Aa

Tọa đàm và GLTT: Đầu tư bất động sản miền Nam - Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 14/10/2022 - 13:00

Chiều 14/10, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Reatimes và VIRES tổ chức Tọa đàm và GLTT "Đầu tư bất động sản miền Nam - Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư".

Thị trường bất động sản đang chứng kiến nhiều xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư, trong đó “đánh bắt xa bờ” tại những thị trường tiềm năng ở khu vực phía Nam đang trở thành xu hướng chủ đạo.

Đối với các nhà đầu tư miền Bắc, thị trường bất động sản phía Nam như một “miền đất hứa” mới, trọng tâm là TP.HCM và các tỉnh lân cận. Theo giới chuyên gia phân tích, chính sự quan tâm đặc biệt và xu hướng “Nam tiến” của các nhà đầu tư đến từ miền Bắc đã làm thị trường bất động sản khu vực phía Nam nóng lên từng ngày.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhiều tỉnh thành phía Nam nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía các nhà đầu tư như Bình Thuận với mức tăng 58%; Bà Rịa - Vũng Tàu 44%. 

Với sự đầu tư bài bản và đồng bộ về hạ tầng giao thông, Bình Thuận đang được đánh giá là “ngôi sao mới” trên thị trường bất động sản phía Nam, thu hút các nhà đầu tư sành sỏi đến “chọn mặt gửi vàng”. Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đã hoàn thành và đưa vào khai thác; tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được thi công gấp rút, cam kết đưa vào vận hành cuối năm nay sẽ rút ngắn hành trình TP.HCM - Phan Thiết xuống còn 2 giờ đồng hồ là động lực quan trọng thúc đẩy “cơn sóng ngầm” của thị trường bất động sản Bình Thuận nổi lên trong tương lai gần.

Bên cạnh việc dịch chuyển dòng tiền đến những thị trường mới có nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển dài hạn như Bình Thuận, Vũng Tàu, nhà đầu tư miền Bắc cũng đang có sự thay đổi trong “khẩu vị” đầu tư. Nếu như trước đây, người miền Bắc thường đầu tư chủ yếu vào 2 phân khúc là căn hộ cho thuê hoặc đất nông nghiệp giá rẻ thì nay, tọa độ nóng là các đô thị của những nhà phát triển uy tín, có tiềm lực. Chỉ có các đô thị quy mô lớn đến rất lớn mới có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu, vừa an cư, làm việc, làm ăn kinh doanh kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ; vừa mang đến cơ hội kinh doanh sinh lời hấp dẫn, giúp tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, để lý giải về xu hướng “Nam tiến” của các nhà đầu tư miền Bắc; phân tích về lựa chọn, phương thức và khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư miền Bắc vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phía Nam; chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả đầu tư thực tế vào các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phía Nam của các nhà đầu tư miền Bắc…, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và sự đồng hành của Novaland Group tổ chức Chương trình Tọa đàm và GLTT: Đầu tư bất động sản miền Nam - Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư.

Thời gian: 13h00 - 17h00, ngày 14/10/2022 (thứ sáu)

Địa điểm: Novaland Gallery 25 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tại Tọa đàm, các chuyên gia sẽ tập trung làm rõ tiềm năng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khu vực phía Nam, nổi bật là tiềm năng, lợi thế về bờ biển đẹp, khí hậu ổn định nên có thể khai thác du lịch quanh năm; chỉ ra cơ hội cho các nhà đầu tư tại các vùng đất mới, nhiều tiềm năng và có hạ tầng hoàn thiện như Bình Thuận.

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia sẽ đưa ra nhận định về: Xu hướng dòng tiền đổ về những địa phương có mặt bằng giá chưa vượt quá sức mua, còn nhiều dư địa phát triển về kinh tế lẫn du lịch, nổi bật là Bình Thuận; Tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng phía Nam đang thu hút dòng tiền phía Bắc; Phương thức đầu tư hiệu quả và cơ hội sinh lời bền vững. Đồng thời, tư vấn đầu tư thông minh cho các nhóm dòng tiền khác nhau.

Điều phối Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến: TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Danh sách khách mời             

1. PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng   

2. Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam   

3. TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam (Tham dự Online)

4.  Bà Phạm Ngọc Phượng (Chủ chuỗi Café Mai) - Nhà đầu tư               

- Cùng khoảng 70 - 90 nhà đầu tư, đơn vị phân phối và 20 - 30 nhà báo  

Trân trọng kính mời quý độc giả tham gia giao lưu trực tuyến bằng cách gửi câu hỏi cho Ban Tổ chức về hòm thư: btk.reatimes@gmail.com.

Tiêu điểm sự kiện

    16:00

    Tọa đàm và GLTT kết thúc

    15:40

    TS. Võ Trí Thành điều phối GLTT

    TS. Võ Trí Thành đọc câu hỏi của nhà đầu tư: Có sẵn nguồn vốn lớn thì đương nhiên là dễ dàng hơn trong việc đầu tư, tuy nhiên bỏ ra nguồn vốn lớn thì rủi ro sẽ lớn nếu không có sự tính toán hợp lý và hiệu quả. Nhờ các chuyên gia tư vấn cụ thể hơn về phương thức đầu tư hiệu quả cho từng nhóm nguồn vốn khác nhau: 3-5 tỷ, 5-10 tỷ, trên 10 tỷ?

    Bà Phạm Ngọc Phượng trả lời: Thực ra một số năm gần đây, tư duy những người đầu tư đã “trẻ hóa” hơn. Là những người đã có vốn kinh doanh, có vốn đầu tư thì chúng tôi thường lập ra các nhóm để đầu tư chung. Ví dụ anh có 3 tỷ, tôi có 3 tỷ, chúng ta cùng chung để nắm bắt và chia lợi từ khoản đầu tư chung. Mình đã có vốn riêng của mình nhưng nếu vẫn muốn tiếp tục đầu tư thêm thì hoàn toàn có thể hợp tác chung. Tuy nhiên phải tìm được những đối tác đáng tin cậy và lựa chọn được dự án của những chủ đầu tư uy tín, điển hình như Novaland.

    TS. Võ Trí Thành: Tôi muốn hỏi ông Doanh rằng đối với những nhóm nguồn vốn được nêu ở trên thì người ta thường đầu tư trong mức nào nhất?

