Aa

Tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại" số 1: An cư thời hiện đại

Thứ Ba, 26/05/2020 - 08:00

Dưới sự bảo trợ của Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam và Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam tổ chức tọa đàm chủ đề: "Không gian sống trong đô thị hiện đại" - số 01 "Những yếu tố để an cư thời hiện đại".

Song hành với sự phát triển của đất nước và xã hội Việt Nam, những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại đang hình thành lên ở các thành phố lớn. Nhu cầu về việc tạo lập những giá trị sống mới với những tiêu chuẩn về vật chất và tinh thần ngày một cao.

Ngôi nhà đối với mỗi cư dân không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, đó phải là một không gian sống đầy đủ tiện ích, giao hòa với thiên nhiên để con người có thể nuôi dưỡng tâm hồn, tái tạo năng lượng, là “chốn” ghi dấu những kỷ niệm trong cuộc đời.

Từ lý do trên, được sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại". Số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”.

Hôm nay, 26/5/2020, Tọa đàm sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, các chuyên gia về lĩnh vực đô thị, kiến trúc, xây dựng, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí - truyền hình...

Tọa đàm sẽ tập trung luận bàn về những xu hướng sống mới của cư dân tại đô thị thời hiện đại trên cơ sở phân tích và kiến giải về yếu tố kiến trúc thông minh trong những sản phẩm chung cư, dự án đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng. Thông qua đó, tôn vinh và kết nối những chủ đầu tư tận tâm, đã tạo dựng được uy tín và sự chuyên nghiệp, với tư tưởng về sự văn minh và vững bền trong từng sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân, nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn đến khách hàng.

Thời gian: 08h15 - 11h00, ngày 26/05/2020

Tiêu điểm sự kiện

    11:35

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan kết luận tọa đàm

    Chú thích ảnh

    Kính thưa tất cả các chuyên gia, các anh chị tham dự buổi Tọa đàm, hôm nay chúng ta đã bàn số đầu tiên về chủ đề không gian sống trong đô thị hiện đại. Trong hai tiếng rưỡi qua, chúng ta đã bàn được rất nhiều vấn đề mà tôi cho rằng đó là những câu chuyện mang tính gợi mở. Chúng ta thấy rằng ngày nay, mỗi cư dân, khách hàng mua một căn hộ đều tâm niệm rằng đó không chỉ là mua một ngôi nhà để ở, mà còn là mua một không gian sống. Đây cũng chính là triết lý chung của tất cả các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp.

    Tôi hy vọng rằng trong những số tiếp theo sẽ có những chia sẻ về các chủ đề cụ thể hơn, như về câu chuyện quản lý vận hành trong chung cư.... Rõ ràng ta thấy rằng tất cả những xung đột xảy ra giữa chủ đầu tư với cư dân hiện nay đều nằm ở câu chuyện quản lý vận hành sau bán hàng.

    Như vậy, những tâm niệm như của anh Tô Như Toàn là rất đúng. Ví dụ những bất cập trong quản lý vận hành chung cư nằm ở chỗ không tìm được tiếng nói chung. Đây là những người mang tiếng nói, cầu nối giữa chủ đầu tư và cư dân nhưng ở Việt Nam lại hiếm có nhà quản lý vận hành chung cư chuyên nghiệp. Thứ hai là nhiều câu chuyện nằm trong chính sách còn bất cập. Ví dụ như bây giờ buộc phải có ban quản trị nhà chung cư chuyên nghiệp để giao cho họ thứ quyền lực quá lớn nhưng trách nhiệm lại không có gì ràng buộc.

    Tất cả những câu chuyện về chung cư, về không gian sống trong đô thị hiện đại, chúng ta sẽ bàn tiếp tục từ yếu tố văn hóa đến pháp lý cho đến sự liên kết giữa các “Nhà” vào các số sau. Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin chân thành cảm ơn các chuyên gia, quý vị đã đến tham dự tọa đàm số đầu tiên này. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn!

    Chú thích ảnh

     

    11:25

    TS. KTS. Tô Như Toàn chia sẻ quan điểm

    Chú thích ảnh

    Nói về phong thủy, đúng là các chủ đầu tư xác định phong thủy là một phần rất quan trọng trong đầu tư bất động sản, nhưng cũng không thể nào mê tín. Đúng là những nhà phát triển bất động sản chú ý từ đầu đến phong thủy thì người dân về không cần sửa chữa nhiều, có thể tiết kiệm cho người dân. Về bếp cũng vậy, chủ đầu tư khi xây nhà cũng cố gắng làm sạch hết cho họ. Nhưng rồi tôi thấy về họ cũng vẫn đập hết ra để sửa chữa lại.

    Vì thế, tôi cho rằng chúng ta không cần thiết phải làm hết, chúng ta chú trọng nhiều đến không gian sống thôi. Vì chúng ta không thể làm hài lòng hàng ngàn mệnh người chung cư. Nhà cao tầng thì yếu tố phong thủy cũng tối giản hơn, chúng ta không thể đặt nhà vệ sinh ở tầng trên lại nằm trên bếp ở tầng dưới chẳng hạn. Chúng ta chú trọng đến không gian và làm sao để cư dân họ hiểu, cần nhất là đáp ứng các yêu cầu của họ về không gian sống.

    Về mặt pháp lý có quy định rõ trong các văn bản, pháp lý. Về mặt nguyên lý cần có những ban quản lý với đầy tâm huyết, ban quản trị nhiệt tâm. Với tâm lý nhà đầu tư, toà nhà là con đẻ của mình nên họ trân trọng, nếu có sự quản lý, chuyên môn rõ ràng về cảnh quan họ sẽ quan tâm hết sức tới các toà nhà.

    Có thể nói, tạo ra không gian sống vẫn có những rào cản về quản lý, chi phí đóng góp của người dân. Không gian sống với các chung cư cho giới trẻ cần phải nghiên cứu tâm sinh lý của họ. Bởi người trẻ có nhu cầu giao lưu cao hơn, do đó với các khu chung cư này, nhà đầu tư phải quan tâm tạo ra các không gian riêng và bỏ ra kinh phí hình thành không gian sống cho họ. Doanh nghiệp nếu đã tạo ra được thương hiệu bền vững cho không gian sống của dự án này thì đến các dự án sau người dân sẽ tìm đến. Ngoài ra, phong thuỷ cũng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, không gian tâm linh mỗi vùng miền lại khác nhau nên cần có sự chọn lọc kiến trúc và ứng dụng khác nhau trong mỗi dự án.

    Chú thích ảnh

    Về chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều về không gian sống cho cư dân, với những chung cư cho giới trẻ, ở vai trò chủ đầu tư, chúng tôi đã nghiên cứu tâm sinh lý giới trẻ, để từ đó xây dựng các khu vực đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng này. Người trẻ họ muốn ngày nghỉ được giao lưu, gặp gỡ... bởi đó, tại các khu chung cư, chúng tôi đã tạo ra các không gian riêng để họ tụ tập, gặp gỡ và cả không gian riêng để trẻ em vui chơi. Chủ đầu tư đã tự nguyện bỏ chi phí ra để tạo lập nên các không gian riêng tư đáp ứng nhu cầu này của người trẻ hiện đại.

    Những đầu tư đó sẽ không mất đi, không phải là hoang phí mà theo tôi nghĩ, đó là một cách làm thương hiệu, đồng thời, là cách để nâng chất lượng sống cho cư dân cũng như là cách xây dựng thương hiệu cho tương lai, xây dựng yếu tố bền vững, thân thiện với thiên nhiên, môi trường.

    Chúng tôi nói về không gian sống trong đô thị hiện đại nhưng không nghiên cứu về con người thì không thể được. Tòa nhà hiện đại mà chúng ta đang làm cần nghiên cứu rất kỹ về yếu tố con người. Đó là những chia sẻ thực tế mà doanh nghiệp đang làm và còn nhiều điều nữa xin được chia sẻ trong các số sau của tọa đàm.

     

    11:25

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi

    Chú thích ảnh

    Tôi thấy từ đầu đến giờ chuyên gia phát biểu đều hướng đến anh Tô Như Toàn với vai trò nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Tôi rất mong muốn anh Toàn có thêm chia sẻ để chúng tôi được nghe về tâm huyết của anh, đóng góp mong muốn cho thị trường nói chung.

     

    11:19

    Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh trả lời câu hỏi

    Chú thích ảnh

    Tôi theo dõi lĩnh vực không gian sống này đã lâu, qua toạ đàm cho tôi một suy nghĩ rằng luôn có một liên kết giữa trách nhiệm, quyền sở hữu khi xây dựng một chung cư hiện đại.

