòng phố hay một Oakwood Residence Hanoi tinh tế, thanh nhã bên Hồ Tây lộng gió…, tất cả đều tạo nên những cảm xúc đặc biệt được chính các cư dân nơi đây đã ghi lại thông qua những lăng kính đầy nghệ thuật.
Những khoảnh khắc chạm vào cảm xúc được chính các cư dân Văn Phú ghi lại qua ống kính của mình.
Không muốn nhắc về bản thân, nên trong những cuộc trò chuyện, điều mà KTS. Tô Như Toàn tâm huyết chia sẻ luôn hướng về những sản phẩm như cách ông gọi là những đứa con tinh thần của mình. Với ông, dù là với dự án thuộc phân khúc nào, ông cũng kiên định, chuyên tâm đi đến cái đích của riêng mình. Vượt lên trên việc xây dựng những dự án với quy mô hoành tráng, những người kiến tạo công trình ở Văn Phú - Invest đã biến từng đường nét thiết kế trở thành ngôn ngữ biểu đạt cảm xúc, tạo nên phần mềm cho không gian sống, để mỗi ngôi nhà không chỉ là nơi chốn đi về của cư dân, mà nơi đó thực sự hóa tâm hồn, trở thành điểm hội tụ của lòng người, những người yêu quý và nâng niu từng giá trị trong cuộc sống.
“Nghề bất động sản như con ong, cứ chăm chỉ, cần mẫn mỗi ngày thì càng nhiều kinh nghiệm, mà có kinh nghiệm thì mỗi công trình sẽ làm tốt hơn. Kinh nghiệm và kiến thức thực tế càng nhiều, khi triển khai sẽ càng suôn sẻ. Bởi điều quan trọng cốt lõi trong thiết kế các dự án xanh, bền vững là phải lấy con người và môi trường là trọng tâm, mình hiểu khách hàng của mình muốn gì, cần gì để kiến tạo nên một công trình bền vững”, người đứng đầu Văn Phú - Invest tâm niệm.
Ngày 21/4 (mùng 10/3 âm lịch) vừa qua, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền thờ Vua Hùng. Đây là sự kiện quan trọng được người dân ĐBSCL mong đợi và hướng đến như một cách thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội. Công trình đền thờ vua Hùng xây dựng trên diện tích 4ha, trải qua nhiều công đoạn nghiên cứu về văn hóa, lịch sử để toát lên được những kiến trúc độc đáo mang bản sắc dân tộc Việt.
Lấy ý tưởng trống đồng làm trung tâm của kiến trúc công trình, toàn bộ dòng nước như quy tụ về ngôi Đền chính của dự án. Điểm nhấn của dự án chính là phần kiến trúc hình trống đồng cách điệu với hoa văn theo thời xa xưa. Bên trên mặt trống thể hiện nét văn hóa, hình ảnh người dân đang sinh hoạt dưới triều đại của các đời Vua Hùng. Qua bàn tay điệu nghệ của những nghệ nhân, hoa văn còn được điêu khắc trên thân và cánh một cách tinh tế, tạo dấu ấn riêng biệt cho công trình. Chính điều này đã làm nên một công trình kiến trúc bề thế nhưng mang đậm dấu ấn dân tộc.
Và, không nhiều người biết rằng, công trình đền thờ Vua Hùng được thực hiện hoàn toàn bằng vốn xã hội hóa của Văn Phú - Invest, như một cách thể hiện tấm lòng yêu nước và truyền thống uống nước nhớ nguồn, mong muốn để lại những di sản cho thế hệ tương lai.
Không chỉ chăm chút cho từng không gian sống trong các công trình, người đứng đầu Văn Phú - Invest còn đặc biệt quan tâm xây dựng nhiều dự án và các hoạt động cộng đồng. Nhưng cái cách KTS. Tô Như Toàn làm và tâm niệm cũng thật đặc biệt. Ông cho rằng những việc mình làm chỉ là chút nhỏ nhoi so với rất nhiều người khác. Từ khi biết đến chân lý Phật giáo giúp ông ngộ ra nhiều điều. Khi tâm rộng lớn thì trí sẽ rộng lớn. Tu nghĩa là sửa mình, từng giờ từng phút, từng việc làm sao cho tốt, để song hành giữa đạo và đời, đặc biệt là ứng với câu chuyện kinh doanh.