    Ông Bùi Văn Doanh trả lời: Còn tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người nhưng theo tôi thì hoàn toàn có thể bắt đầu từ số tiền nhỏ. Ví dụ ngay từ lúc chủ đầu tư huy động vốn thì chỉ cần từ 2 tỷ là đã có thể tham gia thị trường. Các nhà đầu tư có thể linh hoạt để thích ứng và nắm bắt.

    TS. Võ Trí Thành: Vấn đề chính là nhà đầu tư có muốn đầu tư hay không. Nhiều dự án có các chương trình, cách thức để với số vốn ít nhưng nhà đầu tư hoàn toàn có thể bắt đầu.

    Đại diện Novaland phát biểu: Đối với Novaland, chúng tôi có những chính sách thanh toán được đưa ra hợp lý để tạo sự linh hoạt, nhà đầu tư chỉ cần từ 1 tỷ là đã có thể bắt đầu vào một số phân khúc.

    Bà Phan Thị Ngọc Ly, Giám đốc Kinh doanh Phát triển đại lý Novaland Group

    Ví dụ có những chính sách, dự kiến trong vòng 3 năm nhưng tiến độ có thể kéo dài đến 5 năm. Khi đó nhà đầu tư chỉ cần thanh toán 10% một năm, chỉ cần từ 800 triệu đến 1 tỷ là đã có thể bắt đầu. Sau 3 năm, bàn giao nhà là có thể đưa vào khai thác vận hành. Novaland sẵn sàng có những chính sách giải ngân, hỗ trợ lãi suất nhiều năm. Trong thời gian đó nhà đầu tư hoàn toàn có thể có những hoạt động khác để tạo ra thêm dòng tiền.

    TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi cho bà Phạm Ngọc Phượng: Chị dự tính thế nào về đầu tư tiếp theo tại Novaland Phan Thiết?

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Thực ra một người kinh doanh thì không dừng lại. Một điểm rất hấp dẫn ở Novaland là mình đóng 30% tiền đầu tư thì có thể thanh khoản cho người khác để đầu tư vào sản phẩm khác của Novaland. Khi mình mua căn này thấy hợp thì mình trả 30% sau đó thấy lãi có thể bán lại cho người khác và đầu tư vào sản phẩm khác của Novaland.

    TS. Võ Trí Thành đọc câu hỏi của nhà đầu tư: Tôi quan tâm đến khả năng khai thác kinh doanh của Novaworld Phan Thiết. Nhờ các chuyên gia có thể phân tích chi tiết hơn về dòng tiền. Dòng tiền nào tôi có thể tạo ra được trong thời gian sở hữu tài sản?

    Đại diện Novaland trả lời: Khi chúng ta có nhiều khách hàng, vận hành khai thác kinh doanh đã có dòng tiền rất lớn. Novaworld đã có quy mô đô thị du lịch chứ không phải dự án, mỗi một phân khu trong Novaworld đã thành dự án. Khi dự án phát triển thì dòng tiền đã rất lớn. Khi nhà đầu tư khai thác kinh doanh, ngoài lợi nhuận mà họ kiếm được từ hoạt động kinh doanh thì giá trị bất động sản đã tăng lên.

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Quan trọng nhất là yếu tố sân bay, khi có sân bay thì thu hút rất nhiều người đến với khu vực.

    TS. Võ Trí Thành: Hiện nay các bạn đi du lịch miền Trung thì sẽ thấy nhiều tuyến đường cao tốc, trong đó các tuyến đường ven biển với chất lượng tốt cũng được nhiều địa phương đầu tư.

    Đại diện Novaland: Thực ra bây giờ khách hàng đến Phan Thiết thì không cần qua Sài Gòn nữa, mà mọi người sẽ thích bay đến Cam Ranh và đi đường ven biển đến Phan Thiết. 

    TS. Võ Trí Thành nêu câu hỏi của nhà đầu tư: Xin được hỏi chị Phượng, chị có thể chia sẻ các tiêu chí của chị khi chọn các sản phẩm bất động sản đầu tư? 

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Tiêu chí rất rõ ràng, chỗ nào đẹp và đông người thì mình đầu tư. Riêng Novaland đã có đường biển dài gần 7km, tạo ra được các tiện ích xoay quanh các sản phẩm mình mua, thu hút đông người, phù hợp với tiêu chí.

    Trước đây tôi thường đầu tư nhỏ lẻ, còn bây giờ cũng hay giữ chức chủ tịch hội đầu tư nữ, các chị em gắn bó với nhau và còn đi làm từ thiện cùng nhau. Sau đó tôi đã đầu tư nhóm trong 1, 2 năm nay. Mình phải tìm được người có tư duy giống mình và làm việc một cách nghiêm túc, có phương án rõ ràng thì sẽ không cãi nhau.

    TS. Võ Trí Thành: Vậy trong nhóm có cam kết hợp đồng hay hợp đồng miệng?

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Có cam kết, ràng buộc rõ ràng. Việc này để tránh xảy ra những ảnh hưởng đến danh dự của các nhà đầu tư trong nhóm. 

    Nhà đầu tư đặt câu hỏi cho ông Bùi Văn Doanh: Theo các chuyên gia, tiềm năng và sức hấp dẫn của bất động sản Phan Thiết có thể kéo dài đến bao giờ? Mức giá nào là phù hợp để tham gia thị trường này nếu tôi muốn mua để đầu tư?

    Ông Bùi Văn Doanh trả lời: Có nhiều yếu tố để Duyên hải miền Trung, cụ thể là Phan Thiết trở nên tiềm năng và hấp dẫn. Về việc hấp dẫn bao lâu, theo tôi khó định lượng, nhưng có thể định tính. Đây là giai đoạn đầu, sơ khai, nên vòng đời có thể còn dài. Đây là bất động sản ven biển, chủ yếu đi vào bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch mà chăm sóc sức khỏe, du lịch là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo tôi, xu hướng đó ngày càng phát triển, mở rộng.

