Aa

Tôi đi tiêm vắc-xin

Thứ Hai, 02/08/2021 - 07:07

Quanh việc vắc-xin này cũng nhiều chuyện, từ khôi hài tới nghiêm túc, có thể, lịch sử y văn thế giới và nước ta ghi lại, để thấy có một thời, chúng ta vừa lúng túng vừa hân hoan thế nào.

Những ngày này, vấn đề tiêm vắc-xin đang rộn ràng từ trên mạng xã hội tới từng nhà. Ban đầu là nghi ngờ việc tiêm, cho rằng tiêm sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong tình hình "cấp phép đặc biệt" hiện nay. Rằng tiêm thì có thể... chết ngay, chứ Covid thì chưa chắc. Rồi tiến lên là chọn lựa nước sản xuất để tiêm, sau rồi thì... đi tắt để được tiêm và được... phạt. Những "ông ngoại" rồi "ông anh" xuất hiện.

Quanh việc vắc xin này cũng rất nhiều chuyện khôi hài tới nghiêm túc, mà nếu có thể, lịch sử y văn thế giới và nước ta sẽ phải ghi lại, để thấy có một thời, chúng ta vừa lúng túng vừa hân hoan với vắc-xin như thế nào.

Tôi thì, vì trong nhà có bà vợ là người từng làm Trung tâm y tế dự phòng của một tỉnh, lại có hai đứa con là dược sĩ, nên nghĩ đơn giản, Covid nó rồi cũng sẽ như sởi, ho gà, bạch cầu, uốn ván, dại... v.v các cái, nên việc tiêm vắc-xin phòng Covid nó cũng như chúng ta đã từng, và nước ta là nước có thành tựu khá cao trong việc tiêm chủng cho toàn bộ trẻ em. Đứa trẻ sơ sinh, vừa lọt lòng, cánh tay nhỏ như ngón tay trỏ nhưng đã phải chọc một mũi tiêm chủng. Thế hệ chúng tôi, xấp xỉ từ 60 trở lên, trên tay hoặc đùi anh nào mà chả có một vết sẹo, dấu ấn của tiêm chủng thủy đậu ngày nào, là những năm 60 thế kỷ trước trở về. Gọi là tiêm nhưng lại... không tiêm, lấy cái ngòi bút rạch cơ ra rồi đổ thuốc vào. Và nó phải sưng, phải nhiễm trùng, phải quằn quại sốt mới là đúng kỹ thuật. Các vết rạch ấy, đa phần là để lại sẹo tới khi già. Tôi thì vết sẹo ấy ở đùi, em trai tôi ở cánh tay. Kiểm tra tiêm chưa, chả cần giấy tờ sổ sách gì, cứ vạch bắp tay hoặc đùi ra là biết.

Tuần này thì vắc-xin bắt đầu đổ về Việt Nam rất nhiều. Nghĩ cũng thương cho Chính phủ và Nhà nước, làm việc hoặc tiếp khách hoặc nói chuyện với các chính khách nước ngoài, đều nhắc tới vắc-xin, tận dụng tối đa để có vắc-xin phục vụ chống dịch, xác định vắc-xin là một kênh quan trọng để chống dịch.

Và từ chỗ thờ ơ, dân ta giờ đổ xô tìm cách để tiêm. Nên mới có chuyện lừa đảo tiêm, bỏ tiền tiêm tự túc dù Nhà nước còn chưa có lấy đâu mà tự túc. Rồi du lịch kết hợp tiêm vắc-xin cho những người có điều kiện. Nhưng khi con đường tiêm vắc-xin du lịch ấy mở ra thì hàng không lại bị phong tỏa. Phải tới gần đây mới mở lại và tôi có tới hai người bạn học đã cùng gia đình sang Mỹ, nói sang là thăm gia đình, nhưng mục đích chính là... tiêm vắc-xin.

