Liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV và Ngân hàng Xây dựng, như kỳ trước đã thông tin về việc Phạm Công Danh và Trầm Bê "hô biến" số tiền 1.800 tỷ đồng của Sacombank để cho Phạm Công Danh vay theo 6 hồ sơ vay khống của 6 công ty do Danh thành lập.
Sacombank tiếp tay gây thiệt hai lớn tại VNCB
Về khoản vay này, Ngân hàng Nhà nước đã giám định và kết luận việc Sacombank cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng có nhiều sai phạm. Cụ thể, Sacombank xem xét quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng. Thực hiện chưa đầy đủ các quy định Khoản 3,4 Điều 7 Quyết định 1627.
Tại hợp đồng bảo lãnh, về phía Ngân hàng Đại tín chỉ có ông Phan Thành Mai là người đại diện theo pháp luật, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh là không đúng quy định về thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư 28.
Việc Sacombank xem xét và quyết định cho vay và Ngân hàng Đại Tín chưa thực hiện đảm bảo tiền vay đúng quy định về bảo lãnh nêu trên là thực hiện chưa đầy đủ điều kiện cho vay theo quy định tại khoản 5 Điều 7, Quyết định 1627.
Việc Sacombank chi nhánh quận 8 và chi nhánh Trần Hưng Đạo lập các báo cáo kiểm tra, giám sát vốn vay với nội dung khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích, hoạt động kinh doanh bình thường khi chưa có đủ căn cứ là thực hiện chưa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của TCTD theo quy định tại Điều 21 Quyết định 1627, Khoản 3, Điều 94 Luật các TCTD.
Về thiệt hại, đến thời điểm giám định, Sacombank không có thiệt hại khi cho 6 công ty vay 1.800 tỷ đồng. Tuy nhiên việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank đã gây thiệt hại cho VNCB 1.835,8 tỷ đồng.
Điểm tên 15 cá nhân sai phạm tại Sacombank
Cho lời khai trong quá trình điều tra, lãnh đạo tại Sacombank đều đồng loạt thừa nhận hồ sơ vay vốn của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay từ các hợp đồng nguyên tắc để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng nên xét xem quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.
Phía lãnh đạo Sacombank cũng thừa nhận, về hợp đồng bảo lãnh, phía Ngân hàng Đại Tín chỉ có ông Phan Thành Mai, là người đại diện theo pháp luật ký, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh. Lý do là Hội đồng Quản trị của Trushbank đã có nghị quyết, biên bản họp thống nhất dùng tiền gửi làm tài sản đảm bảo và giao cho Phan Thành Mai ký hợp đồng bảo lãnh là đúng quy định.
C46 kết luận đối với 15 cá nhân tại Sacombank gồm Trầm Bê - Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD; Phan Huy Khang – Thành viên HĐQT, TGĐ; Phan Đình Tuệ - Thành viên HĐQT, PTGĐ; Đào Nguyên Vũ – PTGĐ phụ trách khu vực phía Nam. Các cá nhân tại chi nhánh Trần Hưng Đạo (Bùi Văn Thành – Chủ tịch HĐTD, PGĐ chi nhánh; Cáp Văn Hoàng – TV HĐTD, PGĐ chi nhánh; Đổ Văn Nghiên – TV HĐTD, Trưởng ban kiểm soát rui ro; Nguyễn Hồng Cường- Trưởng phòng doanh nghiệp; Tống Nguyễn Khoa Trí, Phạm Hùng – chuyên viên khách hàng) và các cá nhân tại chi nhánh Quận 8 (Trần Thị Hải Triều – Chủ tịch HĐTD, giám đốc chi nhánh; Văn Phú Duẫn – TVHĐTD, PGĐ; Trần Qúy Thiên Kim – TVHĐTD, Trưởng phòng kiểm soát rủi ro; Phạm Ngọc Tuấn Anh – Trưởng phòng dịch vụ kinh doanh; Nguyễn Đăng Hưng – Chuyên viên khách hàng).
Những cá nhân này có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho vay nhưng theo kết luận giám định của NHNN thì những hành vi này không gây thiệt hại cho Sacombank nên đề nghị không xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 – Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, những cá nhân này đã gián tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng cho VNCB.