Aa

Tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh chững lại

Thứ Sáu, 23/04/2021 - 15:30

Giới kinh doanh đang nhìn thấy dấu hiệu chững lại trong tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh.

Đáng nói là sự chững lại này không chỉ ở những lĩnh vực vốn khó cải thiện, mà ở cả những chỉ số đang có tốc độ bứt phá nhanh.

Trong Báo cáo Chương trình Cải cách môi trường kinh doanh - góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, các lĩnh vực cải cách mà doanh nghiệp đánh giá là giảm điểm so với năm trước bao gồm thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng. Điều đáng nói, đây lại là những lĩnh vực có tốc độ cải cách được cho là nhanh và ấn tượng nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam nhiều năm qua.

Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 5 năm qua tại Việt Nam
Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 5 năm qua tại Việt Nam

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát theo Chương trình Cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam cũng thừa nhận điều này. Họ nhắc đến thời gian làm thủ tục đăng ký, khởi sự kinh doanh đã giảm liên tục từ năm 2014 đến nay, dự đoán sẽ giảm tiếp khi năm 2020 và đầu năm 2021 có thêm nhiều văn bản mới về liên thông thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính thuế, lĩnh vực bảo hiểm xã hội, thủ tục về đầu tư - xây dựng cũng có sự cải thiện liên tục nhờ sự vào cuộc của các cấp thực thi. Song những cải thiện này đang chậm hơn kỳ vọng của doanh nghiệp, thậm chí không theo kịp nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến gia tăng mạnh trong năm 2020.

Các doanh nghiệp đang thấy những quy định, văn bản với nội dung “dễ cho cơ quan quản lý, khó cho doanh nghiệp”; đang thấy tính minh bạch trong chính sách thuế giảm đi, các khoản chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng tăng lên; tiếp cận vốn tín dụng trong năm 2020 gặp khó dù Chính phủ có khá nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, lĩnh vực đăng ký bất động sản và quản lý đất đai dù được ghi nhận là đã cải thiện khá tốt trong năm 2018 - 2019, nhưng lại khó hơn trong năm 2020. Trong phần này, các doanh nghiệp nói thời gian giải quyết hồ sơ lâu hơn quy định, yêu cầu minh bạch thông tin về quản lý đất đai được đề ra nhiều năm, nhưng không có cải thiện trên thực tế.

Trong những lĩnh vực được ghi điểm cao hơn so với năm 2019 (gồm phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, xuất nhập khẩu và thủ tục thuế), thì thứ hạng của bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp đang đội sổ.

Cũng phải nhấn mạnh, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 5 năm qua tại Việt Nam. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã coi đây là một trong những hoạt động trọng tâm, ưu tiên của các bộ, ban, ngành và thường xuyên có chỉ đạo, đôn đốc để các cơ quan cùng chung tay thực hiện. Chưa bao giờ, những từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ, mà còn ở nhiều cơ quan khác, ở nhiều diễn đàn chính sách khác.

Không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố, Chính phủ đã có những hành động rất cụ thể. Có thể kể đến chương trình bãi bỏ và chuyển đổi hàng ngàn điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư lên nghị định trong năm 2016; chương trình rà soát cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh ở tất cả các bộ trong năm 2018; hoạt động cắt giảm và minh bạch các quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu...

Nhưng những lo ngại của doanh nghiệp cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Âu cũng là quy luật tất yếu, bởi bước từ thể chế kém lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia trong nỗ lực thay đổi tốc độ các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top