 

Cả nước chung tay phòng chống đại dịch Covid-19 (Ảnh sưu tầm)

Rồi khi vắc-xin về, việc tổ chức tiêm, phân bổ tới thực hiện cũng đầy gay cấn. Bên cạnh tuyệt đại bộ phận mong ngóng để được tiêm thì vẫn có những người cương quyết... không tiêm. Bên cạnh những người nhẫn nại đợi, vì biết cần phải ưu tiên cho những người phải ưu tiên để họ chống dịch, thì vẫn có người láu cá, lợi dụng quan hệ để tiêm trước. Và "phây", lại chính là anh "phây" thần thánh, lại buộc những người khôn lỏi ấy lộ diện, mới nhất là một cô gái mới bị phạt mấy triệu đồng vì vụ "tiêm chui" này. Nói chung là rất nhiều chuyện hài hước...

Thì trong hoàn cảnh cứ đợi chờ ấy, một sáng đẹp trời tôi được báo ngày ấy ngày ấy đi tiêm vắc-xin.

Nói luôn, tôi là nhà báo, trong diện được ưu tiên tiêm trước, nhưng vì đã về hưu nên chả cơ quan nào nhắc tới tên tôi dù mỗi tuần giờ vẫn vài ba bài báo, có khi nhiều hơn các nhà báo chưa hưu. Tôi thuộc diện già, nhưng lại cũng chưa đủ 65 để lọt vào diện ưu tiên già. Nên cứ 5K mà thực hiện, hàng ngày quanh quẩn trong nhà, đọc sách, viết, thể dục, ăn, xem tivi... cứ thế đến khi được báo đi tiêm.

Nhắn một ông bạn cũng được chọn tiêm đợt này, sáng mai tôi đến chở ông đi. Ông kia Ok ngay dù cũng có ô tô, nèo thêm: Ghé tôi ăn sáng rồi đi chứ giờ không quán nào mở nữa. Pleiku chỗ tôi cũng đang thực hiện chỉ thị 15 mà, các quán chỉ bán mang về.

Nguyên tắc đầu tiên là, ăn thật no, uống thuốc đầy đủ các loại nếu như đang điều trị bệnh mạn tính.

Anh bạn tôi có vẻ hồi hộp, đánh thức vợ dậy rất sớm nấu xôi rồi nhắn tin: "Sang đi" lúc tôi vẫn đạp xe trong nhà.

Ăn xong thì tôi lái xe chở anh bạn tới bệnh viện. Khẩu trang kín mít nhưng nhiều ông vẫn nhận ra nhau, í ới như... chợ. Ai bảo các ông là ít... mồm. Té ra hôm nay tiêm cho toàn đối tượng hưu.

Việc đầu tiên là khai báo y tế. Thấy nhiều ông rất lơ tơ mơ, khai báo y tế mà cũng khai đi khai lại hỏi đi hỏi lại, mà khai giấy chứ không phải khai trên smartphone nhé. Chả hiểu hồi đi làm các bác ấy lãnh chỉ đạo thế nào hi hi.

Rồi thì cũng đơn giản, cứ cách nhau 3 mét mà tiến vào. Khử trùng tay, khai, đo huyết áp. Huyết áp của tôi thế quái nào lên 140/80 dù trước khi đi đã uống một viên thuốc huyết áp như thường lệ. Nhưng vẫn qua bàn này, sau mới biết, từ 140 trở xuống là tiêm được, lâu nay tôi cứ nghĩ là phải 120 kia. Tuần tự, xong khai báo, xong đo huyết áp thì tới khám sàng lọc.

Bộ Y tế thông báo sẽ tăng cường tiêm vắc-xin đại trà cho nhân dân, coi tiêm vắc-xin là một trong những quyền lợi và nghĩa vụ nữa, của công dân trong việc phòng chống dịch (Ảnh sưu tầm)

Bác sĩ hỏi bệnh lý mạn tính, tôi khai tiểu đường, hỏi mới đo nhất là bao nhiêu, tôi nói đại 6.8 dù trước đó đo thì cao hơn nhiều. Đo tim, bác sĩ hỏi anh đang hồi hộp à, bảo không anh hết tuổi ấy rồi. Ý văn học của cô bác sĩ này là tim đập nhanh, hoặc không đều, chắc thế. Xong, sang phòng tiêm, thấy cái ghế để trước mặt cô y tá theo chiều nếu ngồi vào sẽ phải tiêm tay trái, tôi hỏi: Buộc phải tiêm tay trái à cháu, vì lâu nay tôi toàn tiêm tay phải? Dạ không, tay nào cũng được ạ, nhưng vì sẽ tê chỗ tiêm nên tiêm tay không thuận sẽ tiện cho bác cầm bút.

