Tổng Bí thư của sự đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân và doanh nhân
GS. TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước có cơ hội được làm việc thường xuyên, trực tiếp cùng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bà bắt đầu tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương từ sau Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chia sẻ với Tạp chí Reatimes, GS. TS. Nguyễn Thị Doan khẳng định, môi trường lý luận luôn giàu tính nhân văn nhưng cũng đầy gai góc, bởi luôn phải đào bới, chắt lọc, kế thừa và phát triển những vấn đề lý luận khoa học cơ bản, lý luận chính trị và trải nghiệm qua thực tiễn sinh động để có được những tham mưu, tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đưa ra được những chủ trương, định hướng phát triển đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với xu thế cách mạng trên thế giới và mang đậm bản sắc Việt Nam, làm đẹp hơn con đường Việt Nam đã chọn. Đó là con đường được xây bằng máu, nước mắt và ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng.
Để có được nhũng vấn đề lý luận chính trị được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chấp nhận, vận dụng và biến thành những chủ trương lớn trong phát triển toàn diện đất nước suốt những năm qua, GS. TS. Nguyễn Thị Doan đã chứng kiến sự làm việc hăng say của các thành viên Hội đồng, đặc biệt là giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng (tháng 11/2001 - tháng 8/2006).
Điều mà bà Nguyễn Thị Doan thấy thấm thía nhất là sự bứt phá về đổi mới tư duy, nhận thức từng vấn đề lý luận chính trị được Bộ Chính trị yêu cầu Hội đồng nghiên cứu, đề xuất. Chính sự cởi mở, biện chứng và rất khách quan trong điều hành của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã tạo bầu không khí dân chủ, gợi mở những vấn đề để mỗi thành viên phải đào sâu suy nghĩ, đóng góp, đồng thời cũng là để bồi đắp thêm cho mình những tri thức mới.
"Tôi thấy khó khăn lớn nhất của quá trình phát triển đất nước giai đoạn vừa qua là vừa phải giải quyết hậu quả do chiến tranh để lại, vừa phải phát triển để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vấn đề đấu tranh giữa những quan điểm phát triển theo lối mòn và bứt phá để đi lên là một quá trình khó khăn không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Nổi bật nhất là với con đường chúng ta đã chọn, làm thế nào để phát triển mà bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của từng đảng viên trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững và phát huy", nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhớ lại hành trình Đổi mới đất nước, GS. TS. Nguyễn Thị Doan đánh giá, ngay từ đầu những năm 2000, nhiều vấn đề được đặt ra để cởi trói cho nền kinh tế, làm sao phát huy hết nội lực và thu hút tối đa nguồn ngoại lực là vấn đề rất cấp thiết, phải bắt đầu từ nghiên cứu lý luận, đòi hỏi Hội đồng Lý luận Trung ương, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng phải nghiên cứu, tham mưu đầy đủ cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
"Tôi thấy vấn đề mới được đặt ra là đảng viên có được làm kinh tế tư nhân hay không, vai trò của kinh tế tư nhân và doanh nghiệp tư nhân, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây đều là những vấn đề gai góc nhất, cam go nhất vì chạm đến vấn đề tư tưởng, bản chất của Đảng và nhiệm vụ của đảng viên đã được quy định. Trên thực tế, đã có nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế tư nhân thành công, đóng góp cho xã hội và đất nước. Đứng trước yêu cầu phát triển, giải phóng sức sản xuất và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong giai đoạn mới thì không thể khác được. Hội đồng Lý luận Trung ương được giao nhiệm vụ phải nghiên cứu và tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ra được nghị quyết về vấn đề này. Cùng chung quyết tâm với Thường trực và các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, biết là vấn đề khó nhưng tôi vẫn mạnh dạn nghiên cứu, viết bài cho hội thảo và phát biểu tham luận trong cuộc họp về cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân và vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong phát triển đất nước.
