Mục tiêu cụ thể của Chương trình
Theo đại diện Cục Quản lý rủi ro, tại Quyết định nêu trên, khi Chương trình triển khai Chính thức gồm các mục tiêu: trên 80% doanh nghiệp tham gia Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ Mức 2, Mức 3 theo quy định tại Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan, Thông tư số 06/2024/TT-BTC ngày 29/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 81/2019/TT-BTC; trên 80% doanh nghiệp tham gia hài lòng về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ Mức 2, Mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong quá trình triển khai, Cơ quan Hải quan thực hiện các hoạt động như hướng dẫn, hỗ trợ trả lời vướng mắc, cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích giúp doanh nghiệp chủ động phòng, tránh các vi phạm, tự nguyện nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan đối với doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Các nguyên tắc cơ bản của Chương trình
Theo đó, khi triển khai chính thức Chương trình, cơ quan Hải quan hoạt động với vai trò chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình.
Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng các tiêu chí được quy định tại Quyết định, có mục tiêu nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật hải quan (gọi là doanh nghiệp thành viên); các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp có thể tham gia với vai trò thành viên danh dự để hỗ trợ cho Chương trình. Trong quá trình thực hiện Chương trình, các hoạt động của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thành viên tham gia phải đảm bảo tuân thủ các quy trình, quy định của pháp luật. Các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình không gây phát sinh thủ tục hành chính, không gây thiệt hại và phát sinh công việc không cần thiết cho doanh nghiệp.
Trong 24 giờ kể từ khi cơ quan Hải quan tiếp nhận yêu cầu, đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp thành viên, thông tin sẽ được chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ để nghiên cứu xử lý và trả lời theo chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp
Được biết, Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành Hải quan từ cấp Tổng cục đến cấp Cục Hải quan và cấp Chi cục Hải quan, các hoạt động triển khai được thực hiện trên nền tảng số, đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số công tác nghiệp vụ của ngành Hải quan.
Để triển khai chính thức Chương trình trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan (Cục Quản lý rủi ro) đã thực hiện rà soát dữ liệu của các doanh nghiệp qua đó đã đánh giá khối lượng công việc triển khai và phân bổ nguồn lực của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, dự kiến khi khiển khai chính thức Chương trình sẽ có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia (đã bao gồm gần 300 doanh nghiệp thành viên của Chương trình thí điểm) và bổ sung mới 300 doanh nghiệp. Các năm tiếp theo số lượng tăng thêm khi Chương trình đã vận hành thông suốt.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan định hướng lựa chọn các doanh nghiệp trải dài ở các mức độ tuân thủ khác nhau Mức 2, Mức 3, Mức 4 (loại trừ doanh nghiệp tuân thủ Mức 5-không tuân thủ), có nguy cơ thấp để xảy ra vi phạm các hành vi vi phạm bị thu hồi tư cách thành viên Chương trình hoặc giảm mức độ tuân thủ để có đánh giá kết quả tổng thể của Chương trình, đặc biệt thấy được lợi ích rõ rệt của doanh nghiệp khi tham gia Chương trình về cải thiện mức độ tuân thủ và tỷ lệ kiểm tra.
Theo kế hoạch, các hoạt động triển khai chính thức của Chương trình sẽ được tổ chức trong quý II/2025 tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật theo hướng:
- Một là: Chương trình được xây dựng trên nền tảng kết quả đánh giá tuân thủ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan Hải quan, với mục đích tạo khung pháp lý để cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi của toàn ngành Hải quan đồng thời xây dựng một cơ chế đối tác hai bên cùng có lợi. Chương trình sẽ là cơ sở, khuôn khổ để cơ quan, công chức hải quan các cấp, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật, tự nguyện phòng tránh vi phạm không mong muốn trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để doanh nghiệp đạt được và duy trì mức độ tuân thủ cao, từ đó được hưởng những chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật
- Hai là: Danh sách doanh nghiệp thành viên triển khai sắp tới đảm bảo tính đa dạng của các loại hình: chế xuất, gia công sản xuất xuất khẩu, thương mại,… tập trung lựa chọn các doanh nghiệp có mong muốn cải thiện mức độ tuân thủ và đảm bảo sự hợp tác tốt với cơ quan Hải quan trong việc thực hiện Kế hoạch hành động và đồng thời đảm bảo nguồn lực quản lý của các Cục Hải quan.
- Ba là: Thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thông qua việc điều phối, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, từ cấp Cục Hải quan đến Chi cục Hải quan trong việc phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của doanh nghiệp thành viên; cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp;
- Bốn là: Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tuân thủ pháp luật và tự nguyện tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan, về chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan và xây dựng các giải pháp để nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để doanh nghiệp nắm rõ hơn về lợi ích khi tham gia Chương trình qua đó chủ động hơn trong việc hợp tác với cơ quan Hải quan khi triển khai các hoạt động nhằm nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, nhiệt tình đăng ký tham gia là thành viên của Chương trình.
- Năm là: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan có sự tương tác 2 chiều thường xuyên giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp để các doanh nghiệp trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan kịp thời, qua đó cơ quan Hải quan sẽ hỗ trợ, giải đáp những vướng mắc của doanh nghiệp, bên cạnh đó căn cứ trên cảnh báo của cơ quan Hải quan tại các thông báo định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp tránh những sai phạm trong quá trình hoạt động doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tuân thủ pháp luật hải quan. Đối với những doanh nghiệp đã tuân thủ pháp luật hải quan thì tiếp tục trao đổi thông tin, đồng hành với cơ quan Hải quan để giữ mức độ tuân thủ và giảm mức độ rủi ro trong quá trình đánh giá của cơ quan.