Ra thế, cô này cũng biết mình làm nghề cầm bút (nhưng hai chục năm nay chỉ gõ phím), chìa tay trái ra, tiêm xong ra phòng chờ 30 phút, tất nhiên là mỗi ghế cách nhau 2 mét. Xong một cô y tá ra kêu tên phát phiếu xác nhận đã tiêm rồi về, tất cả hết chưa đến một tiếng đồng hồ...

Tôi tiện thể trên đường về còn ghé Trung tâm kiểm định để khám xe vì hôm nay hết hạn. Trước khi đi bấm mấy chữ khoe trên "phây" là vừa tiêm. Chừng hai tiếng sau xong việc, về, làm một ly cà phê nhâm nhi rồi mở điện thoại. Trời ơi một rừng tin nhắn và comment trên Facebook.

Một nửa thì chia sẻ và vui mừng với sự tôi đã tiêm vắc-xin. Một nửa thì... ái ngại, chỉ bảo, hướng dẫn, cung cấp các loại, thậm chí còn như dọa là sẽ như thế như thế.

Thì đại loại là sẽ sốt, sẽ rất đau, sẽ bị hành cả tuần. Rồi tối đừng ngủ một mình, để điện thoại chế độ đặc biệt để có gì chỉ bấm là có người nghe. Rồi các loại thuốc, từ thuốc giảm sốt, giảm đau tới C sủi. Rồi các loại lá, trái cây cần ăn như tía tô, dừa, chuối, cam chanh, v.v... Nếu rối trí, nếu nghe theo hết, tôi sẽ trở thành cái thùng tô nô, cái tủ lạnh, cái... kho dược liệu và cuối cùng, thành... xác ướp.

Nhưng cũng không thể không nghe, vậy nên ở cái bàn đầu giường tôi có cái nhiệt kế, thuốc Paracetamol dạng sủi. Trước đấy thì tôi mua Panadol viên nhưng con gái tôi điện cho mẹ nó nói mua dạng sủi. Thừa ra vỉ Panadol này.

Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi phải kể trong bài viết này là, tôi đã lên giường và làm một hơi tới sáng. Nửa đêm có tỉnh chừng 30 phút, rồi ngủ tiếp. Sáng đúng 6 giờ vẫn dậy, tập thể dục trên giường 10 phút rồi ra đạp xe trước tivi, xem chào buổi sáng. Vẫn ăn sáng, cà phê bình thường. Các loại thuốc còn nguyên, nhiệt kế không dùng đến. Các loại lá, trái cây bạn bè hướng dẫn cũng không dùng. Nói cho chính xác, cái chỗ tiêm có hơi ê một tí, đến trưa hôm sau thì hết. Và chứng minh cái sự hết là, tôi ngồi gõ bài này, kể chuyện mình tiêm vắc-xin.

Thế nên hôm nay, khi Bộ Y tế thông báo sẽ tăng cường tiêm vắc-xin đại trà cho nhân dân, coi tiêm vắc-xin là một trong những quyền lợi và nghĩa vụ nữa, của công dân trong việc phòng chống dịch, và việc lượng vắc-xin khá dồi dào đổ về liên tục, rồi vắc-xin Việt Nam sản xuất cũng sắp xuất xưởng, thì cái việc "ông ngoại" tới "ông anh" mấy ngày trước nó trở nên hài hước. Và từ trường hợp của mình, tôi thấy việc tiêm vắc-xin phòng Covid cũng hết sức bình thường như tiêm mọi loại vắc-xin khác, nó cũng bình thường như đường dành cho... người béo, và mới biết, trên "phây búc" và mạng xã hội, nhân sự y tế dồi dào tới thế nào, nên, người chơi mạng phải biết lắng nghe và phải biết... chọn lọc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top