    15:20

    TS. Võ Trí Thành tiếp tục điều phối Tọa đàm dựa trên kết quả khảo sát số 4

    Kết quả khảo sát số 4 - Nhu cầu tìm kiếm mục đích sở hữu sản phẩm bất động sản tại Phan Thiết (Bình Thuận): 70% người khảo sát ưu tiên sản phẩm ở, chăm sóc sức khoẻ, nghỉ dưỡng, dài lâu; 60% người khảo sát có mong muốn lựa chọn sản phẩm an cư kết hợp kinh doanh cao cấp, ven biển với hệ tiện ích phong phú; 63% người có nhu cầu mua căn nhà thứ 2 làm tài sản đầu tư và mục đích dưỡng lão.

    TS. Võ Trí Thành: Cám ơn chia sẻ của TS. Sử Ngọc Khương đã giải đáp thắc mắc của gần như tất cả các diễn giả ở đây, rằng tại sao lại là Nam Trung Bộ, tại sao lại là Bình Thuận? Ngoài các yếu tố lợi thế tự nhiên thì cũng còn tùy thuộc khẩu vị đầu tư của mỗi người. 

    Ở đây, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề về tài chính. Đầu tiên là lợi nhuận thay đổi về giá cả bất động sản, nhà đầu tư có sự quan tâm đến dòng tiền. Bất động sản khác chứng khoán ở chỗ dòng tiền chứng khoán ngoài vốn hóa thì lợi tức do kinh doanh quyết định. Bên cạnh đó là việc có một dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trên bất động sản. Bất động sản vừa có điểm giống, vừa có điểm khác so với chứng khoán nên chúng ta cũng cần để ý, quan tâm về vấn đề tài chính.

    Chúng ta cùng xem kết quả khảo sát cuối cùng về nhu cầu tìm kiếm mục đích sở hữu sản phẩm bất động sản tại Phan Thiết (Bình Thuận). Theo bảng kết quả số liệu: 70% người khảo sát ưu tiên sản phẩm ở, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, dài lâu; 60% người khảo sát có mong muốn lựa chọn sản phẩm an cư kết hợp kinh doanh cao cấp, ven biển với hệ tiện ích phong phú; 63% người có nhu cầu mua căn nhà thứ 2 làm tài sản đầu tư và mục đích dưỡng lão. Khảo sát này được thực hiện trên 2.500 người với các câu hỏi khác nhau.

    Tôi muốn đặt câu hỏi, với tư cách người tiêu dùng thì tại sao lại không có sự khác biệt lớn lắm ở những con số này? 

    Ông Bùi Văn Doanh: Theo tôi 3 con số này không khác nhau nhiều, với góc tiếp cận khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau. Riêng khi tiến hành khảo sát thì chúng tôi rút ra là 3 con số này đều liên quan đến yếu tố cảnh quan, sức khỏe. Những bất động sản ở đây đều có dịch vụ chăm sóc, sức khỏe, nghỉ dưỡng tốt. Xu hướng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng do nhà đầu tư muốn lựa chọn nơi ở hay nơi đầu tư thì sẽ chọn bất động sản nghỉ dưỡng vì vừa được nghỉ dưỡng và được giá nếu bán đi. Còn với nhu cầu nhà riêng cho thuê tăng không gắn trực tiếp với yếu tố biển, tuy nhiên cũng cho thấy nhiều người có xu hướng mua căn hộ thứ hai.

    Chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng là trước đây có nhiều người mua ở Sóc Sơn, Hòa Bình, nhưng gần đây họ nhận ra là những khu vực này gần, nhưng sự thay đổi không gian không lớn. Xu hướng du lịch hiện nay có sự phân nhánh là trải nghiệm, muốn tách biệt môi trường sống của mình ra. Do đó, nhà đầu tư muốn sở hữu căn hộ thứ 2, vừa được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng vừa có thể sinh lời.

    TS. Võ Trí Thành: Tôi hỏi thật anh Thiên là anh đã mua bất động sản nào ở đây chưa? Giả sử có tiền thì anh sẽ chọn căn nào?

    PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi được đề nghị mua với giá gốc nhưng không đủ tiền nên chưa mua. Tôi nhận định là mức độ quan tâm của nhà đầu tư đến bất động sản nghỉ dưỡng tăng 87%, tôi cho rằng câu trả lời này phản ánh cách ứng xử, tâm lý của người Việt Nam là muốn ở tốt, nếu có cơ hội thì kiếm thêm lợi nhuận. Đây là tâm lý rất đúng.

    15:10

    TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam phát biểu 

    Như chúng ta đã thấy trong vòng khoảng 3 đến 5 năm trở lại đây, một số nhà đầu tư không chuyên cũng tham gia vào thị trường bất động sản. Trước đây ngành kinh doanh chính của họ là các lĩnh vực khác như xây dựng, sản xuất kinh doanh, dịch vụ… Hiện nay họ tham gia vào thị trường, điều này có nghĩa chúng ta đang có một nhóm nhà đầu tư mới gia nhập vào lĩnh vực địa ốc. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư miền Trung, miền Bắc đã tham gia vào thị trường phía Nam. Ngay khu vực Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng vừa qua đã có một nhóm nhà đầu tư mới tham gia đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.

    Đây là những nhóm nhà đầu tư mà tôi cho rằng họ có khuynh hướng tìm cơ hội ở những vùng đất mới. Ở phía Nam có sân bay Long Thành, đây là một điểm cộng lớn, có tính liên kết vùng rất cao, là một sân chơi lành mạnh cho các nhà đầu tư từ mọi miền Tổ quốc tham gia, là nơi có cơ hội cho tất cả. Bên cạnh vành đai 4 của Hà Nội thì vành đai 3 đã được Chính phủ thông qua ở phía Nam, đây chính là động lực rất lớn cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản.

    Đặc biệt, khẩu vị liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian vừa qua rất được các nhà đầu tư chuyên lẫn không chuyên ưa chuộng. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng từ miền Trung đổ vào vào phía Nam là một sân chơi đa màu sắc, đa dạng về chủng loại, về sản phẩm và được xem là một lĩnh vực thế mạnh của các tỉnh miền Trung và miền Nam. Điều này giúp bổ sung nguồn vốn rất lớn cho thị trường, hút nguồn tiền từ các lĩnh vực khác và “sân chơi” này sẽ được mở rộng hơn ra các thành phố vệ tinh. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư chuyển mình về, khi các quỹ đất đang còn nhiều và cơ chế cũng khá thuận lợi trong quy trình phê duyệt để thực hiện được dự án.

