Aa

Tôm Việt lại đối mặt với cảnh báo kháng sinh cấm

Thứ Năm, 10/05/2018 - 20:50

Cơ quan chức năng Hàn Quốc vừa liên tục có những cảnh báo về việc phát hiện kháng sinh cấm trong tôm NK từ Việt Nam. Điều này cho thấy việc sử dụng kháng sinh cấm vẫn là một mối lo lớn của ngành tôm Việt Nam.

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), vào các ngày 12 và 24/4 vừa rồi, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã gửi 2 công thư tới NAFIQAD, thông báo về việc phát hiện liên tiếp Nitrofurans trong các lô hàng tôm NK từ Việt Nam.

Các cơ sở Việt Nam XK tôm sang Hàn Quốc có lô hàng tôm MFDS cảnh báo về Nitrofurans, gồm: Trung tâm Kinh doanh và Dịch vụ ATP – DL 142; Xí nghiệp đông lạnh F32; Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước – DL 32; Nhà máy HAVICO 2; Cty CP Hải Việt – DL 362; Xí nghiệp Chế biến Thủy sản XK Nam Long; Cty CP Chế biến và XNK CADOVIMEX – DL 85.

Toàn bộ các lô hàng bị MFDS cảnh báo về Nitrofurans đều là tôm thẻ chân trắng. Những lô hàng này bị phát hiện trong quãng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Việc Hàn Quốc phát hiện nhiều lô hàng tôn thẻ chân trắng Việt Nam có Nitrofurans đã diễn ra từ mấy năm qua.

Năm 2016, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng NK từ Việt Nam có Nitrofurans. Từ 2017, phía Hàn Quốc đã áp dụng chế độ kiểm tra Nitrofurans với từng lô hàng tôm thẻ chân trắng NK từ Việt Nam. Vậy mà vừa qua, vẫn tiếp tục có nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam XK sang Hàn Quốc bị cơ quan chức năng nước này phát hiện có Nitrofurans.

Do liên tục phát hiện các lô hàng tôm NK từ Việt Nam có Nitrofurans, phía Hàn Quốc đã thông báo vào tháng 6 tới sẽ cử đoàn công tác sang đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh của Việt Nam trong chế biến, XK tôm sang Hàn Quốc.

Trước tình hình đó, NAFIQAD đã có công văn gửi các cơ sở chế biến XK tôm sang Hàn Quốc, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung Bộ/Nam Bộ, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP). Theo đó, NAFIQAD yêu cầu các cơ sở có lô hàng tôm bị Hàn Quốc cảnh báo về Nitrofurans, phải khẩn trương điều tra nguyên nhân, thực hiện hành động khắc phục phù hợp và lập báo cáo giải trình về NAFIQAD.

Các cơ sở khác cũng phải khẩn trương tổ chức rà soát chương trình quản lý chất lượng để nhận diện và kiểm soát đầy đủ, hiệu quả mối nguy hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là mối nguy Nitrofurans đối với sản phẩm nuôi. Trường hợp DN phát hiện vi phạm trong việc sử dụng hóa chất, kháng sinh tại hộ nuôi, mẫu thẩm tra có kết quả vi phạm, cần thông báo ngay tới cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản và cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Chủ động xem xét tăng tần suất lấy mẫu thẩm tra hóa chất, kháng sinh cấm (nhất là Nitrofurans) đối với các lô hàng trước khi XK (nhất là lô hàng XK sang Hàn Quốc) để giảm thiểu rủi ro.

NAFIQAD yêu cầu các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung Bộ/Nam Bộ, lưu ý kiểm tra, đánh giá các nội dung có liên quan, đặc biệt là biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh (bao gồm Nitrofurans) của DN trong quá trình kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong ngành hàng tôm, lây nhiễm kháng sinh và tạp chất vẫn đang là 2 vấn đề phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, XK tôm Việt Nam. Để giữ uy tín cho sản phẩm tôm và niềm tin của khách hàng, các DN chế biến tôm XK đang phải gia tăng hơn rất nhiều các hoạt động kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng theo chuỗi, tại nguồn và thành phẩm, khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm tăng và bị hạn chế về nguồn nguyên liệu đủ độ tin cậy.

Không chỉ thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều lô tôm Việt Nam bị cảnh báo về ATTP ở những thị trường khác. Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, trong tháng 1, có 4 lô tôm Việt Nam XK sang Úc bị Bộ Nông nghiệp nước này cảnh báo vì phát hiện vi khuẩn hiếu khí. Trong tháng 2, có thêm 2 lô tôm Việt Nam cũng bị cảnh báo vi khuẩn hiếu khí bởi Bộ Nông nghiệp Úc.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top