Trong những ngày đầu tiên của làn sóng Covid thứ 4 quay trở lại, tôi có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh, về câu chuyện phát triển công trình xanh Việt Nam. Trải qua hơn một năm của đại dịch và những biến động thiên tai, bão lũ, con người ngày càng thấu hiểu hơn hành trình của việc kiến tạo những đô thị xanh, thông minh và bền vững. Bởi hơn ai hết, mỗi người đều hiểu rằng, ngôi nhà là nơi trú ẩn an toàn nhất. Câu chuyện của tôi với PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên bắt đầu về những trăn trở của hành trình Xanh Việt Nam vì sao mãi chưa thể “cất cánh”.
“Việt Nam chúng ta có nhiều tiềm năng và phải nói rằng, truyền thông, doanh nghiệp cũng đã rất nỗ lực, nhưng thực tế Công trình xanh Việt Nam mới đang chỉ ở giai đoạn trên đường băng”, PGS. TS Hoàng Mạnh Nguyên chia sẻ.
Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh đang ấp ủ thực hiện một nghiên cứu về bất động sản xanh, bởi theo PGS. Hoàng Mạnh Nguyên đây là loại hàng hoá rất đặc biệt, không dễ quy đồng. Quan sát cách thức tiếp cận với câu chuyện Xanh của các chủ đầu tư dự án, anh Nguyên nhận thấy rất nhiều chủ đầu tư đang tiếp cận Xanh như một phương pháp, họ áp dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn vật liệu xây dựng xanh, áp dụng sao cho vừa các tiêu chí của chứng chỉ. Điều này cũng là nỗ lực của những nhà phát triển bất động sản, trong bối cảnh họ chưa nhận được những chính sách hay ưu đãi của Nhà nước trong việc phát triển công trình xanh.
Nhưng họ quên mất rằng, Xanh là đích đến và bởi thế, phát triển một đô thị xanh bền vững lại cần tiếp cận từ chính những yếu tố mang tính căn cốt bản địa, hay nói theo một cách khác, một công trình thuận tự nhiên.
“Công trình xanh phải xuất phát từ những nền tảng gốc. Xanh nằm trong khái niệm rộng hơn của bền vững. Trước đây, chúng ta thường nhìn câu chuyện phát triển công trình xanh ở khía cạnh là xây dựng nên những toà nhà có yếu tố bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng, kinh tế trong sử dụng mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất thuộc về văn hoá. Nếu tiếp cận được từ góc độ này, công trình xanh Việt Nam mới thực sự bền vững, giống như được xây dựng từ móng”.
Chính bởi chưa tiếp cận từ gốc, nên công trình xanh Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc ứng dụng kinh nghiệm thế giới, mà quên mất bản sắc Xanh đã tồn tại từ ngàn đời của chính mình để phát huy và lớn mạnh.
- “Thế nào là một công trình xanh mang bản sắc Việt?”, tôi hỏi anh Nguyên khi không ít lần từng được nghe anh diễn thuyết về công trình xanh, và anh luôn đau đáu cho việc chúng ta đừng lạm dụng công nghệ mà phải kiến tạo những công trình xanh có bản sắc dựa trên triết lý phương Đông.