    Có hai cái nhóm nhà đầu tư. Với nhóm nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp từ phía Bắc, họ luôn tập trung vào những dự án trung tâm, nơi có sự thu hút rất nhanh. Còn đối với nhóm đầu tư không chuyên, họ sẽ có những chiến lược và tầm nhìn khác, bởi họ xuất phát từ các công việc khác như xây dựng, đầu tư, sắt thép, sản xuất kinh doanh… Họ có góc nhìn khác và sẽ tập trung vào các thành phố vệ tinh xung quanh TP.HCM nhiều hơn, nơi mà quỹ đất nhiều hơn, quy mô lớn hơn, có cơ chế thuận lợi hơn trong việc phê duyệt. Tôi nghĩ đây cũng là một chiến lược tốt cho các doanh nghiệp, khi mà họ từ lĩnh vực khác tham gia vào bất động sản - nơi chưa phải là thế mạnh.

    Cũng giống như các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam thì họ rất cẩn thận xem xét từng yếu tố về góc độ pháp lý, thị trường, về những nguồn cung cầu mà họ cần tiếp cận.

    Đối với nhà đầu tư thứ cấp, sẽ liên quan đến vấn đề về lợi nhuận. Nhóm nhà đầu tư này thường sẽ quan sát ở những nơi đầu tư mà xuống tiền ít nhất và có thể chuyển nhượng được. Đây là nhóm nhà đầu tư khá phổ biến trên thị trường, lợi nhuận không phải là vấn đề chính mà họ quan tâm.

    Từ trước đến nay chúng ta thấy Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) được xem là một trong những khu du lịch truyền thống gắn liền với đô thị. Nhìn tổng thể, một số khu vực như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn chính là một trong những lợi thế cạnh tranh của đất nước. Cả một dải đất nơi mà bờ biển đi qua rất sát sườn với đô thị, thời lượng có nắng rất cao, tiềm năng khai thác lớn thì đây chính là điểm thuận lợi để khu vực biển miền Trung từ Trung Trung Bộ, Đà Nẵng vào phía Nam Trung Bộ, Bình Thuận phát triển. Các đô thị, thành phố này gắn liền với sự phát triển cũng như sự hình thành các khu du lịch.

    Tôi cho rằng các chính quyền địa phương cần có những chiến lược để thu hút nguồn lực về đầu tư cho các đô thị của mình, giúp người dân được hưởng lợi từ việc kinh doanh và sự phát triển của ngành du lịch.

    Nhìn một cách tổng thể hơn, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km và tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong thời gian qua là rất lớn, thông qua các chỉ số về lượng khách nội địa và quốc tế. Do vậy, đây là cơ hội rất lớn cho ngành du lịch Việt Nam, cho ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, chúng ta vẫn dựa trên những điều kiện tự nhiên đang sẵn có, chưa khai thác được hết thế mạnh của các khu du lịch và nghỉ dưỡng, các sản phẩm và dịch vụ du lịch vẫn còn hạn chế. Do vậy, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, khi mà nền kinh tế có sự hồi phục bởi dịch bệnh đã được kiểm soát thì ngành công nghiệp công khói này phát triển rất mạnh mẽ. Ngày nay, nhu cầu đi lại, nghỉ dưỡng của người dân Việt Nam đã đóng một vai trò rất lớn.

    Trước đây chúng ta còn dựa vào số lượng du khách của nước ngoài đến Việt Nam nhiều. Nhưng trong thời gian vừa qua, hành vi tiêu dùng và cách ứng xử về sức khỏe của người dân Việt Nam sau dịch Covid đã hoàn toàn thay đổi. Tôi cho rằng nếu Chính phủ cũng như Tổng cục Du lịch Việt Nam và các bên liên quan, các nhà đầu tư có một tầm nhìn dài hạn hơn, sát sườn hơn thì chúng ta cũng không thua gì Thái Lan và các nước trong khu vực. Chúng ta cần có những định hướng rõ ràng hơn về mặt chiến lược. Ở tầm quốc gia thì những khu nghỉ dưỡng ngành du lịch Việt Nam không thua gì các nước trong khu vực, thế giới và đây là một cơ hội mà chúng ta có thể đem về rất nhiều ngoại tệ cho quốc gia.

    14:30

    TS. Võ Trí Thành điều phối phiên Tọa đàm dựa trên kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

    Kết quả khảo sát số 1 - Xu hướng dịch chuyển dòng tiền của nhà đầu tư miền Bắc đến các địa phương trong 9 tháng đầu năm 2022: Bảng kết quả khảo sát trong đó nhiều tỉnh thành đang nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía nhà đầu tư như Bình Thuận với mức tăng 58%; Đăk Lăk 48%; Bà Rịa - Vũng Tàu 44%, Hưng Yên 15%, Quảng Nam 14% (so với tháng 9/2021).

    TS. Võ Trí Thành: Ở phiên tọa đàm trước chúng ta đã thảo luận và nhận định rằng đây là thời kỳ phức tạp, nhiều biến động, khó lường. Trong các kênh đầu tư khác nhau, điểm nhấn sẽ là bất động sản, trong bất động sản ta quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch.

    Tọa đàm hôm nay, chúng ta đi vào câu chuyện sâu hơn, trong bất động sản du lịch thì nên đầu tư vào sản phẩm gì? Chúng ta thấy Duyên hải miền Trung có mức độ quan tâm của nhà đầu tư tăng rất mạnh so với cùng kỳ, ấn tượng nhất là Bình Thuận.

    Cụ thể, bảng kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam trong đó nhiều tỉnh thành đang nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía nhà đầu tư như Bình Thuận với mức tăng 58%; Đăk Lăk 48%; Bà Rịa - Vũng Tàu 44%, Hưng Yên 15%, Quảng Nam 14%. 

    Tôi xin được hỏi ông Bùi Văn Doanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, ông có thể lý giải thêm về kết quả này?