Có một lần, vào khoảng nửa đầu nhiệm kỳ khóa IX, tôi phát biểu trước Hội đồng, nên và cần thiết để đảng viên làm kinh tế tư nhân. Sau khi phát biểu về vấn đề này, tôi đã vấp phải sự phê phán gay gắt của một đồng chí lão thành nổi tiếng trong làng lý luận, thuộc thế hệ cha anh của tôi. "Làm như vậy không phải là đảng viên chân chính, không thể đứng trong hàng ngũ của Đảng", đồng chí cán bộ lão thành nói. Tôi thấy lo lắng sau phát biểu của thầy. Ở thời kỳ ấy, nếu đảng viên nào nhận thức khác về bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định thì sẽ bị đánh giá.
Lúc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu: "Đây là Hội đồng lý luận Trung ương. Bộ Chính trị rất muốn nghe tất cả các ý kiến để tìm ra hướng đi cho phát triển kinh tế Việt Nam và phát triển một nguồn lực mới hiện nay chưa đề cập đến. Cho nên, các đồng chí không nên vội đánh giá và phê phán".
Nếu không có sự điều hành khéo léo, cởi mở, dân chủ, kiên quyết của đồng chí Chủ tịch Hội đồng khi đó thì chắc tôi không bao giờ dám trình bày quan điểm của mình nữa. Tôi ghi nhớ mãi cuộc họp Hội đồng hôm đó và đây cũng là dấu ấn sâu sắc đầu tiên của tôi khi được tham gia Hội đồng. Từ đó, tôi đã học được nhiều điều và rút ra được bài học sâu sắc cho mình: Cần mạnh dạn nghiên cứu, mạnh dạn trình bày quan điểm và khi điều hành bất cứ cuộc họp nào thì cần lắng nghe, bình tĩnh, cởi mở và giữ vững bản lĩnh của mình. Tôi thấy tự tin hơn vì Đảng và đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn lắng nghe, trân trọng ý kiến của các nhà khoa học nên từ đó, tôi đã tích cực nghiên cứu, đọc, học để nâng cao trình độ, tham gia tích cực vào các nội dung khoa học thuộc lĩnh vực tôi có thể tham gia được trong Hội đồng".
GS. TS. Nguyễn Thị Doan xúc động và đặc biệt cảm ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khóa IX, người đã giúp bà có thêm niềm tin để vững vàng viết và trình bày quan điểm của mình. Từ đó, bà đã trưởng thành hơn về mặt lý luận chính trị cũng như lý luận cơ bản.
Nguyên là Chủ tịch Hội đồng các nhà Doanh nhân trẻ Việt Nam (1998 – 2001); Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa I (2002 – 2005), PGS. TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ với Tạp chí Reatimes rằng, mình may mắn khi được gặp, được thừa hưởng những giá trị về tư tưởng, đường lối lãnh đạo và học tập phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, dành cả cuộc đời vì nước, vì dân. "Ngoại giao cây tre" mang đậm dấu ấn của Tổng Bí thư đã đưa Việt Nam lên vị trí cao chưa từng có trong lịch sử trên trường quốc tế, tạo thế hòa bình và phát triển ổn định lâu dài trong bối cảnh địa chính trị vô cùng phức tạp. Cũng vì thế mà chưa bao giờ doanh nhân Việt Nam có điều kiện phát triển thuận lợi như ngày nay", PGS. TS. Trương Gia Bình xúc động bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong doanh nhân Trương Gia Bình là tình cảm trìu mến, gần gũi, ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho doanh nghiệp, doanh nhân trẻ Việt Nam trong cuộc gặp đầu xuân Tân Mão (2011 - ngay khi đồng chí nhậm chức Tổng Bí thư): "Là nhà lý luận hàng đầu của Đảng, Tổng bí thư đã coi trọng doanh nghiệp biết nhường nào, doanh nhân biết nhường nào khi hỏi chúng tôi: Định nghĩa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?