    Mặc dù Luật Nhà ở, thông tư của Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về quản lý chung cư rất chi tiết nhưng cuối cùng mâu thuẫn giữa quyền xây dựng và quyền sở hữu giữa người dân và chủ đầu tư vẫn xảy ra. Tôi cho rằng, nếu không minh bạch được quyền sở hữu và quyền sử dụng thì sẽ có chuyện tranh cãi. Nếu chủ đầu tư bỏ nhiều tiền xây dựng một khu đô thị thông minh xanh nhưng thiếu yếu tố minh bạch thì không được.

    Hơn nữa, chủ đầu tư đã xây dựng thì trách nhiệm của cư dân như thế nào trong các đô thị thông minh hiện đại? Họ sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê mua nhưng họ đòi hỏi cao về diện tích ngoài căn hộ. Ai là người bảo vệ quyền sử dụng không gian diện tích đó lâu dài? Ai bảo dưỡng, bảo trì các giá trị đó. Người dân có được bảo vệ quyền lợi khi chủ đầu tư xây dựng thay đổi quy hoạch.

    Một trong những yếu tố để “An” là phải minh bạch. Các nhà đầu tư phải chia sẻ ngay sự minh bạch trong việc xây dựng ý tưởng.

    Các đô thị thông minh có thể hôm nay là thông minh nhưng mai lại thay đổi. Việc tranh đấu tranh chấp lợi ích giữa chủ đầu tư và các cư dân cần minh bạch ngay từ đầu để vừa có quyền, có trách nhiệm, minh bạch giữa sử dụng và sở hữu.

    11:18

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

    Chú thích ảnh

    Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh đang sống tại chung cư. Ở góc độ của người sử dụng, nhà báo mong muốn không gian sống có chất lượng như thế nào? 

    11:0

    Nhà báo Bùi Văn Doanh trả lời

    Chú thích ảnh

     

    Từ đầu tọa đàm đến giờ, chúng ta nhìn không gian sống ở nhiều góc độ khác nhau, từ công nghệ tới văn hóa… Nhưng có thể thấy, dù ở góc độ nào thì chúng ta cũng đều thống nhất một điểm rằng mục tiêu phục vụ là hướng tới cư dân. Anh Nguyễn Văn Đính cũng đề cập tới 5 cấp độ nhu cầu của người sống.

    Thật ra các tham luận đều đề cập tới các yếu tố về phong thủy như hồ bán nguyệt mà nhà thơ Nguyễn Thành Phong chia sẻ. Tại sao là hồ bán nguyệt mà không phải hồ hình vuông, hình tròn. Tại các ngôi chùa, công trình tâm linh thường có hồ bán nguyệt, ở đó vòng cung quay ra hay quay vào? Có thể thấy là vòng cung quay ra, dây cung quay vào. Điều này liên quan tới yếu tố phong thủy được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian.

    PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cũng đã đề cập đến cấu trúc làng xóm, đô thị lớn cho tới không gian nhỏ như công viên, vườn cây ao cá, khu dân cư trước. Như một bài viết của tôi trong đặc san Công trình Xanh của Reatimes vừa qua, phong thủy thực chất là sống xanh, cứ tập kết nguyên lý về phong thủy, chúng ta chọn nơi để xây dựng nhà, chọn hướng làm cửa… tất cả đều để tạo môi trường sống hài hòa thiên nhiên, thuận tiện nhất cho mỗi cư dân sống trong đó.

    Chú thích ảnh

    Câu chuyện hồ bán nguyệt, sở dĩ liên quan đến phong thủy là liên quan đến việc “bồi ở lở đi”. Trước đây, nếu chọn nơi để ở thì phải chọn ở khúc sông vòng, chọn ở bên bồi. Điều này không cần giải thích nhiều về phong thủy mà thực tế cũng thấy rất nhiều nơi bị lở đất, nếu ở khúc sông cong mà lở đất thì mất nhà, mất đất, mất làng. Như vậy theo phong thủy, hồ bán nguyệt xây vòng cung ra bên ngoài thì có nghĩa ngôi nhà bên trong là ở bên bồi.

    Tọa đàm của chúng ta hôm nay có chủ đề về những khu đô thị hiện đại nhưng tôi xin phát biểu về một yếu tố cũ đặt ra trong bối cảnh mới. Ở bối cảnh an cư thời hiện đại, tôi nghĩ đó là sự đáp ứng được nhu cầu sống của con người. Nhưng con người đã thực sự hiện đại được hay chưa thì cũng chưa chắc.

    Tôi không cổ súy cho phong thủy, nhưng nó đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay thì chúng ta cũng nên cân nhắc đến. Xây nhà cũng xem hướng, mua nhà đất phải xem hàng xóm như nào, điện đường trường trạm ở vùng nông thôn ra sao. Chủ đầu tư giao bán ngôi nhà thì cũng cần quảng cáo tiện ích xung quanh như thế nào, khu mua sắm bao xa, có ở gần trường học không, khu vui chơi ở đâu...

    Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có đề cập đến yếu tố phong thủy ban thờ. Vậy thì văn hóa của Việt Nam và phương Tây khác nhau không? Tôi nghĩ chắc chắn là có. Tôi xin đề cập đến phong thủy căn bếp.

    Các KTS thiết kế căn hộ chắc chắn phải có bếp. Bếp của ta khác như thế nào với phương Tây? Tây thì cứ đặt vào thôi nhưng người Việt thì chắc chắn là phải cân nhắc bếp có tựa lưng nhà WC hay không, có trông ra cửa hay không…

    Giá mà chủ đầu tư chú ý hơn một chút đến yếu tố phong thuỷ thì người mua nhà sẽ an tâm hơn. Tôi rất chú ý đến yếu tố “an cư”, liệu mua nhà ở đó họ có an tâm khi sống và ngủ tại căn nhà đó nếu họ không xem xét kỹ về hướng nhà, nơi ở?

    Chú thích ảnh

    Tôi cho rằng, yếu tố phong thuỷ là thực thể có tồn tại trong cuộc sống và ngày càng được người dân quan tâm hơn, đặc biệt là lớp trẻ. Khảo sát của chúng tôi về hướng nhà, hướng bếp thì nhận được rất nhiều sự quan tâm của cư dân. Quay trở lại vấn đề, tôi cho rằng không gian tâm linh hoặc môi trường có tính phong thuỷ trong căn hộ là nhu cầu có thật. Anh Đính cũng đã nói về 5 cấp độ nhu cầu của người dân và tôi xin phép đóng góp nhu cầu thứ 6 có thật.

    Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm yếu tố phong thuỷ nhưng mới chỉ quan tâm tâm yếu tố môi trường xung quanh như yếu tố nước quan trọng trong khu chung cư ra sao. Nhưng các yếu tố phong thuỷ cần có sự chung hoà với nhau. Nhà phát triển dự án nếu có thể thoả mãn người dân thì đó là yếu tố tốt nhất. Đặc biệt, hướng cho cư dân đến không gian tâm linh nhất định thì sẽ không có sự sửa chữa, tự xây dựng, cơi nới của cư dân, điển hình đó là không gian ban thờ.

    Tôi có suy nghĩ như thế này, phong thủy trước đây lợi dụng địa hình tự nhiên còn nay con người hoàn toàn có thể tạo ra yếu tố phong thủy. Cây xanh, hồ nước đều là yếu tố phong thủy cả. Hướng lại không phải là yếu tố quan trọng nhất. “Nhất vị, nhị thế, tam hướng”, vị trí mới là yếu tố quan trọng nhất, hướng chỉ là yếu tố thứ ba.

    Cái chúng ta có thể chủ động là không gian ban thờ, không gian tâm linh. Tiếp đó là không gian bếp. Tôi chắc chắn phương Tây họ có bếp nhưng sẽ ít đun nấu hơn so với người Việt. Vậy nên cấu tạo căn bếp thế nào là điều rất quan trọng. Ở góc độ tư vấn cho cư dân, nhiều lúc tôi ước các nhà phát triển, chủ đầu tư hãy quan tâm đến hướng, làm sao cho người ở có thể linh động thay đổi hướng, cách bố trí căn bếp.

    Bếp hiện chỉ có một chiều xoay, nhưng nếu có thể tạo các chiều xoay, để gia chủ có thể quay sao cho phù hợp với mệnh, với hướng, như vậy họ sẽ an tâm hơn nhiều. Thậm chí cả giường ngủ, cần quan tâm tới yếu tố thông gió, thông khí.

    Có như thế thì cư dân vào ở người ta sẽ không phải nghĩ đến sửa chữa nhiều nữa, không phải lăn tăn đi xây dựng, điều chỉnh để đáp ứng yếu tố phong thủy nữa. Tôi nghĩ rằng như vậy sẽ bảo đảm đầy đủ yếu tố an cư. Tiện nghi, dịch vụ hiện đại, tiên tiến đã rất quan trọng rồi, nhưng làm sao quan trọng nhất là con người sống trong đó phải thanh thản, thoải mái, an yên. Bình thường cuộc sống không có vấn đề gì thì không sao, nhưng khi có vấn đề xảy ra họ lại nghĩ về phong thủy. Vì thế chủ đầu tư cân nhắc đến yếu tố đó từ đầu thì sẽ hoàn thiện hơn nữa yếu tố an cư cho người dân.

    10:58

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi

    Tiếp mạch câu chuyện về văn hóa, văn hóa phương Đông khác phương Tây một chút. Văn hóa phương Đông nói chung và người Việt Nam chúng ta nói riêng rất quan tâm tới yếu tố phong thủy, yếu tố tâm linh. Tuy nhiên, trong các khu đô thị tại các thành phố lớn hiện nay đang thiếu không gian tâm linh cho nhu cầu của người dân, họ phải tới các khu làng khác đi chùa, đi lễ. Xin hỏi nhà báo Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, người đã có những nghiên cứu khá rõ về ngôi nhà, về phong thủy. Góc nhìn của anh về yếu tố tâm linh, phong thủy trong không gian sống hiện đại ra sao?

    10:50

    Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ quan điểm

    Chú thích ảnh

    Văn hóa không dễ dàng rời bỏ một con người ở bất kỳ thế hệ nào, nó truyền qua các thế hệ, là sản phẩm của quốc gia, mỗi người chúng ta không thể để đánh mất văn hóa. Tại tọa đàm, với những câu chuyện mà mọi người chia sẻ, tôi được nghe và biết thêm nhiều điều cần thiết cho một không gian hiện đại, văn minh, bền vững. Nhưng theo tôi, bền vững nhất là làm thế nào để người ta bước vào đó mà được hưởng thụ, được sống trong sự thanh thản, bình yên nhất.

    Hệ thống giao thông, nước thải, môi trường dịch vụ thì chúng ta phải học hỏi các nước phương Tây vì họ rất văn minh. Nước ngoài tôi đi nhiều, ở chung cư có, ngoại ô có, khu sang trọng có, nói chuyện với họ tôi thấy rằng, xây dựng đô thị hiện đại cần dựa vào 2 thứ: Một là văn hóa, hai là tôn giáo.

    Ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng có 2 đặc điểm quan trọng: Thứ nhất là người Việt rất thích hòa đồng với thiên nhiên. Thậm chí nhiều đại gia cũng rất yêu thích không gian cây cảnh, đất đai rộng lớn làng quê. Thứ hai là giao tiếp cộng đồng. Người Việt Nam rất khó "sống yên" mà không giao tiếp hàng xóm. Giao tiếp họ hàng, dòng tộc, làng xóm là một đặc điểm quan trọng.

    Chúng ta xây dựng bất kỳ thứ gì hiện đại đều phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống, nền tảng phong thủy cũng như các yếu tố tâm linh của người Việt. 

    Chú thích ảnh

    Tôi mới đi Cuba, Havana rất đẹp. Tại đây, muốn sơn một cánh cửa phải xin phép cơ quan quản lý để giữ được sự đồng bộ tổng thể. Chúng ta phải làm sao để một chung cư, căn hộ vừa đảm bảo sự riêng tư, cách biệt, tự do nhưng vừa tạo ra được một không gian hòa đồng, chia sẻ với nhau. Chúng ta có những khu đô thị mới cực đẹp, dù rất thích nhưng tôi sẽ không vào đấy ở vì đó chỉ là những ốc đảo. Đô thị sống ở đây không thể tách biệt mà phải nằm trong tổng thể, hài hòa với cả thành phố. Những chủ đầu tư phải gỡ dần không gian rối bời như hình ảnh Hà Nội mà PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên vừa chia sẻ.

    Sự giao kết giữa hàng xóm, dòng họ cộng với sự cởi mở của người Việt Nam với thiên nhiên, với cộng đồng rất rộng lớn. Đó là yếu tố khác biệt giữa đô thị Việt Nam với đô thị hiện đại của nước ngoài. Ở Việt Nam, có những văn hoá đặc biệt riêng như đi lễ, đi chùa, có gian nhà, ban thờ tổ tiên. Đi vào các chung cư hiện nay có thể thấy họ cũng đang sinh hoạt như vậy. Chỉ có điều ở đó là các khối bê tông, không gian tách riêng từng hộ… Nhưng dù sao không gian sống xưa hay nay thì vẫn phải đề cao tiêu chí đừng để người dân bị cô lập, không có sự kết nối với nhau. Dù không gian chật hẹp ra sao cũng phải có sự kết nối hoà quyền giữa con người, cộng đồng và thiên nhiên.

    10:48

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi

    Nhân chuyện nhà thơ Nguyễn Thành Phong nói về văn hóa không gian sống đô thị hiện đại, nhấn mạnh yếu tố Việt, tôi xin được đặt câu hỏi cho một người đã có trải nghiệm tại nhiều quốc gia, đó là nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Xin anh chia sẻ sự khác biệt về không gian sống giữa người nước ngoài và người Việt Nam. Theo anh, đâu là yếu tố nhấn mạnh nhất trong câu chuyện tạo không gian sống cho người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ?

    10:38

    Nhà văn Nguyễn Thành Phong trả lời

     

    Chú thích ảnh

    Mọi người nói rất nhiều về giải pháp quy hoạch, kiến trúc, thương mại và đưa ra rất nhiều các mô hình. Tôi cho rằng, dù mô hình nào cũng phải thừa hưởng kiến trúc truyền thống của cha ông xưa. Khi nói đến không gian sống thì đỉnh cao nhất của tinh thần Việt là:

    “Chẳng tham nhà ngói bức bàn

    Trái duyên coi bẵng một gian chuồng gà

    Ba gian nhà rạ lòa xòa

    Phải duyên coi tựa chín tòa nhà lim”.

    Tôi nghĩ rằng, tư tưởng về kiến trúc phải nghĩ trước khi triển khai thực tế.

    Ngay người nghèo, khi chưa có ngôi nhà họ đã nghĩ đến kiến trúc. Chúng ta mới hình dung xây dựng một không gian sống đáp ứng nhu cầu của con người nhưng nhu cầu đích thực của mọi người là gì thì chưa rõ. Có những người bạn của tôi xây nhà đầu tư những bể bơi, phòng xông hơi, phòng hát nhưng chỉ được một thời gian lại chán. Như vậy, xây dựng không gian sống đáp ứng nhu cầu như thế nào là câu chuyện cực kỳ khó. Đầy đủ các tiện ích nhưng không đáp ứng được các yếu tố văn hoá, tinh thần thì cũng không thoả mãn người dân.

    Những toạ đàm như hôm nay có sự kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp cần tổ chức nhiều hơn để có sự chia sẻ với các bên. Từ đó, chúng ta sẽ ngày càng tiệm cận sâu hơn đến tinh thần kiến trúc không gian sống của người Việt với những phương án, tiến bộ mới trong kiến trúc thiết kế của nhân loại để tạo ra không gian ưu việt cho người Việt. Chúng ta phải “chui ra khỏi hang”, chúng ta phải chủ động trong không gian sống để tìm ra nguồn cảm hứng kết nối với cộng đồng.

    10:36

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho nhà văn Nguyễn Thành Phong

    Tôi nghĩ rằng an cư là nhu cầu của bất cứ người nào, đặc biệt là nhu cầu an cư của người dân đô thị, vì an cư mới lạc nghiệp. Vậy tôi xin mời nhà thơ Nguyễn Thành Phong chia sẻ về khát vọng an cư của cư dân đô thị từ quan điểm, góc nhìn của ông?

    10:30

    KTS. Lê Anh Tuấn trình bày quan điểm

    Chú thích ảnh

    Trong quá trình làm nghề đến nay, được làm tại các tập đoàn phát triển, đầu tư bất động sản, tôi được trải nghiệm việc thực hiện dự án từ ban đầu thế nào, rồi đến khi đưa ra cho thị trường, người dân sử dụng thế nào... Như các vị chuyên gia đã chia sẻ, thì công nghệ bản chất cũng có sự kế thừa. Đô thị bền vững và thông minh được quan tâm ở châu Âu từ rất lâu, năm 1987 họ đã đưa ra định nghĩa về bền vững, đó là yếu tố bắt buộc phải nói đến, không chỉ ở nhà đầu tư mà khía cạnh lớn hơn là chính phủ, quốc gia. Bền vững là xây dựng không gian quần thể làm sao để hài hòa thiên nhiên, hướng đến tương lai mà không ảnh hưởng đến không gian xung quanh.

    Tôi cho rằng Chính phủ giờ rất quan tâm đến vấn đề này, ví dụ như Quyết định 950 của Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030 cũng là rất quan trọng. Trước đây, hành lang pháp lý, pháp luật hỗ trợ chủ đầu tư về tư duy phát triển đô thị bền vững là chưa có.

    Từ xa xưa, ông cha ta đã hướng đến những kỹ thuật thô sơ, ta gọi là sự thông minh trong hoàn cảnh lowtech. Chứa đựng trong đó là sức sống, sự thích nghi để phát triển bền vững. Giờ nói về sự phát triển đô thị thông minh, chúng ta dùng khoa học kỹ thuật để giải quyết hài hòa vấn đề. Khi xây dựng đô thị, đưa con người vào sống, bao gồm trong đó là sự phát thải ra môi trường những thứ người ta dùng trong đô thị. Với xây dựng khu đô thị bền vững, cần đạt nhiều tiêu chí như giảm 20% năng lượng tiêu thụ, các năng lượng còn lại và có các chính sách để tái sử dụng năng lượng.

    Phát triển đô thị bền vững không chỉ là đưa người đến ở mà chúng ta phải giải quyết được cả cuộc sống của cư dân trong đô thị đó. Vì thế, hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hướng đến 4.0 - là giải pháp hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững.

    Từ những dự án, ban đầu chủ đầu tư phải tìm được nhà tư vấn phát triển dự án để tư vấn hoàn thiện các tiêu chí. Đồng thời, nhà tư vấn phải có năng lực tính toán, chia sẻ với nhà đầu tư về các tiêu chí làm sao có thể cân nhắc được tính xã hội đưa vào hiện thực và khi ứng dụng phải có sự chắt lọc theo từng dự án, từng khu vực.

    Chú thích ảnh

    Hiện nay, một số đô thị như của Vingroup đã tính đến chuyện cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để cân bằng với dân số trong khu đô thị. Và đặc biệt, các doanh nghiệp phải đưa vào các tiêu chí mà văn bản pháp luật chưa quy định. Bởi xây dựng một khu đô thị mới phải có tầm nhìn dài hạn 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm nên nhà phát triển phải đón bắt tâm lý cũng như nhu cầu phát triển để có thể đi trước các văn bản pháp luật. Khi chủ đầu tư đặt vấn đề có tính tổng thể, có sự tương tác với thành phố, Nhà nước thì có thể xây dựng các đô thị bền vững vừa thoả mãn yếu tố lợi ích của người dân và thoả mãn không gian sống tốt nhất cũng như tiêu thụ năng lượng tốt nhất cho các đô thị và cả thành phố.

    Ví như, sự kết nối đồng bộ giải pháp thì một đô thị có thể tiết kiệm được 20% chi phí nước, điện, tuần hoàn tái sử dụng các không gian. Từ đó, năng lượng của tổng thể khu vực được giảm và có thể tương thích với các mô hình quản lý hiện đại, tương tác với các yếu tố xung quanh bằng số hoá một cách tốt hơn. Và, mỗi khi cần tăng thêm hay thay đổi về năng lượng thì đều có sự kết nối số hoá.

    Ví dụ như tại Singapore, cách đây 10 năm, dù đô thị tại đây đã phát triển và được thiết kế thông minh nhưng họ chưa phát triển số hóa, chưa có sự kết nối số. Còn đến thời điểm này, kết nối của họ là số hóa. Điều này giúp quản lý dễ dàng hơn, nhà quản lý có thể kiểm soát các thông tin liên quan. Từ đó giúp cho việc quản lý, cải tạo đô thị dễ dàng hơn.

    Hiện nay, Bộ Xây dựng đang có chương trình nghiên cứu xây dựng thông minh ở Việt Nam kết hợp với các doanh nghiệp lớn như FPT để thực hiện việc Việt Nam hóa các tiêu chí, gần với hạ tầng, xu hướng... để đảm bảo tạo ra môi trường tốt và dễ quản lý nhất cho cư dân trong các khu đô thị. Với đô thị thông minh, có thể cần đáp ứng nhiều tiêu chí cụ thể, đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao, nhưng các chủ đầu tư cần tìm ra những yếu tố cụ thể phù hợp với mình, là yếu tố dài hơi, tốt hơn cho tương lai.

    Để đạt được mục tiêu thì mỗi chủ đầu tư phải có chiến lược xây dựng, phát triển đô thị thông minh riêng, hiệu quả. Từ đó có thể hy vọng hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách của Nhà nước, thành phố liên quan đến loại hình dự án đó. Theo quan điểm của tôi, phát biểu của các anh rất tổng quát, trong trường hợp ở đây chúng ta cần làm thế nào khi không có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bền vững nhưng đây lại là hoàn cảnh cấp bách, vì thế cần linh hoạt và tiếp cận sao cho phù hợp.

    10:28

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi

    Chú thích ảnh

    Không gian sống tốt trong đô thị hiện đại là không gian mà chúng ta được sinh hoạt, kết nối. Xanh, an toàn và thông minh rõ ràng là yếu tố quan trọng, đặc biệt trong đó là nhu cầu cao về công nghệ. Để tạo ra các đô thị, không gian sống có yếu tố thông minh phục vụ con người tốt nhất thì công nghệ rất quan trọng. Với vai trò chuyên môn, KTS. Lê Anh Tuấn có thể chia sẻ về vai trò của công nghệ trong phát triển đô thị thông minh?

    10:18

    Ông Đỗ Viết Chiến chia sẻ quan điểm

    Một quy hoạch đô thị nghe thì rất bình thường nhưng quan trọng là chúng ta thực hiện được bao nhiêu các quy hoạch và duy trì quy hoạch đó như thế nào.

    Hiện nay, Luật Quy hoạch đô thị ra đời cuối năm 2009 đã có 3 nội dung quan trọng: Lập quy hoạch (sau này nâng cao lên thành các đô thị thông minh, sinh thái); Tổ chức thực hiện và triển khai quy hoạch; Quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đặt ra. Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành đều có các quy hoạch từ phân khu đến chi tiết nhưng tổ chức quy hoạch đang có vấn đề. Những quy hoạch hiện nay phải có dự án nhà ở và những công trình xây dựng phục vụ cho nhà ở, phục vụ dân cư. Loại thứ 2 là đô thị mới, tức là phải xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở… Chỉ cần làm tốt các yếu tố đó trước khi chuyển tới cư dân thì đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của cư dân.

    Chú thích ảnh

    Trong quá trình đô thị hóa, không phải lúc nào cũng kiểm soát được kỹ lưỡng. Như PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên nói, có 2 hình thức phát triển đô thị. Một là “vết dầu loang”, thứ hai là sáp nhập thêm một số khu vực khác, lân cận thành phố chính. Ví dụ như Hà Nội sáp nhập thêm Hà Tây. Điều đáng nói, trong quá trình đô thị hóa dù theo phương thức nào, đặc biệt là hình thức phát triển “vết dầu loang”, sẽ xuất hiện nhiều khu dân cư theo mô hình làng xóm, thuần nông, nằm cạnh khu đô thị đó. Sau đó, khi làn sóng đô thị hóa “quét” qua, những khu vực này sẽ trở thành khu dân cư đô thị hóa.

    Đó là lẽ tự nhiên, nhưng quan trọng ở đây là quy hoạch phải tính đến chuyện không để khoanh vùng dân cư làng xóm đó thành "vùng chết". Đất nông nghiệp lấy hết để phát triển đô thị nhưng làng xóm đó vẫn cần đất để phát triển thì lấy ở đâu. Không ai trả lời câu chuyện này. Khả năng kết nối của các khu dân cư này với khu đô thị mới đến đâu cũng không phải ai trả lời được. Cho nên rất nhiều khu dân cư, làng xóm đang sống bình yên ở ven đô thì khi đô thị hóa tràn đến, nó trở thành vùng tối trong đô thị.

    Chú thích ảnh

    Khi đưa đô thị đến làng quê, lại quên mất người dân sống tại đó được hưởng lợi thế nào từ dự án, khi không được quan tâm đầy đủ, hệ thống hạ tầng không kết nối được là mặc nhiên người ta bị bỏ rơi. Còn chưa kể người dân xây dựng tự phát tạo nên sự mất cân đối. Đô thị hóa có rất nhiều vấn đề trở thành thách thức khi phát triển mà trong các quy hoạch không phải lúc nào cũng đề cập một cách toàn diện.