“Một câu hỏi hay, nhưng không dễ trả lời, bởi bản sắc là phạm trù rất rộng cần cắt nghĩa, nhưng nếu chúng ta hiểu được một điều, dù có kiến tạo những công trình như thế nào thì cũng cần bám vào mục tiêu cốt lõi đưa con người và môi trường sống là yếu tố trung tâm. Mà môi trường sống được tạo nên từ rất nhiều yếu tố: Tự nhiên, thói quen sinh hoạt, sinh kế…
Rất nhiều chủ đầu tư đang tiếp cận Xanh đơn thuần ở câu chuyện công nghệ và vật liệu xây dựng. Vì thế, có thể công trình ứng dụng những công nghệ tốt nhất, sử dụng các vật liệu xanh tốt nhất, nhưng lại chưa thể trở thành xanh bền vững. Bởi nó thiếu những yếu tố quan trọng thuộc về văn hoá, trên cơ sở hòa hợp và tôn trọng tự nhiên. Ví dụ một công trình có thể sử dụng rất nhiều kính low-e, nhưng điều đó có thể gây tốn kém hơn nhưng chưa hiệu quả. Nếu dành thời gian để nghiên cứu kỹ, hiểu được hướng nắng, hướng gió để đưa vào ngôn ngữ thiết kế, thì chủ đầu tư sẽ không cần phải mất quá nhiều chi phí cho kính mà vẫn tạo ra được không gian vừa hòa hợp với tự nhiên, vừa có bản sắc”, PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên chia sẻ.
Và điều này chỉ rất ít chủ đầu tư tiếp cận được, bởi theo PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên, đó là một con đường dài khó đi, thầm lặng, cần sự bền bỉ.
Kiến tạo những không gian sống xanh và bền vững là mục tiêu mà rất nhiều chủ đầu tư bất động sản đang hướng tới. Trong cuộc chạy đua ấy, không ít doanh nghiệp đã chịu chi để áp dụng các công nghệ tốt nhất, đưa nhiều hơi thở xanh nhất về dự án của mình. Nhưng đúng như nhìn nhận của PGS. TS. Hoàng Mạnh Nguyên, cách tiếp cận với Xanh của mỗi doanh nghiệp lại khác nhau. Và lẽ thường, người ta sẽ chọn con đường bằng phẳng, dễ thấy nhất cho việc quảng bá sản phẩm với những thứ hữu hình như chứng chỉ, không gian nhiều cỏ cây hoa lá.
Trong đường đua này, có vẻ như người đứng đầu Văn Phú – Invest lại khá bình tĩnh đi con đường riêng của mình. Khẳng định mọi công trình đều bắt đầu bằng công thức xanh, ông Tô Như Toàn cho rằng, nương theo và tôn trọng tự nhiên là cách tốt để Văn Phú – Invest xây dựng nên những sản phẩm mang tính bền vững.
“Mỗi mảnh đất có không gian, địa thế khác nhau, vì vậy chúng tôi phải có giải pháp khác nhau cho từng dự án để các căn nhà luôn thông thoáng, đón nắng và gió tự nhiên, ưu tiên là công năng và sau là hình thức bên ngoài. Chẳng hạn, cửa chính không thể nhìn thẳng vào phòng ngủ, bếp phải gần không gian thoáng để thoát mùi nhưng không thể chắn hết ánh sáng, phải chia làm sao để phòng khách và phòng ngủ đều có ánh sáng.
Một điểm quan trọng hơn là nắm bắt sự khác nhau trong văn hoá, nếp ăn, nếp ở, tâm lý của cư dân mỗi vùng, miền. Người miền Nam không cần phòng khách to nhưng phòng ngủ và phòng thay đồ luôn phải rộng. Ngược lại, khách hàng phía Bắc luôn thích phòng khách lớn để bày biện, trang trí còn phòng ngủ nhỏ hơn, không cần phòng thay đồ…
Nếu lấy thiết kế của miền Bắc áp vào miền Nam sẽ không bán được hàng. Nếu doanh nghiệp không bỏ thời gian nghiên cứu sẽ khó có sản phẩm thành công, phù hợp với khách hàng. Thiết kế kiến trúc trong các dự án của Văn Phú không theo trào lưu mà đi từ cốt lõi, vì sản phẩm là để phục vụ cho khách hàng nên phải đặt mình vào vị trí của họ để xem xét, thấu hiểu. Dù thú thật, làm như thế doanh nghiệp sẽ mất thêm nhiều chi phí để nghiên cứu, chậm thời cơ kinh doanh. Nếu như sao chép dự án này sang dự án khác sẽ nhanh hơn nhiều, nhưng tôi không làm thế. Bù lại, chúng tôi sẽ nhận được sự tin tưởng, hài lòng từ phía khách hàng, đây là yếu tố có giá trị nhất đối với thương hiệu của VPI”, người đứng đầu Văn Phú - Invest bộc bạch.