Còn mãi trong trái tim doanh nhân chúng tôi hình ảnh Người Cộng sản chân chính Nguyễn Phú Trọng", PGS. TS. Trương Gia Bình xúc động nghẹn ngào khi nhớ về Tổng Bí thư.
Là doanh nhân cũng tham dự cuộc gặp mặt đặc biệt hôm đó, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, doanh nhân tiên phong và để lại nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế tư nhân chia sẻ với Reatimes rằng, ông ấn tượng trước sự gần gũi, giản dị, cởi mở, ấm áp nhưng đầy trí tuệ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Ông hỏi chúng tôi, doanh nhân là gì? Và chính những tư duy đổi mới kinh tế tư nhân, coi trọng doanh nhân của Tổng Bí thư đã khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát triển bền vững như ngày nay.
Trong hơn 13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Đồng chí là người thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ký nhiều Nghị quyết lớn về phát triển kinh tế và doanh nhân.
Năm 2011, tại buổi làm việc với cộng đồng doanh nhân tại Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Trong lịch sử 81 năm của Đảng, lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân". Vài ngày trước cuộc gặp này, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của doanh nhân ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.
ĐBQH, TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: "Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị năm 2011 là dấu mốc quan trọng, xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển của đội ngũ doanh nhân, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Và các Nghị quyết sau này của Đảng và Nhà nước ta đều nhấn mạnh điều này".
Đặc biệt, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; và mới đây nhất, tiếp nối tinh thần coi trọng doanh nhân, Bộ Chính trị dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Nghị quyết 41 - NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết 41 ra đời với những quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ trong phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta khi lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò "là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận rằng: Dấu ấn lãnh đạo của Tổng Bí thư còn được thể hiện thông qua Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua ngày 16/6/2022. Trong đó, lần đầu tiên khẳng định "Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế".
Thật vậy, hãy nhìn vào thực trạng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, chiếm 73,1%. Khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản năm 2023 được đánh giá là thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước). Xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục tăng bền vững, trong khi các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, dày da… khó trụ vững lâu dài trên thị trường thế giới.
"Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược sâu sắc và sự sáng tạo trong hoạch định các Nghị quyết của Đảng ta dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Tổng Bí thư còn để lại dấu ấn khi ngày 16/01/2017, đã thay mặt Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam, thể hiện quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất của Đảng nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Nghị quyết đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành; tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, khác biệt.
Du lịch tạo ra không gian dịch vụ hoàn chỉnh. Những năm gần đây, ngành dịch vụ thu hút phần lớn lao động chuyển dịch từ nông thôn. Đây là ngành có giá trị gia tăng ổn định. Có thể coi đây là ngành tạo ra quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh nhất.
Vậy cơ sở nào đã tạo nên triển vọng tươi sáng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta? Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong hơn một thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tầm nhìn chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh, mạnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Kết thúc giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 2006-2010, kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên.
"Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt xác định rõ nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình phát triển là do sự thiếu đồng bộ và yếu kém về thể chế kinh tế thị trường, về chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Để khắc phục những hạn chế, cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế, lần đầu tiên, Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đưa ra 3 khâu đột phá chiến lược: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Đây chính là chìa khóa mở ra cánh cửa và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Với tầm quan trọng và tính hiệu quả của thực hiện ba khâu đột phá chiến lược (lần đầu tiên được đưa ra trong Đại hội XI của Đảng) Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội đó là tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược với việc bổ sung nội dung và giải pháp mới phù hợp với bối cảnh và chuyển biến nhanh của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực và trong nước, gắn với cơ cấu lại tổng thể, đồng bộ nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, trong giai đoạn 2011 - 2020, cùng với thực hiện ba đột phá chiến lược, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với quan điểm phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là điểm mới trong tư duy phát triển kinh tế của Đảng. Cùng với đổi mới thể chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa XI, XII và XIII thực hiện đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
MỘT SỐ ĐIỂM SÁNG NỔI BẬT TRONG BỨC TRANH KINH TẾ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NAY
TS. Nguyễn Bích Lâm
"Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011 – 2020) và hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19, nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển theo chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được nâng cao đáng kể, tăng độ mở nền kinh tế và thu hút được một lượng vốn lớn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một thực thể quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.