    Ông Bùi Văn Doanh: Kết quả do Viện chúng tôi đưa ra, nhưng tôi cũng hơi bất ngờ với những con số này. Đặc biệt là việc Bình Thuận xếp trên Bà Rịa - Vũng Tàu khiến tôi bất ngờ nhất vì xu hướng đầu tư thời gian trước đây mọi người thường quan tâm nhiều tới việc chăm sóc sức khỏe thông qua du lịch biển. Từ trước đến nay với du lịch phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thường là điểm hấp dẫn. Đây hoàn toàn là kết quả khách quan, buộc chúng tôi đi sâu nghiên cứu. 

    Tôi cho rằng kết quả này là con số hợp lý vì đánh giá được đúng mức độ quan tâm của các nhà đầu tư. Bà Rịa - Vũng Tàu rất gần TP.HCM và chúng tôi khảo sát trên cơ sở dữ liệu của các nhà đầu tư bất động sản. Nhà đầu tư luôn tính đến tiềm năng, vị trí. So sánh thì thấy Bà Rịa - Vũng Tàu là thị trường ổn định để đầu tư. Trong đầu tư bất động sản thì nhà đầu tư luôn quan tâm đến thị trường và Bình Thuận có nhiều tiềm năng về vị trí, sự kết nối mà ở tọa đàm lần trước chúng tôi đã phân tích nhiều.

    Với thị trường bất động sản thì có thể nói Bình Thuận là thị trường sơ khai. Nhà phát triển luôn có chính sách ưu đãi với thị trường này nên thu hút nhiều đầu tư, khả năng sinh lời, biên lợi nhuận rất lớn cũng là điều dễ hiểu.

    Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

    TS. Võ Trí Thành: Như anh Bùi Văn Doanh đã đưa ra một số lý do giải thích nguyên nhân vì sao mức độ quan tâm gia tăng mạnh mẽ đối với tỉnh Bình Thuận, tôi muốn hỏi chị Phạm Ngọc Phượng - là nhà đầu tư đã xuống tiền thật vào thị trường phía Nam, chị có đồng ý với những điều ông Doanh đã chia sẻ không?

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Cảm ơn câu hỏi của anh và tôi cũng hoàn toàn đồng ý với anh Doanh. Với tâm lý của một nhà đầu tư, họ sẽ đi theo lối tư duy mới, thích khám phá địa điểm mới để tạo ra giá trị. Và khi đó, tôi đã nghĩ đến tỉnh Bình Thuận. Hơn nữa ở khu vực này có chủ đầu tư Novaland đã có tiếng nên tôi vô cùng tin tưởng.

    Kết quả khảo sát số 2 - Mức độ quan tìm kiếm của nhà đầu tư phía Bắc đến thị trường bất động sản Phan Thiết: Bảng kết quả khảo sát mức độ tìm kiếm cho thấy 46% nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản tại Phan Thiết ở thời điểm tháng 9/2022.

    TS. Võ Trí Thành: Tiếp theo là khảo sát số 2 về mức độ quan tâm tìm kiếm của nhà đầu tư phía Bắc đến thị trường bất động sản Phan Thiết. Theo đó, 46% nhà đầu tư phía Bắc có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại Phan Thiết ở thời điểm tháng 9/2022.

    Theo số liệu nghiên cứu cho thấy, trong 2.500 nhà đầu tư, phần lớn đã quyết định xuống tiền. PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định thế nào về xu hướng tìm kiếm bất động sản của nhà đầu tư phía Bắc đang hướng về Phan Thiết?

    PGS.TS. Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng con số cao hay thấp cũng không quan trọng bằng xu hướng, nếu như có con số ví dụ năm 2019 có khoảng 30% nhà đầu tư so với bây giờ là 46% thì sẽ thấy được sự thay đổi. 46% này không hoàn toàn cho thấy được sự tăng hay giảm, hay là số lượng tuyệt đối hay không. Tuy nhiên, tôi tin là xu hướng tăng lên, vì cũng có nhiều chuyên gia nhận định, chính Novaworld Phan Thiết có nhiều yếu tố để thúc đẩy xu hướng. Tôi xin đề cập đến 2 yếu tố:

    Một là xây dựng sân bay, tạo ra sự bùng nổ về phát triển hạ tầng đô thị.

    Hai là tuyến đường cao tốc nối từ Phan Thiết đến Ninh Hòa và Dầu Giây đi Phan Thiết, tạo ra những động lực rất mạnh để thị trường bất động sản bùng dậy. 46% là con số tĩnh nhưng tôi tin rằng, một tháng nữa con số này có thể thay đổi, xu hướng sẽ tăng lên theo sự lạc quan của nhà đầu tư.

    PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

    TS. Võ Trí Thành: Chúng ta nói đến vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, sân bay, vận tải là một yếu tố quan trọng, bên cạnh đó là yếu tố môi trường sống, điều kiện sống. Ninh Thuận, đúng như nội dung của anh Trần Đình Thiên trình bày, nếu có những công trình có chất lượng dịch vụ tốt thì sẽ nâng tầm quốc tế. Bà Rịa - Vũng Tàu có vẻ khó, mặc dù bất động sản phát triển rất rộn ràng khác hẳn 7, 8 năm trước.

    Tuy nhiên nếu là điểm nhấn thu hút quốc tế cả về tiềm năng, khát vọng, ước mơ, gắn với các công trình dịch vụ chất lượng thì Bà Rịa - Vũng Tàu khó bứt phá được như Phan Thiết, Bình Thuận. Tôi xin phép hỏi, anh Bùi Văn Doanh có tin là sau bài phát biểu của anh Thiên thì con số này sẽ cao hơn không?

    Ông Bùi Văn Doanh: Tôi nghĩ thực ra những số liệu anh Trần Đình Thiên đưa ra thì đều có thể tra cứu trên mạng internet, tuy nhiên hôm nay anh Thiên trình bày trực tiếp ở đây là người đã tham vấn rất nhiều về phát triển kinh tế khu vực miền Nam, thì tôi nghĩ là vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Phan Thiết sẽ bứt phá.

    TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi cho bà Phượng về quyết định xuống tiền ở Phan Thiết: Với tất cả câu chuyện về kết nối, chất lượng cuộc sống, nhà đầu tư cao cấp, nhà đầu tư chất lượng… thì dù có những lựa chọn khác, nhưng vì sao chị vẫn bỏ tiền vào Phan Thiết?