    Xã hội hoá đến đâu là trách nhiệm của Nhà nước. Bản thân người dân và doanh nghiệp không thể tự làm được. Nhà nước phải có các quy định trong các quy hoạch, tạo ra kết nối với các khu vực xung quanh thì người dân mới có thể kết nối trong không gian sống. Ngay từ trong khâu quy hoạch đã phải làm rất rõ các nội dung này. Phải khẳng định là không gian sống không chỉ cho người dân trong đô thị mà phải phục vụ cả người dân sống xung quanh các đô thị đó.

    10:16

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi cho ông Đỗ Viết Chiến

    Để có một không gian sống xanh, bên cạnh các yếu tố hạ tầng thì cần có con người xanh, trong đó có chủ đầu tư xanh, Nhà nước có “con mắt xanh” và người sử dụng xanh. Một số quy hoạch khu đô thị khi mới chào đời luôn chuẩn “khuôn vàng, thước ngọc” nhưng sau đó dần dần lại đổi thay, thu hẹp không gian xanh. Xin hỏi ông Đỗ Viết Chiến, ông nghĩ sao về điều này? 

    10:6

    TS. KTS. Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest, trình bày quan điểm

    Chú thích ảnh

    Yếu tố đầu tiên khi phát triển dự án, doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi: Đối tượng sử dụng là ai. Chính là các cư dân. Họ sống chính ở trong các không gian sống tại những đô thị đó. Bản chất để kiến tạo không gian sống, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, việc xây dựng của các doanh nghiệp và sự chung tay của cư dân.

    Đặc biệt, cư dân là người sử dụng các không gian đó có bền vững hay không. Rõ ràng, người sử dụng là cư dân nên xây dựng đô thị xanh, thông minh làm sao phải để người dân thấu hiểu được bản chất vấn đề và chắc chắn phải để họ tham gia và đóng góp vào quá trình đó. Sau khi xây dựng xong phải có sự đào tạo, hướng dẫn cho các cư dân tham gia chung tay vào cùng duy trì sự bền vững này.

    Trước hết, chúng ta cần tập trung vào người sử dụng, ví dụ như người già, trẻ em… vì với nhóm khách hàng này cần phải áp dụng các phương thức truyền thông khác nhau. Rõ ràng việc áp dụng công nghệ thông tin với người cao tuổi sẽ khó khăn hơn so với đối tượng trẻ và trung niên. Do đó, sẽ cần những giải pháp khác biệt, chính sách hỗ trợ đặc biệt. Còn với người trẻ thì có thể dùng smartphone, từ đó áp dụng công nghệ để tuyên truyền.

    Nếu chúng ta không tuyên truyền, không hướng dẫn cư dân trong các đô thị để họ hiểu được khái niệm cũng như cách sử dụng thì các đô thị thông minh, đô thị xanh sẽ chỉ nêu ra rồi để đấy. Nhà đầu tư cần đồng hành sâu hơn trong vấn đề này. Làm sao để có thể song hành với cư dân thì việc phát triển mới bền vững được.

    Chú thích ảnh

    Thứ hai là chi tiết hơn về đầu tư sản phẩm vào thời điểm này thế nào để cư dân, khách hàng có lợi nhất. Trước đây, chúng ta chỉ nghĩ đến một ngôi nhà để ở. Tiền sử ngôi nhà xưa chỉ là một viên đá, rồi từ đó xây dựng lên nơi để ở. Còn nay, nhu cầu ở dần dần phát triển thành nhu cầu ở một ngôi nhà lớn hơn, ở biệt thự cao cấp hơn, ở resort, đó là nhu cầu của con người, của cư dân.

    Trước đó, chúng ta nói đến nhu cầu về không gian sống còn bây giờ là môi trường sống, có nghĩa là việc tiện ích môi trường phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của cư dân.

    Quan trọng nữa bây giờ còn là người sống cạnh mình là ai. Bên cạnh môi trường sống tốt, không gian sống tốt thì những người sống bên cạnh mình như thế nào, có hài hòa hay không cũng vô cùng quan trọng. Các chủ đầu tư, nhà nghiên cứu, KTS phải làm sao, có cách thức nào đó để tạo được môi trường sống xung quanh tốt nhất ngoài việc bán được căn nhà để sinh sống.

    Nếu làm được điều đó, tôi cho rằng việc kinh doanh sẽ tốt. Đó là tư duy mà chúng tôi – những người sát với cư dân, sát với người tiêu dùng nhất, cho rằng cần phải đáp ứng được. Đây chính là tâm lý, mong muốn của khách hàng.

    10:6

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi

    Nhu cầu và thị hiếu mua bất động sản của người dân ngày càng cao. Việc xây dựng những căn hộ thông minh và hướng được đến đúng đối tượng khách hàng là điều mà các chủ đầu tư đều mong muốn. Tuy nhiên rõ ràng điều này phải được thể hiện bằng những tiêu chí cụ thể, không thể chung chung. Từ thực tế triển khai dự án, ông Tô Như Toàn có thể chia sẻ những tiêu chí cụ thể mà Văn Phú đã nghiên cứu áp dụng? Và điều này đã được thể hiện thế nào trong chiến lược đầu tư của Văn Phú?

    9:53

    Ông Nguyễn Văn Đính phát biểu ý kiến

    Tôi tham gia dưới góc độ là một đơn vị quản lý cộng đồng môi giới bất động sản, là những người trực tiếp tiếp cận với khách hàng, với sản phẩm đô thị, lắng nghe hơi thở của thị trường bất động sản; tổng kết dưới góc nhìn đánh giá nhu cầu của khách hàng để giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể phát triển các dự án xanh, có không gian sống tốt nhất và từ đó cung cấp cho người dân môi trường sống trong lành, xanh, đầy đủ tiện ích và thông minh.

    Chú thích ảnh

    Quan điểm của chúng tôi khi phân định ra nhu cầu về nhà ở, về lối sống của người dân đô thị được chia thành 5 loại: Nhu cầu có nhà ở, nhu cầu nhà ở đảm bảo sinh hoạt đủ tiện ích, nhu cầu nhà ở phải có tiện ích dịch vụ - xã hội, nhu cầu nhà ở tiện ích dịch vụ - xã hội chất lượng và nhu cầu nhà ở đẳng cấp, khác biệt.

    Nhu cầu trước hết là nhu cầu có một nơi để ở. Ở nhu cầu thứ hai có đòi hỏi cao hơn đó là phải đảm bảo có phòng của bố mẹ, con cái, phòng học tập, làm việc. Đó là nhu cầu tối thiểu cần có để đảm bảo cuộc sống, vượt lên nhu cầu có nhà để ở. 

    Nhu cầu thứ ba, ngoài đảm bảo đủ tiện ích, đòi hỏi phải có nhu cầu về dịch vụ đi kèm, khi đó không chỉ đủ để ở mà chất lượng dịch vụ phải tăng lên.

    Thứ tư là nhu cầu tiện ích xã hội phải đạt chất lượng cao, tốt hơn. 

    Cuối cùng là mức cao nhất, nhu cầu được thể hiện sự đẳng cấp, sự khác biệt với nhu cầu thể hiện mình.

    Chúng tôi liên kết 5 nhóm nhu cầu của mô hình Maslow này với các phân khúc nhà ở hiện nay theo 3 nhóm: Bình dân, trung cấp, cao cấp và siêu cao cấp.

    Bộ Xây dựng đã có Thông tư 31 về phân hạng chung cư, đề ra 20 nhóm tiêu chí để phân hạng nhà chung cư, chia thành 4 nhóm trong đó có: Nhóm tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc, nhóm tiêu chí về hệ thống thiết bị - kỹ thuật, nhóm tiêu chí về dịch vụ - hạ tầng xã hội và nhóm tiêu chí về chất lượng, quản lý vận hành

    Từ đó phân 3 hạng A, B, C (tham khảo thêm Thông tư 31/2016/TTBXD). Nhận dạng nhóm nhu cầu phù hợp với các hạng chung cư. Nếu hạng A, ít nhất phải có 18/20 tiêu chí đáp ứng về tiêu chí phân hạng trong đó quan tâm nhất là quy hoạch, yếu tố hạ tầng xã hội, kiến trúc, tỷ lệ cây xanh, mặt nước… Đó là những tiêu chuẩn bắt buộc đơn vị phát triển dự án phải tuân theo và cũng là những yếu tố khách hàng rất quan tâm lựa chọn khi tìm hiểu các dự án để mua.

    Chú thích ảnh

    Hiện nay, nhiều chung cư cũng tự đánh giá là chung cư cao cấp, hạng A nhưng nếu chiếu theo các tiêu chuẩn quy định đã có thì nhiều đơn vị vẫn chưa thực sự hoàn thiện tốt. Mặc dù chung cư là hạng A nhưng hành lang vẫn nhỏ hơn cả hạng B; diện tích đường giao thông, kết nối giao thông chưa hoàn thiện. Từ việc phân hạng, chúng tôi phân ra các nhóm nhu cầu của người dân như nhu cầu để ở đơn giản, nhu cầu có không gian sống chất lượng tốt nhất, cao nhất. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, các sản phẩm siêu cao cấp tại Việt Nam đang được đón nhận và các sản phẩm có không gian sống xanh được ưu tiên lựa chọn.

    Năm 2019, nhiều sản phẩm cao cấp đã xuất hiện với mức giá giật mình đối với Việt Nam, như tại TP.HCM, một dự án với 200 căn hộ ở mức giá khoảng 300 triệu đồng/m2/căn, nhưng chủ đầu tư vẫn bán thành công và từ khi mở bán, hết hàng chỉ trong hơn 1 tháng. Từ đó có thể thấy, nhu cầu về sự đẳng cấp, công trình có chất lượng siêu cao cấp tại Việt Nam đang tăng dần. Trước đây, có thể những loại hình sản phẩm này rất khó được đón nhận khi đưa ra thị trường, nhưng nay thì đã khác, điều này thể hiện rằng chúng ta bắt đầu có nhu cầu lớn hơn, cao cấp hơn.

    Những điều nói trên để chúng ta nhận dạng các vấn đề đặt ra cho các nhà quản trị trong xu hướng sống mới của cư dân, nhu cầu về nhà ở của người dân có thay đổi không, thay đổi thế nào, làm sao nhận điện đủ và đúng để từ đó đưa ra chiến lược sao cho phù hợp nhất cho người ở, người sử dụng. Điều này đã làm đau đầu không ít các nhà quản trị, nhà đầu tư.

    Chú thích ảnh

    Chúng tôi cũng có cơ hội được tiếp cận với nhiều dự án, một số sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín như Văn Phú có thể đảm bảo tính chất lượng ở phân khúc trung cấp trở lên nhưng giá bán lại ở mức 24 triệu đồng/m2, tôi cho rằng mức giá này thuộc về phân khúc bình dân.

    Trong các báo cáo nghiên cứu của chúng tôi, dưới 24 triệu đồng/m2 là phân khúc bình dân, 25 – 35 triệu đồng/m2 là trung cấp và từ 35 – 50 triệu đồng/m2 là cao cấp, trên 50 triệu đồng/m2 là siêu cao cấp.

    Ở đây, tôi rất bất ngờ với mức giá 24 triệu đồng/m2. Một sản phẩm có giá bán đáp ứng nhóm đối tượng khách hàng ở mức bình dân nhưng chất lượng dự án với các tiêu chí đặt ra phải ở tầm hạng B trở lên. Giá bình dân nhưng chất lượng cao cấp được xem là một thành công của các đơn vị phát triển bất động sản như Văn Phú. Văn Phú đã hướng đến những lợi ích thiết thực nhất cho người tiêu dùng. Chúng ta có sản phẩm phù hợp với yêu cầu của đô thị hiện đại, lại phù hợp với thu nhập của người dân, tôi cho đó là một thành công của doanh nghiệp.

    9:52

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan đặt câu hỏi

    Xin cảm ơn các chuyên gia đã có các phát biểu lời dẫn và tham luận rất hay.

    Toạ đàm của chúng ta hôm nay hướng đến 2 nội dung: Xu hướng và thị hiếu lựa chọn không gian sống trong đô thị hiện đại và Vai trò, ý nghĩa, giải pháp kiến tạo không gian xanh trong đô thị hiện đại.

    Trước hết, anh Nguyễn Văn Đính có thể cho biết về ý nghĩa và tính thiết yếu về lựa chọn không gian sống của người mua nhà hiện nay?

    Chú thích ảnh

    9:50

    Bắt đầu phiên thảo luận

    Chú thích ảnh
    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan điều phối phiên thảo luận

    9:25

    PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên phát biểu

    Chú thích ảnh

    Khi nhận được chủ đề này từ Ban tổ chức, tôi thấy vô cùng thú vị và mong muốn được đóng góp góc nhìn từ một đơn vị làm nghiên cứu và đang tham gia những dự án thực tế về phát triển đô thị tại Việt Nam. Đầu tiên xin được đặt vấn đề về không gian xanh. Guồng quay của văn minh lúa nước của chúng ta, được thể hiện như 1 vòng đời với quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhìn lại về quá khứ, chúng ta có hình ảnh của cổng tam quan. Hình ảnh này có nhiều lý giải, nhưng một trong số đó là tượng trưng cho 3 cánh cửa của quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông cha ta đã có đến hàng ngàn năm tích lũy kinh nghiệm để tồn tại với thiên nhiên, xã hội, thích ứng, để sinh sống và phát triển. 

    Tôi muốn nói đến một ngôi làng truyền thống của Việt Nam, với cấu tạo bởi các tuyến giao thông từ cổng làng đến đình làng, giếng nước… Trong làng có cấu trúc hấp dẫn về các khuôn viên của ngôi nhà. Một khuôn viên ngôi nhà đơn sơ nhưng cũng đầy đủ các yếu tố cây xanh mặt nước, sân phơi nhằm tạo ra hệ sinh thái với môi trường sống tốt nhất. Trong ngôi nhà, không gian chính và phụ được thiết kế chi tiết nhưng đều linh hoạt, dễ sử dụng và có thể đón không khí, ánh sáng tự nhiên tốt nhất.
    Một ngôi nhà ở Bắc Ninh theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, giá trị lâu dài của cha ông tích luỹ đã hiện diện trong ngôi nhà thông qua kiến trúc của từng bộ phận cấu thành ngôi nhà. Có rất nhiều hệ sinh thái khi thiết kế một ngôi nhà truyền thống như hệ thống vườn – ao – chuồng.

    Vườn - ao - chuồng đã tạo thành một hệ sinh thái ngôi nhà khép kín trong truyền thống. Nhiều công nghệ như tiết kiệm nước hiện nay cũng đang phải quay ngược trở lại tận dụng nguồn nước mưa để hạn chế úng cục bộ trong những không gian bị bê tông hóa.

    Chú thích ảnh

    Những mặt cắt cho thấy, xưa chưa có các tính toán về bức xạ, độ ẩm nhưng bản thân ngôi nhà truyền thống đã rất thoáng mát, được tạo nên từ cách sử dụng cây cối, cách tạo dựng cửa. 

    Ví dụ như ở một vùng nóng như Huế, có thể thấy cửa tại các ngôi nhà được làm khác so với ngoài miền Bắc. Song, có thể mở ra đóng vào để đón gió. Mùa lạnh thì có thể khép lại để giữ nhiệt. Hoặc tại một số ngôi nhà truyền thống khác thì sử dụng những tấm giang để hạn chế bức xạ mặt trời từ sân hắt vào nhà, từ đó tạo tiện nghi sống tốt trong công trình.

    Về kết cấu, trước đây một ngôi nhà truyền thống có vật liệu chính là gỗ, vì khi đó gỗ có nhiều và khai thác được. Cấu tạo ngôi nhà truyền thống từ gỗ cũng rất linh hoạt, với nhiều phần có thể tháo ra và lắp vào. Đã từng có cuốn sách ca ngợi cấu trúc ngôi nhà của Đông Nam Á xưa vì có thể tháo dời và di chuyển được. Về vật liệu, những vật liệu đơn sơ truyền thống xưa cũng rất thân thiện với môi trường.

    Về hiện tại, hình ảnh của Hà Nội gợi chúng ta đến chủ đề của buổi tọa đàm ngày hôm nay. Thế nào gọi là đô thị hiện đại? Đây là khái niệm đang được tranh luận rất nhiều. Hiện nay, chính quyền cũng đưa ra các khái niệm về đô thị thông minh, đô thị sinh thái song mỗi đô thị có một cách tiếp cận khác nhau.

    Với hiện trạng như vậy, có 2 xu hướng phát triển đô thị tại Việt Nam: Thứ nhất là hướng đến phát triển nhanh như cách chúng ta đã làm là mở rộng, sáp nhập mà thiếu cân nhắc kỹ lưỡng. Thứ hai là có cân nhắc kỹ lưỡng hơn, tìm đến cách tiếp cận đúng đắn để có môi trường sống tốt hơn.

    Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn chỉ sau một Quyết định. Quá trình đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị. Với những gì đang diễn ra, chúng ta quay lại câu hỏi thế nào là không gian sống có chất lượng tốt.

    Chú thích ảnh

    Tại TP.HCM, có thể thấy đó là hình ảnh của hiện đại hóa chóng mặt với nhà chung cư mọc lên và ngay sát đó là những người nghèo sống tạm bợ ngay trên mặt sông. Một thực tế là khi đứng trên những tầng cao của các khu chung cư cao cấp nhìn xuống, ta sẽ thấy khu vực dân nghèo ở hai bên bờ sông.

    Cùng với sự phát triển đô thị, có rất nhiều vấn đề đang đặt ra. Với Hà Nội đó là ngập lụt, còn tại TP.HCM là nạn triều cường. Sau một trận mưa, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề rất lớn.

    Bên cạnh đó, bản thân giao thông cũng là một phần tạo nên không gian sống mà cần được xem lại về cách tổ chức. Hay như vấn đề ô nhiễm mà thời gian gần đây được cảnh báo rất nhiều. Thay vì nói về thiên tai, nhiệt độ gia tăng, giờ đây chúng ta được cảnh báo nhiều hơn về ô nhiễm không khí.

    Chúng tôi có 4 bức ảnh đại diện cho các quốc gia. Trên cùng bên phải là Hà Nội, phía dưới là khu ổ chuột của Mumbai. Phía trên bên trái là Singapore và bên dưới là Seoul. Đây là hình ảnh thú vị của Seoul. Thành phố Seoul nằm ở sườn dốc và tạo dựng đô thị từ ban đầu là các con suối. Thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, họ lấp suối để làm đường và nhận thấy ngay những tác động tiêu cực lên cuộc sống con người. Vì thế họ ngay lập tức phá bỏ đường để tạo dựng lại những con suối nhân tạo. Chúng ta cứ nói rằng đang tạo lập, xây dựng, phát triển không gian sống nhưng chúng ta cần cẩn trọng xem xét mình đã làm đúng chưa. Nếu không chính chúng ta sẽ phá hủy không gian sống của mình.

    Nói đến tương lai, chúng ta nói đến thiết kế kiến trúc và tạo lập không gian sống để tạo ra thành phố, đô thị phát triển bền vững. Sơ khai của một đô thị hiện nay cần rất nhiều yếu tố về nguồn lực, tổ chức sinh kế, khai thác tài nguyên… Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: môi trường, kinh tế và xã hội

    Với một đô thị, đầu vào bao gồm thức ăn, nước sạch, các nguồn năng lượng… Sau khi vào đô thị xong, thì nó thải ra nước xám, rác, chất thải rắn… Như vậy, muốn một đô thị xanh thì phải giảm thiểu đầu vào đồng thời làm sạch đầu ra. Khi nói đến phát triển đô thị bền vững gồm nhiều yếu tố như kinh tế, xã hội, giao thông, cấu trúc đô thị, năng lượng, vật liệu…, để các yếu tố này giao nhau thì chúng ta hướng đến được cái đích là đô thị bền vững. Nhiều yếu tố được nhắc đến hiện nay để có một khu đô thị bền vững, đó là phòng chống lụt, sử dụng giao thông hợp lý, cây xanh, khai thác yếu tố tự nhiên trong công trình, tận dụng nguồn nước…

    Đến đây, tôi xin kết thúc phần trình bày của mình bằng một câu châm ngôn của người Đức: Ở đâu có ý chí, ở đó sẽ có con đường. Nếu chúng ta có ý chí, quyết tâm, chúng ta sẽ tìm ra cách để tạo lập được những không gian xanh tốt nhất và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

    9:12

    Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu

    Chú thích ảnh

    Đây là một buổi tọa đàm nên câu chuyện sẽ được chia sẻ một cách thoải mái nhất về điều kiện cần thiết cho một không gian sống. Ở đây có rất nhiều chuyên gia, những người đã nghiên cứu rất lâu, kỹ lưỡng, khoa học và bài bản về vấn đề của đô thị mới. Tôi cũng là một cư dân trong đô thị, do đó, những điều tôi nói ra là dưới góc độ của một cư dân với mong muốn sống của mình. 

    Chúng ta trải qua 3 thời kỳ phát triển về nhu cầu của con người. Thời kỳ thứ nhất là kiếm được cái gì đó để ăn, để che thân. Bước sang giai đoạn thứ hai là làm thế nào để ăn đủ no, mặc đủ ấm. Thời kỳ thứ ba là một cuộc cách mạng về nhu cầu sống - nhu cầu về cả đời sống vật chất và tinh thần cao hơn. Như vậy sự đáp ứng được nhu cầu sống hiện nay là rất bức thiết và quan trọng. 

    Dân số nước ta không ngừng gia tăng, trong khi đó đất đai lại không thể mở rộng, phát triển thêm. Tuy tôi cũng như nhiều người khác không muốn chung cư lấn dần về làng quê như làng Chùa của tôi, nhưng vì rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, chúng ta vẫn bắt buộc phải làm điều đó để đáp ứng yêu cầu ở.

    Đô thị sống hiện đại trong mong muốn của người dân đều có những yêu cầu chung về không gian đẹp, về kiến trúc xanh và thông minh. Chung cư hiện nay không phải là một cái hang để… chui ra chui vào nữa. Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ẩn náu sau khi người dân đi làm về thì nay, chung cư phải là nơi sống lành mạnh.

    Kiến trúc không gian hiện nay dù chỉ 50m2, 100m2 hay rộng hơn thì đều cần kiến trúc thông minh và có sự giao lưu đáp ứng chất lượng sống cao nhất của người dân. Đó sẽ phải là nơi có sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình.

    Chú thích ảnh
    Chú thích ảnh

    Đến những thành phố lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu, hệ thống kiến trúc thông minh của họ làm cho chúng ta thấy vô cùng thỏa mãn. Người Việt Nam luôn đòi hỏi “nơi tôi ở phải có không gian thiên nhiên, môi trường hòa đồng…”, do đó mà quảng cáo của các tập đoàn xây dựng về bán chung cư, căn hộ nếu có khả năng thì đều quảng cáo rằng đó là gần sông, hồ, thiên nhiên... Đó chính là một sự quyến rũ, mê dụ người mua vì thiên nhiên luôn rất quan trọng với đời sống tinh thần và ngày càng trở nên cần thiết trong đời sống hiện đại. 
     
    Tổng kết mới đây về tự kỷ cho biết, những đứa trẻ sinh ra trong thành phố bê tông hóa thì tỷ lệ tự kỷ tăng cao. Trong khi đó, những đứa trẻ sinh ra nơi đô thị ngoại vi, có phần trăm thiên nhiên cao thì tỷ lệ tự kỷ lại ít, chỉ 1/100, hay 1/200. Qua đó để chúng ta càng nhận thức rõ hơn rằng, thiên nhiên hài hòa để cân bằng tâm sinh lý của một đứa trẻ là vô cùng quan trọng.

    Một điều cần bàn đến nữa là môi trường văn hóa. Chúng ta là người Việt Nam, sống trong chung cư hiện đại cũng vẫn mang đặc tính của người Việt Nam bấy lâu nay: có thờ cúng, có giao lưu, sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng.Văn hóa làng xóm là rất quan trọng trong văn hóa Việt. Vậy trong chung cư làm thế nào để duy trì điều đó?

    Ví như chung cư tôi đang sống có tầng 17 là tầng cứu hộ. Tầng này không có người ở và không có căn hộ nào. Họ bơm oxy vào đây trong trường hợp xảy ra cháy để có thể duy trì sự sống trong 2, 3 tiếng cho cư dân.

    Ban quản lý tòa nhà gặp tôi là nói rằng hãy biến tầng 17 thành một đình làng hiện đại, ở đó sẽ có các hoạt động sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, giao lưu cộng đồng. Mỗi thứ Bảy hay Chủ nhật, cư dân chung cư sẽ được hưởng thụ nhưng buổi trưng bày triển lãm, buổi diễn thuyết về văn hóa hay nghệ thuật. Đây không còn là nơi trú thân nữa, thay vào đó là nơi để cân bằng, hài hòa, giải tỏa những căng thẳng trong đời sống.

    Trước đây, chúng ta mới chỉ nghĩ đến việc làm sao để xây lên các thành phố, Hiện nay, chúng ta mới bắt đầu tư duy về đô thị. Các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu tư duy về thành phố xanh. Đó là bởi trước đây, việc xây dựng các đô thị, thành phố chỉ cần đáp ứng được nhu cầu ở, chưa cần nơi kết nối, tăng khả năng tư duy, sáng tạo, thăng hoa về cuộc sống. 

    Nếu không làm nhanh các dự án xanh thì các “hang ẩn náu” sẽ bị mở rộng tại các thành phố, nhiều nơi sẽ bị bê tông hoá hơn và sau này, các thế hệ tiếp nối, các nhà nghiên cứu về không gian sống sẽ phải “đập đi xây lại”.

    Nhu cầu sống của khách hàng đặt ra yêu cầu với các KTS, nhà đầu tư, nhà quản lý phải làm sao kiến tạo được những không gian sống xanh, không gian sống chất lượng. Chỉ khi chúng ta nghĩ về những đứa trẻ khi sinh ra trong một căn hộ nhỏ hẹp, thiếu không khí hay những đứa trẻ tự kỷ thì chúng ta mới nhận thấy tính bức thiết của việc cải tạo không gian sống. Nếu không có không gian sống tốt thì con người sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái trầm cảm. 

    Tôi nghĩ rằng, không gian sống không chỉ là nơi bước vào để ăn bữa cơm, nằm xuống ngủ… mà nó còn giúp điều hành, bắt đầu lại toàn bộ tâm trí, để ngày hôm sau, chúng ta bước ra khỏi ngôi nhà đó sẽ có được sự tỉnh táo nhất cho một ngày lao động, làm việc.

    Với toạ đàm này, các đơn vị truyền thông, báo chí cần mở rộng, truyền đạt về khái niệm, chất lượng và việc kiến tạo không gian sống xanh trong các đô thị mới.

    9:2

    Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu

    Chú thích ảnh

    Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa là 3 trụ cột của nền kinh tế. Để phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đô thị hóa.

    Đô thị xanh không chỉ là nhiều cây xanh. Hiểu đầy đủ, đó phải là tự cân bằng N2, giảm phát thải cacbon, khí nhà kính vào môi trường, kiểm soát được nguồn chất thải, tái sử dụng chất thải, sử dụng nhiên liệu sạch, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường quản trị, vận hành xanh và cuối cùng là đảm bảo yếu tố cây xanh, mặt nước, văn hóa trong mỗi đô thị.

    Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng: ngoài mặt mạnh, ưu việt của đô thị hóa là mang đến cho con người cư trú yếu tố văn minh đô thị, đồng thời đô thị hóa cũng lấy đi cảnh quan, môi trường sinh thái và nền văn hóa truyền thống nếu không được quan tâm đúng mức đến quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị một cách đầy đủ, bài bản.

    Theo con số thống kê của Tổ chức IQAir, Hà Nội luôn nằm top những thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới với những chỉ số cao ngất ngưởng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

    Trong đô thị hiện đại, bên cạnh các căn hộ tiện nghi với đồ dùng thông minh thì vẫn tồn tại khói bụi, tiếng ồn, các không gian sinh hoạt cộng đồng thiếu thốn: thiếu công viên, vườn hoa, cây xanh, thiếu nhu cầu đỗ xe, nơi thu gom, tập kết rác thải, nước thải, môi trường giao lưu văn hóa…

    Nhiều dự án, nhiều chủ đầu tư bất chấp những vấn đề trên để ra sức xây dựng nhà để bán. Điều họ quan tâm dường như chỉ là làm sao để bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng, để lại nhiều hệ lụy trên nhiều phương diện.

    Bên cạnh những điều đáng buồn ấy, ta lại nhìn thấy không ít chủ đầu tư đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh lên hàng đầu và họ không ngừng nghỉ trên hành trình xây đắp, chuyên tâm tạo những giá trị sống đích thực. Có thể nhắc đến như Tập đoàn Văn Phú - Invest, Capital House, Phúc Khang Corporation hay Ecopark… Chúng ta không thể phủ nhận, sự hiện diện của họ với những thông điệp về sống xanh, sống thông minh, sống nhân văn đã dần thay đổi nhận thức của rất nhiều người.

    Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững, thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Để có một liên kết đô thị, từ nhà nước, nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh.

    Chúng ta cũng cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa cho sự nỗ lực của các công trình xanh. Truyền thông cần thiết phải đóng vai trò định hướng dư luận, trở thành kênh thông tin đúng đắn, chuẩn mực, đồng hành cùng các chủ đầu tư tận tâm.

    Một công trình gọi là chuẩn của ngày hôm nay chưa chắc đã là chuẩn ở của ngày mai, bởi lẽ cuộc sống là sự vận động liên tục, không ngừng nghỉ, và khát vọng của con người là luôn hướng đến giá trị cao đẹp mang tính nhân văn với chất lượng cuộc sống ngày một cao hơn, tốt đẹp hơn. Vì vậy, xây dựng đô thị xanh không phải là câu chuyện sớm chiều và còn rất nhiều gian nan.

    Trên hành trình ấy, có một nhiệm vụ còn quan trọng hơn cả việc sửa sai, đó là không ngừng kiến tạo những không gian xanh mới, xây dựng, bồi đắp những văn hóa xanh trong từng nhà, từng khu chung cư, từng dự án… để từng bước tạo nên một hệ sinh thái xanh. Càng nhiều nhà đầu tư hiểu lợi ích của công trình xanh thì càng nhiều dự án xanh được ra đời. Một đô thị nhiều công trình xanh, đô thị đó sẽ tốt lên. Đó không phải là câu chuyện muốn hay thích nữa, mà đó là trách nhiệm của tất cả những kiến trúc sư, những nhà khoa học, nhà quản lý phát triển đô thị và những nhà văn, nhà thơ và nhiều học giả khác.

    Chú thích ảnh

    Chúng tôi không kỳ vọng có thể đưa ra được bộ quy tắc, kim chỉ nam về xây dựng đô thị xanh nhưng mong rằng thông qua tọa đàm này, trên cơ sở phân tích và kiến giải về yếu tố kiến trúc xanh thông minh trong từng công trình, đến những yếu tố an cư thời hiện đại, những không gian xanh, sinh hoạt chung cộng đồng, vui chơi giải trí và văn hóa trong từng cụm nhà, tổ dân phố và trong từng dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, chúng ta được luận bàn và nhìn rõ hơn những xu hướng sống mới của cư dân tại đô thị hiện đại; lắng nghe những kinh nghiệm trên hành trình xây dựng công trình xanh của một số chủ đầu tư, thông qua đó, tôn vinh và kết nối những chủ đầu tư tận tậm, đã tạo dụng được uy tín và sự chuyên nghiệp, với tư tưởng về sự văn minh và vững bền trong từng sản phẩm của mình, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân, trước hết là những yếu tố an cư thời hiện đại.

    Xuất phát từ thực tiễn trên, được sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tổ chức chương trình Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại. Số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại”.

    Tọa đàm sẽ tập trung luận bàn về những xu hướng sống mới của cư dân tại đô thị thời hiện đại trên cơ sở phân tích và kiến giải về yếu tố kiến trúc xanh - thông minh trong những sản phẩm chung cư, dự án đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới của khách hàng; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân, nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn đến khách hàng.

    Với tinh thần đó, tôi hy vọng và đề nghị các diễn giả tham dự Tọa đàm sẽ tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

    Một là, phân tích xu hướng và thị hiếu lựa chọn không gian sống trong đô thị hiện đại.

    Hai là, chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn về những yếu tố tạo nên không gian sống cho cư dân trong đô thị hiện đại, nhất là dưới góc nhìn văn hóa.

    Ba là, kinh nghiệm thực tiễn từ những chủ đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, kiến tạo nên những không gian sống xanh – thông minh, chất lượng và nhân văn. 

    9:0

    Bắt đầu toạ đàm

    Toạ đàm có sự tham dự của: Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Đô thị xanh Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; KTS. TS. Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest; Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam; KTS. Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Đầu tư Nghiên cứu ứng dụng Văn Phú Invest; Nhà báo Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Tổng biên tập báo Doanh nghiệp, thường trực Hội đồng Biên tập Reatimes; Nhà thơ Nguyễn Thành Phong, nguyên Tổng biên tập báo Lao động Xã hội.

    Chú thích ảnh
    Toàn cảnh buổi Tọa đàm

    8:30

    Đại biểu khách mời tham dự Toạ đàm

    Chú thích ảnh
    Chú thích ảnh

     

    Chú thích ảnh
    Chú thích ảnh
    Chú thích ảnh

     

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Lên đầu trang
    Top