Hiệu quả đầu tiên của việc thực hiện ba đột phá chiến lược và cũng là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế giai đoạn từ năm 2011 đến nay thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ kế hoạch 5 năm sau cao hơn 5 năm trước.
Vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp mới năm 2020 tăng 163,5% so với năm 2015, phản ánh niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, triển vọng sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò là chủ thể kinh tế quan trọng nhất trong phát triển nhanh và bền vững, trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện ba đột phá chiến lược, với nỗ lực của Chính phủ trong cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng đã tạo dựng Việt Nam là nền kinh tế có môi trường vĩ mô ổn định, nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, môi trường pháp lý đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Như một minh chứng, trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD theo báo cáo của UNCTAD, thì cũng trong năm 2020 ấy, với tổng số vốn đăng ký mới đạt 16 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI, lần đầu tiên nước ta lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.
Tiếp đó, năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 20,19 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Việt Nam nắm giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua thu hút FDI trong khu vực và thế giới.
Kết quả đăng ký mới và số vốn FDI thực hiện trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, cùng với đó nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đang định hình lại và dẫn dắt kinh tế thế giới đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đầu tư - minh chứng về niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, đầy tiềm năng, mở ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam.
Điểm sáng tổng hòa kết quả thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng và hiệu quả quản lý điều hành của Chính phủ được phản ánh thông qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn thuộc nhóm dẫn đầu thế giới.
Việt Nam được xem là câu chuyện thành công của thế giới khi tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong top đầu suốt thập kỷ vừa qua. Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm Đổi mới với những bước tiến vượt bậc.
Với tăng trưởng kinh tế luôn thuộc top đầu trong khu vực và thế giới đã đưa GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (GDP bình quân PPP) của Việt Nam vượt Philippines sau 21 năm thấp hơn kể từ năm 1991. Năm 2010 và 2011, GDP bình quân PPP của Việt Nam chỉ bằng 80,75% và 83,14% GDP bình quân PPP của Philippines; đến năm 2022, GDP bình quân PPP của Philippines bằng 99,37% GDP bình quân PPP của Việt Nam. Đến năm 2023, GDP bình quân PPP của Philippines chỉ bằng 79,06% GDP bình quân PPP của Việt Nam. Cụ thể, GDP bình quân PPP của Việt Nam đạt khoảng 14.342,3 USD, còn Philippines đạt khoảng 11.339 USD.
Điểm sáng nổi bật tiếp theo của nền kinh tế giai đoạn từ năm 2011 đến nay đó là thành công trong kiềm chế và kiểm soát lạm phát.
Chúng ta nhớ lại, những năm trong giai đoạn 2006 - 2010, lạm phát đều ở mức 2 con số. Năm 2011 - Năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, lạm phát vẫn còn rất cao, ở mức 18,13%, nhưng đã giảm dần xuống mức 1 con số trong các năm sau.
Với kinh nghiệm kiềm chế lạm phát trong 5 năm 2011 - 2015, công tác điều hành, kiểm soát lạm phát giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt kết quả quan trọng, lạm phát luôn ở mức thấp hơn mục tiêu Quốc hội thông qua hằng năm.
Có thể thấy, 5 năm 2011 - 2015 là giai đoạn thành công trong kiềm chế lạm phát, 5 năm tiếp theo là giai đoạn thành công trong kiểm soát lạm phát, tạo cơ sở quan trọng trong giữ vững ổn định vĩ mô.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh, tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tạo động lực mạnh mẽ và hiệu quả thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nước ta.
Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài".