Tổ quốc của chúng tôi!
Thời điểm này, trường đại học cũ của tôi (Đại học Văn hóa Hà Nội) đang triển khai chương trình cứu trợ quy mô lớn cho hơn 600 sinh viên kẹt lại Hà Nội vì dịch bệnh, trong đó có những du học sinh người Lào hơn năm nay chưa về nước. NeePhone Thinavong, cô sinh viên 23 tuổi áp mặt xuống mặt bàn. Nhớ nước Lào, nhớ quê hương, gia đình đến trĩu nặng, nhưng trong chính những ngày tháng đầy khó khăn vì dịch bệnh cũng khiến cô cảm nhận một cách rõ nét và thẳm sâu hơn tình cảm yêu thương, đùm bọc từ nước bạn.
Cô là một trong số 14 sinh viên Lào đang kẹt lại ký túc xá và nằm trong danh sách cứu trợ đặc biệt của nhà trường khi tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng. Tôi tò mò về cuộc sống của những sinh viên bị mắc kẹt, bởi các em có muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài để trang trải cuộc sống cũng không khả quan vì nguy cơ có thể tiếp xúc, lây lan nguồn bệnh về cho ký túc xá.
NeePhone Thinavong tâm sự, mỗi ngày, khi đọc tin tức trên mạng, nhịp tim cô như nghẹn lại khi số bệnh nhân nhiễm Covid-19, số bệnh nhân tử vong tăng lên. Từ ngày sang Việt Nam du học, cô chưa bao giờ có cảm giác đau đớn và xót thương đến thế dành cho đất nước mình coi như quê hương thứ hai. Nỗi đau khiến cuộc sống tổn thương nhưng cũng khiến tình cảm con người thêm gần gũi và sâu nặng.
Điều kỳ diệu ấy bộc lộ trong chính không gian chật hẹp, bức bối của ký túc xá thời đại dịch. Bắt đầu từ những khoảng sân thượng, ban công được sinh viên dọn dẹp sạch sẽ; những căn phòng thu xếp gọn gàng, khoa học hơn. Góc này câu lạc bộ thêu đang tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ rực rỡ sắc màu. Góc kia một bạn nam người Lào vừa được “phong” là nhà tạo mẫu tóc, một năng khiếu chỉ được phát hiện khi có dịch bệnh. “Hết dịch em sẽ xin đi làm thêm ở hiệu cắt tóc đấy ạ!”, chàng trai Lào nở nụ cười thân thiện khi chia sẻ về dự định đầy hứa hẹn.
Trước đây, những du học sinh này được gia đình quan tâm tận tình, thường xuyên gửi gia vị, đồ khô, món ăn truyền thống sang. Bây giờ, họ tập cho mình thói quen tự chế biến, thưởng thức những món ăn của quê hương thứ hai, chuyển từ ăn cơm nếp sang cơm tẻ. Những bữa cơm mùa dịch được sinh viên hai nước chung tay thấm đượm nghĩa tình, hương vị.
Khi hỏi những sinh viên nước bạn bị kẹt trong ký túc xá về điều các em nuối tiếc nhất, tôi đã nghĩ tới đáp án là cuộc trở về quê hương, những chuyến du ngoạn mùa hè, những trải nghiệm họ muốn thực hiện ở tuổi thanh niên đầy sôi nổi. Mỗi người hẳn có những tiếc nuối thật riêng tư. Nhưng không, gần như tất cả sinh viên đều đưa ra cùng một đáp án. Đó là, họ tiếc nuối khi ngay lúc này, không thể khoác ba lô lên đường, chi viện sức trẻ và tình yêu của mình cho vùng dịch ở Việt Nam.
Khoảnh khắc ấy, có sinh viên đã ngước nhìn chiếc áo xanh tình nguyện đang treo ngay ngắn ở góc phòng. Những sinh viên khác lưu vào điện thoại hình ảnh các bạn trẻ cùng trang lứa đang căng mình giúp nhân dân chống dịch. Từng ánh mắt đăm chiêu, sững sờ khi gặp hình ảnh bạn sinh viên gục đầu trước bàn thờ vọng, gạt nước mắt tưởng niệm người thân vì chưa thể trở về. Mồ hôi ướt sũng sau lớp áo bảo hộ, từng dòng tên được viết vội sau lưng, những bữa ăn chớp nhoáng, những giây phút vừa chợp mắt vừa giật mình...
Nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn căng tràn, cống hiến đến quên mình ở từng khu dân cư, khu cách ly, bệnh viện dã chiến... Trên những ngả đường, trên từng chuyến xe, cứ thấy màu áo xanh là gặp được niềm hy vọng. Thật khác những mùa hè tình nguyện đã qua, bây giờ là cuộc chiến với đại dịch đầy cam go, quyết liệt.
Chắc hẳn, bất cứ ai cũng đều rung động trước hình ảnh nhiệt huyết sục sôi tinh thần dấn thân và hiến dâng của tuổi trẻ. Song, với chính đối tượng ở lứa tuổi ấy, họ càng thêm đồng cảm, thôi thúc. Nếu đời sống không xảy ra biến động, rất có thể tinh thần, vẻ đẹp tuổi trẻ sẽ không được phát lộ một cách trọn vẹn như bây giờ. Đại dịch khiến nhiều người, nhất là giới trẻ thay đổi đáng kể trong nhận thức, thói quen, giúp họ biết trân trọng hơn những điều mà bình thường luôn nghĩ đó như lẽ đương nhiên phải thế. Môi trường sống được giữ gìn hơn, thực phẩm được tiết kiệm hơn, mỗi ngày nghĩ nhiều hơn đến sự trao đi thay vì tiếp nhận...
Từ góc giường tầng nhỏ hẹp, chỉ với vài thao tác gọi điện, nhắn tin liên hệ, các sinh viên chưa thể lên đường cũng đã có sự sẻ chia tới bà con vùng dịch thông qua chuyển khoản gửi các nhóm thiện nguyện, lời động viên thăm hỏi tình cảm đăng trên từng group cứu trợ.
Chương trình hỗ trợ hơn 600 sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội đang mắc kẹt vì dịch bệnh.
“Tôi đã rơi nước mắt khi đọc dòng bình luận thăm hỏi từ một sinh viên Lào. Khi cháu xưng tên và nói về quê hương, tôi nhận ra đó chính là vùng đất mà thời bằng tuổi các cháu tôi đã nhập đội quân tình nguyện, cầm súng, gửi lại một phần xương máu để bảo vệ nước bạn. Tình hữu nghị được giữ gìn, lan tỏa bền chặt tới tương lai, để tôi nhận được phần quà ấm áp từ thế hệ sinh ra sau chiến tranh”, một cựu chiến binh ở Hà Nội xúc động chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ mùa dịch.
Lời nhắn đầy thiết tha của thầy Bí thư đoàn trường trong chương trình cứu trợ: “Các em hãy giơ cánh tay lên để các thầy cô còn trông thấy. Đừng ngại, hãy cho chúng tôi được làm tròn bổn phận của mình. Nhất định nhà trường sẽ tiếp sức các em bằng mọi cách!”. Cùng trong ký túc, chịu cảnh mắc kẹt và thiếu thốn như nhau, nhưng nhiều cánh tay đã không giơ lên, sẵn sàng nhường những phần cứu trợ đầu tiên cho sinh viên nước bạn.
Ngay cả khi những người trẻ tuổi không thể lên đường, thì tình yêu thương và trách nhiệm vẫn âm thầm lan tỏa qua sự nhận thức và thay đổi đầy kỳ diệu. Tôi gặp những điều đáng trân quý ấy khi ngắm từng bức tranh của các nữ du học sinh nước bạn thêu hình cờ Tổ quốc Việt Nam, Hồ Gươm, Tháp Bút, lũy tre, mái đình... và những giai điệu vang lên sau những căn phòng khép cửa: “Và tôi yêu, và tôi hát, lời yêu thương, lời bỏng cháy/ Tháng ngày này đất nước ơi, Tổ Quốc của chúng tôi”.
Thay đổi không bao giờ là muộn, nhưng sẽ khó có được điều đó nếu thiếu đi sự đồng cảm, sẻ chia chân thực nhất. Ngay lúc này, dấy lên trong lòng tôi là niềm rung động khó tả khi ngắm từng ánh mắt thanh niên rơm rớm dõi màn hình máy tính, điện thoại, theo dấu chân bạn bè cùng trang lứa đang tỏa đi khắp mọi vùng miền. Đã lâu rồi họ chẳng được về quê, nhưng hình bóng gia đình, bản xứ đang hiện diện ở chính nơi này, trong từng chân dung những người dân lao động, những em bé mới sinh, những bệnh viện dã chiến tràn ngập hai màu áo trắng và xanh như áng mây trời sũng nước.
Có bạn sinh viên nói với tôi rằng, bạn đã vơi đi nỗi nhớ nhà, vì trong chuỗi ngày đại dịch được đất nước Việt Nam che chở, đùm bọc bằng tình ruột thịt. Bởi lẽ đó, tôi tin, chắc chắn, sẽ có một đời sống khác đầy tươi mới, căng tràn và dâng hiến khi đại dịch qua đi. Sẽ có những hành trình tuổi trẻ mà thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước bạn nắm chặt tay nhau, mạnh mẽ bước lên đường.