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Tôi thấy chưa có dự án nào mà đường bờ biển dài tới 7km, chủ đầu tư xây dựng nhiều tiện ích cho người ở như vui chơi, giải trí, rất nhiều điểm đến cho khách du lịch nước ngoài… Là người kinh doanh, tôi phải tìm dự án nào thu hút nhiều người đến nên tôi chọn Novaworld Phan Thiết.

    Kết quả khảo sát số 3 - Mức độ quan tâm tìm kiếm các phân khúc bất động sản tại Phan Thiết (Bình Thuận): Mức độ quan tâm đất nền tăng 44%, nhà phố tăng 47%, biệt thự nghỉ dưỡng tăng 87%, condotel 45%, nhà riêng cho thuê tăng 5%, chung cư tăng 42% (so với tháng 9/2021).

    TS. Võ Trí Thành: So sánh mức độ quan tâm thời điểm cách đây 1 năm, nổi trội là phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, tôi muốn hỏi ông Bùi Văn Doanh, sự thay đổi mức độ quan tâm vào biệt thự nghỉ dưỡng liệu có hợp lý không? Nhìn theo chừng mực nào đó, các phân khúc này có hợp lý với Phan Thiết không?

    Ông Bùi Văn Doanh: Tôi nghĩ nhiều người khi nhìn vào sẽ cho là không hợp lý vì tâm lý, xu hướng đầu tư thường tập trung vào đất nền, còn ở đây, mức độ quan tâm với biệt thự và bất động sản nghỉ dưỡng lại ở mức cao. Tôi cho rằng hợp lý. Hợp lý ở mức độ khoa học (Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam khảo sát), ngoài ra cá nhân tôi cũng đồng cảm với các nhà đầu tư. Vì sao bất động sản nghỉ dưỡng lại thu hút hơn đất nền, nhà phố, nhà ở? Lý giải là do dịch chuyển văn hóa và lối sống. Trước đây, người Việt có xu hướng tích trữ tiền của, sau đó là sống vì người khác là chính, nhưng giờ đây sự giao thoa tâm lý phương Tây và Á Đông đã ảnh hưởng đến văn hóa của người Việt hiện nay. Người ta quan tâm đến bản thân nhiều hơn, đề cao cái tôi hơn. Đó là tâm lý ảnh hưởng đến xu hướng đầu tư, là xu hướng tận hưởng.

    TS. Võ Trí Thành: Nhiều người vẫn nói và bàn về cách tiêu tiền của các miền, bây giờ văn hóa 3 miền cũng gần nhau hơn và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi lưu ý kết quả này thể hiện rõ sự quan tâm khá bùng nổ trở lại của thị trường bất động sản du lịch.

    Sau đây là một câu hỏi từ tổ thư ký chuyển lên dành cho bà Ngọc Phượng: Bà đã sở hữu bao nhiêu bất động sản tại khu vực phía Nam? Thuộc phân khúc/ loại hình bất động sản nào”?
    Tôi nghĩ chắc chắn là chị Phượng đầu tư nhiều nhưng chị có thể không trả lời vì đây là quyền riêng tư.

    Bà Phạm Ngọc Phượng: Không sao, tôi có thể trả lời vì tôi là người đầu tư kinh doanh và muốn chia sẻ để xã hội cùng phát triển. Tôi quan tâm đến bất động sản phía Nam và muốn Nam tiến từ lâu. Cả chục năm trước, tôi đã đầu tư vào thị trường này vì giá thành phía Nam rẻ hơn và điều quan trọng nhất là nếu có biến cố thì có thể thanh khoản nhanh.

    Trước kia, tôi đầu tư vào nhà phố tại miền Nam. Sau đó, tôi quan tâm và đầu tư đến bất động sản nghỉ dưỡng tại Phan Thiết (cụ thể là shophouse) tại những dự án của Novaland. Chuỗi Café Mai của chúng tôi hiện kinh doanh không phải trả tiền thuê nhà mà kinh doanh trên đất của mình nên cũng có nhiều lợi thế để phát triển.

    14:15

    PGS.TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng trình bày tham luận tổng quan: Tiềm năng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khu vực phía Nam

    Từ bài phát biểu đề dẫn của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, trong Tọa đàm hôm nay, tôi đề nghị chúng ta bàn nhiều về thị trường miền Nam, đặc biệt tập trung vào bất động sản vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt là các khu vực như Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận)…

    Tôi đã có 10 - 12 năm tư vấn về đầu tư phát triển khu vực Duyên hải miền Trung, có thể nói dải biển này liên kết được bằng du lịch là nhờ có sự đóng góp lớn của Hội đồng ban chỉ đạo phát triển miền Trung. Miền Bắc và miền Nam có lợi thế phát triển công nghiệp, nhưng đối với miền Trung, theo tôi có thể bứt phá theo cách rất khác. Có lẽ nếu bứt phá được thì miền Trung sẽ đi đầu. Liên kết du lịch là liên kết mạnh, thị trường miền Trung sẽ hấp dẫn hơn.

    Tôi cho rằng hoàn toàn hợp lý khi khẳng định du lịch là một mũi nhọn phát triển mạnh mẽ, mang lại thành công cho miền Trung. Tất nhiên 2 năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên kinh doanh du lịch vất vả, nhưng không vì thế mà miền Trung từ bỏ kế hoạch phát triển, bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

    Du lịch đã được xác định là ưu thế cơ bản của miền Trung. Điều tôi ghi nhận là, kể từ cuối năm ngoái khi dịch Covid-19 giảm đi, tôi và TS. Võ Trí Thành cùng các chuyên gia khác đã tham gia nhiều diễn đàn phát triển về đô thị, du lịch miền Trung. Tôi nhận thấy rằng, du lịch miền Trung sẽ bùng nổ hơn trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

    Nói về bất động sản miền Trung, trước tiên tôi muốn nhắc tới 3 khu vực:

    Thứ nhất là tỉnh Bình Định. Quy Nhơn sẽ là khu du lịch đẳng cấp quốc tế và Bình Định sẽ là điểm đến hàng đầu của châu Á. Chúng ta phải có khát vọng, quyết tâm đủ mạnh thì mới có thể bùng nổ.

    Thứ hai là tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ cả một vùng Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang... có khí thế bùng nổ chưa từng thấy về du lịch và ở đẳng cấp hàng đầu thế giới chứ không còn chỉ ở châu lục. Đây là trung tâm của tiểu vùng duyên hải phía Nam từ Phú Yên trở vào trong. 

    Thứ ba là khu vực Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Có thể thấy xu thế bùng nổ đang rất mạnh.

    Tôi xin bổ sung thêm thông tin phát triển du lịch chung của Việt Nam thông qua các dự báo mới mà tôi tìm hiểu được. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đã tăng trưởng hơn 20% so với năm 2019, đây là con số rất ấn tượng. Đất nước chúng ta an toàn và phong phú về du lịch. Dự báo doanh thu du lịch năm 2024 sẽ đạt khoảng 11,1 tỷ USD, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD vào năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vượt qua cả Thái Lan. Vì thế, đặt điểm nhấn du lịch vào khu vực Duyên hải miền Trung là hoàn toàn hợp lý, không còn nghi ngờ gì nữa. Đầu tư bất động sản dịch chuyển vào phía Nam không chỉ là xu hướng mà có thể khẳng định đó là điều tất yếu.

    Đây sẽ là vùng bùng nổ mạnh vì có các điều kiện thuận lợi về liên kết hạ tầng, đặc biệt là các cao tốc ven biển sẽ hoàn thành trong thời gian tới, như tuyến ven biển Nha Trang - Ninh Thuận được khai thác rất mạnh.

    Trong 5 dự án đặc biệt ưu tiên về hạ tầng cao tốc ở Việt Nam, có đến 2 dự án ở miền Trung, trong đó dự án nối Nha Trang với Buôn Mê Thuột là một trong những dự án vô cùng quan trọng. Có thể nói là bùng nổ về giao thông, logistics là một trong những bùng nổ quan trọng về đô thị. 

    Vùng này cũng có lợi thế về sân bay, không chỉ là sân bay của vùng mà xung quanh còn rất nhiều sân bay khác đặt tại Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột, Pleiku. Sự kết nối thúc đẩy phát triển của vùng này không phải tạo ra dành cho du lịch, nhưng sẽ là điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch rất tốt. Cộng hưởng những điều kiện ấy làm cho sức mạnh của miền Trung tăng vượt cấp, thế giới sẽ đến với Việt Nam nhiều hơn chính là nhờ vào vùng này.

    Điểm cuối cùng tôi xin chia sẻ đôi chút về Novaworld. Trong một diễn đàn quốc tế với sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo, chuyên gia, Novaworld Phan Thiết đã được giới thiệu là một trong những dự án Việt Nam đóng góp để chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Liên hợp quốc. Khi đi thăm Novaworld Phan Thiết, tôi rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến ở một vùng đất toàn là cát trắng, mà lại có một công trình đúng là biểu tượng của tương lai, thể hiện khát vọng, mong muốn của Việt Nam.

    14:05

    Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm

    Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

    Kính thưa quý chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo!

    Trước tiên, thay mặt cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ban Tổ chức, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, quý chuyên gia, các nhà khoa học, nhà báo lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe tốt đẹp nhất!

    Thưa Quý vị,

    Cách đây hai tuần, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Tập đoàn Novaland đã tổ chức Toạ đàm và Giao lưu trực tuyến về chủ đề: “Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay”. Tại Tọa đàm, các chuyên gia và diễn giả đều thống nhất nhận định, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong bối cảnh hiện nay. Thị trường bất động sản cũng đang chứng kiến nhiều xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư, trong đó “đánh bắt xa bờ” tại những thị trường tiềm năng ở khu vực phía Nam đang trở thành xu hướng chủ đạo.

    Đối với các nhà đầu tư miền Bắc, thị trường bất động sản phía Nam như một “miền đất hứa” mới, trọng tâm là khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Sự cộng hưởng của các dự án quy mô đẳng cấp do các nhà đầu tư uy tín phát triển trong vài năm trở lại đây cùng sự quan tâm đặc biệt và xu hướng đầu tư từ miền Bắc đã làm thị trường bất động sản khu vực phía Nam nóng lên từng ngày.

    Xu hướng đầu tư bất động sản miền Nam của các nhà đầu tư miền Bắc ngày càng gia tăng bởi:

    Thứ nhất, khu vực miền Nam là thị trường bất động sản lớn nhất của cả nước, phát triển đồng đều ở các tỉnh thành lân cận TP.HCM. Nơi đây có vô số các cơ hội đầu tư, thỏa mãn gần như tối đa các nhu cầu tìm kiếm, tạo lập, nắm giữ, kinh doanh và giao dịch bất động sản.

    Thứ hai, miền Nam có nền kinh tế sôi động, là điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo ra nhu cầu lớn đối với bất động sản như hoạt động khai thác, cho thuê dễ dàng, tỉ suất lợi nhuận tốt hơn miền Bắc.

    Thứ ba, bất động sản miền Nam có tính thanh khoản tốt hơn, tiềm năng sinh lời cao hơn. Tốc độ phản ứng của thị trường miền Nam tốt hơn thị trường miền Bắc khi có biến cố.

    Thứ tư, miền Nam tập trung nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ, với các đa dạng các loại hình sản phẩm phù hợp với mọi khẩu vị của khách hàng, mang tới khả năng chuyển đổi linh hoạt các loại hình đầu tư khi thị trường xảy ra biến cố bất ngờ.

    Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhiều tỉnh thành phía Nam nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía các nhà đầu tư như Bình Thuận hay Bà Rịa – Vũng Tàu từ 40-60% (So với cùng kỳ năm 2021).

    Với sự đầu tư bài bản và đồng bộ về hạ tầng giao thông, Bình Thuận đang được đánh giá là “ngôi sao mới” trên thị trường bất động sản phía Nam, thu hút các nhà đầu tư sành sỏi đến “chọn mặt gửi vàng”. Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, công trình cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đã hoàn thành và đưa vào khai thác; tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang được thi công gấp rút, cam kết đưa vào vận hành cuối năm nay sẽ rút ngắn hành trình TP.HCM - Phan Thiết xuống còn 2 giờ đồng hồ là động lực quan trọng thúc đẩy “cơn sóng ngầm” của thị trường bất động sản Bình Thuận nổi lên trong tương lai gần.

    Bên cạnh việc dịch chuyển dòng tiền đến những thị trường mới có nhiều tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển dài hạn như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà đầu tư miền Bắc cũng đang có sự thay đổi trong “khẩu vị” đầu tư. Nếu như trước đây, người miền Bắc thường đầu tư chủ yếu vào 2 phân khúc là căn hộ cho thuê hoặc đất nông nghiệp giá rẻ thì nay, tọa độ nóng là các đô thị quy mô lớn của những nhà phát triển uy tín, có tiềm lực. Chỉ có các đô thị quy mô lớn đến rất lớn mới có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu, vừa an cư, làm việc, làm ăn kinh doanh kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ; vừa mang đến cơ hội kinh doanh sinh lời hấp dẫn, giúp tối đa lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

    Thưa Quý vị,

    Trong sự dịch chuyển đó, đô thị du lịch là “làn gió tươi mát” định nghĩa lại cơ hội đầu tư của thị trường. Loại hình bất động sản này có nhiều ưu thế khi vừa là nơi an cư, nghỉ dưỡng, vừa là điểm đến tham quan, trải nghiệm, đồng thời có thể được sử dụng như một bất động sản cho thuê, khai thác kinh doanh.

    Chúng tôi cho rằng, đây là xu hướng tất yếu và phù hợp với sự phát triển của Việt Nam và chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển của du lịch Việt Nam đến năm 2030. Bởi lẽ, hiện tại, cơ sở du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam còn kém cạnh tranh so với nhiều nước nên dư địa phát triển còn rất lớn. Ngành du lịch đã hoạt động mạnh mẽ, sôi động trở lại, trở thành ưu tiên để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Do đó, bất động sản đô thị du lịch sẽ trở thành phân khúc đáng đầu tư.

    Với những thế mạnh hiện tại và sự khan hiếm của thị trường, những địa phương như Bình Thuận cần tập trung đầu tư phát triển một số đô thị mới và xây dựng những giá trị mới… vì việc tập trung xây dựng đô thị du lịch, kiến tạo điểm đến du lịch, thu hút một lượng khách khổng lồ về nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm… sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ phụ trợ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện và bền vững cho địa phương và cả khu vực.

    Tiên phong nắm bắt xu hướng đó và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, Tập đoàn Novaland với tiềm lực tài chính mạnh, có phương thức kinh doanh hiệu quả, uy tín đã kiến tạo nên những sản phẩm bất động sản đô thị du lịch như: Đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet; NovaWorld Ho Tram. Đây đầu là những dự án đẳng cấp và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, kinh doanh.

    Kính thưa Quý vị,

    Trên cơ sở đó, để lý giải về xu hướng dịch chuyển dòng vốn của các nhà đầu tư miền Bắc; phân tích về lựa chọn, phương thức và khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư miền Bắc vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phía Nam; chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả đầu tư thực tế vào các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phía Nam của các nhà đầu tư miền Bắc…, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và sự đồng hành của Novaland Group tổ chức Chương trình Tọa đàm và giao lưu trực tuyến về chủ đề: Đầu tư bất động sản miền Nam: Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư.

    Với tinh thần đó, tôi hy vọng và đề nghị các diễn giả tham dự Toạ đàm sẽ tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

    - Thứ nhất, các chuyên gia sẽ tập trung làm rõ tiềm năng của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khu vực phía Nam; chỉ ra cơ hội cho các nhà đầu tư tại các vùng đất mới, nhiều tiềm năng và có hạ tầng hoàn thiện như Bình Thuận hay Bà Rịa – Vũng Tàu.

    - Thứ hai, dựa trên kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, đề nghị các diễn giả cùng đưa ra nhận định về: Xu hướng dòng tiền đổ về những địa phương có mặt bằng giá chưa vượt quá sức mua, còn nhiều dư địa phát triển về kinh tế lẫn du lịch, nổi bật là Bình Thuận; Phương thức đầu tư hiệu quả và cơ hội sinh lời bền vững khi đầu tư vào thị trường này. Đồng thời, tư vấn đầu tư thông minh cho các nhóm dòng tiền khác nhau.

    - Thứ ba, với hàng trăm câu hỏi của độc giả gửi về cho các khách mời trong chương trình Giao lưu trực tuyến thông qua hệ thống Tạp chí điện tử Reatimes và các nhà đầu tư, khách mời quan tâm đặt câu hỏi trực tiếp tại Tọa đàm, Ban Tổ chức hy vọng và đề nghị các diễn giả tham gia trả lời tối đa các câu hỏi của độc giả, đưa ra những khuyến nghị, tư vấn thiết thực phục vụ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

    Thưa Quý vị!

    Nhân dịp này, thay mặt cho Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ban Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tham dự Toạ đàm và Giao lưu trực tuyến. Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn Tập đoàn Novaland đã đồng hành cùng Chương trình.

    Kính chúc các quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

    Xin chúc chương trình thành công tốt đẹp!

    Trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của quý vị!

    14:00

    Các khách mời tham dự Tọa đàm và GLTT

    Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến "Đầu tư bất động sản miền Nam - Lựa chọn dự án và phương thức đầu tư" có sự tham dự của:

    Về phía các chuyên gia và diễn giả

    - PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

    - TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

    Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

    - TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam (Tham dự Online)

    - Bà Phạm Ngọc Phượng (Chủ thương hiệu Cafe Mai) - Nhà đầu tư

    Về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

    - Nhà báo Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam    

    Về phía BTC và đơn vị đồng hành:

    - Nhà báo Bùi Văn Khương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

    - Ông Trần Hoàng Hà, Giám đốc Cao cấp Kinh doanh Phát triển đại lý Novaland Group

    - Bà Phan Thị Ngọc Ly, Giám đốc Kinh doanh Phát triển đại lý Novaland Group

    - Bà Lương Thị Thu Hà, Giám đốc Chiến lược và Tiếp thị kinh doanh Novaland Group

    Cùng sự có mặt của lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản, đông đảo nhà đầu tư, đại lý bất động sản và các cơ quan báo chí - truyền hình.

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Thương hiệu dẫn đầu

    Liên kết hữu ích
    Lên đầu trang
    Top