"Không ít chủ đầu tư đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh lên hàng đầu và họ không ngừng nghỉ trên hành trình xây đắp, chuyên tâm tạo những giá trị sống đích thực như Tập đoàn Văn Phú - Invest. Chúng ta không thể phủ nhận, sự hiện diện của họ với những thông điệp về sống xanh, sống thông minh, sống nhân văn đã dần thay đổi nhận thức của rất nhiều người".
KTS. Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)
Thiền ngôn có câu: “Niềm hạnh phúc bậc nhất với con người là không đi ngược lại tự nhiên. Như mây, như nước kia sống thuận theo dòng chảy”. Vô vi tự nhiên khiến cuộc đời trở nên tốt đẹp.
Có một điểm chung mà tôi gặp ở ba người, với hoạ sỹ Kim Thái, PGS. TS Hoàng Mạnh Nguyên và KTS. Tô Như Toàn là ở họ đều đặt mình xuống thấp hơn để lắng nghe dòng chảy, lắng nghe những kết nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Ở họ có một nỗi niềm đau đáu luôn mong mỏi là gìn giữ những giá trị mang bản sắc Việt.
Con đường mà người đứng đầu Văn Phú - Invest lựa chọn không phải là chặng đường trải hoa hồng, nhưng như người thuyền trưởng giương cánh buồm ra khơi, đón sóng, đón gió để vươn ra biển lớn, KTS. Tô Như Toàn cùng người Văn Phú vẫn bền bỉ khẳng định sứ mệnh của mình, để tạo ra môi trường và không gian sống tốt cho cộng đồng, để lại những di sản, những gì tốt nhất cho cư dân.
Con đường ấy, theo PGS. TS Hoàng Mạnh Nguyên, sẽ cần những sự đánh đổi:
“Người đứng đầu doanh nghiệp bất động sản luôn phải đứng trước một bài toán đánh đổi, có thể chủ đầu tư nghĩ ra những ý tưởng rất hay nhưng điều kiện kinh tế, kỹ thuật khiến họ khó có thể đáp ứng được. Họ buộc phải dừng lại ở một mức nào đó. Vì thế hành trình xanh cũng trở nên nửa vời. Những chủ đầu tư nào hiểu bản chất, có cách tiếp cận từ bản chất cốt lõi của vấn đề, từ văn hoá và môi trường tự nhiên để kiên định đi đến cùng, đó là những chủ đầu tư dũng cảm và mãnh liệt. Họ sẽ nâng niu sản phẩm của mình hơn và không ồ ạt về số lượng, nhưng chắc chắn với từng sản phẩm, họ đều tạo ra dấu ấn và hiệu quả. Với cách làm chỉn chu như vậy, những nhà đầu tư đó chắc chắc sẽ thành công”.
****
Và xin mượn lời nữ họa sỹ Kim Thái như một góc nhìn để thay cho lời kết của bài viết: “Kinh doanh bất động sản rất đặc biệt, người đứng đầu chịu nhiều áp lực và không ít người gặp định kiến này kia. Để hài hòa cân bằng giữa lợi ích kinh tế và cộng đồng là khó lắm. Tôi thấy ở Toàn tư chất của một người đứng đầu có tâm và có tầm, cái tài là cân bằng hài hòa được hai vế ấy. Đừng nhìn những ngôi nhà được bán đơn giản như thứ hàng hoá. Từ ngàn đời xưa đến nay với người Việt, ngôi nhà là thứ thiêng liêng lắm, là tổ ấm, là cơ ngơi, là khát khao gây dựng cả cuộc đời, là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn. Và người có tầm là người phải kiến tạo được ngôi nhà chứa đựng những giá trị như thế. Nhìn cái cách Tô Như Toàn chăm chút cho từng dự án của mình, tôi chắc chắn đó là điều Toàn làm được”.